Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy hòa-thuận với mọi người’

‘Hãy hòa-thuận với mọi người’

‘Hãy hòa-thuận với mọi người’

“Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”.—RÔ 12:18.

1, 2. (a) Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ về điều gì? (b) Chúng ta có thể tìm được lời khuyên nơi đâu về cách phản ứng trước sự chống đối?

Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ rằng họ sẽ gặp sự chống đối từ các dân trên thế gian. Vào đêm trước khi chịu chết, ngài giải thích lý do. Ngài phán cùng các sứ đồ: “Nếu các ngươi thuộc về thế-gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế-gian và ta đã lựa-chọn các ngươi giữa thế-gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi”.—Giăng 15:19.

2 Sứ đồ Phao-lô cảm nghiệm được tính chân thật của những lời mà Chúa Giê-su đã nói. Trong lá thư thứ hai gửi cho người bạn đồng hành trẻ tuổi là Ti-mô-thê, Phao-lô viết: “Con đã noi theo ta trong sự dạy-dỗ, tánh hạnh, ý-muốn, đức-tin, nhịn-nhục, yêu-thương, bền-đỗ của ta, trong những sự bắt-bớ, và hoạn-nạn đã xảy đến cho ta”. Rồi ông cho biết thêm: “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ” (2 Ti 3:10-12). Trong chương 12 của lá thư gửi tín đồ Đấng Christ ở thành Rô-ma, Phao-lô cho lời khuyên khôn ngoan về việc họ nên phản ứng thế nào trước sự chống đối. Những lời của ông có thể hướng dẫn chúng ta trong giai đoạn cuối cùng này.

“Chăm tìm điều thiện”

3, 4. Lời khuyên nơi Rô-ma 12:17 có thể áp dụng thế nào (a) trong gia đình không cùng tôn giáo? (b) trong cách đối xử với người lân cận?

3 Đọc Rô-ma 12:17. Phao-lô giải thích rằng khi đương đầu với sự thù địch, chúng ta không nên trả đũa theo cách người ta đối xử với mình. Làm theo lời khuyên của ông đặc biệt quan trọng trong các gia đình không cùng tôn giáo. Tín đồ Đấng Christ cố gắng cưỡng lại khuynh hướng đáp trả những lời nói và hành động không tử tế của người hôn phối. Việc “lấy ác trả ác” không mang lại điều gì tốt đẹp. Ngược lại, thái độ ấy chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn.

4 Phao-lô đề nghị một cách tốt hơn: “[Hãy] chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người”. Trong gia đình, người vợ biểu lộ lòng tử tế chân thành với chồng sau khi ông có những lời lẽ khó nghe về tín ngưỡng của chị, điều đó có thể giúp tránh một cuộc tranh cãi (Châm 31:12). Anh Carlos, hiện là một thành viên của gia đình Bê-tên, kể lại mẹ anh đã vượt qua sự chống đối dữ dội của cha bằng cách vẫn tử tế và chu toàn các trách nhiệm trong gia đình. Anh nói: “Bà khuyến khích chúng tôi luôn luôn kính trọng cha. Bà luôn giục tôi chơi boules (môn bowling của Pháp) với cha, dù đây không là môn tôi thích nhất. Tuy nhiên, việc đó làm cha tôi vui”. Cuối cùng, ông bắt đầu học Kinh Thánh và làm báp-têm. Về việc “chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người”, Nhân Chứng Giê-hô-va thường vượt qua thành kiến nhờ giúp đỡ những người lân cận cách thiết thực khi thiên tai xảy ra.

Dùng “than lửa đỏ” làm tan sự chống đối

5, 6. (a) Chất “than lửa đỏ” trên đầu kẻ thù có nghĩa gì? (b) Hãy kể một kinh nghiệm ở địa phương cho thấy việc áp dụng lời khuyên nơi Rô-ma 12:20 có thể mang lại kết quả.

5 Đọc Rô-ma 12:20. Khi chọn từ ngữ nơi câu này, chắc chắn Phao-lô nhớ đến những lời nơi Châm-ngôn 25:21, 22: “Nếu kẻ thù-nghịch con có đói, hãy cho nó ăn; nếu có khát, hãy cho nó uống; vì như vậy con chất than cháy đỏ trên đầu nó, và Đức Giê-hô-va sẽ báo lại cho con”. Phù hợp với lời khuyên của ông nơi Rô-ma chương 12, Phao-lô không dùng minh họa về than để nói đến việc trừng trị hay sỉ nhục người chống đối chúng ta. Thay vì thế, câu châm ngôn—cũng như những lời tương tự của Phao-lô gửi anh em ở Rô-ma—dường như ám chỉ một phương pháp của người xưa để làm tan chảy quặng kim loại. Ông Charles Bridges, một học giả người Anh sống vào thế kỷ 19, cho biết: “Không nên chỉ đốt lửa bên dưới kim loại cứng, nhưng cũng đặt than đỏ lửa lên trên nó. Hiếm có trái tim nào cứng đến nỗi không thể tan ra trước sức mạnh của tình yêu thương nồng cháy, nhẫn nại và quên mình”.

6 Như “than lửa đỏ”, hành động nhân từ có thể sưởi ấm lòng của những người chống đối và có lẽ làm tan biến thái độ thù địch. Hành động tử tế có thể khiến người ta có thiện chí hơn với dân sự Đức Giê-hô-va và thông điệp Kinh Thánh mà họ loan báo. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Phải ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm-chê anh em như người gian-ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm-viếng, họ ngợi-khen Đức Chúa Trời”.—1 Phi 2:12.

‘Hãy hòa-thuận với mọi người’

7. Sự bình an Chúa Giê-su để lại cho môn đồ là gì, và điều đó thôi thúc chúng ta làm gì?

7 Đọc Rô-ma 12:18. Chúa Giê-su dành thời gian với các sứ đồ trong đêm cuối cùng ngài sống trên đất. Ngài nói với họ: “Ta để sự bình-an lại cho các ngươi; ta ban sự bình-an ta cho các ngươi” (Giăng 14:27). Sự bình an Chúa Giê-su để lại cho môn đồ là sự bình an nội tâm mà họ cảm nghiệm khi biết mình được Đức Giê-hô-va và Con yêu dấu của Ngài yêu thương, chấp nhận. Sự bình an này nên thôi thúc chúng ta sống hòa thuận với người khác. Tín đồ Đấng Christ chân chính là những người yêu chuộng hòa bình và chủ động làm hòa.—Mat 5:9.

8. Trong gia đình và hội thánh, làm thế nào chúng ta có thể chủ động làm hòa?

8 Một cách để chủ động làm hòa trong gia đình là nhanh chóng giải quyết những bất đồng thay vì để cho tình hình càng tồi tệ (Châm 15:18; Ê-phê 4:26). Điều này cũng đúng trong hội thánh đạo Đấng Christ. Sứ đồ Phi-e-rơ liên kết việc theo đuổi hòa bình với việc giữ gìn miệng lưỡi (1 Phi 3:10, 11). Gia-cơ cũng thế, sau khi đưa ra lời khuyên thẳng thắn về việc dùng lưỡi đúng cách, cũng như cần tránh tính ghen ghét và hay gây gổ, ông viết: “Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh-sạch, sau lại hòa-thuận, tiết-độ, nhu-mì, đầy-dẫy lòng thương-xót và bông-trái lành, không có sự hai lòng và giả-hình. Vả, bông-trái của điều công-bình thì gieo trong sự hòa-bình, cho những kẻ nào làm sự hòa-bình vậy”.—Gia 3:17, 18.

9. Trong khi cố gắng sống “hòa-thuận với mọi người”, chúng ta nên nhớ điều gì?

9 Lời của Phao-lô nơi Rô-ma 12:18 không chỉ nói về việc sống hòa thuận trong gia đình và trong hội thánh. Ông nói chúng ta nên sống “hòa-thuận với mọi người”. “Mọi người” ở đây bao gồm hàng xóm, đồng nghiệp, bạn học và những người chúng ta gặp trong thánh chức. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ: “Nếu có thể được”. Điều này có nghĩa chúng ta hết sức cố gắng “hòa-thuận với mọi người”, nhưng không đến mức thỏa hiệp các nguyên tắc công bình của Đức Chúa Trời.

Sự trả thù thuộc về Đức Giê-hô-va

10, 11. Tại sao “nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời” là điều thích hợp?

10 Đọc Rô-ma 12:19. Ngay cả với “những kẻ chống-trả” công việc và thông điệp của chúng ta, gồm những người công khai chống đối, chúng ta sẽ “nhịn-nhục” và phản ứng “cách mềm-mại” (2 Ti 2:23-25). Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ không tự trả thù nhưng “nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời”. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta cũng làm thế, biết rằng mình không có quyền trả thù. Người viết Thi-thiên cho biết: “Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận-hoảng; chớ phiền lòng, vì điều đó chỉ gây ra việc ác” (Thi 37:8). Sa-lô-môn khuyên: “Chớ nói: Ta sẽ trả ác. Hãy chờ-đợi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ cứu-rỗi con”.—Châm 20:22.

11 Nếu người chống đối làm hại chúng ta, đường lối khôn ngoan là để Đức Giê-hô-va trừng phạt họ khi Ngài thấy thích hợp. Rõ ràng, Phao-lô đã nghĩ đến điều này vì ông nói thêm: “Có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng”. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:35). Nếu tìm cách trả thù, chúng ta hành động cách tự phụ, xâm phạm quyền thuộc về Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, chúng ta cho thấy mình thiếu niềm tin nơi lời hứa của Ngài: “Ta sẽ báo-ứng”.

12. Đức Giê-hô-va tỏ cơn thạnh nộ của Ngài khi nào và như thế nào?

12 Phần đầu của lá thư gửi cho anh em ở Rô-ma, Phao-lô viết: “Cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin-kính và mọi sự không công-bình của những người dùng sự không công-bình mà bắt hiếp lẽ thật” (Rô 1:18). Cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va sẽ tỏ ra từ trời qua Con Ngài vào thời điểm của “cơn đại-nạn” (Khải 7:14). Điều đó sẽ là “chứng-cớ về sự đoán-xét công-bình của Đức Chúa Trời”, như Phao-lô giải thích trong một lá thư được soi dẫn khác: “Theo sự công-bình Đức Chúa Trời, thì ắt là Ngài lấy điều khổ báo những kẻ làm khổ anh em, và cho anh em, là kẻ chịu khổ, được nghỉ-ngơi với chúng tôi, trong khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên-sứ của quyền-phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo-thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”.—2 Tê 1:5-8.

Lấy điều thiện thắng điều ác

13, 14. (a) Tại sao chúng ta không ngạc nhiên khi gặp chống đối? (b) Chúng ta có thể chúc phước cho người bắt bớ mình như thế nào?

13 Đọc Rô-ma 12:14, 21. Hoàn toàn tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện ý định Ngài, chúng ta có thể an tâm tập trung mọi nỗ lực vào công việc Ngài giao: rao giảng ‘tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời ra khắp đất’ (Mat 24:14). Chúng ta biết hoạt động này của tín đồ Đấng Christ sẽ làm cho kẻ thù nổi giận, vì Chúa Giê-su đã cảnh báo: “Các ngươi sẽ bị mọi dân ghen-ghét vì danh ta” (Mat 24:9). Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên hay nản lòng khi gặp chống đối. Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử-thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương-khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui-mừng bấy nhiêu”.—1 Phi 4:12, 13.

14 Thay vì thù oán những người bắt bớ, chúng ta cố gắng giúp họ hiểu công việc của mình, biết rằng một số người vì thiếu sự hiểu biết nên mới bắt bớ chúng ta (2 Cô 4:4). Chúng ta nỗ lực làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Hãy chúc phước cho kẻ bắt-bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền-rủa” (Rô 12:14). Một cách để chúc phước cho người bắt bớ chúng ta là cầu nguyện cho họ. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su phán: “Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu-nguyện cho kẻ sỉ-nhục mình” (Lu 6:27, 28). Qua kinh nghiệm bản thân, sứ đồ Phao-lô biết rằng một người bắt bớ có thể trở nên môn đồ trung thành của Chúa Giê-su và là tôi tớ sốt sắng của Đức Giê-hô-va (Ga 1:13-16, 23). Trong một lá thư khác, Phao-lô viết: “Khi bị rủa-sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt-bớ, chúng tôi nhịn-nhục; khi bị vu-oan, chúng tôi khuyên-dỗ”.—1 Cô 4:12, 13.

15. Cách tốt nhất để lấy điều thiện thắng điều ác là gì?

15 Thế nên, một tín đồ Đấng Christ chân chính làm theo lời kết nơi Rô-ma chương 12: “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác”. Nguồn của mọi điều ác là Sa-tan Ma-quỉ (Giăng 8:44; 1 Giăng 5:19). Trong sự hiện thấy ban cho sứ đồ Giăng, Chúa Giê-su cho biết những anh em được xức dầu của ngài “đã thắng [Sa-tan] bởi huyết Chiên Con và bởi lời làm chứng của mình” (Khải 12:11). Điều này cho thấy cách tốt nhất để thắng Sa-tan và ảnh hưởng xấu mà hắn đang tác động trên thế gian hiện tại là làm điều lành qua công việc làm chứng, rao giảng tin mừng về Nước Trời.

Vui mừng trong sự trông cậy

16, 17. Rô-ma chương 12 cho chúng ta những bài học nào về (a) cách dùng đời sống? (b) cách đối xử trong hội thánh? (c) cách đối xử với những người chống đối?

16 Việc xem xét sơ qua chương 12 của lá thư sứ đồ Phao-lô gửi anh em ở thành Rô-ma nhắc nhở chúng ta nhiều điều. Chúng ta biết, với tư cách là tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta nên sẵn sàng hy sinh một số điều trong đời sống. Được thánh linh Đức Chúa Trời thôi thúc, chúng ta sẵn lòng làm thế vì nhờ tính phải lẽ, chúng ta tin rằng đó là ý muốn của Ngài. Chúng ta sốt sắng nhờ thánh linh và dùng các sự ban cho với tinh thần hăng hái. Chúng ta phụng sự với lòng khiêm nhường và khiêm tốn, cố gắng hết sức để gìn giữ sự hợp nhất của đạo Đấng Christ. Chúng ta ân cần tiếp khách và biểu lộ tính đồng cảm một cách chân thành.

17 Rô-ma chương 12 cũng cho chúng ta nhiều lời khuyên về cách phản ứng trước sự chống đối. Chúng ta không nên trả đũa theo cách người ta đối xử với mình. Chúng ta nên gắng sức vượt qua sự chống đối bằng những hành động tử tế. Nếu có thể được, chúng ta nên cố gắng sống hòa thuận với mọi người, nhưng không thỏa hiệp các nguyên tắc Kinh Thánh. Điều này áp dụng trong phạm vi gia đình, hội thánh, với người hàng xóm, tại sở làm, trường học và trong thánh chức. Ngay cả khi gặp sự chống đối công khai, chúng ta cố gắng hết sức lấy điều thiện thắng điều ác, nhớ rằng sự trả thù thuộc về Đức Giê-hô-va.

18. Ba lời khuyên nào được tìm thấy nơi Rô-ma 12:12?

18 Đọc Rô-ma 12:12. Thêm vào những lời khuyên khôn ngoan, thực tiễn này, Phao-lô đưa ra ba lời khuyên khác. Vì chúng ta không bao giờ làm được những điều này mà không có sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, Phao-lô khuyên chúng ta “bền lòng mà cầu-nguyện”. Làm thế sẽ giúp chúng ta áp dụng lời khuyên khác của ông là “nhịn-nhục trong sự hoạn-nạn”. Cuối cùng, chúng ta cần chú tâm đến tương lai mà Đức Giê-hô-va đã hứa và “vui-mừng trong sự trông-cậy” về sự sống đời đời, dù là trên trời hay trên đất.

Để ôn lại

• Chúng ta nên phản ứng thế nào trước sự chống đối?

• Chúng ta nên chủ động làm hòa trong những phạm vi nào, và như thế nào?

• Tại sao chúng ta không nên tìm cách trả thù?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 8]

Việc giúp người lân cận cách thiết thực có thể giúp chúng ta vượt qua thành kiến

[Hình nơi trang 9]

Bạn có cố gắng chủ động làm hòa trong hội thánh không?