Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy cho mọi người thấy sự tiến bộ của bạn

Hãy cho mọi người thấy sự tiến bộ của bạn

Hãy cho mọi người thấy sự tiến bộ của bạn

“Hãy săn-sóc chuyên-lo những việc đó, hầu cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con”.—1 TI 4:15.

1, 2. Chúng ta biết gì về đời sống của Ti-mô-thê lúc còn trẻ, và có sự thay đổi nào khi chàng độ 20 tuổi?

Trong những năm sau khi Chúa Giê-su chết, một số hội thánh được thành lập ở tỉnh Ga-la-ti của La Mã, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Khi còn nhỏ, Ti-mô-thê sống ở đó. Bà ngoại, mẹ và chàng trai này đã trở thành tín đồ Đấng Christ, và kết hợp với một trong những hội thánh ấy (2 Ti 1:5; 3:14, 15). Chắc hẳn tín đồ trẻ Ti-mô-thê vui thích phụng sự bên cạnh bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, sắp có sự thay đổi lớn đối với chàng trai này.

2 Mọi việc bắt đầu từ cuộc viếng thăm thứ hai của sứ đồ Phao-lô đến vùng đó. Lúc ấy, Ti-mô-thê độ 20 tuổi. Có thể tại thành Lít-trơ, Phao-lô lưu ý thấy ‘anh em đều làm chứng tốt’ về Ti-mô-thê (Công 16:2). Người trẻ này hẳn là thành thục hơn so với tuổi. Dưới sự hướng dẫn của thánh linh, Phao-lô và hội đồng trưởng lão địa phương đặt tay trên Ti-mô-thê để chọn người trẻ này làm một công việc đặc biệt.—1 Ti 4:14; 2 Ti 1:6.

3. Ti-mô-thê nhận đặc ân phụng sự bất ngờ nào?

3 Ti-mô-thê nhận một lời mời bất ngờ: Đó là trở thành bạn đồng hành với sứ đồ Phao-lô (Công 16:3). Hẳn là Ti-mô-thê rất ngạc nhiên và phấn khởi! Trong nhiều năm, ông cùng đi với Phao-lô và có lúc đi với người khác, để thực hiện những nhiệm vụ mà các sứ đồ và trưởng lão giao cho. Công việc lưu động này góp phần củng cố đức tin của anh em rất nhiều. (Đọc Công-vụ 16:4, 5). Vì thế, nhiều anh em biết đến Ti-mô-thê và sự tiến bộ của ông. Sau khoảng 10 năm cùng làm việc, sứ đồ Phao-lô viết trong lá thư gửi cho anh em ở Phi-líp: “Tôi không có ai như [Ti-mô-thê] đồng-tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em... Anh em đã biết sự trung-tín từng-trải của người; và biết người là trung-thành với tôi về việc Tin-lành, như con ở với cha vậy”.—Phi-líp 2:20-22.

4. (a) Ti-mô-thê được giao trọng trách nào? (b) Lời của Phao-lô nơi 1 Ti-mô-thê 4:15 đưa đến những câu hỏi nào?

4 Vào khoảng thời gian Phao-lô viết thư cho anh em ở Phi-líp, ông giao cho Ti-mô-thê trọng trách là bổ nhiệm trưởng lão và tôi tớ thánh chức (1 Ti 3:1; 5:22). Rõ ràng, Ti-mô-thê đã trở thành một giám thị đáng tin cậy. Thế nhưng trong cùng lá thư, Phao-lô vẫn khuyên: “[Hãy] cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con” (1 Ti 4:15). Chẳng phải Ti-mô-thê đã chứng tỏ ông tiến bộ vượt bậc rồi sao? Vậy Phao-lô muốn nói gì, và chúng ta học được gì từ lời khuyên ấy?

Điều gì chứng tỏ một người tiến bộ?

5, 6. Sự thanh sạch của hội thánh ở Ê-phê-sô bị đe dọa như thế nào, và làm sao Ti-mô-thê có thể giúp hội thánh?

5 Chúng ta hãy xem xét văn cảnh của 1 Ti-mô-thê 4:15. (Đọc 1 Ti-mô-thê 4:11-16). Trước khi viết những lời này, Phao-lô đã lên đường đến Ma-xê-đoan nhưng ông bảo Ti-mô-thê ở lại Ê-phê-sô. Tại sao? Vì tại đó có một số người loan truyền những dạy dỗ sai lầm, gây chia rẽ trong hội thánh. Cho nên, Ti-mô-thê phải ở lại để giúp hội thánh giữ được sự thanh sạch. Làm sao ông có thể thi hành nhiệm vụ này? Một cách là nêu gương cho anh em.

6 Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu-thương, đức-tin và sự tinh-sạch mà làm gương cho các tín đồ. Hãy săn-sóc chuyên-lo những việc đó, hầu cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con” (1 Ti 4:12, 15). Vậy, sự tiến bộ của Ti-mô-thê được đánh giá dựa trên phẩm chất của ông, chứ không phải chức vụ. Đó cũng là sự tiến bộ mà mỗi người chúng ta nên đạt tới.

7. Mọi tín đồ Đấng Christ cần phải làm gì?

7 Ngày nay cũng giống thời Ti-mô-thê, có nhiều đặc ân phụng sự trong hội thánh. Một số người phục vụ với tư cách là trưởng lão hoặc tôi tớ thánh chức, số khác làm tiên phong. Có người tham gia công việc lưu động, phụng sự tại nhà Bê-tên hoặc làm giáo sĩ. Các trưởng lão đảm nhận việc dạy dỗ, chẳng hạn tại các hội nghị. Tuy nhiên, mọi tín đồ Đấng Christ—nam, nữ, kể cả các em trẻ—đều có thể cho người khác thấy sự tiến bộ của mình (Mat 5:16). Như trường hợp của Ti-mô-thê, những tín đồ có chức vụ vẫn phải trau dồi phẩm chất hầu thể hiện sự tiến bộ.

Nêu gương qua lời nói

8. Lời nói của chúng ta có ảnh hưởng gì đến sự thờ phượng?

8 Một trong những khía cạnh mà Ti-mô-thê cần nêu gương là lời nói. Làm sao chúng ta chứng tỏ mình tiến bộ về khía cạnh này? Lời nói của chúng ta cho thấy mình là người như thế nào. Đúng như Chúa Giê-su nói: “Do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Mat 12:34). Em cùng mẹ khác cha với Chúa Giê-su là Gia-cơ cũng công nhận rằng lời nói có ảnh hưởng đến sự thờ phượng. Ông viết: “Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo mà không cầm-giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa-dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô-ích”.—Gia 1:26.

9. Chúng ta nên nêu gương qua lời nói như thế nào?

9 Qua lời nói của chúng ta, anh em có thể thấy chúng ta tiến bộ đến mức nào. Một tín đồ thành thục luôn cố gắng nói những lời xây dựng, an ủi, khích lệ; chứ không nói những lời thiếu đứng đắn, tiêu cực, chê trách hoặc gây tổn thương (Châm 12:18; Ê-phê 4:29; 1 Ti 6:3-5, 20). Ngoài ra, khi sốt sắng chia sẻ quan điểm đạo đức và bênh vực các tiêu chuẩn cao quý của Đức Chúa Trời, chúng ta biểu lộ lòng tôn kính Ngài (Rô 1:15, 16). Hẳn người có lòng thành sẽ để ý đến lời lẽ cũng như cách nói năng của chúng ta, và thậm chí muốn noi theo.—Phi-líp 4:8, 9.

Nêu gương về “nết làm” và “sự tinh-sạch”

10. Muốn nêu gương tốt, tại sao một người phải có đức tin thành thật?

10 Muốn nêu gương tốt, nói lời xây dựng thôi thì chưa đủ. Một người nói những điều đúng mà không làm là kẻ đạo đức giả. Phao-lô biết rõ sự giả hình của người Pha-ri-si và những hậu quả mà điều đó gây ra. Nhiều lần ông khuyên Ti-mô-thê tránh thái độ thiếu thành thật hoặc làm ra vẻ đạo đức (1 Ti 1:5; 4:1, 2). Hẳn nhiên, Ti-mô-thê không phải là người giả hình, vì trong lá thư thứ hai gửi cho ông, Phao-lô viết: “Ta cũng nhớ đến đức-tin thành-thật của con” (2 Ti 1:5). Thế nhưng, Ti-mô-thê vẫn phải cho mọi người thấy mình là tín đồ chân chính qua “nết làm” hay lối sống gương mẫu.

11. Khi viết thư cho Ti-mô-thê, Phao-lô khuyên ông nên tránh điều gì?

11 Trong hai lá thư gửi cho Ti-mô-thê, Phao-lô đưa ra lời khuyên liên quan đến lối sống. Chẳng hạn, Ti-mô-thê phải tránh theo đuổi sự giàu sang. Phao-lô viết: “Sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau-đớn” (1 Ti 6:10). Tham tiền là một dấu hiệu suy yếu về thiêng liêng. Trái lại, những tín đồ thỏa lòng với đời sống đơn giản là “đủ ăn đủ mặc” cho thấy họ tiến bộ.—1 Ti 6:6-8; Phi-líp 4:11-13.

12. Trong đời tư, làm sao mọi người thấy chúng ta có tiến bộ?

12 Phao-lô cũng nói với Ti-mô-thê rằng người nữ tín đồ phải “ăn-mặc một cách gọn-ghẽ, lấy nết-na và đức-hạnh giồi mình” (1 Ti 2:9). Các chị có nết na, biết suy xét khi lựa chọn cách phục sức và những vấn đề trong đời tư thì làm gương tốt (1 Ti 3:11). Nguyên tắc trên cũng áp dụng cho người nam tín đồ. Phao-lô khuyên các giám thị phải ‘điều độ, khôn ngoan, tề chỉnh’ (1 Ti 3:2, Trần Đức Huân). Khi chúng ta thể hiện những phẩm chất như thế trong đời sống, mọi người sẽ thấy chúng ta có tiến bộ.

13. Như Ti-mô-thê, làm sao chúng ta có thể nêu gương về lối sống “tinh-sạch”?

13 Ti-mô-thê cũng phải nêu gương về lối sống “tinh-sạch”. Khi dùng cụm từ này, Phao-lô nói về một khía cạnh cụ thể, đó là mối quan hệ với người khác phái. Với phái nữ, Ti-mô-thê nhất thiết phải cư xử sao cho không chỗ trách được. Ông phải đối xử với “đàn-bà có tuổi cũng như mẹ, bọn thiếu-nữ như chị em, mà phải lấy cách thanh-sạch trọn-vẹn” (1 Ti 4:12; 5:2). Đức Giê-hô-va thấy những hành vi vô luân dù một người nghĩ là không ai biết, rồi sớm muộn nó sẽ bị phơi bày. Đáng mừng là việc tốt cũng vậy, trước sau gì người khác sẽ biết (1 Ti 5:24, 25). Thật thế, mọi tín đồ đều có cơ hội chứng tỏ mình tiến bộ qua “nết làm” và “sự tinh-sạch”.

Cần có tình yêu thương và đức tin

14. Kinh Thánh nhấn mạnh như thế nào về tầm quan trọng của tình yêu thương?

14 Một đặc điểm trọng yếu của đạo Đấng Christ chân chính là tình yêu thương. Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Làm sao chúng ta thể hiện tình yêu thương như thế? Lời Đức Chúa Trời khuyên chúng ta phải “lấy lòng thương-yêu mà chìu nhau”, “ở với nhau cách nhân-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót, tha-thứ nhau” và có lòng hiếu khách (Ê-phê 4:2, 32; Hê 13:1, 2). Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em”.—Rô 12:10.

15. Tại sao tình yêu thương là đức tính mà các giám thị cần phải có?

15 Nếu Ti-mô-thê đối xử khắt khe và thiếu tử tế với anh em, thì những việc tốt ông làm với tư cách là giám thị và người dạy dỗ sẽ vô tác dụng. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 13:1-3). Ngược lại, khi Ti-mô-thê thể hiện tình yêu thương chân thành, lòng hiếu khách và làm những việc tốt cho anh em, điều đó khiến sự tiến bộ của ông nổi bật hơn. Thế nên, trong lá thư gửi cho Ti-mô-thê, Phao-lô nói cụ thể tình yêu thương là một trong những phẩm chất mà Ti-mô-thê cần nêu gương.

16. Tại sao Ti-mô-thê cần thể hiện đức tin vững vàng?

16 Trong thời gian Ti-mô-thê ở Ê-phê-sô, đức tin của ông bị thử thách. Một số người truyền những giáo lý trái với lẽ thật Kinh Thánh. Số khác thì phổ biến “phù-ngôn” hay chuyện không có thật, hoặc tìm tòi những đề tài gây tranh cãi, không bổ ích cho hội thánh. (Đọc 1 Ti-mô-thê 1:3, 4). Phao-lô miêu tả những người đó là kẻ “kiêu-ngạo, không biết chi hết; nhưng có bịnh hay gạn-hỏi, cãi-lẫy” (1 Ti 6:3, 4). Ti-mô-thê có nên tò mò tìm hiểu những tư tưởng tai hại đang len lỏi vào hội thánh không? Không, bởi Phao-lô khuyên ông phải “vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành”, “tránh những lời hư-không phàm-tục và những sự cãi lẽ bằng tri-thức ngụy xưng là tri-thức” (1 Ti 6:12, 20, 21). Chắc chắn, Ti-mô-thê đã nghe theo lời khuyên khôn ngoan này.—1 Cô 10:12.

17. Ngày nay, đức tin của chúng ta có thể bị thử thách như thế nào?

17 Hãy lưu ý, Ti-mô-thê được nhắc rằng “trong đời sau-rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa-dối, và đạo-lý của quỉ dữ” (1 Ti 4:1). Tất cả các tín đồ, kể cả những người có chức vụ, cần theo gương của Ti-mô-thê trong việc thể hiện đức tin mạnh và kiên định. Khi có lập trường vững vàng và hành động dứt khoát chống lại những tư tưởng bội đạo, chúng ta cho thấy mình tiến bộ và làm gương về đức tin.

Hãy cố gắng cho mọi người thấy bạn tiến bộ

18, 19. (a) Làm sao bạn cho mọi người thấy sự tiến bộ của mình? (b) Bài kế tiếp sẽ nói về điều gì?

18 Rõ ràng, sự tiến bộ của một tín đồ không tùy thuộc vào ngoại diện, năng khiếu hay địa vị, và cũng không nhất thiết tùy thuộc số năm người đó phụng sự. Đúng hơn, sự tiến bộ thật được thể hiện qua việc vâng lời Đức Giê-hô-va, từ trong suy nghĩ đến lời nói và lối sống (Rô 16:19). Chúng ta cần làm theo mệnh lệnh là yêu thương nhau và vun trồng đức tin vững mạnh. Vậy, chúng ta hãy suy nghĩ về lời khuyên của Phao-lô, và chú tâm áp dụng hầu cho mọi người thấy sự tiến bộ của mình.

19 Sự tiến bộ và thành thục của người tín đồ cũng được thể hiện qua sự vui mừng, bông trái của thánh linh (Ga 5:22, 23). Bài kế tiếp sẽ nói về cách chúng ta duy trì niềm vui trong nghịch cảnh.

Bạn trả lời thế nào?

• Người khác thấy điều gì qua lời nói của chúng ta?

• Chúng ta chứng tỏ mình tiến bộ qua lối sống và sự tinh sạch như thế nào?

• Tại sao tín đồ Đấng Christ phải nêu gương về tình yêu thương và đức tin?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 11]

Người trẻ Ti-mô-thê thành thục hơn so với tuổi

[Các hình nơi trang 13]

Người khác có thấy bạn tiến bộ không?