Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quý trọng vị trí của bạn trong hội thánh

Quý trọng vị trí của bạn trong hội thánh

Quý trọng vị trí của bạn trong hội thánh

“Đức Chúa Trời đã sắp-đặt các chi-thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi-thể cái địa-vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ-định”.—1 CÔ 12:18.

1, 2. (a) Điều gì cho thấy mọi người trong hội thánh đều có vị trí đáng quý trọng? (b) Những câu hỏi nào sẽ được xem xét trong bài này?

Từ thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, hội chúng tức hội thánh là sự sắp đặt Đức Giê-hô-va dùng để nuôi dưỡng dân Ngài về thiêng liêng và ban cho họ sự hướng dẫn. Chẳng hạn, sau khi dân Y-sơ-ra-ên phá đổ thành A-hi, Giô-suê “đọc hết các lời luật-pháp, sự chúc lành và sự chúc dữ, y như đã chép trong sách luật-pháp... tại trước mặt cả hội-chúng Y-sơ-ra-ên”.—Giô-suê 8:34, 35.

2 Vào thế kỷ thứ nhất CN, khi nói với Ti-mô-thê, một trưởng lão đạo Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô cho biết hội thánh là “nhà Đức Chúa Trời”, “trụ và nền của lẽ thật” (1 Ti 3:15). “Nhà Đức Chúa Trời” ngày nay là đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ chân chính trên toàn cầu. Nơi chương 12 của lá thư đầu tiên gửi cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô, Phao-lô ví hội thánh với một thân thể. Ông nói dù mỗi chi thể có vai trò khác nhau, tất cả đều cần thiết. Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời đã sắp-đặt các chi-thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi-thể cái địa-vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ-định”. Thậm chí, ông cho thấy “chi-thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn-hạ hơn, thì chúng ta tôn-trọng hơn” (1 Cô 12:18, 23). Vì vậy, vai trò của một người ngay thẳng trong nhà Đức Chúa Trời không cao trọng cũng không hèn hạ hơn vai trò một tín đồ trung thành khác, nó chỉ khác nhau. Vậy, làm thế nào chúng ta có được vị trí trong hội thánh và quý trọng vị trí ấy? Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến vị trí của chúng ta? Làm sao chúng ta có thể ‘cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của mình’?—1 Ti 4:15.

Làm thế nào chúng ta quý trọng vị trí của mình?

3. Một cách để chúng ta có và cho thấy mình quý trọng vị trí trong hội thánh là gì?

3 Một cách để có được vị trí trong hội thánh và cho thấy chúng ta quý trọng vị trí ấy là hoàn toàn hợp tác với “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cùng Hội đồng lãnh đạo đại diện cho lớp người đó. (Đọc Ma-thi-ơ 24:45-47). Chúng ta cần xem xét phản ứng của mình đối với sự hướng dẫn từ lớp đầy tớ. Chẳng hạn, trong nhiều năm, chúng ta nhận được sự hướng dẫn rõ ràng về ngoại diện chỉnh tề, giải trí và sử dụng Internet. Chúng ta có cẩn thận làm theo lời khuyên tốt lành ấy để được bảo vệ về thiêng liêng không? Nói sao về lời khuyên lập một chương trình đều đặn cho buổi thờ phượng của gia đình? Chúng ta có ghi vào lòng lời khuyên đó và dành một buổi tối cho buổi thờ phượng ấy không? Nếu còn độc thân, chúng ta có dành thời gian cho việc học hỏi Kinh Thánh cá nhân không? Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho cá nhân và gia đình nếu theo sự hướng dẫn của lớp đầy tớ.

4. Khi đứng trước những vấn đề cá nhân, chúng ta nên xem xét điều gì?

4 Một số người có thể lý luận rằng những lĩnh vực như giải trí và ngoại diện là vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, đối với tín đồ Đấng Christ quý trọng vị trí mình trong hội thánh, sở thích riêng không là yếu tố duy nhất chi phối các quyết định. Đặc biệt, chúng ta phải suy xét theo quan điểm của Đức Giê-hô-va được ghi lại trong Lời Ngài, tức Kinh Thánh. Thông điệp trong Kinh Thánh nên là ‘ngọn đèn cho chân chúng ta, ánh sáng cho đường-lối chúng ta’ (Thi 119:105). Chúng ta cũng khôn ngoan xem xét những lựa chọn liên quan đến sở thích cá nhân ảnh hưởng thế nào đến thánh chức của mình và đến người khác, cả trong lẫn ngoài hội thánh.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 6:3, 4.

5. Tại sao chúng ta nên tránh tinh thần độc lập?

5 “Thần hiện đương hành-động trong các con bạn-nghịch” lan rộng khắp nơi đến nỗi giống như không khí chúng ta thở (Ê-phê 2:2). Thần hay tinh thần đó có thể khiến chúng ta nghĩ rằng mình không cần sự hướng dẫn đến từ tổ chức của Đức Giê-hô-va. Chắc chắn chúng ta không muốn mình như Đi-ô-trép, người “không chịu nhìn nhận thẩm quyền” của sứ đồ Giăng (3 Giăng 9, 10, Bản Diễn Ý). Chúng ta cần tránh tinh thần độc lập, không để nó nảy sinh trong lòng. Qua lời nói hay hành động, mong sao chúng ta không bao giờ chống lại lớp người ngày nay được Đức Giê-hô-va dùng để thông tri (Dân 16:1-3). Ngược lại, chúng ta nên quý trọng đặc ân hợp tác với lớp đầy tớ. Vậy, chẳng phải chúng ta nên cố gắng vâng lời và phục tùng những người dẫn đầu trong hội thánh địa phương sao?—Đọc Hê-bơ-rơ 13:7, 17.

6. Tại sao chúng ta nên xem xét hoàn cảnh cá nhân?

6 Một cách khác cho thấy chúng ta quý trọng vị trí của mình trong hội thánh là xem xét kỹ hoàn cảnh cá nhân, cố gắng hết sức “làm vinh-hiển chức-vụ mình” và đem lại sự ca ngợi cho Đức Giê-hô-va (Rô 11:13). Một số người có thể làm tiên phong đều đều. Những người khác phụng sự trong những khía cạnh khác của thánh chức trọn thời gian như giáo sĩ, giám thị lưu động và thành viên gia đình Bê-tên trên khắp đất. Có nhiều anh chị giúp đỡ trong việc xây cất Phòng Nước Trời. Phần lớn dân Đức Giê-hô-va cố gắng hết sức để chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho gia đình và tham gia hoạt động rao giảng mỗi tuần. (Đọc Cô-lô-se 3:23, 24). Chúng ta có thể tin chắc rằng khi sẵn sàng và nỗ lực phụng sự Ngài hết lòng, chúng ta luôn có một vị trí trong hội thánh.

Những yếu tố ảnh hưởng đến vị trí của chúng ta

7. Hãy giải thích hoàn cảnh có thể ảnh hưởng thế nào đến vị trí của chúng ta trong hội thánh.

7 Thật quan trọng để xem xét kỹ hoàn cảnh của mình, vì trong mức độ nào đó, vị trí của chúng ta trong hội thánh tùy thuộc vào khả năng hay hoàn cảnh. Chẳng hạn trong một số khía cạnh, vị trí của một anh khác với một chị trong hội thánh. Tuổi tác, sức khỏe và những yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến khả năng của chúng ta trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Châm-ngôn 20:29 cho biết: “Sức-lực của gã trai-trẻ là vinh-hiển của người; còn tóc bạc là sự tôn-trọng của ông già”. Những người trẻ trong hội thánh có thể làm nhiều việc đòi hỏi sức lực hơn vì họ có sức trẻ, trong khi người lớn tuổi mang lại nhiều lợi ích cho hội thánh vì họ có sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Chúng ta cũng cần nhớ rằng bất cứ việc gì mình làm được trong tổ chức Đức Giê-hô-va tùy thuộc vào ân điển Ngài.—Công 14:26; Rô 12:6-8.

8. Ước muốn ảnh hưởng đến những điều chúng ta làm trong hội thánh tới mức nào?

8 Minh họa về hai chị em ruột nêu bật một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến vị trí chúng ta sẽ có trong hội thánh. Cả hai đều tốt nghiệp trung học. Họ ở trong cùng một hoàn cảnh. Cha mẹ cố gắng khuyến khích hai chị em vươn tới mục tiêu làm tiên phong đều đều sau khi học xong. Sau khi tốt nghiệp, một chị làm tiên phong còn người kia làm việc ngoài đời trọn thời gian. Điều gì khác biệt ở đây? Đó là ước muốn. Cuối cùng, mỗi người làm theo điều mình muốn. Chẳng phải điều đó cũng đúng với đa số chúng ta sao? Chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về những điều mình muốn làm để phụng sự Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể gia tăng thánh chức không, dù điều này đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh hoàn cảnh của mình?—2 Cô 9:7.

9, 10. Chúng ta nên làm gì nếu không có ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn?

9 Nếu chúng ta không có ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn và có khuynh hướng phụng sự vừa đủ trong hội thánh thì sao? Trong thư gửi tín đồ ở Phi-líp, Phao-lô viết: “Chính Đức Chúa Trời cảm-động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va có thể tác động đến lòng và ảnh hưởng tới ước muốn của chúng ta.—Phi-líp 2:13; 4:13.

10 Vậy, chẳng phải chúng ta nên xin Đức Giê-hô-va giúp chúng ta muốn làm theo ý Ngài sao? Vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên xưa đã làm thế. Ông cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài, và dạy-dỗ tôi các nẻo-đàng Ngài. Xin hãy dẫn tôi trong lẽ thật của Ngài, và dạy-dỗ tôi, vì Ngài là Đức Chúa Trời về sự cứu-rỗi tôi, hằng ngày tôi trông-đợi Ngài” (Thi 25:4, 5). Chúng ta cũng có thể làm thế qua việc cầu xin Đức Giê-hô-va giúp chúng ta muốn làm vui lòng Ngài. Khi suy ngẫm việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài nghĩ thế nào về những điều chúng ta làm vì hai Đấng đó, lòng chúng ta tràn đầy sự biết ơn (Mat 26:6-10; Lu 21:1-4). Lòng biết ơn ấy có thể thôi thúc chúng ta nài xin Đức Giê-hô-va giúp chúng ta muốn tiến bộ về thiêng liêng. Nhà tiên tri Ê-sai đã nêu gương về thái độ mà chúng ta nên vun trồng. Khi nghe Đức Giê-hô-va hỏi: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?”, ông trả lời: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”.—Ê-sai 6:8.

Làm thế nào để tiến bộ?

11. (a) Tại sao cần có các anh vươn tới những trách nhiệm trong tổ chức? (b) Làm thế nào một anh có thể vươn tới các đặc ân trong hội thánh?

11 Với 289.678 người đã báp-têm trên khắp thế giới trong năm công tác 2008, rõ ràng rất cần có các anh để dẫn đầu. Làm thế nào một anh đáp ứng được nhu cầu này? Đó là cố gắng hội đủ điều kiện mà Kinh Thánh đề ra cho các tôi tớ thánh chức và trưởng lão (1 Ti 3:1-10, 12, 13; Tít 1:5-9). Làm thế nào một anh có thể nỗ lực để đạt những tiêu chuẩn trong Kinh Thánh? Qua việc tích cực tham gia thánh chức, siêng năng chu toàn các trách nhiệm trong hội thánh, cố gắng cải thiện phẩm chất lời bình luận tại các buổi nhóm họp và quan tâm đến anh em đồng đạo. Anh cho thấy anh quý trọng vị trí của mình trong hội thánh.

12. Làm thế nào những người trẻ cho thấy lòng sốt sắng của họ với lẽ thật?

12 Những anh trẻ, đặc biệt ở độ tuổi thanh thiếu niên, có thể làm gì để tiến bộ trong hội thánh? Họ có thể nỗ lực thu thập sự “khôn-ngoan và hiểu-biết thiêng-liêng” bằng cách học Kinh Thánh (Cô 1:9). Việc siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời và tích cực tham gia trong các buổi họp chắc chắn sẽ giúp họ đạt được điều ấy. Người trẻ cũng có thể tiến bộ bằng cách cố gắng hội đủ điều kiện để vào “cái cửa lớn mở toang ra” trong nhiều khía cạnh của việc phụng sự trọn thời gian (1 Cô 16:9). Theo đuổi sự nghiệp phụng sự trọn thời gian là một lối sống thật sự thỏa lòng và một đường lối mang lại vô vàn ân phước.—Đọc Truyền-đạo 12:1.

13, 14. Các chị cho thấy họ quý trọng vai trò của mình trong hội thánh qua những cách nào?

13 Các chị cũng có thể cho thấy họ quý trọng đặc ân góp phần làm ứng nghiệm lời ghi nơi Thi-thiên 68:11: “Chúa truyền mạng-lịnh ra: Các người đàn-bà báo tin thật một đoàn đông lắm”. Một trong những cách nổi bật các chị có thể biểu lộ lòng biết ơn về vị trí của họ trong hội thánh là tham gia công việc đào tạo môn đồ (Mat 28:19, 20). Vì thế, qua việc tham gia đầy đủ vào thánh chức và sẵn sàng hy sinh cho công việc ấy, các chị chứng tỏ họ quý trọng vai trò của mình trong hội thánh.

14 Trong thư gửi cho Tít, Phao-lô viết: “Các bà già cũng vậy, phải có thái-độ hiệp với sự thánh;... phải lấy điều khôn-ngoan dạy-bảo; phải dạy đàn-bà trẻ tuổi biết yêu chồng con mình, có nết-na, trinh-chánh, trông-nom việc nhà; lại biết ở lành, vâng-phục chồng mình, hầu cho đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê-bai nào” (Tít 2:3-5). Các chị thành thục trong hội thánh có ảnh hưởng tốt biết bao! Qua việc tôn trọng các anh dẫn đầu và có quyết định khôn ngoan trong các lĩnh vực của đời sống như về ngoại diện và giải trí, các chị nêu gương tốt cho người khác và cho thấy họ rất quý trọng vị trí của mình trong hội thánh.

15. Một chị độc thân có thể làm gì để đối phó với sự cô đơn?

15 Đôi khi một chị độc thân có thể thấy khó tìm được vị trí của mình trong hội thánh. Một chị đã trải qua kinh nghiệm này cho biết: “Đời sống độc thân đôi khi rất cô đơn”. Khi được hỏi làm sao chị đối phó với tình huống ấy, chị nói: “Cầu nguyện và học hỏi giúp tôi tìm lại vị trí của mình. Tôi học biết quan điểm của Đức Giê-hô-va đối với tôi. Rồi tôi cố gắng chủ động giúp đỡ anh chị khác trong hội thánh. Điều này giúp tôi không nghĩ nhiều về mình”. Theo Thi-thiên 32:8, Đức Giê-hô-va phán với Đa-vít: “Mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va quan tâm đến mọi tôi tớ Ngài, kể cả những chị độc thân, và Ngài sẽ giúp mọi người tìm được vị trí của mình trong hội thánh.

Hãy gìn giữ vị trí của bạn!

16, 17. (a) Tại sao nhận lời mời vào tổ chức của Đức Giê-hô-va là quyết định khôn ngoan nhất của chúng ta? (b) Làm thế nào chúng ta có thể gìn giữ vị trí của mình trong tổ chức Đức Giê-hô-va?

16 Đức Giê-hô-va yêu thương thu hút mỗi người phụng sự Ngài, để họ có được mối quan hệ với Ngài. Chúa Giê-su nói: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta” (Giăng 6:44). Ngày nay, trong số hàng tỉ người sống trên đất, Đức Giê-hô-va mời mỗi người chúng ta vào hội thánh của Ngài. Nhận lời mời này là quyết định khôn ngoan nhất của chúng ta. Nhờ thế, đời sống chúng ta có mục đích và ý nghĩa. Vậy, có một vị trí trong hội thánh quả thật đem lại niềm vui và thỏa nguyện biết bao!

17 Người viết Thi-thiên nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi ưa nơi-ở của nhà Ngài”. Ông cũng hát: “Chân tôi đứng trên đường bằng-thẳng; tôi sẽ ngợi-khen Đức Giê-hô-va trong các hội-chúng” (Thi 26:8, 12). Đức Chúa Trời dành cho mỗi người chúng ta một vị trí trong tổ chức Ngài. Qua việc tiếp tục làm theo sự hướng dẫn của tổ chức ấy và bận rộn trong việc phụng sự Ngài, chúng ta gìn giữ vị trí đáng quý của mình trong hội thánh của Đức Giê-hô-va.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao kết luận rằng mọi tín đồ Đấng Christ đều có vị trí trong hội thánh là hợp lý?

• Làm thế nào cho thấy chúng ta quý trọng vị trí của mình trong tổ chức Đức Chúa Trời?

• Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến vị trí của chúng ta trong hội thánh?

• Làm thế nào các tín đồ trẻ tuổi và các tín đồ trưởng thành có thể cho thấy họ quý trọng vị trí của mình trong hội thánh?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16]

Làm thế nào các anh có thể vươn tới những đặc ân trong hội thánh?

[Hình nơi trang 17]

Các chị có thể cho thấy họ quý trọng vị trí của mình trong hội thánh như thế nào?