Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vun đắp tình bạn trong thế gian vô tình

Vun đắp tình bạn trong thế gian vô tình

Vun đắp tình bạn trong thế gian vô tình

“Ta truyền cho các ngươi những điều-răn đó, đặng các ngươi yêu-mến lẫn nhau”.—GIĂNG 15:17.

1. Tại sao các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất cần gìn giữ tình bạn thân thiết?

Vào đêm cuối trên đất, Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ trung thành nên gìn giữ tình bạn với nhau. Trước lúc đó, ngài cho biết tình yêu thương họ thể hiện với nhau là đặc điểm để người ta nhận ra họ là môn đồ của ngài (Giăng 13:35). Các môn đồ cần gìn giữ tình bạn thân thiết hầu đứng vững trong những thử thách sắp tới, và thực hiện công việc mà Chúa Giê-su sẽ sớm giao phó. Thật vậy, các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất tạo được tiếng tốt về lòng trung thành không lay chuyển đối với Đức Chúa Trời và anh em.

2. (a) Chúng ta quyết tâm làm gì, và tại sao? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

2 Ngày nay, thật vui sướng khi được ở trong một tổ chức quốc tế gồm những thành viên noi gương các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất! Chúng ta quyết tâm vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su là yêu thương nhau cách chân thật. Tuy nhiên trong ngày sau rốt này, phần lớn người ta đều bội bạc và vô tình (2 Ti 3:1-3). Nếu có kết bạn thì tình bạn của họ thường dựa trên tình cảm hời hợt và vì vụ lợi. Để giữ gìn phẩm chất người tín đồ Đấng Christ, chúng ta phải khác hẳn. Vậy, hãy xem xét các câu hỏi sau: Tình bạn vững bền dựa trên nền tảng nào? Làm sao tạo dựng tình bạn tốt đẹp? Khi nào cần chấm dứt tình bạn? Làm thế nào để gìn giữ tình bạn?

Tình bạn vững bền dựa trên nền tảng nào?

3, 4. Tình bạn bền chặt nhất dựa trên nền tảng nào, tại sao?

3 Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va là nền tảng để xây dựng tình bạn bền chặt nhất. Vua Sa-lô-môn viết: “Nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thế chống-cự nó; một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt” (Truyền 4:12). Khi Đức Giê-hô-va là tao thứ ba trong tình bạn thì tình bạn đó sẽ vững bền.

4 Đành rằng những người không yêu mến Đức Giê-hô-va cũng có thể có tình bạn tốt. Nhưng khi người ta kết thân vì cùng yêu mến Ngài, tình bạn mới vững bền, không gì phá vỡ được. Đó là vì khi hiểu lầm hay bất đồng nảy sinh, người bạn chân thật đối xử với nhau theo cách Đức Giê-hô-va hài lòng. Cả khi những kẻ chống đối Đức Chúa Trời cố gây chia rẽ cũng sẽ nhận ra không gì phá vỡ được tình bạn của tín đồ chân chính. Trong lịch sử, tôi tớ của Ngài chứng tỏ họ sẵn sàng hy sinh mạng sống chứ không phản bội anh em.—Đọc 1 Giăng 3:16.

5. Vì sao tình bạn giữa Ru-tơ và Na-ô-mi vững bền?

5 Chắc chắn không có tình bạn nào tốt đẹp hơn tình bạn với những người yêu mến Đức Giê-hô-va. Hãy xem trường hợp của Ru-tơ và Na-ô-mi. Tình bạn giữa hai người phụ nữ này là một trong những tình bạn tốt đẹp được tường thuật trong Kinh Thánh. Vì sao tình bạn này vững bền? Chúng ta biết lý do qua lời của Ru-tơ nói với Na-ô-mi: “Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi,... Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!” (Ru 1:16, 17). Rõ ràng, Ru-tơ và Na-ô-mi đều yêu thương Đức Chúa Trời sâu đậm, và tình yêu này đã chi phối cách họ cư xử với nhau. Kết quả là cả hai người cùng được Ngài ban phước.

Làm sao có thể tạo dựng tình bạn tốt đẹp?

6-8. (a) Để có tình bạn vững bền cần điều gì? (b) Bạn có thể chủ động trong việc tạo tình bạn qua những cách nào?

6 Trường hợp của Ru-tơ và Na-ô-mi chứng tỏ tình bạn tốt đẹp không tự nhiên mà có. Cùng yêu mến Đức Giê-hô-va mới là nền tảng tốt. Để có tình bạn vững bền, cần nỗ lực và tinh thần hy sinh. Ngay cả anh chị em ruột cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va cũng cần cố gắng làm bạn thân thiết với nhau. Vậy, làm sao tạo được tình bạn tốt đẹp?

7 Hãy chủ động. Sứ đồ Phao-lô khuyến khích anh em trong hội thánh tại Rô-ma “chuyên cần tiếp khách” (Rô 12:13, Bản Dịch Mới). Chuyên cần là siêng năng một cách đều đặn. Vậy, chúng ta tỏ lòng hiếu khách qua những việc nhỏ cách thường xuyên (Đọc Châm-ngôn 3:27). Một cách tỏ lòng hiếu khách là mời các anh chị đồng đạo dùng bữa ăn đơn giản, mỗi lần mời người khác nhau. Bạn có thể thường xuyên làm điều đó trong khả năng của mình không?

8 Một cách khác để chủ động trong việc tạo tình bạn là đi rao giảng với nhiều người khác nhau. Khi chứng kiến một anh hay chị đồng đạo chân thành bày tỏ lòng yêu thương Đức Giê-hô-va qua lời giảng cho người khác, chắc chắn bạn sẽ gần gũi hơn với anh hay chị ấy.

9, 10. Sứ đồ Phao-lô nêu gương nào, và làm sao chúng ta noi theo?

9 Hãy mở rộng tấm lòng. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 6:12, 13). Đã bao giờ bạn cảm thấy không có ai trong hội thánh để kết thân? Nếu có, phải chăng vấn đề là quan niệm của bạn về người bạn thân quá hạn hẹp? Sứ đồ Phao-lô nêu gương trong việc mở rộng tấm lòng. Trước đây, ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ kết thân với những người không phải là dân Do Thái. Nhưng rồi ông trở thành “sứ-đồ cho dân ngoại”.—Rô 11:13.

10 Ngoài ra, Phao-lô không chỉ làm bạn với người cùng độ tuổi. Chẳng hạn, ông và Ti-mô-thê trở thành bạn thân dù tuổi tác và hoàn cảnh xuất thân khác nhau. Trong hội thánh ngày nay, nhiều người trẻ quý tình bạn với những anh chị lớn tuổi hơn. Chị Vanessa trong độ tuổi đôi mươi nói: “Tôi có một người bạn thân trên 50 tuổi, tôi có thể kể cho chị ấy mọi điều như kể cho những bạn cùng tuổi với tôi. Chị ấy rất quan tâm đến tôi”. Tình bạn như thế nhờ đâu mà có? Chị nói: “Tôi phải nỗ lực tạo tình bạn ấy chứ nó không tự đến”. Bạn có sẵn sàng kết bạn với người không cùng trang lứa không? Nếu có, chắc chắn Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho những nỗ lực của bạn.

11. Chúng ta học được gì từ trường hợp của Giô-na-than và Đa-vít?

11 Hãy trung thành. Sa-lô-môn viết: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn” (Châm 17:17). Khi viết lời này, có lẽ Sa-lô-môn nghĩ đến tình bạn giữa cha ông là Đa-vít và Giô-na-than (1 Sa 18:1). Vua Sau-lơ muốn con trai là Giô-na-than nối ngôi ông. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã chọn Đa-vít làm vua và Giô-na-than chấp nhận thực tế đó. Khác hẳn cha, Giô-na-than không nuôi lòng ganh tị với Đa-vít. Ông không bực tức khi thấy Đa-vít được khen ngợi, và cũng không tin lời mà Sau-lơ nói xấu về Đa-vít (1 Sa 20:24-34). Chúng ta có giống như Giô-na-than không? Khi bạn mình nhận đặc ân phụng sự, chúng ta có mừng cho họ không? Khi họ gặp khó khăn, chúng ta có an ủi và giúp đỡ không? Nếu người khác nói xấu về bạn của mình, chúng ta có vội tin không? Hay chúng ta trung thành bênh vực bạn như Giô-na-than?

Khi cần chấm dứt tình bạn

12-14. Một số học viên Kinh Thánh phải đối mặt với thử thách nào, và làm sao chúng ta giúp họ?

12 Khi một học viên Kinh Thánh bắt đầu có những thay đổi trong đời sống, người ấy có lẽ phải đối mặt với thử thách về tình bạn. Có thể người ấy đang làm bạn với những người không sống theo tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh. Trước kia, người ấy thường xuyên giao du với họ. Giờ đây, người ấy ý thức là một số việc làm của bạn bè có thể gây ảnh hưởng xấu nên cần hạn chế tiếp xúc (1 Cô 15:33). Nhưng nếu không chơi với họ, người ấy cảm thấy mình đang phản bội bạn bè.

13 Nếu bạn đang đối mặt với thử thách đó, hãy nhớ rằng một người bạn chân chính sẽ vui khi bạn cố gắng cải thiện đời sống. Có lẽ người đó còn muốn tham gia tìm hiểu về Đức Giê-hô-va. Ngược lại, người bạn giả hình sẽ “gièm-chê” vì bạn không cùng họ theo “sự dâm-dật bậy-bạ” (1 Phi 4:3, 4). Khi làm thế, chính họ mới là người phản bội chứ không phải bạn.

14 Khi những học viên Kinh Thánh bị bạn bè không yêu mến Đức Chúa Trời từ bỏ, các thành viên trong hội thánh có thể bù đắp về tình cảm cho họ (Ga 6:10). Bạn có biết rõ từng học viên thường có mặt tại các buổi nhóm họp không? Thỉnh thoảng, bạn có tạo cơ hội giao du thân mật để khích lệ họ không?

15, 16. (a) Khi một người bạn ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta nên làm gì? (b) Bằng cách nào chúng ta chứng tỏ mình yêu thương Đức Chúa Trời?

15 Nếu một người bạn đồng đạo từ bỏ Đức Giê-hô-va, thậm chí bị khai trừ thì sao? Trường hợp đó thường gây đau buồn. Miêu tả phản ứng khi người bạn thân ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va, một chị nói: “Tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Tôi tưởng bạn tôi rất vững vàng trong lẽ thật, nhưng thực tế không phải vậy. Tôi nghĩ có phải chị ấy phụng sự Đức Giê-hô-va chỉ để làm hài lòng gia đình hay không. Tôi bắt đầu tự xét lại động cơ của chính mình. Mình có đang phụng sự vì những lý do đúng đắn không?” Chị vượt qua nỗi đau buồn đó như thế nào? Chị cho biết: “Tôi trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va. Tôi quyết tâm chứng tỏ với Đức Giê-hô-va là tôi phụng sự vì yêu mến Ngài chứ không phải vì những người bạn mà Ngài ban trong tổ chức”.

16 Chúng ta không thể gìn giữ tình bạn với Đức Chúa Trời nếu đứng về phía một người chọn làm bạn với thế gian. Môn đồ Gia-cơ viết: “Anh em há chẳng biết làm bạn với thế-gian tức là thù-nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế-gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch-thù cùng Đức Chúa Trời” (Gia 4:4). Chúng ta chứng tỏ mình yêu thương Đức Chúa Trời bằng cách tin cậy rằng: Nếu chúng ta trung thành, Ngài sẽ giúp vượt qua nỗi buồn mất một người bạn. Kinh Thánh khẳng định: “Với người trung tín, Ngài là Đấng trung tín” (Thi 18:25, BDM). Chị được đề cập ở trên kết luận như sau: “Tôi hiểu ra chúng ta không thể khiến một người yêu mến Đức Giê-hô-va hay yêu mến chúng ta. Đó là quyền quyết định của mỗi người”. Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể gìn giữ tình bạn với anh em trung thành?

Gìn giữ tình bạn tốt đẹp

17. Bạn thân nói chuyện với nhau như thế nào?

17 Trò chuyện là nhựa sống của tình bạn. Khi đọc những lời tường thuật về Ru-tơ và Na-ô-mi, Đa-vít và Giô-na-than hay Phao-lô và Ti-mô-thê, chúng ta nhận thấy những người bạn thân nói thật lòng nhưng vẫn tôn trọng nhau. Về cách trò chuyện, Phao-lô viết: “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối”. Trong câu này, ông đề cập cụ thể đến cách mà chúng ta nên nói chuyện với “người ngoại”, tức không phải là anh em đồng đạo (Cô 4:5, 6). Đối với người không cùng đức tin, chúng ta nói chuyện cách tôn trọng, huống hồ là bạn trong hội thánh!

18, 19. (a) Chúng ta nên có quan điểm nào về lời khuyên nhận được từ bạn đồng đạo? (b) Các trưởng lão ở thành Ê-phê-sô nêu gương như thế nào?

18 Những người bạn tốt xem trọng ý kiến của nhau, vì thế họ nói với nhau những lời vừa ân hậu vừa thẳng thắn. Vua Sa-lô-môn khôn ngoan từng viết: “Dầu và thuốc thơm làm khoan-khoái linh-hồn; lời khuyên do lòng bạn-hữu ra cũng êm-dịu dường ấy” (Châm 27:9). Chúng ta có quan điểm như thế không? (Đọc Thi-thiên 141:5). Khi một người bạn góp ý về hành động nào đó của chúng ta, chúng ta phản ứng thế nào? Chúng ta xem đó là hành động nhân từ hay tỏ ra buồn giận?

19 Sứ đồ Phao-lô có mối quan hệ mật thiết với các trưởng lão của hội thánh Ê-phê-sô. Rất có thể ông biết một số người này từ khi họ mới vào đạo. Tuy nhiên, Phao-lô vẫn thẳng thắn cảnh báo họ trong lần gặp cuối. Họ đã phản ứng ra sao? Họ không buồn giận. Trái lại, họ quý trọng lòng quan tâm của Phao-lô, thậm chí còn khóc khi biết rằng sẽ không được gặp lại ông nữa.—Công 20:17, 29, 30, 36-38.

20. Một người bạn tốt làm gì?

20 Một người bạn tốt không chỉ nghe lời khuyên khôn ngoan mà còn sẵn sàng khuyên bạn mình. Dĩ nhiên, chúng ta cần phải suy xét, có lúc nên lo việc riêng mình (1 Tê 4:11). Chúng ta cũng phải nhận ra rằng mỗi người “sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Rô 14:12). Tuy nhiên khi cần, một người bạn tốt sẽ tử tế nhắc nhở anh em về các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va (1 Cô 7:39). Chẳng hạn, chúng ta sẽ làm gì nếu thấy một người bạn độc thân nảy sinh tình cảm với người không cùng đức tin? Phải chăng chúng ta sẽ không góp ý vì sợ tình bạn bị tổn thương? Nếu đã khuyên mà người bạn vẫn lờ đi thì sao? Người bạn tốt sẽ tìm đến những anh chăn bầy yêu thương để giúp bạn mình đang lầm đường. Để làm được điều đó cần phải can đảm. Nhưng nếu tình bạn dựa trên tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va thì sẽ không bị tổn hại lâu.

21. Trong tình bạn không thể tránh khỏi điều gì? Tại sao nên gìn giữ tình bạn bền chặt với anh em?

21 Đọc Cô-lô-se 3:13, 14. Đôi khi, chúng ta làm cho bạn bè “phàn-nàn” hay buồn phiền, và chính họ cũng làm chúng ta phật lòng qua lời nói hay hành động. Gia-cơ viết: “Chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm” (Gia 3:2). Tuy nhiên, không thể nhìn vào số lần phạm lỗi với nhau mà đánh giá một tình bạn là tốt hay xấu, mà nên dựa trên mức độ hết lòng tha thứ cho nhau. Tạo dựng và gìn giữ tình bạn bền chặt quan trọng biết bao! Để đạt được điều đó, chúng ta cần trò chuyện cởi mở và khoan dung tha thứ. Khi yêu thương nhau như thế, tình yêu thương đúng là “dây liên-lạc của sự trọn-lành”!

Bạn trả lời thế nào?

• Làm sao tạo dựng tình bạn tốt đẹp?

• Khi nào cần chấm dứt tình bạn?

• Chúng ta cần làm gì để gìn giữ tình bạn bền chặt?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Tình bạn vững bền giữa Ru-tơ và Na-ô-mi dựa trên nền tảng nào?

[Hình nơi trang 19]

Bạn có thường xuyên tỏ lòng hiếu khách không?