Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi tớ Đức Chúa Trời cư xử lịch sự

Tôi tớ Đức Chúa Trời cư xử lịch sự

Tôi tớ Đức Chúa Trời cư xử lịch sự

“Hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời”.—Ê-PHÊ 5:1.

1, 2. (a) Tại sao cư xử lịch sự là quan trọng? (b) Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận điều gì?

Tác giả Sue Fox viết về việc tôn trọng lẫn nhau: “Nên luôn tỏ ra lịch sự. Mọi lúc mọi nơi, sự lễ độ luôn đem lại kết quả tốt”. Khi người ta quen cư xử lịch sự, các vấn đề với người khác sẽ giảm đi và thường không còn nữa. Nếu không, sẽ có hậu quả ngược lại. Đối xử thô lỗ với người khác dẫn đến xung đột, thù hằn và buồn rầu.

2 Nói chung, cách cư xử lịch sự rất phổ biến trong hội thánh đạo Đấng Christ. Tuy nhiên, chúng ta phải đề phòng để không tiêm nhiễm lối cư xử xấu thường thấy trong thế gian. Hãy xem làm thế nào việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh trong lĩnh vực này có thể bảo vệ chúng ta không nhiễm lối cư xử xấu và thu hút người ta đến với sự thờ phượng thật. Để hiểu cư xử lịch sự bao hàm điều gì, hãy xem gương của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài.

Đức Giê-hô-va và Con Ngài—Gương mẫu về cách cư xử lịch sự

3. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã nêu gương nào về cách cư xử lịch sự?

3 Giê-hô-va Đức Chúa Trời nêu gương hoàn hảo về cách cư xử lịch sự. Dù là Đấng Tối Thượng của vũ trụ, Ngài đối đãi với con người cách nhân từ và tôn trọng. Khi nói với Áp-ra-ham và Môi-se nơi Sáng-thế Ký 13:14 và Xuất Ê-díp-tô Ký 4:6, Đức Giê-hô-va có dùng một từ trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ được viết dưới dạng là một yêu cầu lịch sự, chứ không phải một mệnh lệnh. Khi tôi tớ Ngài phạm tội, Đức Giê-hô-va “hay thương-xót và làm ơn, chậm nóng-giận, có sự nhân-từ và sự chân-thật dư-dật” (Thi 86:15). Ngài không như một số người nổi cơn thịnh nộ khi người khác không đáp ứng đúng như lòng họ mong đợi.

4. Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va khi người khác nói với mình?

4 Chúng ta cũng thấy Đức Chúa Trời cư xử lịch sự qua cách Ngài lắng nghe con người. Khi Áp-ra-ham nêu lên các câu hỏi liên quan đến dân thành Sô-đôm, Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn trả lời từng câu một (Sáng 18:23-32). Ngài không cho rằng mối quan tâm của Áp-ra-ham làm Ngài mất thời gian. Đức Giê-hô-va lắng nghe lời cầu nguyện của tôi tớ Ngài và tiếng thở than của những người phạm tội biết ăn năn. (Đọc Thi-thiên 51:11, 17). Chẳng phải chúng ta nên noi gương Đức Giê-hô-va qua việc lắng nghe người khác sao?

5. Việc noi gương sự nhã nhặn của Chúa Giê-su giúp chúng ta cải thiện mối quan hệ với người khác như thế nào?

5 Một trong những điều Chúa Giê-su đã học nơi Cha ngài là sự nhã nhặn. Dù có những lúc Chúa Giê-su phải dành nhiều thời gian và năng lực cho thánh chức, ngài luôn kiên nhẫn và tử tế. Người phung, người mù nghèo khổ và người thiếu thốn đều thấy Chúa Giê-su sẵn lòng giúp đỡ họ. Chúa Giê-su không thờ ơ dù họ đến gặp ngài mà không hẹn trước. Chúa Giê-su thường ngưng công việc đang làm để giúp người đau khổ. Ngài vô cùng quan tâm đến người tin nơi ngài (Mác 5:30-34; Lu 18:35-41). Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta noi gương Chúa Giê-su qua việc tử tế và giúp đỡ người ta. Những hành động ấy được người thân, hàng xóm và những người khác chú ý, đồng thời mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va và làm chúng ta hạnh phúc.

6. Chúa Giê-su đã nêu gương nào về sự thân thiện và nồng ấm?

6 Chúa Giê-su cũng cho thấy ngài tôn trọng người ta qua việc dùng tên của họ. Những nhà lãnh đạo Do Thái giáo có tôn trọng người khác như thế không? Không. Họ xem những người không biết Luật Pháp là “dân đáng rủa” và đối xử tệ với họ (Giăng 7:49). Con của Đức Chúa Trời thì không như thế. Ma-thê, Ma-ri, Xa-chê và nhiều người khác đã nghe ngài gọi họ bằng tên riêng (Lu 10:41, 42; 19:5). Dù ngày nay có thể xưng hô theo phong tục và hoàn cảnh, tôi tớ Đức Giê-hô-va luôn cố gắng thân thiện với người khác *. Họ không để sự phân biệt giai cấp ảnh hưởng đến lòng tôn trọng đối với những người xứng đáng ở trong và ngoài hội thánh.—Đọc Gia-cơ 2:1-4.

7. Làm thế nào các nguyên tắc Kinh Thánh giúp chúng ta đối xử nhã nhặn với người đồng loại ở mọi nơi?

7 Việc Đức Chúa Trời và Con Ngài đối xử nhân từ với dân các nước, các nhóm sắc tộc cho thấy hai Đấng ấy tôn trọng những người này và qua đó thu hút những ai có lòng thành đến với lẽ thật. Dĩ nhiên, cách cư xử được xem là lịch sự thay đổi tùy theo vùng. Vì vậy, liên quan đến phép lịch sự, chúng ta không theo những quy luật cứng nhắc. Thay vì thế, trong việc tôn trọng người đồng loại ở mọi nơi, chúng ta để nguyên tắc Kinh Thánh giúp mình thích nghi với hoàn cảnh. Hãy xem làm thế nào việc đối xử nhã nhặn với người khác có thể giúp chúng ta hữu hiệu hơn trong thánh chức.

Chào hỏi và nói chuyện với người ta

8, 9. (a) Thói quen nào có thể bị người khác xem là khiếm nhã? (b) Tại sao những lời của Chúa Giê-su được ghi nơi Ma-thi-ơ 5:47 nên ảnh hưởng đến cách chúng ta đối xử với người khác?

8 Trong cuộc sống hối hả như thường thấy ở nhiều nơi ngày nay, hai người thường đi ngang qua mà không nói “xin chào”. Dĩ nhiên, không cần chào hỏi mọi người trên vỉa hè đông đúc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chào hỏi nhau là điều thích hợp và nên làm. Bạn có thói quen chào hỏi người khác không? Hay bạn thường đi qua mà không mỉm cười hoặc nói một lời vui vẻ? Dù không có ý xấu, một người có thể hình thành một thói quen thật ra là khiếm nhã.

9 Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta về vấn đề này, ngài nói: “Nếu các ngươi tiếp-đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao?” (Mat 5:47). Về việc này, nhà tư vấn Donald Weiss viết: “Người ta bực bội khi người khác làm ra vẻ không thấy mình. Không có lý do chính đáng nào để lờ đi người khác. Giải pháp rất đơn giản: Chào hỏi người ta. Nói chuyện với họ”. Nếu không tỏ ra xa cách hay lạnh nhạt khi đối xử với người khác, chúng ta sẽ gặt hái kết quả tốt.

10. Cách cư xử lịch sự có thể giúp chúng ta hữu hiệu trong thánh chức như thế nào? (Xem khung “Bắt đầu bằng nụ cười nồng ấm”).

10 Hãy xem trường hợp của cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ là Tom và Carol, sống trong một thành phố lớn ở Bắc Mỹ. Trò chuyện vui vẻ với người ta là một phần trong thánh chức của họ. Họ làm như thế bằng cách nào? Đề cập đến Gia-cơ 3:18, anh Tom nói: “Chúng tôi cố gắng thân thiện và hòa thuận với người ta. Khi thấy người ta ở ngoài sân hay đang làm việc trong vùng đó, chúng tôi tiến đến, mỉm cười và chào hỏi. Chúng tôi nói về những điều họ yêu thích như con cái, nhà cửa, việc làm, con chó. Với thời gian, họ xem chúng tôi là bạn”. Chị Carol cho biết thêm: “Lần sau đến thăm, chúng tôi cho biết tên và hỏi tên của họ. Dù cho biết mình đang làm gì trong khu vực nhưng chúng tôi vẫn giữ cuộc trò chuyện thật ngắn gọn. Cuối cùng, chúng tôi có thể nói với họ về tin mừng”. Giờ đây, nhiều người trong số đó tin cậy vợ chồng anh Tom. Phần lớn đã nhận các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, và một số người tỏ ra chú ý đến việc học lẽ thật.

Cư xử lịch sự trong những hoàn cảnh khó khăn

11, 12. Khi rao giảng tin mừng, tại sao việc chúng ta bị ngược đãi không có gì lạ? Khi ấy, chúng ta nên phản ứng thế nào?

11 Khi rao giảng tin mừng, có những lúc chúng ta bị đối xử thiếu lịch sự. Điều này không có gì lạ, vì Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đồ: “Nếu họ đã bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi” (Giăng 15:20). Tuy nhiên, trả đũa những lời khinh thường của người khác không đem lại kết quả tốt. Vậy, chúng ta nên phản ứng thế nào? Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường-thường sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy trong anh em, song phải hiền-hòa và kính-sợ” (1 Phi 3:15). Cư xử lịch sự—đáp lại một cách hòa nhã và tôn trọng—có thể thay đổi thái độ của những người xúc phạm chúng ta.—Tít 2:7, 8.

12 Chúng ta có thể chuẩn bị cách phản ứng trước những lời tiêu cực sao cho được Đức Chúa Trời chấp nhận không? Có. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào” (Cô 4:6). Nếu quen nói năng và cư xử lịch sự với các thành viên trong gia đình, bạn học, đồng nghiệp, các anh chị trong hội thánh và những người hàng xóm, chúng ta dễ phản ứng thích hợp với tư cách tín đồ Đấng Christ trước những người chế giễu và xúc phạm mình.—Đọc Rô-ma 12:17-21.

13. Hãy cho thí dụ về cách cư xử lịch sự có thể thay đổi thái độ của những người chống đối.

13 Cư xử lịch sự trong những tình huống khó khăn đem lại kết quả tốt. Chẳng hạn tại Nhật Bản, một Nhân Chứng bị chủ nhà lẫn khách của ông chế nhạo. Anh rời nhà đó với thái độ nhã nhặn. Khi rao giảng tiếp trong khu vực ấy, anh để ý thấy người khách đang quan sát mình. Khi anh tiến đến chỗ ông, ông nói: “Tôi xin lỗi về những gì đã xảy ra. Dù chúng tôi nói những lời khiếm nhã với anh, tôi để ý anh vẫn mỉm cười. Tôi phải làm gì để được như anh?”. Vì bị mất việc và mẹ ông mới qua đời nên ông mất hết mọi hy vọng có được hạnh phúc. Anh Nhân Chứng mời ông tìm hiểu Kinh Thánh, và ông đồng ý. Không lâu sau, ông học hai lần một tuần.

Cách tốt nhất để vun trồng lối ứng xử lịch sự

14, 15. Vào thời Kinh Thánh, các tôi tớ Đức Giê-hô-va đã rèn luyện con cái như thế nào?

14 Vào thời Kinh Thánh, cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời đảm bảo rằng con cái họ học được những điều cơ bản về phép lịch sự trong gia đình. Hãy lưu ý cách xưng hô lịch sự giữa Áp-ra-ham và con ông là Y-sác như được ghi nơi Sáng-thế Ký 22:7. Rõ ràng Giô-sép đã được cha mẹ giáo dục chu đáo. Khi bị giam, ông đã đối xử nhã nhặn ngay cả với những người đồng tù (Sáng 40:8, 14). Khi thưa chuyện với Pha-ra-ôn, Giô-sép cho thấy ông biết cách xưng hô đúng đắn với người có địa vị cao.—Sáng 41:16, 33, 34.

15 Trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên có điều này: “Hãy hiếu-kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất 20:12). Một cách để con cái tôn trọng cha mẹ là có lối ứng xử lịch sự trong gia đình. Dù trong tình huống khó khăn, con gái của Giép-thê tỏ lòng tôn kính sâu xa đối với cha qua việc làm tròn lời thề của ông.—Quan 11:35-40.

16-18. (a) Cha mẹ có thể dạy con cư xử lịch sự như thế nào? (b) Dạy con cái cư xử lịch sự mang lại những lợi ích nào?

16 Cha mẹ dạy con cư xử đúng đắn là điều vô cùng quan trọng. Để thành công khi trưởng thành, con cái cần học cách chào hỏi khách đến thăm, trả lời điện thoại và dùng bữa với người khác. Cha mẹ phải dạy con hiểu tại sao chúng nên nhường chỗ cho người lớn tuổi, tử tế với người cao tuổi, người bệnh và ngỏ lời giúp đỡ những người đang mang vật nặng. Chúng cần phải hiểu tầm quan trọng của việc thành thật nói những lời như “làm ơn”, “cảm ơn”, “không có gì”, “cháu giúp được gì?” và “cháu xin lỗi”.

17 Dạy con cái cư xử lịch sự không nhất thiết là khó. Cách tốt nhất là cha mẹ nên làm gương. Anh Kurt, 25 tuổi, cho biết làm thế nào bốn anh em biết cách cư xử đúng đắn. Anh nói: “Chúng tôi lắng nghe và xem cách bố mẹ nói năng tử tế với nhau. Chúng tôi thấy họ kiên nhẫn và quan tâm đến người khác. Trước và sau buổi nhóm họp tại Phòng Nước Trời, bố dẫn tôi đi chào và nói chuyện với các bác lớn tuổi. Tôi lắng nghe cách bố chào hỏi và thấy ông kính trọng những bác ấy”. Anh Kurt nói tiếp: “Theo thời gian, cách cư xử lịch sự của bố trở nên cách cư xử của tôi. Thế nên, đối xử nhã nhặn với người khác là điều tự nhiên đối với tôi. Đó không là cách mình phải làm, nhưng là cách mình muốn làm”.

18 Cha mẹ dạy con cư xử lịch sự sẽ mang lại kết quả nào? Chúng sẽ dễ dàng kết bạn và hòa thuận với người khác. Chúng sẽ được trang bị để làm việc tốt với chủ và đồng nghiệp. Hơn nữa, con cái biết cư xử lịch sự và ngay thẳng sẽ mang lại niềm vui và sự thỏa lòng cho cha mẹ.—Đọc Châm-ngôn 23:24, 25.

Cư xử lịch sự làm chúng ta khác với thế gian

19, 20. Tại sao chúng ta nên quyết tâm noi gương Đức Chúa Trời nhân từ và Con Ngài?

19 Phao-lô viết: “Hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con-cái rất yêu-dấu của Ngài” (Ê-phê 5:1). Noi gương Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài bao hàm việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh, như những nguyên tắc chúng ta xem xét trong bài này. Làm thế, chúng ta sẽ tránh hành động giả hình là cư xử lịch sự để được lòng người có địa vị hoặc được lợi về vật chất.—Giu 16.

20 Trong những ngày cuối cùng của thế gian hung ác do Sa-tan cai trị, hắn quyết tâm hủy bỏ những tiêu chuẩn Đức Giê-hô-va đã thiết lập về việc tôn trọng người khác. Nhưng, Sa-tan Ma-quỉ sẽ không làm tín đồ Đấng Christ chân chính mất đi lối cư xử lịch sự. Mong sao mỗi người trong chúng ta quyết tâm noi gương Đức Chúa Trời nhân từ và Con Ngài. Vậy, lời nói và cách cư xử của chúng ta luôn tương phản với hành động của những người cố ý khiếm nhã. Chúng ta sẽ mang lại sự ngợi khen cho danh Đức Giê-hô-va, Đấng luôn cư xử lịch sự, và thu hút những người có lòng thành đến với sự thờ phượng thật.

[Chú thích]

^ đ. 6 Trong một số nền văn hóa, gọi người lớn tuổi hơn bằng tên bị xem là khiếm nhã trừ khi được phép. Tín đồ Đấng Christ nên tôn trọng những phong tục ấy.

Bạn có nhớ không?

• Về cách cư xử lịch sự, chúng ta học được gì từ Đức Giê-hô-va và Con Ngài?

• Tại sao việc chào hỏi thân thiện gây ấn tượng tốt về chúng ta, là những tín đồ Đấng Christ?

• Cách cư xử nhã nhặn giúp chúng ta hữu hiệu trong thánh chức như thế nào?

• Cha mẹ có vai trò gì trong việc dạy con cái cư xử lịch sự?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 27]

Bắt đầu bằng nụ cười nồng ấm

Nhiều người ngần ngại bắt đầu cuộc trò chuyện với người lạ. Tuy nhiên, vì yêu thương Đức Chúa Trời và người đồng loại, Nhân Chứng Giê-hô-va nỗ lực học cách trò chuyện nhằm chia sẻ lẽ thật của Kinh Thánh với người khác. Điều gì có thể giúp bạn cải thiện về phương diện này?

Một nguyên tắc quý giá được ghi nơi Phi-líp 2:4: “Chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”. Vậy, hãy suy nghĩ về những lời ấy: Nếu bạn chưa bao giờ gặp một người nào đó, người ấy xem bạn là người lạ. Bằng cách nào bạn có thể làm cho người đó cảm thấy thoải mái? Một nụ cười nồng ấm và lời chào thân thiện có thể có tác dụng. Tuy nhiên, còn có một số điều chúng ta phải nghĩ đến.

Khi cố gắng bắt chuyện với một người, có thể bạn đã ngắt dòng suy nghĩ của người đó. Nếu cố gắng thảo luận về những điều bạn quan tâm mà không để ý đến suy nghĩ của người kia, có lẽ người ấy sẽ không hưởng ứng. Vì vậy, nếu có thể biết điều người ấy đang suy nghĩ, tại sao bạn không bắt chuyện dựa trên đề tài đó? Chúa Giê-su đã làm như thế khi ngài gặp người đàn bà Sa-ma-ri tại giếng nước (Giăng 4:7-26). Bà ấy đang nghĩ về nước và Chúa Giê-su lấy đề tài đó để bắt chuyện. Rồi ngài nhanh chóng chuyển cuộc trò chuyện ấy sang cuộc thảo luận sống động về thiêng liêng.

[Hình nơi trang 26]

Tỏ ra thân thiện với người ta có thể mở đầu cho việc làm chứng

[Hình nơi trang 28]

Cư xử lịch sự luôn là điều thích hợp