Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giúp con cái đương đầu với thử thách

Giúp con cái đương đầu với thử thách

Giúp con cái đương đầu với thử thách

Người trẻ trong vòng chúng ta đang gặp áp lực nặng nề. Họ phải đương đầu với tinh thần của thế gian độc ác của Sa-tan và tranh đấu cưỡng lại “các đam mê của tuổi trẻ” (2 Ti 2:22, Bản Dịch Mới; 1 Giăng 5:19). Hơn nữa, vì cố gắng “tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa”, người trẻ phải đối diện với sự chế giễu, thậm chí là quấy nhiễu, từ những người chống đối niềm tin các em (Truyền 12:1). Nhớ lại thời gian khi còn ở tuổi mới lớn, anh Vinh * cho biết: “Lúc nào cũng có một số người quấy nhiễu, ăn hiếp hoặc khiêu khích tôi vì tôi là Nhân Chứng. Nhiều lần tôi cảm thấy nặng nề đến độ không muốn đến trường nữa”.

Ngoài những áp lực từ thế gian, con cái chúng ta có thể phải đấu tranh với ước muốn được giống bạn bè. Một em Nhân Chứng 16 tuổi là Thu Vân nói: “Không dễ chịu chút nào khi bị người khác xem là lập dị”. Một anh trẻ là Alan thừa nhận: “Thời ấy, các bạn cùng trường thường mời em đi chơi cuối tuần, và em thật sự rất muốn đi”. Hơn nữa, một “đam-mê” của người trẻ là tham gia các giải thể thao trong trường, và điều này dễ khiến các em giao tiếp với bạn bè xấu. Một người trẻ là Thanh Thủy cho biết: “Em thích thể thao lắm! Thời đi học, huấn luyện viên luôn khuyến khích em chơi cho đội tuyển của trường. Em thấy khó từ chối”.

Bạn có thể giúp con cái mình đương đầu với những thử thách này như thế nào? Đức Giê-hô-va giao cho cha mẹ nhiệm vụ dạy dỗ con cái (Châm 22:6; Ê-phê 6:4). Mục tiêu của các bậc cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời là vun trồng trong lòng con ước muốn vâng lời Đức Giê-hô-va (Châm 6:20-23). Khi làm thế, con trẻ sẽ có động lực kháng cự áp lực của thế gian ngay cả khi không có cha mẹ ở gần.

Thật là một thử thách cho cha mẹ khi phải vừa đảm đương việc kiếm sống, vừa nuôi dạy con cái và chu toàn các hoạt động trong hội thánh! Nhiều cha mẹ là người đơn thân nuôi con hoặc bị người hôn phối không cùng đức tin chống đối cũng phải gánh vác những trách nhiệm kể trên. Dù thế nào chăng nữa, Đức Giê-hô-va vẫn đòi hỏi cha mẹ phải dành thời gian để dạy dỗ và giúp đỡ con cái. Vậy, bạn có thể làm gì để giúp con trẻ tự che chở nhằm chống lại áp lực của bạn bè, sự cám dỗ và quấy nhiễu mà chúng phải đối phó từng ngày?

Mối quan hệ cá nhân với Đức Giê-hô-va

Trước tiên, người trẻ cần biết Đức Giê-hô-va là Đấng có thật. Họ cần được giúp để “thấy Đấng không thấy được” (Hê 11:27). Anh Vinh, được đề cập ở đầu bài, nhớ lại cha mẹ của anh đã giúp anh phát triển mối quan hệ cá nhân với Đức Giê-hô-va như thế nào. Anh nói: “Họ dạy tôi tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Tôi nhớ là từ khi còn rất nhỏ, mỗi đêm trước khi đi ngủ tôi đều cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Ngài là Đấng có thật đối với tôi”. Bạn có cùng cầu nguyện với con không? Tại sao không lắng nghe những gì chúng nói với Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện? Chúng có cầu nguyện một cách máy móc không? Hay qua lời cầu nguyện, con trẻ bày tỏ cảm xúc thật về Đức Giê-hô-va? Bằng cách lắng nghe lời cầu nguyện của con cái, bạn có thể nhận ra sự tiến bộ về thiêng liêng của chúng.

Một điều quan trọng nữa để người trẻ đến gần Đức Giê-hô-va hơn là chương trình đọc Lời Đức Chúa Trời. Thu Vân, được đề cập ở trên, cho biết: “Đọc Kinh Thánh từ đầu đến cuối lúc còn trẻ đã giúp tôi rất nhiều. Điều đó giúp tôi tin rằng dù người ta chống đối, Đức Giê-hô-va vẫn nâng đỡ tôi”. Con bạn có chương trình đọc Kinh Thánh riêng không?—Thi 1:1-3; 77:12.

Thật ra, con cái phản ứng khác nhau trước sự hướng dẫn của cha mẹ. Cũng thế, sự tiến bộ về thiêng liêng của mỗi em có thể tùy thuộc vào lứa tuổi. Tuy nhiên, nếu không được hướng dẫn, con trẻ sẽ khó nhận biết Đức Giê-hô-va là Đấng có thật. Cha mẹ phải khắc sâu lời Đức Chúa Trời vào lòng con cái, nhờ thế, chúng có thể “nghe” Ngài dù chúng ở nơi nào (Phục 6:6-9). Con cái của bạn phải tin rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến chúng.

Làm thế nào để có cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa?

Trò chuyện là một cách quan trọng khác để giúp con cái của bạn. Dĩ nhiên, cuộc trò chuyện thú vị không chỉ là nói chuyện với con, mà còn đặt câu hỏi và kiên nhẫn lắng nghe, dù các câu trả lời của con trẻ có thể không đúng với những gì bạn mong đợi. Chị Anne có hai con trai cho biết: “Tôi đặt câu hỏi cho đến khi cảm thấy mình hiểu lối suy nghĩ của con và những điều chúng phải đối phó”. Con bạn có cảm thấy bạn thật sự lắng nghe chúng không? Thanh Thủy, được nói đến ở trên, cho biết: “Cha mẹ thật sự lắng nghe tôi và nhớ những gì chúng tôi trao đổi. Cha mẹ biết tên bạn học của tôi, và hỏi thăm về các bạn ấy cũng như những chuyện khác mà chúng tôi đã thảo luận”. Lắng nghe và ghi nhớ là điều thiết yếu để có cuộc trò chuyện hữu hiệu.

Nhiều gia đình nhận thấy các bữa ăn là cơ hội tốt để có cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa. Anh Vinh cho biết: “Đối với gia đình tôi, việc dùng bữa chung là điều quan trọng. Cha mẹ buộc chúng tôi phải dùng bữa chung khi có thể. Chúng tôi không được phép xem truyền hình, nghe radio hoặc đọc sách trong bữa ăn. Vì hầu hết các cuộc trò chuyện đều vui vẻ, thoải mái nên những bữa ăn ấy là thời khắc yên tĩnh trong ngày, giúp tôi đương đầu với các áp lực và sự náo nhiệt ở trường”. Anh cho biết thêm: “Có thói quen trò chuyện với cha mẹ vào giờ ăn cũng giúp tôi cảm thấy dễ tâm sự với cha mẹ về những vấn đề nghiêm trọng hơn”.

Hãy tự hỏi: “Mỗi tuần, gia đình chúng tôi dùng bữa chung với nhau mấy lần?”. Bạn có thể điều chỉnh để có thêm cơ hội trò chuyện cởi mở hơn với con cái không?

Tại sao phần thực tập rất hữu ích?

Buổi thờ phượng của gia đình hằng tuần cũng khuyến khích các thành viên trò chuyện cởi mở với nhau và giúp con trẻ đối phó với những vấn đề cụ thể. Anh Alan đã nói ở trên, cho biết: “Cha mẹ tôi dùng buổi học gia đình để khuyến khích chúng tôi nói lên mối quan tâm của mình. Cha mẹ xem xét những chủ đề thích hợp với những khó khăn chúng tôi phải đối phó”. Mẹ của Alan nói: “Chúng tôi dùng một phần thời gian của buổi học để thực tập. Những phần thực tập này giúp các con chúng tôi biết cách bảo vệ niềm tin và chứng minh niềm tin ấy là đúng. Nhờ đó, con cái chúng tôi có đủ lòng tin để đương đầu với những thử thách xảy ra”.

Thật vậy, khi đương đầu với áp lực của bạn đồng trang lứa, con trẻ phải làm nhiều hơn là chỉ nói “không” và bỏ đi nơi khác. Chúng phải biết cách trả lời những câu hỏi như tại sao tại sao không. Chúng cũng phải tự tin về những điều chúng cần làm khi bị người khác chế giễu vì niềm tin của mình. Nếu không thể bảo vệ những gì mình tin, chúng sẽ khó dạn dĩ bênh vực sự thờ phượng thật. Những phần thực tập có thể giúp chúng có lòng tự tin cần thiết.

 Khung nơi trang 18 liệt kê một số tình huống mà gia đình có thể thực tập trong Buổi thờ phượng của gia đình. Hãy làm cho những phần thực tập này trở nên thiết thực bằng cách đặt những câu hỏi buộc con trẻ giải thích thêm. Ngoài những phần thực tập, hãy xem xét một số bài học hữu hiệu được rút ra từ các gương trong Kinh Thánh. Cách luyện tập trong gia đình như thế chắc chắn sẽ giúp con cái bạn đương đầu với những thử thách ở trường hoặc ở nơi khác.

Gia đình—Nơi trú náu an toàn?

Gia đình có phải là nơi con cái bạn mong đợi trở về sau khi tan trường không? Nếu là nơi trú náu an toàn, gia đình sẽ giúp con cái đối phó với những thử thách hằng ngày. Một chị giờ đây là thành viên của gia đình Bê-tên cho biết: “Khi lớn lên, điều giúp tôi rất nhiều là có một gia đình an toàn. Dù gặp tình huống khó khăn đến thế nào ở trường, tôi biết rằng khi trở về nhà thì mọi việc sẽ ổn”. Bầu không khí trong gia đình bạn như thế nào? Đó có phải là nơi thường xảy ra “buồn-giận, cãi-lẫy, bất-bình”, hay là nơi có tình “yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an”? (Ga 5:19-23). Nếu trong nhà thường thiếu sự bình an, bạn có cố gắng nhận ra cần thay đổi những gì nhằm giúp gia đình trở thành một nơi trú náu an toàn cho con cái không?

Một cách khác để giúp con bạn đối phó với những thử thách là chủ động tạo ra những mối quan hệ có tính xây dựng. Chẳng hạn, bạn có thể mời một vài anh chị có tính thiêng liêng trong hội thánh tham gia các hoạt động giải trí của gia đình không? Hoặc bạn có thể tổ chức một bữa ăn đơn giản tại nhà với anh giám thị lưu động hoặc những anh chị khác phụng sự trọn thời gian không? Bạn có biết giáo sĩ hoặc thành viên nhà Bê-tên nào mà con bạn có thể kết giao không? Nếu không thể gặp trực tiếp, con bạn có thể trao đổi với họ qua thư từ, e-mail hoặc thỉnh thoảng qua điện thoại không? Những mối quan hệ như thế có thể giúp con bạn đi đúng hướng và đặt những mục tiêu thiêng liêng trong đời sống. Hãy nghĩ đến ảnh hưởng tốt của sứ đồ Phao-lô đối với người trẻ Ti-mô-thê (2 Ti 1:13; 3:10). Mối liên hệ mật thiết với Phao-lô đã giúp Ti-mô-thê tập trung vào những mục tiêu thiêng liêng.—1 Cô 4:17.

Khen ngợi con bạn

Đức Giê-hô-va hài lòng khi thấy người trẻ kiên quyết làm điều đúng bất kể những áp lực do thế gian của Sa-tan gây ra (Thi 147:11; Châm 27:11). Chắc chắn bạn cũng vui khi thấy những người trẻ của chúng ta chọn đường lối khôn ngoan (Châm 10:1). Hãy cho con biết bạn nghĩ thế nào về chúng, và chớ tiếc những lời ngợi khen đầy yêu thương. Đức Giê-hô-va đã nêu gương cho các bậc cha mẹ. Vào lúc Chúa Giê-su làm báp-têm, Đức Giê-hô-va phán: “Ngươi là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường” (Mác 1:11). Lời đoan chắc của Cha hẳn đã thêm sức để Chúa Giê-su đương đầu với những thử thách ngài sắp gặp phải! Tương tự thế, hãy cho con cái biết rằng bạn yêu thương chúng và nhận thấy những thành quả chúng đạt được.

Đành rằng bạn không thể hoàn toàn bảo vệ con cái khỏi những áp lực, sự quấy nhiễu và chế giễu. Nhưng bạn vẫn có thể làm nhiều điều để giúp chúng. Bằng những cách nào? Hãy giúp con cái phát triển mối quan hệ cá nhân với Đức Giê-hô-va. Hãy tạo bầu không khí thúc đẩy các thành viên trong gia đình trò chuyện cởi mở với nhau. Hãy làm cho Buổi thờ phượng của gia đình trở nên thiết thực, và xây dựng gia đình thành nơi trú náu an toàn. Qua những cách này, chắc chắn bạn sẽ hỗ trợ con mình đương đầu với nhiều thử thách.

[Chú thích]

^ đ. 2 Một số tên trong bài này đã đổi.

[Khung/​Hình nơi trang 18]

 PHẦN THỰC TẬP CÓ THỂ GIÚP ÍCH

Sau đây là một vài tình huống mà những người trẻ của chúng ta gặp phải. Tại sao không thực tập một số tình huống này trong Buổi thờ phượng của gia đình?

▸ Một huấn luyện viên đề nghị con bạn chơi cho đội tuyển của trường.

▸ Trên đường đi học về, bạn bè mời con bạn hút thuốc.

▸ Con bạn bị một số trẻ khác đe dọa sẽ đánh nếu còn gặp em đi rao giảng.

▸ Khi con của bạn đi rao giảng từng nhà, em gặp một bạn học.

▸ Trước lớp, con bạn phải giải thích tại sao em không chào cờ.

▸ Vì là Nhân Chứng, con bạn thường xuyên bị một người bạn chế giễu.

[Hình nơi trang 17]

Con bạn có chương trình đọc Kinh Thánh riêng không?

[Hình nơi trang 19]

Bạn có mời các anh chị có tính thiêng liêng tham gia hoạt động giải trí của gia đình không?