Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Trong trường hợp nào một người có thể nghĩ đến việc làm báp-têm lại?

Trong một số trường hợp, một người có lẽ nên xem lại phép báp-têm của mình có hiệu lực không, hay cần làm lại. Chẳng hạn, vào thời điểm làm báp-têm, một người vẫn có lối sống hoặc hành vi sai trái—có thể bị khai trừ nếu làm báp-têm rồi—nhưng lại giấu giếm điều đó. Trong trường hợp này, làm sao người ấy có tư cách để dâng mình cho Đức Chúa Trời? Việc dâng mình chỉ có hiệu lực nếu người ấy đã từ bỏ lối sống hoặc hành vi sai trái. Vì thế, hợp lý là một người làm báp-têm khi vẫn còn vướng mắc vấn đề nghiêm trọng như thế cần xem xét việc báp-têm lại.

Nói sao nếu một người không có lối sống hay hành vi tội lỗi vào thời điểm làm báp-têm, nhưng sau đó lại phạm tội và bị ủy ban tư pháp xét xử? Giả sử, người ấy nói rằng lúc báp-têm mình không ý thức rõ bản thân đang làm gì, nên việc báp-têm thật ra không có hiệu lực. Khi xử lý vụ việc sai phạm, trưởng lão không nên đặt nghi vấn về tính hợp lệ của báp-têm, và hỏi đương sự cảm thấy sự dâng mình và báp-têm của người ấy có hiệu lực hay không. Trên thực tế, người ấy đã nghe bài giảng dựa trên Kinh Thánh về ý nghĩa của phép báp-têm. Người ấy cũng đã trả lời “có” cho các câu hỏi về sự dâng mình và báp-têm. Sau cùng, người ấy thay đổi quần áo và được trầm mình dưới nước. Do đó, kết luận hợp lý là người ấy hiểu rất rõ tính chất quan trọng của việc mình đang làm. Cho nên khi xét xử, các trưởng lão cần đối xử với đương sự như với người đã báp-têm.

Khi một người đưa ra vấn đề là phép báp-têm của mình không có hiệu lực, các trưởng lão có thể khuyên người ấy đọc Tháp Canh ngày 1-3-1960, trang 159, 160 (Anh ngữ) và ngày 15-2-1964, trang 123-126 (Anh ngữ). Các bài này giải thích kỹ lưỡng về vấn đề làm báp-têm lại. Tuy một người có thể làm báp-têm lại trong một số trường hợp (chẳng hạn lúc làm báp-têm, trình độ hiểu biết Kinh Thánh chưa đủ), nhưng đây là quyết định cá nhân.

Độc giả thắc mắc Tín đồ Đấng Christ nên cân nhắc những yếu tố nào khi dự định sống chung nhà với người khác?

Mọi người đều cần một nơi để ở. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người không có nhà riêng. Do hoàn cảnh kinh tế, vấn đề sức khỏe, hoặc những yếu tố khác, họ phải sống chung với gia đình hay bà con. Tại một số nơi trên thế giới, cha mẹ, con cái và những thành viên khác của gia đình ở chung trong một căn phòng, không có sự riêng tư.

Công việc của hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va không bao gồm việc đưa ra những quy định cụ thể về nơi ở cho tất cả anh em trên thế giới. Đúng hơn, tín đồ Đấng Christ nên dựa vào các nguyên tắc Kinh Thánh để xét xem điều kiện ăn ở của mình có phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời hay không. Một số nguyên tắc này là gì?

Trước tiên, cần xem xét việc sống chung với người khác ảnh hưởng ra sao đến chúng ta, và đời sống tâm linh của chúng ta. Những người sống chung nhà là ai? Họ có thờ phượng Đức Giê-hô-va không? Họ có sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh không? Sứ đồ Phao-lô viết: “Anh em chớ mắc lừa: Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”.—1 Cô 15:33.

Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va lên án sự vô luân và ngoại tình (Hê 13:4). Vì thế, hai người khác phái không phải là vợ chồng mà lại sống chung một nhà, thì rõ ràng không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Tín đồ Đấng Christ hẳn không muốn ở cùng nhà với người sống vô luân.

Hơn nữa, Kinh Thánh khuyên những ai muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời “hãy tránh sự dâm-dục” (1 Cô 6:18). Để làm thế, tín đồ Đấng Christ nên khôn ngoan tránh đặt mình vào hoàn cảnh dễ bị cám dỗ và phạm tội vô luân. Thí dụ, hãy xem trường hợp nhiều tín đồ sống chung một nhà. Hoàn cảnh đó có dẫn đến những tình huống phức tạp không? Khi người khác đi vắng, trong nhà chỉ có hai người khác phái không phải là vợ chồng thì sao? Tương tự thế, hai người độc thân có cảm tình với nhau sống cùng một nhà là hoàn cảnh nguy hiểm cho đạo đức của họ. Vậy, điều khôn ngoan là phải tránh những hoàn cảnh như trên.

Ngoài ra, hai người đã ly hôn nhưng vẫn sống cùng một nhà là điều không nên. Vì từng chung chăn gối, việc sống cùng một nhà có thể dễ dàng khiến họ có hành vi trái luật pháp Đức Chúa Trời.—Châm 22:3.

Yếu tố cuối nhưng không kém phần quan trọng cũng cần được xem xét là cái nhìn của cộng đồng. Sự sắp xếp liên quan đến nơi ở và người ở chung dù không sai đối với một tín đồ, nhưng lại gây lời đàm tiếu trong cộng đồng sẽ là vấn đề cần lưu ý. Chúng ta không bao giờ muốn lối sống của mình gây tiếng xấu cho danh của Đức Giê-hô-va. Phao-lô khuyên: “Đừng làm gương xấu cho người Giu-đa, người Gờ-réc, hay là Hội-thánh của Đức Chúa Trời; hãy như tôi gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích-lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu”.—1 Cô 10:32, 33.

Đối với những người muốn giữ tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va, việc tìm nơi ở thích hợp có thể là một thử thách. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ phải “xét điều chi vừa lòng Chúa”. Họ phải làm sao để không xảy ra bất cứ điều gì sai trái tại nơi ở của họ (Ê-phê 5:5, 10). Điều này đòi hỏi các tín đồ cầu xin sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Đồng thời, họ cần làm tất cả những gì có thể để không mang đến cho chính mình lẫn người sống chung những nguy cơ về đạo đức lẫn thể chất, và không làm ô danh Đức Giê-hô-va.