Hãy chứng tỏ là môn đồ chân chính của Chúa Giê-su
Hãy chứng tỏ là môn đồ chân chính của Chúa Giê-su
“Hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu”.—MAT 7:17.
1, 2. Môn đồ chân chính của Chúa Giê-su khác biệt với môn đồ giả hiệu như thế nào, đặc biệt trong thời kỳ cuối cùng?
Chúa Giê-su nói những môn đồ giả hiệu sẽ khác biệt với môn đồ chân chính của ngài qua “trái” của họ—tức sự dạy dỗ và hạnh kiểm (Mat 7:15-17, 20). Thật vậy, không sớm thì muộn người ta cũng chịu ảnh hưởng bởi những điều họ đưa vào lòng và trí (Mat 15:18, 19). Những ai tiếp thu sự dạy dỗ sai lầm sẽ sinh “trái xấu”, trong khi những ai được dạy dỗ lẽ thật sẽ sinh ra “trái tốt”.
2 Hai loại trái này được biểu hiện rõ ràng trong thời kỳ cuối cùng. (Đọc Đa-ni-ên 12:3, 10). Những tín đồ Đấng Christ giả hiệu có quan điểm sai lệch về Đức Chúa Trời và sự tin kính của họ thường chỉ là vẻ bên ngoài. Nhưng những người khôn sáng về thiêng liêng thờ phượng Đức Chúa Trời với “tâm-thần và lẽ thật” (Giăng 4:24; 2 Ti 3:1-5). Họ cố gắng thể hiện những đức tính như Chúa Giê-su. Về phần chúng ta thì sao? Khi xem xét năm đặc điểm sau đây của tín đồ Đấng Christ chân chính, hãy tự hỏi: “Hạnh kiểm và sự dạy dỗ của tôi có thật sự phù hợp với Lời Đức Chúa Trời không? Tôi có làm cho lẽ thật trở nên thu hút với những người có lòng thành không?”.
Sống theo Lời Đức Chúa Trời
3. Đức Giê-hô-va hài lòng về điều gì? Và đối với môn đồ chân chính, điều đó bao hàm những gì?
3 Chúa Giê-su phán: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên-đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý-muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi” (Mat 7:21). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va không hài lòng khi một người chỉ xưng mình theo Chúa Giê-su, người đó cần thực hiện các trách nhiệm của tín đồ Đấng Christ. Đối với những môn đồ chân chính, điều đó bao hàm lối sống của họ, kể cả thái độ về tiền bạc, việc làm, giải trí, phong tục và ngày lễ của thế gian, cũng như hôn nhân và những mối quan hệ khác. Tuy nhiên, môn đồ giả hiệu thì tiếp nhận cách suy nghĩ và lối sống của thế gian, những điều ngày càng suy đồi trong thời kỳ cuối cùng này.—Thi 92:7.
4, 5. Trong đời sống, làm thế nào chúng ta có thể áp dụng lời của Đức Giê-hô-va được ghi nơi Ma-la-chi 3:18?
4 Phù hợp với điều đó, nhà tiên tri Ma-la-chi viết: “Các ngươi sẽ trở lại và sẽ phân-biệt giữa kẻ công-bình và kẻ gian-ác, giữa kẻ hầu-việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài” (Mal 3:18). Khi suy nghĩ về những lời này, hãy tự hỏi: “Tôi hòa nhập hay khác biệt với thế gian? Tôi có luôn cố gắng để được bạn bè thế gian chấp nhận, dù ở trường hay ở sở làm không? Hay tôi tiếp tục giữ vững các nguyên tắc Kinh Thánh, ngay cả nói lên quan điểm của mình lúc thích hợp?”. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:16). Hiển nhiên, chúng ta không muốn có vẻ tự cho mình là công bình, nhưng chúng ta nên khác biệt với những người không yêu mến và phụng sự Đức Giê-hô-va.
5 Nếu bạn thấy mình cần cải thiện một mặt nào, hãy cầu nguyện về vấn đề đó. Ngoài ra, hãy đều đặn học hỏi cá nhân, cầu nguyện và tham dự nhóm họp để được thêm sức về thiêng liêng. Càng để Lời Đức Chúa Trời thấm vào lòng, bạn càng dễ sinh ra “trái tốt”, gồm “bông-trái của môi-miếng xưng danh [Đức Chúa Trời] ra”.—Hê 13:15.
Rao truyền về Nước Trời
6, 7. Liên quan đến thông điệp Nước Trời, có sự khác biệt nào giữa môn đồ chân chính và môn đồ giả hiệu?
6 Chúa Giê-su nói: “Ta cũng phải rao Tin-lành của nước Đức Chúa Trời nơi các thành khác; vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến” (Lu 4:43). Tại sao chủ đề chính của thánh chức Chúa Giê-su là Nước Đức Chúa Trời? Chúa Giê-su biết chính ngài, với tư cách là vua Nước Trời, cùng các anh em được xức dầu đã lên trời sẽ loại trừ nguyên nhân gây khốn khổ cho nhân loại: tội lỗi và Ma-quỉ (Rô 5:12; Khải 20:10). Vì thế, ngài ra lệnh cho các môn đồ đi rao truyền về Nước Trời đến khi hệ thống này chấm dứt (Mat 24:14). Những người chỉ xưng mình là môn đồ Chúa Giê-su không tham gia công việc này—thật ra họ không thể. Tại sao? Ít nhất có ba lý do. Thứ nhất, họ không thể rao giảng điều họ không hiểu. Thứ hai, hầu hết họ không đủ khiêm nhường và can đảm để đối mặt với sự chế giễu, chống đối có thể xảy ra khi chia sẻ thông điệp Nước Trời với người khác (Mat 24:9; 1 Phi 2:23). Thứ ba, môn đồ giả hiệu không có thánh linh Đức Chúa Trời.—Giăng 14:16, 17.
7 Trái lại, môn đồ chân chính của Chúa Giê-su hiểu Nước Trời là gì và nước ấy sẽ thực hiện những gì. Hơn nữa, họ đặt ưu tiên cho quyền lợi Nước Trời, và với sự giúp đỡ của thánh linh Đức Giê-hô-va, họ rao truyền về Nước Trời trên khắp đất (Xa 4:6). Bạn có thường xuyên tham gia công việc này không? Là người công bố Nước Trời, bạn có cố gắng để tiến bộ, có lẽ dành nhiều thời gian hơn hoặc trở nên hữu hiệu hơn trong thánh chức không? Một số anh chị đã cố gắng cải thiện thánh chức qua việc dùng Kinh Thánh khéo léo hơn. Sứ đồ Phao-lô đã viết: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm”. Chính ông có thói quen lý luận dựa trên Kinh Thánh.—Hê 4:12; Công 17:2, 3.
8, 9. (a) Những kinh nghiệm nào nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dùng Kinh Thánh trong thánh chức? (b) Làm sao chúng ta có thể dùng Kinh Thánh khéo léo hơn?
8 Khi rao giảng từng nhà, một anh đã đọc Đa-ni-ên 2:44 cho người đàn ông theo Công giáo và giải thích cách Nước Trời sẽ mang lại hòa bình, an ninh thật sự. Ông ấy nói: “Tôi thật sự rất thích vì anh không chỉ nói câu Kinh Thánh ấy mà đã mở Kinh Thánh cho tôi xem”. Trường hợp khác, khi một anh đọc một câu Kinh Thánh cho người phụ nữ theo Chính thống giáo Hy Lạp, bà ấy đã nêu lên nhiều câu hỏi hay. Anh ấy và vợ cũng dùng Kinh Thánh để trả lời. Sau đó, người phụ nữ cho biết: “Anh chị có biết tại sao tôi sẵn lòng nói chuyện với anh chị không? Vì anh chị mang theo Kinh Thánh đến nhà tôi và đọc cho tôi nghe”.
9 Dĩ nhiên, ấn phẩm của chúng ta có giá trị và nên được phân phát khi làm thánh chức. Nhưng Kinh Thánh là công cụ chính. Vì thế, nếu chưa có thói quen dùng Kinh Thánh thường xuyên, sao bạn không đặt mục tiêu đó? Bạn có thể chọn vài câu Kinh Thánh chủ yếu giải thích Nước Trời là gì và cách Nước Trời sẽ giải quyết các vấn đề cụ thể mà người trong khu vực quan tâm. Rồi sẵn sàng đọc các câu Kinh Thánh ấy khi rao giảng từng nhà.
Hãnh diện mang danh Đức Chúa Trời
10, 11. Về việc dùng danh Đức Chúa Trời, có sự khác biệt nào giữa Chúa Giê-su và những người tự xưng theo ngài?
10 Đức Giê-hô-va phán: “Các ngươi đều là người làm chứng, và ta là Đức Chúa Trời!” (Ê-sai 43:12). Chúa Giê-su, nhân chứng xuất sắc của Đức Giê-hô-va, cảm thấy vinh dự khi được mang danh Đức Chúa Trời và công bố danh ấy. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15; Giăng 17:6; Hê-bơ-rơ 2:12). Thật vậy, vì đã rao truyền danh Cha nên Chúa Giê-su được gọi là “Đấng làm chứng thành-tín”.—Khải 1:5; Mat 6:9.
11 Ngược lại, nhiều người tự xưng mình đại diện cho Đức Chúa Trời và Con Ngài đã không kính trọng danh Đức Chúa Trời, thậm chí xóa danh ấy khỏi những bản dịch Kinh Thánh của mình. Cùng một tinh thần ấy, gần đây các giám mục Công giáo nhận được chỉ thị “danh của Đức Chúa Trời dưới dạng bốn ký tự tiếng Do Thái YHWH cũng không được sử dụng hoặc phát âm” trong việc thờ phượng *. Lối suy nghĩ ấy thật đáng khiển trách!
12. Vào năm 1931, tôi tớ Đức Giê-hô-va càng được nhận diện rõ ràng là thuộc về Ngài như thế nào?
12 Noi theo Chúa Giê-su và “đám mây rất lớn” các nhân chứng trước thời ngài, môn đồ chân chính hãnh diện dùng danh Đức Chúa Trời (Hê 12:1). Thật vậy, vào năm 1931, các tôi tớ của Đức Giê-hô-va càng được nhận diện rõ ràng là thuộc về Ngài nhờ lấy danh hiệu Nhân Chứng Giê-hô-va. (Đọc Ê-sai 43:10-12). Vì thế, theo một ý nghĩa đặc biệt, các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su trở thành một dân “mang danh [Đức Chúa Trời]”.—Công 15:14, 17, Bản Diễn Ý.
13. Làm thế nào chúng ta có thể sống xứng đáng là dân mang danh Đức Chúa Trời?
13 Làm thế nào chúng ta có thể sống xứng đáng là dân mang danh Đức Chúa Trời? Chúng ta phải trung thành làm chứng về Đức Chúa Trời. Phao-lô viết: “Ai kêu-cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu-cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao-giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao-giảng thể nào?” (Rô 10:13-15). Ngoài ra, chúng ta cũng khéo léo vạch trần những giáo lý sai lầm làm ô danh Đấng Tạo Hóa. Chẳng hạn giáo lý về hỏa ngục thật ra đã gán những đặc tính tàn nhẫn của Ma-quỉ cho Đức Chúa Trời đầy yêu thương.—Giê 7:31; 1 Giăng 4:8; so sánh Mác 9:17-27.
14. Khi được biết danh riêng của Đức Chúa Trời, một số người đã phản ứng thế nào?
14 Bạn có hãnh diện được mang danh Cha trên trời không? Bạn có giúp người khác biết đến danh thánh ấy không? Một phụ nữ ở Paris, Pháp, đã nghe nói Nhân Chứng Giê-hô-va biết danh Đức Chúa Trời. Lần khác, khi gặp một Nhân Chứng, bà muốn được xem danh ấy trong Kinh Thánh của bà. Câu Thi-thiên 83:18 đã tác động sâu sắc đến bà. Bà bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh, và giờ đây là một chị trung thành đang phụng sự ở nước ngoài. Trường hợp khác, một phụ nữ Công giáo sống ở Úc đã bật khóc vì vui mừng khi lần đầu tiên thấy danh Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Cho đến nay, chị đã làm tiên phong đều đều trong nhiều năm. Gần đây, khi Nhân Chứng ở Jamaica chỉ cho một phụ nữ thấy danh Đức Chúa Trời trong chính Kinh Thánh của bà, bà đã vui mừng đến rơi lệ. Vậy, hãy hãnh diện mang danh Đức Chúa Trời và noi gương Chúa Giê-su, công bố danh thánh ấy cho mọi người.
“Chớ yêu thế-gian”
15, 16. Môn đồ chân chính của Chúa Giê-su có quan điểm gì về thế gian? Và chúng ta nên đặt ra những câu hỏi nào?
15 Kinh Thánh nói: “Chớ yêu thế-gian, cũng đừng yêu các vật ở thế-gian nữa; nếu ai yêu thế-gian, thì sự kính-mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy” (1 Giăng 2:15). Thế gian và tinh thần hướng về xác thịt của nó đối nghịch với Đức Giê-hô-va và thánh linh Ngài. Vì vậy, các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su không thuộc về thế gian, mà hơn thế nữa, trong thâm tâm họ cự tuyệt thế gian. Họ hiểu những lời của môn đồ Gia-cơ: “Làm bạn với thế-gian tức là thù-nghịch với Đức Chúa Trời”.—Gia 4:4.
16 Quả là thử thách để làm theo lời của Gia-cơ trong một thế gian đầy dẫy sự cám dỗ! (2 Ti 4:10). Vì thế, Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho các môn đồ ngài: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian” (Giăng 17:15, 16). Hãy tự hỏi: “Tôi có cố gắng để không thuộc về thế gian không? Người khác có biết lập trường của tôi về những ngày lễ và phong tục trái với Kinh Thánh, cũng như những ngày lễ và phong tục có lẽ không bắt nguồn từ ngoại giáo nhưng rõ ràng phản ánh tinh thần của thế gian không?”.—2 Cô 6:17; 1 Phi 4:3, 4.
17. Điều gì có thể thúc đẩy những người có lòng thành đứng về phía Đức Giê-hô-va?
17 Chắc chắn, vì chúng ta có lập trường dựa trên Kinh Thánh nên thế gian không ưa thích chúng ta. Tuy nhiên, lập trường ấy có thể thu hút những người có lòng thành. Thật vậy, khi những người đó thấy đức tin của chúng ta vững vàng dựa trên Kinh Thánh và tác động đến lối sống, họ có thể hưởng ứng như thể họ nói với những người được xức dầu: “Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”.—Xa 8:23.
Bày tỏ tình yêu thương chân thật của tín đồ Đấng Christ
18. Bày tỏ tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và người lân cận bao hàm điều gì?
18 Chúa Giê-su nói: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” và “ngươi hãy yêu kẻ lân-cận như mình” (Mat 22:37, 39). Tình yêu thương ấy (tiếng Hy Lạp là a·gaʹpe) mang tính đạo đức, đòi hỏi phải xem xét điều gì đúng đắn, hợp với bổn phận và nguyên tắc nhưng cũng thường bao gồm cảm xúc mạnh. Tình yêu này có thể nồng ấm và mãnh liệt (1 Phi 1:22). Vì được thể hiện qua lời nói và hành động vị tha, tình yêu này trái ngược với tính ích kỷ.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 13:4-7.
19, 20. Xin kể lại một số kinh nghiệm cho thấy sức mạnh của tình yêu thương tín đồ Đấng Christ.
19 Vì là một khía cạnh của thánh linh Đức Chúa Trời, tình yêu thương giúp các môn đồ Giăng 13:34, 35; Ga 5:22). Những người giống như chiên rất cảm động khi thấy tình yêu thương như thế. Chẳng hạn, khi một thanh niên Do Thái ở Israel lần đầu tiên tham dự buổi nhóm của Nhân Chứng, anh ngạc nhiên thấy các anh em Do Thái và Ả Rập vai sánh vai thờ phượng Đức Giê-hô-va. Kết quả là anh bắt đầu đều đặn tham dự các buổi nhóm và đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh. Bạn có bày tỏ tình yêu thương chân thành như thế với anh em mình không? Bạn có nồng nhiệt chào đón những người mới đến Phòng Nước Trời, bất kể quốc gia, màu da hay vị thế xã hội của họ không?
chân chính làm được những điều mà người khác không thể làm, chẳng hạn vượt qua rào cản về chủng tộc, văn hóa và chính trị. (Đọc20 Là môn đồ chân chính của Chúa Giê-su, chúng ta cố gắng bày tỏ tình yêu thương đối với mọi người. Ở El Salvador, Trung Mỹ, một công bố trẻ đã hướng dẫn Kinh Thánh cho một cụ bà 87 tuổi theo Công giáo, rất trung thành với nhà thờ của cụ. Một ngày nọ, cụ bị bệnh nặng và phải nằm viện. Khi cụ trở về nhà, các Nhân Chứng đã đến thăm và mang thức ăn cho cụ. Họ đã làm thế trong vòng một tháng. Không ai trong nhà thờ đến thăm cụ. Kết quả là gì? Cụ đã bỏ hết hình tượng, rút tên khỏi nhà thờ và bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh lại. Thật vậy, tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ có sức mạnh biết bao! Bày tỏ tình yêu thương như thế có thể động đến lòng người khác hơn là chỉ rao giảng cho họ.
21. Làm thế nào để chúng ta có tương lai vững chắc?
21 Không lâu nữa, Chúa Giê-su sẽ nói với những người tự nhận là môn đồ ngài: “Hỡi kẻ làm gian-ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Mat 7:23). Vì vậy, chúng ta hãy sinh ra những trái tôn vinh Cha trên trời và Con Ngài. Chúa Giê-su nói: “Kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn-ngoan cất nhà mình trên vầng đá” (Mat 7:24). Đúng thế, nếu chứng tỏ mình là môn đồ chân chính của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ nhận được ân phước của Đức Chúa Trời và có tương lai vững chắc như được xây trên đá!
[Chú thích]
^ đ. 11 Một số tài liệu Công giáo tiếng Việt hiện nay, trong đó có bản dịch Kinh Thánh của Trịnh Văn Căn, phiên âm bốn ký tự tiếng Do Thái là “Gia-vê”.
Bạn còn nhớ không?
• Môn đồ chân chính của Chúa Giê-su khác với môn đồ giả hiệu như thế nào?
• Hãy liệt kê một số “trái” để nhận diện môn đồ thật của Chúa Giê-su.
• Về việc sinh ra “trái” của tín đồ Đấng Christ, bạn có thể đặt ra những mục tiêu nào?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 13]
Bạn có thói quen thường xuyên dùng Kinh Thánh trong thánh chức không?
[Hình nơi trang 15]
Người khác có biết lập trường của bạn về những ngày lễ trái với Kinh Thánh không?