Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ba kỳ hội nghị tác động đến đời tôi

Ba kỳ hội nghị tác động đến đời tôi

Ba kỳ hội nghị tác động đến đời tôi

Do George Warienchuck kể lại

Có bao giờ một điều gì đó tại hội nghị khiến bạn cảm động đến nỗi thay đổi một số điều trong đời sống không? Điều đó từng xảy ra cho tôi. Nhìn lại đời mình, tôi nhận thấy đặc biệt có ba kỳ hội nghị đã tác động đến cuộc đời tôi. Hội nghị đầu tiên giúp tôi can đảm hơn, hội nghị thứ hai giúp tôi biết thỏa lòng hơn và hội nghị thứ ba thúc đẩy tôi biết hy sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, trước khi nói chi tiết về những điều này, hãy để tôi kể cho bạn nghe một số sự kiện xảy ra nhiều năm trước đó, những chuyện liên quan đến tuổi thơ của tôi.

Tôi sinh năm 1928, là con út trong gia đình có ba chị em. Tôi cùng với hai chị là Margie và Olga lớn lên ở Nam Bound Brook, bang New Jersey, Hoa Kỳ. Lúc đó, vùng này là một thị trấn nhỏ chỉ có 2.000 dân. Dù gia đình nghèo nhưng mẹ tôi là người rộng rãi. Khi nào có tiền để nấu bữa ăn đặc biệt, mẹ tôi đều chia sẻ với hàng xóm. Khi tôi lên chín tuổi, một Nhân Chứng đến thăm mẹ. Mẹ tôi là người Hung-ga-ri, nên khi cô ấy nói bằng tiếng Hung-ga-ri, mẹ chăm chú lắng nghe thông điệp Kinh Thánh. Sau này, một chị khoảng 20 tuổi là Bertha đã tiếp tục giúp mẹ tìm hiểu Kinh Thánh để trở thành một tôi tớ của Đức Giê-hô-va.

Không như mẹ, bản tính tôi là người nhút nhát, thiếu tự tin. Hơn nữa, mẹ có khuynh hướng xem nhẹ tôi. Khi tôi vừa khóc vừa hỏi mẹ: “Sao lúc nào mẹ cũng chê con vậy?”, mẹ nói rằng mẹ yêu tôi nhưng không muốn tôi hư. Mẹ có ý tốt, nhưng vì ít khi được khen nên tôi cảm thấy mình thua kém người khác.

Gần nhà tôi có một bà luôn tử tế nói chuyện với tôi. Một ngày nọ, bà bảo tôi cùng các con bà đến lớp giáo lý ngày chủ nhật. Tôi biết nếu đi thì làm phật lòng Đức Giê-hô-va, nhưng tôi không muốn bà buồn vì bà luôn đối xử tốt với tôi. Vì thế trong vài tháng, tôi đi nhà thờ dù trong lòng cảm thấy xấu hổ. Ở trường cũng vậy, vì sợ người ta nên tôi làm điều trái với lương tâm. Hiệu trưởng trường tôi là một người độc đoán và buộc các giáo viên bắt tất cả học sinh chào cờ. Tôi cũng chào cờ. Điều đó kéo dài khoảng một năm và cho đến một ngày, chuyện đã thay đổi.

Bài học về lòng can đảm

Vào năm 1939, một nhóm học cuốn sách được tổ chức ở nhà tôi, và một anh tiên phong trẻ là Ben Mieszkalski điều khiển. Chúng tôi gọi anh ấy là tháp Big Ben (tháp nổi tiếng ở Anh Quốc). Đối với tôi, anh ấy to cao bằng cái cửa nhà. Tuy nhiên, dù anh có dáng vẻ to lớn nhưng tấm lòng anh thì mềm mại. Và nụ cười nồng ấm của anh khiến tôi cảm thấy dễ gần. Vì thế, khi anh Ben mời tôi đi rao giảng, tôi nhận lời ngay. Chúng tôi trở thành bạn của nhau. Khi tôi buồn, anh ân cần nói chuyện với tôi như một người anh nói với em mình. Điều đó rất có ý nghĩa và tôi vô cùng cảm mến anh.

Năm 1941, anh Ben mời gia đình tôi đi chung xe với anh đến hội nghị ở St. Louis, bang Missouri. Hãy hình dung xem tôi phấn khởi đến mức nào! Tôi chưa bao giờ đi xa nhà hơn 80 cây số, nhưng giờ đây tôi được đến một nơi cách nhà tới 1.500 cây số! Tuy nhiên, có vấn đề ở St. Louis. Linh mục ở đó ra lệnh cho giáo dân không được tiếp Nhân Chứng vào nhà. Và nhiều người đã hủy các sắp đặt. Gia đình sắp đón tiếp chúng tôi cũng bị đe dọa, nhưng họ vẫn giữ lời hứa là dành cho chúng tôi một phòng. Tôi rất ấn tượng trước lòng can đảm của họ.

Hai chị tôi đã báp-têm trong hội nghị đó. Cũng hôm ấy, anh Rutherford đến từ nhà Bê-tên Brooklyn, thành phố New York, đã nói một bài giảng rất sống động. Anh đề nghị tất cả các em trẻ muốn làm theo ý muốn Đức Chúa Trời hãy đứng lên. Có khoảng 15.000 em đứng lên, trong đó có tôi. Anh hỏi những ai muốn làm hết sức mình trong công việc rao giảng thì hãy nói “Vâng”. Tôi liền cùng với em trẻ khác hô to “Vâng!”. Thế là một tràng pháo tay vang lên. Lúc ấy, tôi vô cùng háo hức.

Sau hội nghị, chúng tôi đến thăm một anh ở West Virginia. Anh kể lại kinh nghiệm rằng có lần khi đang rao giảng, một đám đông hung hăng đã đánh anh, đổ nhựa đường và phủ lông chim lên người anh (một hành động hạ thấp nhân phẩm người khác). Tôi nín thở theo dõi. Anh kể tiếp: “Nhưng tôi vẫn tiếp tục đi rao giảng”. Trên đường về, tôi cảm thấy mình giống như Đa-vít, sẵn sàng đối mặt với Gô-li-át: thầy hiệu trưởng trường tôi.

Tôi đi học lại và đến gặp thầy hiệu trưởng. Khi thầy ấy giận dữ nhìn tôi, tôi thầm cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và nói ngay: “Em đã đi dự hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va và em sẽ không chào cờ nữa!”. Một sự im lặng đáng sợ. Thầy hiệu trưởng từ từ bước ra khỏi bàn và đi về phía tôi. Lúc này mặt thầy đỏ au vì giận dữ. Thầy hét lên: “Chào cờ hay là bị đuổi học?”. Lần này tôi không nhượng bộ, và trong thâm tâm tôi cảm thấy một niềm vui chưa bao giờ có.

Tôi vui đến độ muốn kể ngay cho anh Ben nghe. Khi thấy anh ở Phòng Nước Trời, tôi la lên: “Anh Ben! Em không chào cờ! Em bị đuổi học rồi!”. Anh Ben quàng tay qua tôi, mỉm cười nói: “Đức Giê-hô-va rất yêu em” (Phục 31:6). Lời nói ấy khích lệ tôi biết bao! Tôi báp-têm ngày 15-6-1942.

Học bí quyết thỏa lòng

Sau Thế Chiến II, nền kinh tế Hoa Kỳ đột nhiên phát triển mạnh, chủ nghĩa vật chất lan tràn khắp nước. Tôi có công việc lương cao và có thể mua những thứ mà tôi từng mơ ước. Một số bạn tôi sắm xe máy, số khác thì sửa sang nhà cửa. Còn tôi thì mua một chiếc xe hơi mới toanh. Không lâu sau, ước muốn có thêm của cải vật chất và đời sống tiện nghi đã lấn át việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi biết mình đang đi sai đường. Tốt thay, một hội nghị ở thành phố New York vào năm 1950 đã giúp tôi điều chỉnh lối sống của mình.

Trong hội nghị đó, tất cả các diễn giả đều khuyến khích cử tọa tập trung vào công việc rao giảng. Một anh nói: “Anh chị hãy học cách sống đơn giản và tập trung vào cuộc chạy đua”. Tôi có cảm giác dường như anh đang nói riêng với tôi. Hơn nữa, khi xem lễ tốt nghiệp của một khóa Trường Ga-la-át, tôi thầm nghĩ rằng: “Nếu các anh chị cùng độ tuổi với mình có thể từ bỏ tiện nghi vật chất để phục vụ ở nước ngoài, thì tại sao mình không thể sẵn sàng làm thế tại quê nhà?”. Kết thúc hội nghị, tôi quyết định sẽ làm tiên phong.

Trong khoảng thời gian đó, tôi bắt đầu tìm hiểu Evelyn Mondak, một chị sốt sắng cùng hội thánh. Mẹ của Evelyn đã nuôi dạy sáu người con theo đường lối của Đức Giê-hô-va. Bà là người rất can đảm, thường rao giảng trước nhà thờ Công giáo La Mã. Dù nhiều lần bị linh mục giận dữ đuổi đi, nhưng bà vẫn không lay chuyển. Giống như mẹ, Evelyn không sợ loài người.—Châm 29:25.

Năm 1951, chúng tôi kết hôn, nghỉ việc và bắt đầu thánh chức tiên phong. Một giám thị vòng quanh khuyến khích chúng tôi chuyển đến Amagansett, một làng ven bờ Đại Tây Dương cách thành phố New York khoảng 160km. Khi hội thánh nơi đó cho biết họ không kiếm được chỗ ở cho chúng tôi, vợ chồng tôi tìm một xe kéo nhưng không tìm được cái nào vừa túi tiền. Cuối cùng, chúng tôi mua một nhà lưu động cũ. Người chủ bán nó với giá 900 đô la, đúng với số tiền quà cưới của chúng tôi. Chúng tôi sửa nó lại và kéo đến khu vực mới. Khi đến đó, chúng tôi không còn một đồng xu dính túi và lo lắng không biết mình có thể tiếp tục làm tiên phong được không.

Evelyn làm công việc dọn dẹp nhà cửa và tôi tìm được một công việc dọn dẹp ở một nhà hàng Ý vào ban đêm. Chủ nhà hàng nói với tôi: “Anh cứ lấy thức ăn còn dư đem về cho vợ”. Thế nên, khi tôi về nhà vào lúc hai giờ sáng, nhà lưu động của chúng tôi đầy mùi pizza và mì Ý. Các món ăn được hâm nóng như thế rất đặc biệt với chúng tôi, nhất là vào mùa đông khi chúng tôi lạnh cóng ngồi trong căn nhà đóng băng. Ngoài ra, các anh chị trong hội thánh đôi khi tặng chúng tôi một con cá lớn đặt trước cửa nhà. Trong những năm cùng phụng sự với các anh chị yêu dấu ở Amagansett, chúng tôi học được là bằng lòng với những gì mình có sẽ làm cho đời sống được thỏa nguyện. Đó là những năm tháng hạnh phúc.

Biết hy sinh nhiều hơn

Tháng 7 năm 1953, chúng tôi chào đón hàng trăm giáo sĩ phục vụ ở nước ngoài đến tham dự hội nghị quốc tế ở thành phố New York. Họ kể lại những kinh nghiệm thật đặc sắc. Lòng nhiệt thành của họ lan truyền cho mọi người trong cử tọa. Hơn nữa, khi diễn giả nhấn mạnh rằng có rất nhiều vùng đất chưa hề biết đến thông điệp Nước Trời, chúng tôi biết điều mình cần phải làm: Đó là nỗ lực nhiều hơn để mở rộng thánh chức. Chúng tôi nộp đơn vào trường huấn luyện giáo sĩ ngay trong hội nghị ấy. Cũng trong năm đó, chúng tôi được mời đến tham dự khóa thứ 23 của Trường Ga-la-át, bắt đầu vào tháng 2 năm 1954. Đó quả là một đặc ân!

Chúng tôi rất vui mừng khi biết rằng mình được bổ nhiệm đến Brazil. Chuyến đi kéo dài 14 ngày bằng tàu hơi nước. Trước khi lên đường, một anh có trách nhiệm ở nhà Bê-tên nói với tôi: “Chín chị độc thân sẽ đi cùng vợ chồng anh đến Brazil. Anh hãy chăm lo cho họ!”. Bạn có thể tưởng tượng được gương mặt tò mò của các thủy thủ khi họ thấy tôi lên tàu với mười phụ nữ trẻ không? Tuy nhiên, các chị đều đối phó được với các tình huống ở trên tàu. Dù vậy, đến khi chúng tôi bước chân lên đất Brazil bình an vô sự, tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm.

Sau khi học tiếng Bồ Đào Nha, tôi được bổ nhiệm làm công việc vòng quanh ở Rio Grande do Sul, miền nam Brazil. Anh giám thị vòng quanh trước là một người độc thân. Anh nói với vợ chồng tôi rằng: “Tôi ngạc nhiên khi một cặp vợ chồng được bổ nhiệm đến đây. Vùng đất này hiểm trở lắm!”. Các hội thánh nằm rải rác trong một vùng nông thôn rộng lớn và để đến một số hội thánh chỉ có thể đi bằng xe tải. Nếu mua thức ăn cho tài xế, ông sẽ để chúng tôi leo lên xe tải. Giống như những người cưỡi ngựa, chúng tôi ngồi trên nóc của đống hàng hóa, hai tay nắm chặt sợi dây buộc hàng. Mỗi khi xe tải rẽ gấp, chúng tôi càng nắm chặt sợi dây hơn vì tháp hàng nghiêng qua một bên và chúng tôi có thể nhìn thấy thung lũng sâu hun hút bên dưới. Tuy nhiên, khi nhìn thấy gương mặt hạnh phúc của các anh chị đang chờ đợi chúng tôi, chuyến đi cả ngày vất vả rất đáng công.

Chúng tôi sống trong nhà của các anh chị. Họ rất nghèo, nhưng điều đó không cản trở tinh thần ban cho của họ. Trong một vùng hẻo lánh, tất cả các anh đều làm việc trong một xí nghiệp đóng gói thịt. Đồng lương ít ỏi chỉ cho phép họ ăn một ngày một bữa. Nếu nghỉ ngày nào, họ sẽ không nhận được lương của ngày đó. Dù vậy, khi chúng tôi đến thăm, họ nghỉ hai ngày làm việc để ủng hộ hoạt động của hội thánh. Họ đặt tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Những anh khiêm nhường này dạy chúng tôi bài học về sự hy sinh cho quyền lợi Nước Trời mà chúng tôi không bao giờ quên. Khi sống với họ, chúng tôi học được nhiều điều mà không trường nào có thể dạy. Khi nhớ về những anh trung thành ấy, tôi cứ rưng rưng nước mắt.

Năm 1976, chúng tôi trở về Hoa Kỳ để chăm sóc cho mẹ bị ốm. Rời Brazil là một điều rất khó, nhưng chúng tôi rất vui khi chứng kiến sự gia tăng của số người công bố và hội thánh ở đó. Mỗi khi nhận được lá thư từ Brazil, nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong khoảng thời gian tuyệt vời ấy lại trở về.

Gặp lại những người yêu quý

Trong khi chăm sóc cho mẹ, chúng tôi làm tiên phong và cũng nhận làm công việc dọn dẹp. Năm 1980, mẹ tôi qua đời trong sự trung thành với Đức Giê-hô-va. Sau đó, tôi được mời phục vụ trong công việc vòng quanh ở Hoa Kỳ. Vào năm 1990, vợ chồng tôi đến thăm một hội thánh ở bang Connecticut, và tại đó chúng tôi gặp một người rất đặc biệt. Một trong những trưởng lão của hội thánh đó là anh Ben! Đúng vậy, chính là anh Ben mà 50 năm trước đã giúp tôi đứng về phía Đức Giê-hô-va. Bạn có thể hình dung chúng tôi vui mừng thế nào khi ôm chầm lấy nhau không?

Từ năm 1996, vợ chồng tôi làm công việc tiên phong đặc biệt dành cho người có sức khỏe kém tại một hội thánh nói tiếng Bồ Đào Nha ở thành phố Elizabeth, New Jersey. Dù sức khỏe kém, nhưng nhờ sự giúp đỡ của vợ, tôi có thể tham gia thánh chức theo sức của mình. Evelyn cũng giúp đỡ cụ bà hàng xóm tuổi cao sức yếu. Bạn có biết bà ấy là ai không? Đó là Bertha—chính là Bertha mà đã giúp mẹ tôi trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va hơn 70 năm trước! Chúng tôi rất vui mừng khi có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn về tất cả những gì chị Bertha đã làm để giúp gia đình tôi học biết lẽ thật.

Tôi rất biết ơn những kỳ hội nghị đã thúc đẩy tôi can đảm đứng về phía sự thờ phượng thật, đơn giản hóa đời sống và mở rộng thánh chức. Thật vậy, những kỳ hội nghị ấy đã tác động mạnh mẽ đến đời tôi.

[Hình nơi trang 23]

Mẹ của Evelyn (trái) và mẹ tôi

[Hình nơi trang 23]

Anh Ben, bạn của tôi

[Hình nơi trang 24]

Tại Brazil

[Hình nơi trang 25]

Với Evelyn hiện nay