Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời cầu nguyện cho biết gì về bạn?

Lời cầu nguyện cho biết gì về bạn?

Lời cầu nguyện cho biết gì về bạn?

“Hỡi Đấng nghe lời cầu-nguyện, các xác-thịt đều sẽ đến cùng Ngài”.—THI 65:2.

1, 2. Tại sao các tôi tớ Đức Giê-hô-va cầu nguyện với lòng tin cậy?

Đức Giê-hô-va không bao giờ lờ đi những lời cầu xin của các tôi tớ trung thành. Chúng ta tin chắc rằng Ngài nghe chúng ta. Ngay cả hàng triệu Nhân Chứng Giê-hô-va cầu nguyện với Đức Chúa Trời cùng một lúc, Ngài sẽ nghe hết.

2 Tin rằng Đức Chúa Trời lắng nghe lời nài xin của mình, người viết Thi-thiên là Đa-vít hát: “Hỡi Đấng nghe lời cầu-nguyện, các xác-thịt đều sẽ đến cùng Ngài” (Thi 65:2). Lời cầu nguyện của Đa-vít được nhậm vì ông là người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va. Vậy, chúng ta nên tự hỏi: “Lời cầu nguyện có cho thấy tôi tin nơi Đức Giê-hô-va và xem sự thờ phượng thanh sạch là mối quan tâm chính không? Lời cầu nguyện cho biết gì về tôi?”.

Đến gần Đức Giê-hô-va với lòng khiêm nhường

3, 4. (a) Khi cầu nguyện, chúng ta nên có thái độ nào? (b) Chúng ta nên làm gì nếu “tư-tưởng” về việc phạm tội trọng khiến mình lo lắng?

3 Nếu muốn lời cầu nguyện của mình được nhậm, chúng ta phải đến gần Đức Giê-hô-va với lòng khiêm nhường (Thi 138:6). Chúng ta nên xin Ngài thử chúng ta, như Đa-vít đã nói: “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra-xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử-thách tôi, và biết tư-tưởng tôi; xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời” (Thi 139:23, 24). Chúng ta hãy để Đức Chúa Trời thử mình và làm theo lời khuyên trong Kinh Thánh chứ không chỉ cầu nguyện mà thôi. Đức Giê-hô-va có thể hướng dẫn chúng ta trên “con đường đời đời”, giúp chúng ta theo đuổi đường lối dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

4 Nói sao nếu “tư-tưởng” về việc phạm tội trọng cứ quay trở lại khiến chúng ta lo lắng? (Đọc Thi-thiên 32:1-5). Như một cây bị mất nước vì sức nóng mùa hè, lương tâm tội lỗi bị dồn nén có thể làm chúng ta mòn mỏi. Vì tội lỗi của mình, Đa-vít mất niềm vui và có thể đã bị bệnh. Nhưng thú tội với Đức Chúa Trời mang lại cho ông sự khuây khỏa làm sao! Hãy tưởng tượng niềm vui của Đa-vít khi ông cảm nhận “được tha sự vi-phạm” và được Đức Giê-hô-va tha thứ. Thú tội với Đức Chúa Trời có thể mang lại sự khoan khoái, và sự giúp đỡ của các trưởng lão cũng giúp người phạm tội được khôi phục tình trạng thiêng liêng.—Châm 28:13; Gia 5:13-16.

Nài xin và cảm tạ Đức Chúa Trời

5. Chúng ta nài xin Đức Giê-hô-va trợ giúp trong những trường hợp nào?

5 Nếu lòng trĩu nặng lo âu vì một lý do nào đó, chúng ta nên làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:6). Đặc biệt khi gặp nguy hiểm hoặc bị bắt bớ, chúng ta nên nài xin Đức Giê-hô-va trợ giúp và hướng dẫn.

6, 7. Trong lời cầu nguyện, chúng ta nên cảm tạ Đức Giê-hô-va vì những lý do nào?

6 Tuy nhiên, nếu chỉ cầu nguyện khi cần điều gì, thì cho thấy chúng ta có động cơ nào? Phao-lô nói rằng chúng ta nên trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời cùng với “sự tạ ơn”. Chắc chắn chúng ta có lý do để ca ngợi Ngài như Đa-vít: “Hỡi Đức Giê-hô-va! sự cao-cả, quyền-năng, vinh-quang, toàn-thắng, và oai-nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa-tể của muôn vật... Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! chúng tôi cảm-tạ Chúa và ngợi-khen danh vinh-hiển của Ngài”.—1 Sử 29:11-13.

7 Chúa Giê-su cảm tạ Đức Chúa Trời về thức ăn cũng như bánh và rượu được dùng tại Bữa Tiệc Thánh của Chúa (Mat 15:36; Mác 14:22, 23). Ngoài việc bày tỏ lòng biết ơn như thế, chúng ta nên ‘cảm-tạ Đức Giê-hô-va’ về “các công-việc lạ-lùng Ngài làm cho con loài người”, về “mạng-lịnh công-bình” và lời Ngài hay thông điệp mà hiện nay có trong Kinh Thánh.—Thi 107:15; 119:62, 105.

Cầu nguyện cho người khác

8, 9. Tại sao chúng ta nên cầu nguyện cho anh em đồng đạo?

8 Chắc chắn chúng ta cầu nguyện cho chính mình, nhưng chúng ta cũng phải cầu nguyện cho người khác, ngay cả những tín đồ Đấng Christ mình không biết tên. Dù có lẽ sứ đồ Phao-lô không biết tất cả anh em ở Cô-lô-se, ông viết: “Trong khi chúng tôi cầu-nguyện cho anh em không thôi, thì cảm-tạ Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta. Vì chúng tôi đã nghe về đức-tin của anh em nơi Đức Chúa Jêsus-Christ và về sự yêu-thương của anh em đối với mọi thánh-đồ” (Cô 1:3, 4). Phao-lô cũng cầu nguyện cho anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca (2 Tê 1:11, 12). Những lời cầu nguyện như thế cho biết nhiều về chúng ta và quan điểm của chúng ta về anh em đồng đạo.

9 Việc cầu nguyện cho những người được xức dầu và bạn đồng hành của họ thuộc “chiên khác” chứng tỏ lòng quan tâm của chúng ta đối với tổ chức của Đức Chúa Trời (Giăng 10:16). Phao-lô xin anh em đồng đạo cầu nguyện để ‘Chúa ban cho ông tự-do mọi bề, bày-tỏ lẽ mầu-nhiệm của tin-lành’ (Ê-phê 6:17-20). Chúng ta có cầu nguyện như thế cho anh em đồng đạo không?

10. Cầu nguyện cho người khác có thể ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?

10 Cầu nguyện cho người khác có thể thay đổi thái độ của chúng ta đối với họ. Nếu chúng ta không thích một người nhưng cầu nguyện cho người đó, điều này sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta cư xử với người đó về sau (1 Giăng 4:20, 21). Những lời cầu nguyện như thế xây dựng và khuyến khích sự hợp nhất với anh em. Hơn nữa, những lời cầu nguyện đó cho thấy chúng ta có tình yêu thương như Đấng Christ (Giăng 13:34, 35). Đức tính ấy là một khía cạnh của trái thánh linh. Chúng ta có cầu xin Đức Giê-hô-va ban thánh linh và giúp chúng ta thể hiện trái thánh linh gồm tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ không? (Lu 11:13; Ga 5:22). Nếu có, lời nói và hành động của chúng ta sẽ cho thấy chúng ta sống và bước đi theo thánh linh.—Đọc Ga-la-ti 5:16, 25.

11. Tại sao xin người khác cầu nguyện cho chúng ta là thích hợp?

11 Nếu biết con cái bị cám dỗ gian lận trong thi cử, chúng ta nên cầu nguyện cho chúng, dùng Kinh Thánh để giúp chúng hành động chân thật và không làm bất cứ điều gì sai trái. Sứ đồ Phao-lô nói với tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô: “Chúng ta cầu-xin Đức Chúa Trời cho anh em đừng làm việc ác nào” (2 Cô 13:7). Những lời cầu nguyện khiêm nhường như thế làm Đức Giê-hô-va vui lòng và cho thấy những điều tốt đẹp nơi chúng ta. (Đọc Châm-ngôn 15:8). Chúng ta có thể xin người khác cầu nguyện cho mình, như sứ đồ Phao-lô đã làm. Ông viết: “Hãy cầu-nguyện cho chúng tôi, vì chúng tôi biết mình chắc có lương-tâm tốt, muốn ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”.—Hê 13:18.

Lời cầu nguyện cho biết thêm về chúng ta

12. Những điều gì nên là điểm chính trong lời cầu nguyện của chúng ta?

12 Lời cầu nguyện có cho thấy chúng ta là Nhân Chứng Giê-hô-va hạnh phúc và sốt sắng không? Lời cầu xin của chúng ta có tập trung chủ yếu vào việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, rao giảng thông điệp Nước Trời, biện minh cho quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và làm thánh danh Ngài không? Những điều này nên là điểm chính trong lời cầu nguyện của chúng ta, như trong lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su, bắt đầu với những lời: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh; nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!”.—Mat 6:9, 10.

13, 14. Lời cầu nguyện cho biết gì về chúng ta?

13 Lời cầu nguyện cho thấy động lực, mối quan tâm và ước muốn của chúng ta. Đức Giê-hô-va biết chúng ta là người như thế nào. Châm-ngôn 17:3 cho biết: “Nồi dót để luyện bạc, lò để luyện vàng; nhưng Đức Giê-hô-va thử lòng của loài người”. Đức Chúa Trời nhìn thấu lòng chúng ta (1 Sa 16:7). Ngài biết chúng ta cảm thấy thế nào về các buổi nhóm họp, thánh chức và các anh em đồng đạo. Đức Giê-hô-va biết chúng ta nghĩ gì về “anh em” của Đấng Christ (Mat 25:40). Ngài biết chúng ta thật sự mong muốn những điều mình cầu nguyện hay chúng ta chỉ lặp đi lặp lại. Chúa Giê-su nói: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng dùng những lời lặp vô-ích như người ngoại; vì họ [lầm] tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm”.—Mat 6:7.

14 Lời cầu nguyện cũng cho thấy chúng ta nương cậy Đức Chúa Trời đến mức nào. Đa-vít nói: “Vì Chúa đã là nơi nương-náu cho tôi, một tháp vững-bền để tránh khỏi kẻ thù-nghịch. Tôi sẽ ở trong trại Chúa mãi mãi, nương-náu mình dưới cánh của Chúa” (Thi 61:3, 4). Khi ở ‘dưới trại Đức Chúa Trời’ theo nghĩa bóng, chúng ta hưởng sự an toàn và che chở từ Ngài (Khải 7:15). Thật an ủi biết bao khi đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện với lòng tin chắc rằng Ngài ‘bênh-vực chúng ta’ trong bất kỳ thử thách nào về đức tin!—Đọc Thi-thiên 118:5-9.

15, 16. Cầu nguyện có thể giúp chúng ta nhận ra điều gì về động cơ vươn tới các đặc ân?

15 Chân thành cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về những động cơ của mình có thể giúp chúng ta nhận ra động cơ ấy thật sự là gì. Chẳng hạn, nếu muốn phục vụ với tư cách giám thị trong dân sự Đức Chúa Trời, có phải động cơ ấy xuất phát từ sự khiêm nhường, muốn giúp đỡ và hết sức phát huy quyền lợi Nước Trời không? Hay là chúng ta muốn “đứng đầu Hội-thánh” hoặc thậm chí muốn “cai-trị” người khác? Dân của Đức Giê-hô-va không nên như vậy. (Đọc 3 Giăng 9, 10; Lu-ca 22:24-27). Nếu có những ước muốn sai trái, việc chân thành cầu nguyện với Đức Giê-hô-va có thể phơi bày những ước muốn ấy và giúp chúng ta thay đổi trước khi chúng bén rễ trong lòng.

16 Những người vợ tín đồ Đấng Christ có thể rất mong muốn chồng của mình là tôi tớ thánh chức và có lẽ sau này trở thành giám thị hay trưởng lão. Những chị này có thể hành động phù hợp với cảm nghĩ mà họ trình bày trong lời cầu nguyện riêng bằng cách cố gắng có hạnh kiểm gương mẫu. Đây là điều quan trọng, vì lời nói và hành vi của các thành viên trong gia đình có thể ảnh hưởng đến quan điểm của những người trong hội thánh về người chủ gia đình đó.

Thay mặt cho người khác cầu nguyện

17. Khi cầu nguyện riêng, tại sao ở nơi yên tĩnh là thích hợp?

17 Chúa Giê-su thường tách khỏi đám đông để cầu nguyện riêng với Cha ngài (Mat 14:13; Lu 5:16; 6:12). Chúng ta cũng cần sự riêng tư như thế. Khi cầu nguyện với tấm lòng bình tịnh ở nơi yên tĩnh, chúng ta dễ có những quyết định làm hài lòng Đức Giê-hô-va và giúp chúng ta tiếp tục thờ phượng Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cũng cầu nguyện trước nhiều người. Hãy xem làm thế nào để thay mặt người khác cầu nguyện cách thích hợp.

18. Khi đại diện hội thánh cầu nguyện, các anh nên nhớ một số điểm nào?

18 Tại các buổi nhóm họp, người nam trung thành đại diện hội thánh cầu nguyện (1 Ti 2:8). Vào cuối lời cầu nguyện ấy, các anh em đồng đạo nên nói “A-men”, có nghĩa là “xin được như ý”. Tuy nhiên, để nói thế, họ phải đồng ý với lời đã được trình bày. Trong lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su không có điều gì gây sốc hoặc thiếu tế nhị (Lu 11:2-4). Ngoài ra, ngài không nêu chi tiết mọi nhu cầu hoặc vấn đề của mỗi người trong cử tọa. Các mối quan tâm cá nhân thích hợp cho lời cầu nguyện riêng chứ không cho lời cầu nguyện chung. Và khi đại diện một nhóm để cầu nguyện, chúng ta nên tránh đề cập đến những chuyện bí mật.

19. Chúng ta nên có tư thế như thế nào khi nghe người khác cầu nguyện tại buổi nhóm họp?

19 Khi được người khác đại diện cầu nguyện tại buổi nhóm họp, chúng ta cần biểu lộ lòng “kính-sợ Đức Chúa Trời” (1 Phi 2:17). Một số hành động có thể thích hợp vào thời điểm và nơi khác, nhưng sẽ không thích hợp tại buổi nhóm họp (Truyền 3:1). Chẳng hạn, một người khuyến khích mọi người trong nhóm quàng tay hay nắm tay nhau trong lúc cầu nguyện. Điều này có thể làm một vài người khó chịu hoặc phân tâm, gồm những người không cùng đức tin đến tham dự. Một số cặp vợ chồng có thể kín đáo nắm tay nhau, nhưng nếu họ ôm nhau trong lúc cầu nguyện, những người thấy điều đó có thể bị vấp phạm. Họ có thể nghĩ hoặc có ấn tượng rằng cặp vợ chồng đó chú tâm đến tình cảm lãng mạn thay vì tôn kính Đức Giê-hô-va. Thế nên, để tỏ lòng tôn kính sâu xa đối với Ngài, chúng ta hãy làm mọi điều “vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời” và tránh hành vi có thể gây phân tâm, gây sốc hoặc vấp phạm cho bất kỳ người nào.—1 Cô 10:31, 32; 2 Cô 6:3.

Cầu xin điều gì?

20. Bạn giải thích Rô-ma 8:26, 27 như thế nào?

20 Đôi khi chúng ta không biết nói gì trong lời cầu nguyện riêng. Phao-lô viết: ‘Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu-nguyện cho xứng-đáng; nhưng chính thánh-linh lấy sự thở-than không thể nói ra được mà cầu-khẩn thay cho chúng ta. Đấng dò-xét lòng người hiểu-biết ý-tưởng của thánh-linh là thể nào’ (Rô 8:26, 27). Đức Giê-hô-va đã cho ghi lại nhiều lời cầu nguyện trong Kinh Thánh. Ngài xem những lời cầu nguyện được soi dẫn ấy như là của chúng ta, thế nên Ngài nhậm lời. Đức Chúa Trời hiểu rõ chúng ta và ý nghĩa những điều mà các người viết Kinh Thánh ghi lại dưới sự soi dẫn của thánh linh. Vậy, khi thánh linh “cầu-khẩn thay cho” chúng ta, Đức Giê-hô-va nhậm những lời nài xin ấy như là của chúng ta. Nhưng khi càng quen thuộc với Lời Đức Chúa Trời, chúng ta càng dễ nghĩ đến những điều mình nên cầu nguyện.

21. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

21 Như đã đề cập, lời cầu nguyện cho biết nhiều về chúng ta, chẳng hạn như cho thấy chúng ta gần gũi với Đức Giê-hô-va và hiểu lời Ngài đến mức nào (Gia 4:8). Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét một số lời cầu nguyện và những lời tôn kính được ghi lại trong Kinh Thánh. Việc xem xét Kinh Thánh như thế sẽ ảnh hưởng thế nào đến lời cầu nguyện của chúng ta với Đức Chúa Trời?

Bạn trả lời thế nào?

• Chúng ta nên có thái độ nào khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va?

• Tại sao chúng ta nên cầu nguyện cho anh em đồng đạo?

• Lời cầu nguyện cho biết gì về chúng ta và động cơ trong lòng?

• Chúng ta nên có tư thế như thế nào khi nghe người khác cầu nguyện tại buổi nhóm họp?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 4]

Bạn có thường ca ngợi và cảm tạ Đức Giê-hô-va không?

[Hình nơi trang 6]

Lúc nghe lời cầu nguyện tại buổi nhóm họp, tư thế của chúng ta nên luôn tôn vinh Đức Giê-hô-va