Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Yêu quý các anh chị khiếm thính!

Yêu quý các anh chị khiếm thính!

Yêu quý các anh chị khiếm thính!

Ngày nay, dân Đức Chúa Trời hợp thành đại gia đình gồm các anh chị thiêng liêng, noi gương trung thành của những người thời xưa như Sa-mu-ên, Đa-vít, Sam-sôn, Ra-háp, Môi-se, Áp-ra-ham, Sa-ra, Nô-ê và A-bên. Trong số những người thuộc đại gia đình này, có nhiều người khiếm thính. Chẳng hạn, hai người đầu tiên trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va ở Mông Cổ là cặp vợ chồng khiếm thính. Nhờ lòng trung kiên của những anh chị em đồng đạo khiếm thính ở Nga, chúng ta đã thắng một vụ kiện ở Tòa án Nhân quyền châu Âu.

Trong thời hiện đại, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp các ấn phẩm bằng ngôn ngữ ký hiệu và thành lập những hội thánh cũng như tổ chức các hội nghị bằng ngôn ngữ ấy (Mat 24:45). Những điều này mang lại lợi ích rất nhiều cho các anh em khiếm thính *. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, trước khi nhận được những sự cung cấp ấy, làm thế nào người khiếm thính học biết sự thật về Đức Chúa Trời và tiến bộ trong lẽ thật? Có bao giờ bạn nghĩ mình có thể làm gì để giúp người khiếm thính trong cộng đồng?

Trước khi có những sự cung cấp hiện nay

Nếu bạn hỏi một số người khiếm thính cao tuổi về việc làm sao họ biết Đức Chúa Trời, họ sẽ trả lời thế nào? Họ có thể cho bạn biết cảm xúc khi lần đầu tiên được biết Đức Chúa Trời có một danh. Lẽ thật đơn giản đó đã thay đổi đời sống và nâng đỡ họ trong nhiều năm, trước khi băng video hay DVD bằng ngôn ngữ ký hiệu được phát hành để giúp họ hiểu những lẽ thật sâu xa hơn. Họ có thể giải thích khi tham gia các buổi họp mà không có người dịch ra ngôn ngữ ký hiệu là thế nào đối với họ. Thay vì có người phiên dịch, một anh hay chị đã ngồi cạnh họ và ghi chép trên giấy nhằm giúp họ hiểu những điều được trình bày. Một anh khiếm thính đã học lẽ thật Kinh Thánh qua cách này suốt bảy năm cho đến khi có người phiên dịch cho anh.

Những Nhân Chứng khiếm thính cao tuổi nhớ lại việc rao giảng cho những người nghe được là như thế nào. Một tay họ cầm phiếu nhỏ ghi sẵn những lời trình bày ngắn gọn, tay kia họ cầm tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! số mới nhất. Một người khiếm thính điều khiển học hỏi Kinh Thánh với người khiếm thính khác là điều rất khó, vì phải dùng các ấn phẩm mà cả hai không hiểu rõ. Những người công bố khiếm thính cao tuổi có thể nhớ lại tâm trạng nản lòng khi người khác không hiểu họ, vì thế họ cũng không thể trình bày nhiều hơn lẽ thật về Kinh Thánh. Họ cũng yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm nhưng không thể tự tin áp dụng những gì họ đã học. Tại sao? Bởi vì họ không chắc sự hiểu biết của mình về một vấn đề nào đó là chính xác.

Dù có những trở ngại nói trên, các anh chị khiếm thính đã giữ vững lòng trung kiên (Gióp 2:3). Họ thiết tha chờ đợi Đức Giê-hô-va (Thi 37:7). Và giờ đây Ngài ban phước dồi dào hơn lòng họ mong đợi.

Hãy xem xét những nỗ lực của một anh khiếm thính, là chồng và là cha. Trước khi có băng video bằng ngôn ngữ ký hiệu, anh vẫn đều đặn điều khiển buổi học gia đình. Con trai anh nhớ lại: “Buổi học gia đình thật là điều khó khăn đối với cha tôi vì ông phải dạy chúng tôi từ các ấn phẩm tiếng Anh. Thường thì ông không hiểu rõ bài. Chúng tôi gây thêm trở ngại cho cha. Khi cha không giải thích chính xác một điều nào đó, chúng tôi nhanh chóng báo cho cha biết. Dù vậy, cha luôn luôn giữ các buổi học gia đình. Ông cảm thấy rằng chúng tôi học một điều gì đó về Đức Giê-hô-va là quan trọng hơn việc đôi khi ông bị ngượng vì có giới hạn trong việc hiểu tiếng Anh”.

Một gương khác là Richard, một anh ngoài 70 tuổi vừa khiếm thính vừa khiếm thị, sống ở Brooklyn, New York, Hoa Kỳ. Anh Richard nổi tiếng là người đều đặn tham dự các buổi họp của hội thánh. Để đi nhóm họp, anh phải dùng xe điện ngầm. Anh biết nơi nào phải xuống bằng cách đếm các trạm dừng. Vào một mùa đông kia, có cơn bão tuyết dữ dội đến nỗi buổi họp bị hủy. Tất cả những người trong hội thánh đều được thông báo, nhưng không hiểu tại sao anh Richard thì không. Khi các anh nhận ra điều này và đi tìm anh Richard, họ thấy anh đứng bên ngoài Phòng Nước Trời, kiên nhẫn chờ đợi cửa mở. Khi được hỏi tại sao anh đi ra ngoài lúc trời bão, anh trả lời: “Tôi yêu Đức Giê-hô-va”.

Bạn có thể làm gì?

Trong khu vực của bạn có người khiếm thính không? Bạn có thể học một vài ký hiệu để giao tiếp với họ không? Thường thì người khiếm thính rất nhân hậu và kiên nhẫn khi dạy người khác biết ngôn ngữ của họ. Có lẽ bạn tình cờ gặp người khiếm thính hoặc gặp họ khi đi rao giảng. Bạn có thể làm gì? Hãy cố giao tiếp với họ. Hãy dùng điệu bộ, ghi chép, vẽ, hình ảnh hay kết hợp những điều này. Ngay cả khi người khiếm thính không tỏ ra thích thú lẽ thật, hãy nói với một Nhân Chứng khiếm thính hoặc một Nhân Chứng biết ngôn ngữ ký hiệu về cuộc gặp gỡ này. Khi thông điệp được trình bày bằng ngôn ngữ ký hiệu thì sẽ thu hút người khiếm thính hơn.

Có lẽ bạn đang học ngôn ngữ ký hiệu và tham dự nhóm họp trong ngôn ngữ ấy. Làm thế nào bạn trở nên thông thạo hơn trong việc ra dấu và hiểu ngôn ngữ này? Dù trong hội thánh có vài người công bố nghe được, tại sao không cứ nói ngôn ngữ ký hiệu với họ? Điều này sẽ giúp bạn suy nghĩ bằng ngôn ngữ ấy. Đôi khi bạn muốn nói thay vì ra dấu, vì như thế là dễ cho bạn hơn. Tuy nhiên, khi học bất cứ ngoại ngữ nào, để “nói lưu loát” bạn phải kiên trì.

Việc chúng ta kiên trì cố gắng dùng ngôn ngữ ký hiệu cho thấy tình yêu thương và sự tôn trọng của mình dành cho các anh chị khiếm thính. Hãy hình dung sự buồn bực của người khiếm thính từ ngày này sang ngày khác vì không hiểu được người ta nói gì tại sở làm hoặc trường học. Một anh khiếm thính cho biết: “Mỗi ngày, những người xung quanh tôi trò chuyện với nhau. Cảm xúc cô đơn và bị bỏ rơi thường dâng lên trong lòng và tôi bực tức, thậm chí giận dữ. Có những lúc tôi không thể nào diễn tả được cảm xúc của mình”. Các buổi nhóm họp của chúng ta nên là những dịp thoải mái để các anh chị khiếm thính nhận thức ăn thiêng liêng và hưởng mối liên lạc nồng ấm với anh em đồng đạo.—Giăng 13:34, 35.

Cũng nên lưu ý đến nhiều nhóm nhỏ của người khiếm thính cùng tham dự chung với các hội thánh thông thường. Tại các buổi nhóm, họ có người phiên dịch. Để hiểu hết mọi điều trong các buổi nhóm, các anh chị khiếm thính được ngồi ở những hàng ghế đầu. Điều này giúp họ quan sát diễn giả và người phiên dịch cùng một lúc. Kinh nghiệm cho thấy phần lớn anh chị trong các hội thánh ấy nhanh chóng quen thuộc với điều đó và không bị phân tâm. Những sắp đặt này cũng áp dụng trong các hội nghị có nhu cầu dịch ra ngôn ngữ ký hiệu. Thật đáng khen các anh chị đã cố gắng phiên dịch cách tự nhiên và đầy ý nghĩa, y như một người khiếm thính.

Có lẽ bạn thuộc hội thánh đang coi sóc một nhóm dùng ngôn ngữ ký hiệu. Hoặc bạn thuộc hội thánh có vài anh chị khiếm thính cần được phiên dịch trong các buổi nhóm. Bạn có thể làm gì để cho thấy lòng quan tâm đến họ? Hãy mời họ đến nhà bạn. Nếu có thể, hãy học vài ký hiệu. Đừng e ngại rào cản về ngôn ngữ. Bạn sẽ tìm được cách trò chuyện, và việc biểu hiện tình yêu thương như thế sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ (1 Giăng 4:8). Những Nhân Chứng khiếm thính cũng có nhiều điều thú vị. Họ có duyên trong giao tiếp, rất sắc sảo và hóm hỉnh. Một anh có cha mẹ là người khiếm thính nói: “Cả đời tôi sống chung với những người khiếm thính, và tôi nhận được nhiều lợi ích từ họ đến mức tôi không bao giờ đáp lại được. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ các anh chị khiếm thính”.

Đức Giê-hô-va yêu thương những người trung thành thờ phượng Ngài, kể cả người khiếm thính. Gương của họ về đức tin và sự chịu đựng chắc chắn làm cho tổ chức của Đức Giê-hô-va phong phú hơn. Vì thế, mong sao chúng ta luôn quý trọng các anh chị khiếm thính!

[Chú thích]

^ đ. 3 Xin xem bài “Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên họ”, trong tạp chí Tháp Canh ngày 15-8-2009.

[Hình nơi trang 31]

Trình bày thông điệp Nước Trời bằng ngôn ngữ ký hiệu sẽ thu hút người khiếm thính hơn

[Các hình nơi trang 32]

Các buổi họp nên là những dịp thoải mái để anh chị khiếm thính được khích lệ về thiêng liêng