Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy sốt sắng nhờ thánh linh”

“Hãy sốt sắng nhờ thánh linh”

“Hãy sốt sắng nhờ thánh linh”

“Về công việc, anh em chớ biếng nhác. Hãy sốt sắng nhờ thánh linh. Hãy hầu việc Đức Giê-hô-va”.—RÔ 12:11, NW.

1. Tại sao dân Y-sơ-ra-ên dâng của lễ bằng thú vật và các của lễ khác?

Đức Giê-hô-va quý những của lễ mà các tôi tớ Ngài tình nguyện dâng để biểu lộ tình yêu thương với Ngài và cho thấy họ vâng theo ý muốn Ngài. Thời xưa, Ngài chấp nhận nhiều của lễ bằng thú vật và các của lễ khác. Người Y-sơ-ra-ên dâng những của lễ này theo Luật pháp Môi-se để xin Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi và để thể hiện lòng biết ơn. Trong hội thánh đạo Đấng Christ, Đức Giê-hô-va không đòi hỏi chúng ta phải dâng những của lễ theo nghi thức như thế. Tuy nhiên, nơi chương 12 của lá thư gửi cho tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma, sứ đồ Phao-lô cho thấy chúng ta vẫn phải dâng của lễ. Như thế nào?

Của lễ sống

2. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta theo đuổi lối sống nào? Lối sống ấy bao hàm điều gì?

2 Đọc Rô-ma 12:1, 2. Trong phần đầu của lá thư, Phao-lô chỉ rõ các tín đồ Đấng Christ được xức dầu, dù là người Do Thái hay dân ngoại, được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời bởi đức tin, chứ không bởi việc làm (Rô 1:16; 3:20-24). Nơi chương 12, Phao-lô giải thích tín đồ Đấng Christ nên thể hiện lòng biết ơn bằng lối sống hy sinh. Để làm thế, chúng ta phải đổi mới tâm thần mình. Do sự bất toàn di truyền, chúng ta bị phục dưới “luật-pháp của sự tội và sự chết” (Rô 8:2). Vì thế, chúng ta cần biến đổi, “làm nên mới trong tâm-chí”, bằng cách triệt để thay đổi những khuynh hướng của mình (Ê-phê 4:23). Sự thay đổi hoàn toàn như thế chỉ có được nhờ sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời và thánh linh Ngài. Nó cũng đòi hỏi chúng ta phải hết sức nỗ lực, dùng tính “phải lẽ” của mình. Nó có nghĩa chúng ta cố gắng hết sức không “làm theo đời nầy”, là đời có đạo đức suy đồi, giải trí đồi bại và lối suy nghĩ lệch lạc.—Ê-phê 2:1-3.

3. Tại sao chúng ta tham gia vào các hoạt động của tín đồ Đấng Christ?

3 Phao-lô cũng bảo chúng ta vận dụng tính “phải lẽ” để “thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. Tại sao chúng ta đọc Kinh Thánh mỗi ngày, suy ngẫm những gì mình đọc, cầu nguyện, tham dự các buổi nhóm họp và tham gia việc rao truyền tin mừng về Nước Trời? Có phải vì các trưởng lão khuyến giục chúng ta làm thế không? Đúng là chúng ta biết ơn sự nhắc nhở hữu ích của các trưởng lão. Thế nhưng, chúng ta tham gia các hoạt động của tín đồ Đấng Christ vì được thánh linh thôi thúc để thể hiện tình yêu thương chân thành với Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, chúng ta tin chắc Đức Chúa Trời muốn chúng ta thực hiện những hoạt động ấy (Xa 4:6; Ê-phê 5:10). Chúng ta nhận ra khi theo đuổi lối sống của tín đồ Đấng Christ chân chính, chúng ta có thể được Đức Chúa Trời chấp nhận và điều này mang lại nhiều niềm vui cùng sự thỏa lòng.

Sự ban cho khác nhau

4, 5. Các trưởng lão đạo Đấng Christ nên dùng sự ban cho như thế nào?

4 Đọc Rô-ma 12:6-8, 11. Phao-lô giải thích “chúng ta có các sự ban-cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta”. Khuyên bảo, cai trị hoặc dẫn dắt là một số sự ban cho mà Phao-lô đề cập đặc biệt liên quan đến các trưởng lão, những người được ông khuyên “hãy siêng-năng” dẫn dắt.

5 Phao-lô nói lòng sốt sắng ấy nên được thấy rõ qua cách các giám thị phụng sự với tư cách là người dạy dỗ và thi hành “chức-vụ”. Văn mạch trong câu này dường như cho thấy Phao-lô muốn nói đến “chức-vụ” được thi hành trong hội thánh, hay trong “một thân” (Rô 12:4, 5). Chức vụ này tương tự như chức vụ được nói đến nơi Công-vụ 6:4. Các sứ đồ nói: “Chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu-nguyện và chức-vụ giảng đạo”. Chức vụ ấy bao hàm điều gì? Các trưởng lão đạo Đấng Christ dùng sự ban cho để xây dựng các thành viên trong hội thánh. Họ cho thấy họ “buộc mình vào chức-vụ” khi sốt sắng đưa ra sự hướng dẫn và dạy dỗ cho hội thánh từ Lời Đức Chúa Trời. Họ làm điều đó qua việc cầu nguyện, học hỏi, nghiên cứu, dạy dỗ và chăn chiên. Các giám thị nên tận tình dùng sự ban cho và “lấy lòng vui mà” chăm sóc chiên.— Rô 12:7, 8; 1 Phi 5:1-3.

6. Làm thế nào chúng ta có thể làm theo lời khuyên nơi Rô-ma 12:11, câu Kinh Thánh chủ đề của bài?

6 Phao-lô nói thêm: “Về công việc, anh em chớ biếng nhác. Hãy sốt sắng nhờ thánh linh. Hãy hầu việc Đức Giê-hô-va” (Rô 12:11, NW). Nếu nhận ra khuynh hướng thờ ơ trong thánh chức, có lẽ chúng ta cần xem lại thói quen học hỏi, cầu nguyện tha thiết và thường xuyên hơn để xin Đức Giê-hô-va ban thánh linh. Thánh linh có thể giúp chúng ta chống lại bất kỳ tình trạng hâm hẩm nào và khôi phục lòng sốt sắng (Lu 11:9, 13; Khải 2:4; 3:14, 15, 19). Thánh linh thúc đẩy các tín đồ thời ban đầu nói về “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời” (Công 2:4, 11). Tương tự thế, chúng ta “sốt sắng nhờ thánh linh” để thi hành thánh chức.

Khiêm nhường và khiêm tốn

7. Tại sao chúng ta nên khiêm tốn phụng sự Đức Chúa Trời?

7 Đọc Rô-ma 12:3, 16. Sự ban cho mà chúng ta nhận là “ơn” của Đức Giê-hô-va. Phao-lô cũng nói: “Tài-năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời” (2 Cô 3:5). Vì thế, chúng ta không nên tự ca ngợi mình. Chúng ta nên khiêm tốn nhìn nhận bất cứ thành quả nào đạt được là nhờ ân phước của Đức Chúa Trời, chứ không nhờ vào năng lực của mình (1 Cô 3:6, 7). Phù hợp với điều này, Phao-lô nói: “Tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ”. Vậy, chúng ta cần có lòng tự trọng và tìm niềm vui cùng sự thỏa nguyện trong các công việc liên quan đến Nước Trời. Tuy nhiên, tính khiêm tốn, tức ý thức về những giới hạn của bản thân, sẽ ngăn chúng ta trở nên ngoan cố. Thay vì thế, chúng ta muốn “có tâm-tình tầm-thường”.

8. Làm thế nào chúng ta có thể tránh tự “cho mình là khôn-ngoan”?

8 Thật thiếu khôn ngoan khi khoe khoang về những thành tựu của chúng ta. Thật ra “Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên” (1 Cô 3:7). Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời ban cho mỗi thành viên trong hội thánh một “lượng đức-tin”. Thay vì nghĩ mình giỏi hơn người khác, chúng ta nên nhận ra những điều người khác làm theo lượng đức tin họ có. Phao-lô cũng nói: “Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau”. Trong một lá thư khác, sứ đồ này bảo chúng ta “chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3). Vậy, chúng ta cần thật sự khiêm nhường và cố gắng để nhận ra mỗi anh chị đều giỏi hơn chúng ta theo một cách nào đó. Tính khiêm nhường sẽ giúp chúng ta tránh “cho mình là khôn-ngoan”. Trong khi những đặc ân phụng sự có thể khiến một số người nổi bật, tất cả chúng ta tìm được niềm vui sâu xa trong những việc “khiêm-nhượng”, những nhiệm vụ thường không được ai để ý.—1 Phi 5:5.

Hợp nhất trong hội thánh

9. Tại sao Phao-lô ví tín đồ được xức dầu bằng thánh linh với các chi thể trong một thân?

9 Đọc Rô-ma 12:4, 5, 9, 10. Phao-lô ví tín đồ Đấng Christ được xức dầu với các chi thể trong một thân, hợp nhất phụng sự dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-su, Đầu của họ (Cô 1:18). Ông nhắc nhở các tín đồ này rằng một thân có nhiều chi thể với chức năng khác nhau, và họ “là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ”. Tương tự, Phao-lô khuyên giục tín đồ Đấng Christ được xức dầu ở thành Ê-phê-sô: “Chúng ta lấy lòng yêu-thương... để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. Ấy nhờ Ngài mà cả thân-thể ràng-buộc vững-bền bởi những cái lắt-léo, khiến các phần giao-thông với nhau, tùy lượng sức-mạnh của từng phần, làm cho thân-thể lớn lên, và tự gây-dựng trong sự yêu-thương”.—Ê-phê 4:15, 16.

10. “Chiên khác” nên nhận biết uy quyền của những ai?

10 Dù “chiên khác” không thuộc về thân thể của Đấng Christ, họ có thể học được nhiều điều từ minh họa này (Giăng 10:16). Phao-lô nói rằng Đức Giê-hô-va đã “bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội-thánh” (Ê-phê 1:22). Ngày nay, chiên khác là một phần của “muôn vật” mà Đức Giê-hô-va giao cho Con Ngài lãnh đạo. Họ cũng là một trong số các “gia-tài” mà Đấng Christ giao cho “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Mat 24:45-47). Vì thế, những người có hy vọng sống trên đất này nên nhận biết Đấng Christ là Đầu của họ, vâng phục đầy tớ trung tín và khôn ngoan cùng Hội đồng lãnh đạo của lớp ấy cũng như những người được bổ nhiệm làm giám thị trong hội thánh (Hê 13:7, 17). Điều này góp phần vào sự hợp nhất của đạo Đấng Christ.

11. Sự hợp nhất của chúng ta dựa trên điều gì, và Phao-lô còn cho lời khuyên nào?

11 Sự hợp nhất ấy dựa trên tình yêu thương, “dây liên-lạc của sự trọn-lành” (Cô 3:14). Nơi Rô-ma chương 12, Phao-lô nhấn mạnh điều này. Ông nói tình yêu thương của chúng ta “phải cho thành-thật” và nên “lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em”. Điều này giúp chúng ta tôn trọng lẫn nhau. Sứ đồ này nói: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau”. Dĩ nhiên, chúng ta không lẫn lộn tình yêu thương với tính đa cảm. Chúng ta nên cố gắng hết sức để giữ cho hội thánh được thanh sạch. Khi cho lời khuyên về tình yêu thương, Phao-lô nói thêm: “Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành”.

Ân cần tiếp khách

12. Chúng ta có thể học được gì từ tín đồ Đấng Christ ở xứ Ma-xê-đoan xưa về việc giúp đỡ người khác?

12 Đọc Rô-ma 12:13. Tình yêu thương với anh em thôi thúc chúng ta “cung-cấp sự cần-dùng cho các thánh-đồ” theo khả năng của mình. Dù nghèo, chúng ta có thể chia sẻ những gì mình có. Viết về tín đồ Đấng Christ ở Ma-xê-đoan, Phao-lô cho biết: “Đang khi họ chịu nhiều hoạn-nạn thử-thách, thì lòng quá vui-mừng, và cơn rất nghèo-khó của họ đã rải rộng ra sự dư-dật của lòng rộng-rãi mình. Vì tôi làm chứng cho họ rằng họ đã tự ý quyên tiền theo sức mình, hoặc cũng quá sức nữa, và nài xin chúng tôi làm ơn cho họ có phần vào sự giùm-giúp các thánh-đồ [trong xứ Giu-đê]” (2 Cô 8:2-4). Tuy nghèo, tín đồ Đấng Christ ở Ma-xê-đoan rất rộng rãi. Họ xem việc chia sẻ với các anh em thiếu thốn ở xứ Giu-đê là một đặc ân.

13. “Hãy ân-cần tiếp khách” bao hàm điều gì?

13 Cụm từ “hãy ân-cần tiếp khách” được dịch từ một cụm từ tiếng Hy Lạp ám chỉ cần phải chủ động. Một bản dịch Kinh Thánh (The New Jerusalem Bible) dịch cụm từ này là “hãy tìm cơ hội để tỏ lòng hiếu khách”. Đôi khi lòng hiếu khách thể hiện qua việc mời một người dùng bữa, và khi làm điều này vì tình yêu thương thì thật đáng khen. Nếu chủ động, chúng ta sẽ tìm được nhiều cách để thể hiện lòng hiếu khách. Chẳng hạn, nếu kinh tế hoặc sức khỏe hạn hẹp, chúng ta không thể đãi một bữa ăn, việc mời người khác dùng một tách trà, cà phê hay thức uống khác cũng là cách để thể hiện lòng hiếu khách.

14. (a) Từ Hy Lạp được dịch là “tiếp khách” bắt nguồn từ các từ nào? (b) Trong thánh chức, chúng ta biểu lộ lòng quan tâm với người nước ngoài qua cách nào?

14 Lòng hiếu khách liên quan đến quan điểm của chúng ta. Từ Hy Lạp được dịch là “tiếp khách” bắt nguồn từ hai từ có nghĩa “yêu thương” và “khách lạ”. Chúng ta cảm thấy thế nào về người lạ hay người nước ngoài? Một số tín đồ Đấng Christ cố gắng học thêm ngoại ngữ để rao truyền tin mừng cho người nước ngoài đến sống trong khu vực thuộc hội thánh của họ. Làm thế, họ được xem như có lòng hiếu khách. Dĩ nhiên, nhiều người trong chúng ta không có điều kiện học thêm ngoại ngữ. Thế nhưng, tất cả chúng ta có thể giúp người nước ngoài bằng cách tận dụng sách nhỏ Tin mừng cho mọi dân (Good News for People of All Nations). Sách có một thông điệp Kinh Thánh được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Bạn có đạt kết quả khi sử dụng sách nhỏ này trong thánh chức không?

Đồng cảm

15. Liên quan đến lời khuyên nơi Rô-ma 12:15, Chúa Giê-su nêu gương mẫu nào?

15 Đọc Rô-ma 12:15. Lời khuyên của Phao-lô trong câu này có thể tóm tắt bằng cụm từ: hãy đồng cảm. Chúng ta cần hiểu và ngay cả chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn của người khác. Nếu có lòng sốt sắng nhờ được thánh linh tác động, chúng ta sẽ biểu lộ lòng trắc ẩn hay chung vui với họ. Khi 70 môn đồ Chúa Giê-su vui mừng trở về sau một đợt rao giảng và kể lại kết quả của công việc, Chúa Giê-su cũng ‘nức lòng bởi thánh-linh’ (Lu 10:17-21). Ngài chia sẻ niềm vui với họ. Ngoài ra, khi bạn ngài là La-xa-rơ qua đời, Chúa Giê-su đã “khóc với kẻ khóc”.—Giăng 11:32-35.

16. Chúng ta có thể biểu lộ tính đồng cảm với anh em đồng đạo như thế nào? Ai đặc biệt cần làm thế? 

16 Chúng ta muốn noi gương Chúa Giê-su trong việc biểu lộ tính đồng cảm. Khi một anh em đồng đạo vui mừng, chúng ta muốn chia sẻ niềm vui với anh hay chị ấy. Tương tự, chúng ta nên nhạy cảm với nỗi đau và nỗi khổ của các anh chị. Thường thì chúng ta có thể mang lại niềm an ủi cho anh em đồng đức tin, những người đang đau buồn, nếu dành thời gian để lắng nghe họ với lòng thấu cảm. Có những lúc, chúng ta có thể xúc động và thành thật cảm thông với họ đến mức rơi lệ (1 Phi 1:22). Đặc biệt, các trưởng lão nên theo lời khuyên của Phao-lô về việc biểu lộ tính đồng cảm.

17. Chúng ta học được gì nơi Rô-ma chương 12, và trong bài kế tiếp chúng ta sẽ xem xét điều gì?

17 Những câu mà chúng ta đã xem xét nơi Rô-ma chương 12 cho chúng ta lời khuyên có thể áp dụng trong đời sống với tư cách là tín đồ Đấng Christ và trong mối quan hệ với anh em đồng đạo. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem những câu còn lại của chương này, bàn về quan điểm và cách chúng ta đối xử với người ngoài hội thánh, kể cả những người chống đối và bắt bớ.

Để ôn lại

• Chúng ta cho thấy mình “sốt sắng nhờ thánh linh” như thế nào?

• Tại sao chúng ta nên phụng sự Đức Chúa Trời với lòng khiêm nhường?

• Chúng ta có thể biểu lộ tính đồng cảm và trắc ẩn với anh em đồng đạo qua những cách nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 4]

Tại sao chúng ta tham gia vào các hoạt động này của tín đồ Đấng Christ?

[Hình nơi trang 6]

Mỗi người chúng ta có thể giúp người nước ngoài học biết về Nước Trời như thế nào?