Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khéo dùng ‘gươm của thánh-linh’

Khéo dùng ‘gươm của thánh-linh’

Khéo dùng ‘gươm của thánh-linh’

‘Hãy cầm gươm của thánh-linh, là lời Đức Chúa Trời’.—Ê-PHÊ 6:17.

1, 2. Trước nhu cầu lớn cần thêm người công bố về Nước Trời, chúng ta nên hưởng ứng như thế nào?

Khi nhìn thấy đám đông cần được hướng dẫn về thiêng liêng, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình”. Nhưng Chúa Giê-su không chỉ nói thế. Sau những lời đó, ngài còn “gọi mười hai môn-đồ đến” và sai họ đi rao giảng hay tham gia vào “mùa gặt” (Mat 9:35-38; 10:1, 5). Rồi Chúa Giê-su “chọn bảy mươi môn-đồ khác, sai từng đôi” để làm cùng công việc đó.—Lu 10:1, 2.

2 Ngày nay, cũng có nhu cầu lớn cần thêm những người công bố về Nước Trời. Số người tham dự Lễ Tưởng Niệm trong năm 2009 là 18.168.323 người, cao hơn tổng số Nhân Chứng Giê-hô-va hơn 10 triệu người. Cánh đồng đã thật sự vàng sẵn cho mùa gặt (Giăng 4:34, 35). Vì thế, chúng ta nên cầu xin có thêm con gặt. Nhưng làm thế nào để hành động hòa hợp với lời cầu xin ấy? Đó là trở thành những người công bố hữu hiệu hơn khi sốt sắng tham gia công việc rao giảng và đào tạo môn đồ.—Mat 28:19, 20; Mác 13:10.

3. Thánh linh Đức Chúa Trời đóng vai trò quan trọng thế nào để giúp chúng ta trở thành người công bố hữu hiệu hơn?

3 Bài trước đã thảo luận việc để thánh linh hướng dẫn giúp chúng ta thế nào hầu có thể “giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ” (Công 4:31). Thánh linh cũng có thể giúp chúng ta trở thành người công bố khéo léo. Một cách để làm thánh chức hữu hiệu hơn là khéo dùng công cụ tuyệt vời mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban: Lời Ngài là Kinh Thánh. Đây là sản phẩm của thánh linh (2 Ti 3:16). Thông điệp trong đó được Đức Chúa Trời soi dẫn. Vì thế, khi khéo dùng Kinh Thánh trong thánh chức, chúng ta được thánh linh hướng dẫn. Trước khi xem xét làm sao để thực hiện điều này, chúng ta hãy xem Lời Đức Chúa Trời có quyền lực mạnh mẽ thế nào!

‘Lời của Đức Chúa Trời linh-nghiệm’

4. Thông điệp của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh có thể làm một người thay đổi thế nào?

4 Lời Đức Chúa Trời vô cùng linh nghiệm, tức có quyền lực mạnh mẽ biết bao! (Hê 4:12). Theo nghĩa bóng, thông điệp trong Kinh Thánh sắc hơn bất cứ thanh gươm nào do loài người làm ra, vì thông điệp ấy thấu vào đến nỗi chia xương và tủy. Lẽ thật của Kinh Thánh tác động đến phần sâu kín nhất của một người, gồm những suy nghĩ và cảm xúc, cho thấy con người thật bên trong. Lẽ thật ấy có quyền lực làm một người thật sự thay đổi. (Đọc Cô-lô-se 3:10). Đúng vậy, Lời Đức Chúa Trời có thể thay đổi đời sống!

5. Kinh Thánh có thể hướng dẫn chúng ta bằng những cách nào? Và kết quả là gì?

5 Hơn nữa, Kinh Thánh là cuốn sách chứa đựng sự khôn ngoan không gì sánh bằng. Kinh Thánh có những thông tin hữu ích giúp người ta biết cách sống trong thế giới phức tạp ngày nay. Lời Đức Chúa Trời soi sáng cho chúng ta không chỉ những bước chân trước mắt mà còn con đường mình đang đi (Thi 119:105). Thật là công cụ giúp đỡ tuyệt vời khi chúng ta phải đương đầu với khó khăn hoặc quyết định lựa chọn bạn bè, giải trí, công việc, cách ăn mặc, v.v. (Thi 37:25; Châm 13:20; Giăng 15:14; 1 Ti 2:9). Áp dụng nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta có quan hệ tốt với người khác (Mat 7:12; Phi-líp 2:3, 4). Khi để lời Đức Chúa Trời soi sáng con đường phía trước, chúng ta có thể xem xét những quyết định của mình sẽ có ảnh hưởng lâu dài thế nào (1 Ti 6:9). Kinh Thánh cũng báo trước về ý định Đức Chúa Trời trong tương lai, giúp chúng ta theo đuổi lối sống phù hợp với ý định đó (Mat 6:33; 1 Giăng 2:17, 18). Đời sống sẽ ý nghĩa biết bao khi một người để cho nguyên tắc của Đức Chúa Trời hướng dẫn!

6. Kinh Thánh là vũ khí mạnh mẽ thế nào trong trận chiến thiêng liêng?

6 Chúng ta cũng hãy nhớ Kinh Thánh là vũ khí vô cùng mạnh mẽ trong trận chiến thiêng liêng. Phao-lô gọi lời của Đức Chúa Trời là ‘gươm của thánh-linh’. (Đọc Ê-phê-sô 6:12, 17). Khi được trình bày hữu hiệu, thông điệp trong Kinh Thánh có thể giải thoát nhiều người khỏi sự kìm kẹp của Sa-tan. Đó là gươm cứu mạng người ta chứ không hủy diệt họ. Chẳng phải chúng ta nên cố gắng dùng gươm ấy một cách khéo léo sao?

Giảng dạy Lời Đức Chúa Trời cách đúng đắn

7. Tại sao học dùng ‘gươm của thánh-linh’ một cách thuần thục là quan trọng?

7 Một người lính có thể dùng vũ khí một cách hiệu quả trong trận chiến chỉ khi tập luyện và học dùng nó thuần thục. Dùng ‘gươm của thánh-linh’ trong trận chiến thiêng liêng cũng vậy. Phao-lô viết: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật [“giảng dạy lời của lẽ thật một cách đúng đắn”, NW]”.—2 Ti 2:15.

8, 9. Điều gì sẽ giúp chúng ta hiểu rõ những điều Kinh Thánh dạy? Xin cho thí dụ.

8 Điều gì sẽ giúp chúng ta “giảng dạy lời của lẽ thật một cách đúng đắn”? Trước khi truyền đạt rõ ràng với người khác, chúng ta cần hiểu rõ những điều Kinh Thánh dạy. Điều này đòi hỏi chúng ta tập trung vào ngữ cảnh của một câu hay đoạn Kinh Thánh.

9 Để hiểu chính xác một đoạn Kinh Thánh, chúng ta cần xem xét những câu trước và sau đoạn đó. Một thí dụ là lời của Phao-lô nơi Ga-la-ti 5:13. Ông viết: “Anh em đã được gọi đến sự tự-do, song chớ lấy sự tự-do đó làm dịp cho anh em ăn-ở theo tánh xác-thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu-thương làm đầy-tớ lẫn nhau”. Phao-lô đang nói đến sự tự do nào? Có phải ông ám chỉ sự tự do khỏi tội lỗi và sự chết, khỏi sự kìm kẹp của giáo lý sai lầm, hay ông muốn nói đến điều gì khác? Ngữ cảnh cho thấy Phao-lô đang nói về sự tự do khi được ‘chuộc khỏi sự rủa-sả của luật-pháp’ (Ga 3:13, 19-24; 4:1-5). Ông ám chỉ sự tự do khi trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. Những ai quý trọng sự tự do đó đã phục vụ lẫn nhau vì tình yêu thương. Còn những người không yêu thương thì cãi nhau và nói xấu sau lưng.—Ga 5:15.

10. Để hiểu ý nghĩa chính xác của những câu trong Kinh Thánh, chúng ta nên xem xét thông tin gì? Và làm thế nào để có được thông tin ấy?

10 Ngoài ra, để hiểu ý nghĩa chính xác của một câu hay đoạn Kinh Thánh, chúng ta nên xem xét những thông tin về bối cảnh như: ai viết sách ấy, viết khi nào và trong hoàn cảnh nào. Hơn nữa, biết mục đích sách được viết ra là điều hữu ích và nếu có thể, hãy tìm hiểu về xã hội, tình trạng đạo đức và những thực hành tôn giáo thời ấy *.

11. Chúng ta nên cẩn thận điều gì khi giải thích Kinh Thánh?

11 “Giảng dạy lời của lẽ thật một cách đúng đắn” bao hàm nhiều hơn là chỉ giải thích chính xác. Chúng ta nên cẩn thận để không dùng Kinh Thánh đe dọa người khác. Dù chúng ta có thể dùng Kinh Thánh để bênh vực lẽ thật như Chúa Giê-su đã làm khi bị Ma-quỉ cám dỗ, nhưng không nên sử dụng Kinh Thánh như vũ khí để hăm dọa người nghe (Phục 6:16; 8:3; 10:20; Mat 4:4, 7, 10). Chúng ta nên làm theo lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ: “Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường-thường sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy trong anh em, song phải hiền-hòa và kính-sợ”.—1 Phi 3:15.

12, 13. Lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời có thể đạp đổ “các đồn-lũy” nào? Xin cho thí dụ.

12 Khi được sử dụng một cách đúng đắn, lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời có thể thực hiện điều gì? (Đọc 2 Cô-rinh-tô 10:4, 5). Lẽ thật của Kinh Thánh có thể đạp đổ “các đồn-lũy”, đó là vạch trần giáo lý sai lầm, thực hành tai hại và những triết lý phản ánh sự khôn ngoan của loài người bất toàn. Chúng ta có thể dùng Kinh Thánh để loại bỏ bất cứ ý niệm “nổi lên nghịch cùng sự hiểu-biết Đức Chúa Trời”. Những giáo lý trong Kinh Thánh có thể giúp người ta thay đổi lối suy nghĩ phù hợp với lẽ thật.

13 Hãy xem trường hợp của một cụ bà 93 tuổi sống ở Ấn Độ. Từ khi còn nhỏ, bà được dạy về sự đầu thai. Khi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh qua thư với con trai sống ở nước ngoài, bà liền chấp nhận những gì học được về Đức Giê-hô-va và lời hứa của Ngài. Tuy nhiên, giáo lý về sự đầu thai đã khắc sâu vào tâm trí bà đến nỗi bà phản đối khi người con viết về tình trạng người chết. Bà viết cho con: “Mẹ không hiểu nổi lẽ thật trong Kinh Thánh của con. Đạo nào cũng dạy một phần trong con người là bất tử. Lúc nào mẹ cũng tin thể xác chết nhưng phần vô hình sẽ đầu thai luân hồi vào thể xác khác đến khoảng 8.400.000 lần. Chẳng lẽ điều này sai? Không lẽ tất cả đạo đều sai?”. ‘Gươm của thánh-linh’ có thể đạp đổ niềm tin vững chắc như đồn lũy này không? Sau nhiều lần thảo luận thêm về đề tài này, vài tuần sau bà viết: “Bây giờ mẹ bắt đầu hiểu sự thật về cái chết. Mẹ vô cùng vui mừng vì biết rằng khi có sự sống lại, chúng ta sẽ có thể đoàn tụ với những người thân yêu quá cố. Mẹ mong chờ Nước Đức Chúa Trời mau đến”.

Hãy có sức thuyết phục trong việc sử dụng Kinh Thánh

14. Thuyết phục người nghe có nghĩa gì?

14 Để dùng Kinh Thánh hữu hiệu trong thánh chức, chúng ta không chỉ đọc câu Kinh Thánh. Phao-lô đã “khuyên-dỗ [“thuyết phục”, Bản Dịch Mới]” người nghe, và chúng ta cũng nên làm thế. (Đọc Công-vụ 19:8, 9). Được thuyết phục nghĩa là sau khi nghe, một người thấy đúng và tin theo. Khi chúng ta thuyết phục một người chấp nhận một giáo lý trong Kinh Thánh, người đó thấy giáo lý ấy đúng và tin theo. Để đạt được điều này, chúng ta cần thuyết phục người nghe nhận thấy điều mình trình bày là sự thật. Những cách sau đây sẽ giúp chúng ta làm thế.

15. Làm thế nào chúng ta có thể hướng sự chú ý đến Kinh Thánh để vun trồng nơi người nghe lòng kính trọng sách này?

15 Hướng sự chú ý đến Lời Đức Chúa Trời để giúp vun trồng lòng kính trọng đối với Kinh Thánh. Khi giới thiệu một câu Kinh Thánh, hãy tập trung giúp người nghe thấy tầm quan trọng của việc biết quan điểm của Đức Chúa Trời về đề tài đó. Sau khi nêu câu hỏi và để người nghe trả lời, chúng ta có thể giới thiệu câu Kinh Thánh như sau: “Xin ông/bà xem Thượng Đế nghĩ gì về vấn đề này” hoặc “Ông Trời nói gì về trường hợp này?”. Qua cách đó, chúng ta nhấn mạnh Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời và giúp người nghe vun trồng lòng quý trọng đối với Kinh Thánh. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta làm chứng cho người tin Đức Chúa Trời nhưng không quen thuộc với những điều Kinh Thánh dạy.—Thi 19:7-10.

16. Điều gì sẽ giúp chúng ta giải thích đúng câu Kinh Thánh?

16 Giải thích câu Kinh Thánh, chứ không chỉ đọc qua. Phao-lô có thói quen “cắt nghĩa và giải tỏ-tường” những gì ông giảng (Công 17:3). Một câu Kinh Thánh thường có nhiều điểm và chúng ta có lẽ cần nhấn mạnh cụm từ chính có liên quan đến điểm đang thảo luận. Chúng ta có thể làm thế bằng cách lặp lại những từ then chốt hoặc nêu câu hỏi giúp người nghe nhận ra những từ đó. Rồi giải thích ý nghĩa của phần ấy trong câu Kinh Thánh. Sau đó, hãy giúp người nghe thấy làm thế nào câu Kinh Thánh có thể áp dụng cho chính người đó.

17. Làm thế nào bạn có thể lý luận dựa trên Kinh Thánh một cách thuyết phục?

17 Lý luận dựa trên Kinh Thánh một cách thuyết phục. Bằng những lời thật chân thành và hợp lý, Phao-lô đã ‘biện-luận với người nghe’ một cách thuyết phục (Công 17:2, 4). Noi gương ông, hãy cố gắng động đến lòng người nghe. Hãy “múc lấy” những gì trong lòng họ bằng cách dùng những câu hỏi tử tế, thể hiện lòng quan tâm đến cá nhân họ (Châm 20:5). Đừng nói thẳng thừng. Hãy lý luận cách rõ ràng và hợp lý, có bằng chứng thỏa đáng. Những điều chúng ta trình bày nên hoàn toàn dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Thay vì đọc hai hoặc ba câu Kinh Thánh liên tiếp, tốt hơn là nên dùng một câu Kinh Thánh, rồi giải thích và minh họa điểm ấy. Khi làm những điều này, chúng ta sẽ “thêm sự học-thức nơi môi của mình” (Châm 16:23). Đôi khi có thể cần nghiên cứu và trình bày thêm thông tin. Cụ bà 93 tuổi được đề cập ở trên cần biết tại sao giáo lý về linh hồn bất tử lại phổ biến đến thế. Chính nhờ hiểu giáo lý ấy bắt nguồn từ đâu và xâm nhập vào các tôn giáo trên thế giới như thế nào, bà được thuyết phục và chấp nhận điều Kinh Thánh dạy về vấn đề này *.

Tiếp tục khéo léo dùng Kinh Thánh

18, 19. Tại sao chúng ta nên tiếp tục khéo léo dùng ‘gươm của thánh-linh’?

18 Kinh Thánh cho biết: “Hình-trạng thế-gian nầy qua đi”. Người ác ngày càng tồi tệ hơn (1 Cô 7:31; 2 Ti 3:13). Vì thế, điều quan trọng là chúng ta tiếp tục dùng ‘gươm của thánh-linh, là lời Đức Chúa Trời’ để đạp đổ “các đồn-lũy”.

19 Thật hạnh phúc biết bao khi có Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, và dùng thông điệp mạnh mẽ trong đó để động đến lòng những người thành thật và giúp họ loại bỏ những giáo lý sai lầm đã ăn sâu trong lòng! Không đồn lũy nào mạnh hơn thông điệp ấy. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng hết sức dùng gươm của thánh linh một cách khéo léo trong công việc Đức Chúa Trời giao là công bố Nước Trời.

[Chú thích]

^ đ. 10 Công cụ hữu hiệu để biết bối cảnh của các sách Kinh Thánh là các ấn phẩm: ““Cả Kinh-thánh”—Xác thực và hữu ích”, sách Thông hiểu Kinh Thánh (Insight on the Scriptures) và những bài trong mục “Lời Đức Giê-hô-va là lời sống” của Tháp Canh.

Bạn học được gì?

• Lời Đức Chúa Trời mạnh mẽ như thế nào?

• Làm thế nào chúng ta “giảng dạy lời của lẽ thật một cách đúng đắn”?

• Đối với “các đồn-lũy”, thông điệp Kinh Thánh có thể làm gì?

• Làm thế nào bạn có sức thuyết phục hơn trong thánh chức?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 12]

Làm sao dùng Lời Đức Chúa Trời cách thuyết phục?

▪ Vun trồng lòng kính trọng với Kinh Thánh

▪ Giải thích câu Kinh Thánh

▪ Lý luận một cách thuyết phục để động đến lòng

[Hình nơi trang 11]

Chúng ta phải học sử dụng ‘gươm của thánh-linh’ cách hữu hiệu