Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thuộc về Đức Giê-hô-va là một ân điển

Thuộc về Đức Giê-hô-va là một ân điển

Thuộc về Đức Giê-hô-va là một ân điển

‘Chúng ta đều thuộc về Chúa cả’.—RÔ 14:8.

1, 2. (a) Chúng ta có đặc ân gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

Đức Giê-hô-va mời dân Y-sơ-ra-ên nhận một đặc ân quý giá khi Ngài phán: “Trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta” (Xuất 19:5). Ngày nay, thành viên của hội thánh tín đồ Đấng Christ cũng có vinh dự thuộc về Đức Giê-hô-va (1 Phi 2:9; Khải 7:9, 14, 15). Đó là đặc ân có thể mang lại lợi ích mãi mãi cho chúng ta.

2 Thuộc về Đức Giê-hô-va không chỉ là một đặc ân mà còn là trách nhiệm. Có lẽ một số người tự hỏi: “Liệu tôi có thể làm những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi không? Nếu tôi phạm tội, Ngài sẽ từ bỏ tôi không? Thuộc về Đức Giê-hô-va có làm tôi mất tự do không?”. Đó là những câu hỏi đáng xem xét. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần suy nghĩ kỹ về câu hỏi này: “Thuộc về Đức Giê-hô-va mang lại những lợi ích nào?”.

Thuộc về Đức Giê-hô-va dẫn đến hạnh phúc

3. Quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích nào cho Ra-háp?

3 Những người thuộc về Đức Giê-hô-va có nhận được lợi ích không? Hãy xem trường hợp của Ra-háp, một kỹ nữ sống ở thành Giê-ri-cô xưa. Chắc hẳn bà thực hành sự thờ phượng đồi bại của các thần xứ Ca-na-an như đã được nuôi dạy. Tuy nhiên, khi nghe về những chiến thắng Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên, bà nhận ra rằng Ngài là Đức Chúa Trời thật. Vì thế, bà liều mình bảo vệ dân của Đức Chúa Trời và đặt tương lai bà trong tay họ. Kinh Thánh nói: “Kỵ-nữ Ra-háp tiếp-rước các sứ-giả và khiến họ noi đường khác mà đi, người há chẳng phải cậy việc làm mà được xưng công-bình sao?” (Gia 2:25). Hãy hình dung những lợi ích bà nhận được khi thuộc về dân tộc thanh sạch của Đức Chúa Trời, một dân được dạy dỗ bởi Luật Pháp Ngài trong đường lối yêu thương và công bình. Hẳn Ra-háp hạnh phúc biết bao khi từ bỏ lối sống trước kia! Bà kết hôn với một người Y-sơ-ra-ên, và nuôi dạy con trai mình là Bô-ô thành người sốt sắng thờ phượng Đức Chúa Trời.—Giô-suê 6:25; Ru 2:4-12; Mat 1:5, 6.

4. Ru-tơ được lợi ích nào từ quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va?

4 Ru-tơ người Mô-áp cũng quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va. Khi còn trẻ, có lẽ bà đã thờ thần Kê-mốt và những thần khác của xứ Mô-áp. Nhưng sau đó bà học biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và kết hôn với một người Y-sơ-ra-ên đến trú ngụ ở xứ bà. (Đọc Ru-tơ 1:1-6). Sau này, khi Ru-tơ và chị em bạn dâu là Ọt-ba theo mẹ chồng Na-ô-mi lên đường đi Bết-lê-hem, bà Na-ô-mi đã khuyên hai góa phụ trẻ trở về với gia đình. Định cư ở xứ Y-sơ-ra-ên hẳn là điều không dễ dàng cho hai người nữ này. Vì thế, Ọt-ba ‘đã trở về quê-hương và thần của bà’, nhưng Ru-tơ thì không. Bà hành động phù hợp với đức tin và biết mình muốn thuộc về ai. Bà nói với Na-ô-mi: “Xin chớ nài tôi phân-rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi” (Ru 1:15, 16). Nhờ chọn phụng sự Đức Giê-hô-va, Ru-tơ nhận được lợi ích từ Luật Pháp của Ngài, trong đó có điều luật đặc biệt về việc chăm lo cho những người góa bụa, người nghèo và người không có đất đai. Dưới sự bảo vệ của Đức Giê-hô-va, Ru-tơ được hạnh phúc và an toàn.

5. Bạn nhận xét gì về những người đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va?

5 Có lẽ bạn biết một vài anh chị sau khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va đã phụng sự Ngài trung thành qua nhiều thập niên. Hãy hỏi xem họ đã nhận lợi ích thế nào từ việc phụng sự Ngài. Dù ai cũng có vấn đề, nhưng có rất nhiều bằng chứng ủng hộ lời của người viết Thi-thiên: “Phước cho dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!”.—Thi 144:15.

Những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va đều hợp lý

6. Tại sao chúng ta không nên e ngại là mình không có khả năng làm những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi?

6 Bạn có thể tự hỏi không biết mình có khả năng làm những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi không. Chúng ta có thể dễ cảm thấy choáng ngợp khi nghĩ đến nhiệm vụ của tôi tớ Đức Chúa Trời, sống theo luật pháp Ngài và rao truyền nhân danh Ngài. Chẳng hạn, Môi-se cảm thấy không đủ khả năng khi Đức Chúa Trời sai ông đến nói chuyện với dân Y-sơ-ra-ên và với vua Ai Cập. Nhưng Đức Chúa Trời không đòi hỏi quá sức của Môi-se. Ngài ‘dạy ông những điều gì phải làm’. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 3:11; 4:1, 10, 13-15). Nhờ chấp nhận sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, Môi-se cảm nghiệm niềm vui của việc hoàn thành ý muốn Ngài. Tương tự, Đức Giê-hô-va cũng chỉ đòi hỏi những điều hợp lý trong khả năng chúng ta. Ngài biết bản chất bất toàn của con người và muốn giúp chúng ta (Thi 103:14). Phụng sự Đức Chúa Trời với tư cách là môn đồ Chúa Giê-su không làm chúng ta choáng ngợp, ngược lại mang đến sự khoan khoái vì lối sống ấy giúp ích cho người khác và làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Chúa Giê-su phán: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta”.—Mat 11:28, 29.

7. Tại sao bạn có thể tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn làm những điều Ngài mong đợi nơi bạn?

7 Đức Giê-hô-va sẽ luôn khích lệ khi chúng ta cần, miễn là chúng ta tin cậy Ngài sẽ thêm sức cho mình. Chẳng hạn, dường như bản tính của Giê-rê-mi không nói năng dạn dĩ. Vì vậy, khi Đức Giê-hô-va bổ nhiệm ông làm tiên tri, Giê-rê-mi nói: “Ôi! Hỡi Chúa Giê-hô-va, nầy tôi chẳng biết nói chi, vì tôi là con trẻ”. Thậm chí sau này ông cũng nói: “Tôi sẽ chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa” (Giê 1:6; 20:9). Tuy nhiên, nhờ sự khích lệ của Đức Giê-hô-va, suốt 40 năm Giê-rê-mi đã có thể rao truyền thông điệp không ai muốn nghe. Đức Giê-hô-va nhiều lần bảo đảm với ông: “Ta ở cùng ngươi đặng cứu ngươi và giải-thoát ngươi”.—Giê 1:8, 19; 15:20.

8. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va?

8 Như đã thêm sức cho Môi-se và Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta làm những điều Ngài đòi hỏi nơi tín đồ Đấng Christ ngày nay. Yếu tố then chốt là nương cậy nơi Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con” (Châm 3:5, 6). Chúng ta cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va khi tận dụng mọi sự cung cấp của Ngài qua Lời Ngài và qua hội thánh. Nếu để Đức Giê-hô-va hướng dẫn mỗi bước đi trong đời sống, không điều gì có thể cản trở chúng ta giữ lòng trung thành với Ngài.

Đức Giê-hô-va chăm sóc từng người trong dân Ngài

9, 10. Bài Thi-thiên 91 nói đến sự bảo vệ nào?

9 Khi nghĩ đến việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va, một số người có thể lo lắng về nguy cơ phạm tội, trở thành người không xứng đáng và bị Đức Giê-hô-va từ bỏ. Nhưng tốt thay, Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta tất cả những sự bảo vệ chúng ta cần để gìn giữ mối quan hệ quý giá với Ngài. Chúng ta hãy xem điều này trong bài Thi-thiên 91.

10 Bài Thi-thiên này bắt đầu như sau: “Người nào ở nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn-năng. Tôi nói về Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là nơi nương-náu tôi, và là đồn-lũy tôi; cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin-cậy nơi Ngài. Ngài sẽ giải-cứu ngươi khỏi bẫy chim [“người bẫy chim”, Trịnh Văn Căn]” (Thi 91:1-3). Hãy lưu ý là Đức Chúa Trời hứa sẽ bảo vệ những ai yêu mến và tin cậy nơi Ngài. (Đọc Thi-thiên 91:9, 14). Ngài muốn nói đến sự bảo vệ nào? Trong quá khứ, Đức Giê-hô-va đã bảo vệ một số tôi tớ Ngài về mặt thể chất—vài trường hợp là để bảo vệ dòng họ dẫn đến Đấng Mê-si đã hứa. Tuy nhiên, nhiều người khác đã bị bỏ tù, hành hạ và giết một cách độc ác vì những âm mưu của Sa-tan nhằm đánh đổ lòng trung thành của họ với Đức Chúa Trời (Hê 11:34-39). Họ đã có đủ can đảm để chịu đựng vì Đức Giê-hô-va bảo vệ họ về mặt thiêng liêng, khỏi những mối nguy hiểm có thể phá vỡ lòng trung kiên của họ. Vì thế, bài Thi-thiên 91 có thể được xem là một lời hứa nói đến sự bảo vệ về mặt thiêng liêng.

11. “Nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao” là gì, và Đức Chúa Trời bảo vệ ai ở đó?

11 Thế nên “nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao” mà người viết Thi-thiên nói đến là một nơi theo nghĩa bóng, có thể che chở về mặt thiêng liêng. Nơi đó, những ai trú ngụ với tư cách là khách của Đức Chúa Trời sẽ được an toàn khỏi bất cứ điều gì và bất cứ ai đe dọa đức tin và tình yêu thương của họ với Ngài (Thi 15:1, 2; 121:5). Đó là một nơi kín đáo vì những người không tin Đức Chúa Trời không thể nhận ra được. Nơi đây, Đức Giê-hô-va bảo vệ những người nói như thể là ‘Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin-cậy nơi Ngài’. Nếu tiếp tục ở nơi ẩn náu này, chúng ta không cần lo lắng thái quá rằng mình sẽ rơi vào một bẫy của Sa-tan—“người bẫy chim”—và mất ân huệ Đức Chúa Trời.

12. Những nguy hiểm nào đe dọa mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời?

12 Những nguy hiểm nào đe dọa mối quan hệ quý giá của chúng ta với Đức Chúa Trời? Người viết Thi-thiên đề cập đến một số nguy hiểm, gồm “dịch-lệ lây ra trong tối-tăm [và]... sự tàn-diệt phá-hoại đương lúc trưa” (Thi 91:5, 6). “Người bẫy chim” đã bẫy nhiều người bằng ham muốn ích kỷ được độc lập khỏi Đức Chúa Trời (2 Cô 11:3). Hắn bẫy những người khác bằng cách cổ vũ tính tham lam, sự kiêu ngạo và chủ nghĩa vật chất. Còn những người khác thì bị lừa bởi những triết lý như tinh thần ái quốc, thuyết tiến hóa và tôn giáo sai lầm (Cô 2:8). Ngoài ra, nhiều người đã bị cám dỗ vào bẫy của mối quan hệ tình dục bất chính. Những “dịch-lệ” tai hại về mặt thiêng liêng ấy đã khiến hàng triệu người không còn yêu thương Đức Chúa Trời.—Đọc Thi-thiên 91:7-10; Mat 24:12.

Bảo vệ tình yêu thương của bạn với Đức Chúa Trời

13. Đức Giê-hô-va bảo vệ chúng ta khỏi những nguy hiểm đe dọa tình trạng thiêng liêng của mình như thế nào?

13 Đức Giê-hô-va bảo vệ dân sự Ngài khỏi những nguy hiểm về thiêng liêng như thế nào? Một câu Thi-thiên nói: “Ngài sẽ ban lệnh cho thiên-sứ Ngài, bảo gìn-giữ ngươi trong các đường-lối ngươi” (Thi 91:11). Các thiên sứ hướng dẫn và bảo vệ để chúng ta có thể rao truyền tin mừng (Khải 14:6). Ngoài thiên sứ, các trưởng lão bảo vệ chúng ta khỏi bị lừa dối bởi những lý luận sai lầm bằng cách dạy dỗ sát theo Kinh Thánh. Họ có thể giúp đỡ từng cá nhân, những người đang cố gắng kháng cự thái độ của thế gian (Tít 1:9; 1 Phi 5:2). Đồng thời, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp thức ăn thiêng liêng để bảo vệ chúng ta khỏi sự dạy dỗ của thuyết tiến hóa, cạm bẫy của những ước muốn vô luân, theo đuổi sự giàu sang, thăng tiến, và vô số ước muốn cũng như ảnh hưởng tai hại khác (Mat 24:45). Điều gì giúp bạn kháng cự một số nguy hiểm này?

14. Làm thế nào chúng ta có thể tận dụng sự bảo vệ mà Đức Chúa Trời cung cấp?

14 Chúng ta phải làm gì để tiếp tục ẩn náu trong “nơi kín-đáo” của Đức Chúa Trời? Chúng ta phải thường xuyên tự che chở khỏi những mối nguy hiểm về thể chất như tai nạn, tội ác hoặc những bệnh lây nhiễm. Cũng vậy, chúng ta phải không ngừng bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm về thiêng liêng. Vì thế, chúng ta nên đều đặn tận dụng sự hướng dẫn mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua các ấn phẩm và buổi họp cũng như hội nghị. Chúng ta cũng tìm lời khuyên của trưởng lão. Và chẳng phải chúng ta học được nhiều điều từ các đức tính của anh em đồng đạo hay sao? Thật thế, mối liên hệ với hội thánh giúp chúng ta trở nên khôn ngoan.—Châm 13:20; đọc 1 Phi-e-rơ 4:10.

15. Tại sao có thể tin chắc Đức Giê-hô-va có khả năng bảo vệ bạn khỏi bất cứ điều gì khiến bạn mất ân huệ của Ngài?

15 Không có lý do để chúng ta nghi ngờ Đức Giê-hô-va có khả năng bảo vệ chúng ta khỏi bất cứ điều gì có thể khiến chúng ta mất ân huệ của Ngài (Rô 8:38, 39). Ngài đã bảo vệ hội thánh khỏi những thế lực tôn giáo và chính trị mạnh mẽ. Thường mục tiêu của những kẻ thù này không phải là giết chúng ta, nhưng ngăn cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đã thực hiện lời hứa của Ngài: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi”.—Ê-sai 54:17.

Ai cho chúng ta tự do?

16. Tại sao thế gian không thể cho chúng ta tự do?

16 Thuộc về Đức Giê-hô-va có làm chúng ta mất tự do không? Không. Ngược lại, thuộc về thế gian sẽ cướp mất tự do của chúng ta. Thế gian xa cách Đức Giê-hô-va và do một thần tàn nhẫn cai trị, khiến người ta trở thành tôi mọi của hắn (Giăng 14:30). Chẳng hạn, hệ thống của Sa-tan dùng áp lực kinh tế để cướp mất tự do của người ta. (So sánh Khải-huyền 13:16, 17). Người ta cũng bị tội lỗi dỗ dành và trở thành nô lệ của nó (Giăng 8:34; Hê 3:13). Vậy, dù những người không tin đạo có thể hứa hẹn tự do khi cổ vũ lối sống trái ngược với sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va, những ai nghe theo họ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mình là tôi mọi của lối sống tội lỗi và bại hoại.—Rô 1:24-32.

17. Đức Giê-hô-va cho chúng ta sự tự do nào?

17 Mặt khác, nếu chúng ta đặt mình vào tay Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi điều gây hại. Theo một nghĩa nào đó, tình trạng của chúng ta cũng giống như một người đặt mạng sống mình trong tay một bác sĩ phẫu thuật tài ba, người có thể giải thoát ông khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Tất cả chúng ta đều mắc “bệnh hiểm nghèo”: tội lỗi di truyền. Chỉ khi đặt mình vào tay Đức Giê-hô-va, dựa trên sự hy sinh của Chúa Giê-su, chúng ta mới hy vọng được giải thoát khỏi hậu quả của tội lỗi và có thể sống đời đời (Giăng 3:36). Khi biết về danh tiếng của bác sĩ, chúng ta càng tin cậy nơi ông. Cũng vậy, khi tiếp tục học biết về Đức Giê-hô-va chúng ta sẽ càng tin cậy nơi Ngài. Thế nên, chúng ta tiếp tục học Lời Đức Chúa Trời kỹ lưỡng, nhờ thế chúng ta sẽ yêu thương Ngài. Tình yêu thương ấy giúp chúng ta không còn sợ hãi phải thuộc về Ngài.—1 Giăng 4:18.

18. Những ai thuộc về Đức Giê-hô-va sẽ nhận được gì?

18 Đức Giê-hô-va cho mọi người quyền tự do quyết định. Lời Ngài nói: “Hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng-dõi ngươi được sống, thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Phục 30:19, 20). Ngài muốn chúng ta thể hiện tình yêu thương với Ngài qua việc tự nguyện quyết định phụng sự Ngài. Thay vì cướp mất tự do, thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta yêu thương chắc chắn sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài.

19. Tại sao thuộc về Đức Giê-hô-va là một ân điển?

19 Là người tội lỗi, chúng ta không xứng đáng thuộc về Đức Chúa Trời, Đấng hoàn hảo. Chỉ nhờ ân điển của Ngài, chúng ta mới có đặc ân này (2 Ti 1:9). Vì vậy, Phao-lô viết: “Nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả” (Rô 14:8). Chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã quyết định thuộc về Đức Giê-hô-va.

Bạn trả lời thế nào?

• Thuộc về Đức Giê-hô-va mang lại những lợi ích nào?

• Tại sao chúng ta có thể làm những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi?

• Đức Giê-hô-va bảo vệ các tôi tớ Ngài như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 8]

Hãy hỏi người khác xem họ đã nhận lợi ích thế nào từ việc thuộc về Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 10]

Đức Giê-hô-va bảo vệ chúng ta qua một số cách nào?