Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Phát triển về tâm linh, một quyền của trẻ em”

“Phát triển về tâm linh, một quyền của trẻ em”

“Phát triển về tâm linh, một quyền của trẻ em”

Vào ngày 9 tháng 12 năm 2008, viện nghiên cứu về quyền lợi trẻ em của Thụy Điển đã tổ chức một cuộc hội thảo đặc biệt với chủ đề: “Phát triển về tâm linh, một quyền của trẻ em”. Trong cuộc hội thảo, nhiều ý kiến được đưa ra bởi những người đại diện cho Giáo hội Thụy Điển cùng các đạo Ki-tô khác, Hồi giáo và những người theo chủ nghĩa nhân đạo.

Trong số những người tham gia có một mục sư nói: “Không thể mô tả hết tầm quan trọng của các câu chuyện trong Kinh Thánh đối với sự phát triển về tâm linh của trẻ”. Vậy, Kinh Thánh đáp ứng nhu cầu tâm linh của trẻ như thế nào?

Mục sư nói tiếp: “Những lời dạy và câu chuyện trong Kinh Thánh là món ăn tinh thần để trẻ tự suy nghĩ và nghiền ngẫm”. Ông liệt kê “câu chuyện về A-đam và Ê-va, Ca-in và A-bên, Đa-vít và Gô-li-át, sự ra đời của Chúa Giê-su, người thâu thuế Xa-chê, đứa con hoang đàng, người Sa-ma-ri nhân lành”. Ông nói đó là “một số câu chuyện điển hình hướng dẫn trẻ suy nghĩ về những vấn đề quan trọng trong đời sống như: sự bội bạc, tha thứ, chuộc tội, thù ghét, thoái hóa, hối cải, cũng như tình anh em và tình yêu thương bất vị kỷ”. Ông cho biết thêm: “Mỗi câu chuyện là khuôn mẫu để áp dụng vào đời sống, từ đó sinh ra việc làm và trở thành kinh nghiệm sống”.

Đành rằng, khuyến khích đọc Kinh Thánh là điều tốt. Nhưng trẻ em có thật sự biết “tự suy nghĩ và nghiền ngẫm” những điều mà chúng đọc trong Kinh Thánh, và hiểu đúng không?

Ngay cả người lớn cũng cần được giải thích để hiểu Kinh Thánh. Thí dụ, Kinh Thánh kể về một người chưa thỏa mãn được nhu cầu tâm linh qua việc “tự suy nghĩ và nghiền ngẫm”. Đó là viên quan người Ê-thi-ô-bi, ông đọc sách tiên tri Ê-sai nhưng không hiểu. Vì muốn hiểu ý nghĩa của lời tiên tri, nên ông đã sẵn sàng nghe môn đồ Phi-líp giải thích (Công 8:26-40). Không chỉ có viên quan người Ê-thi-ô-bi, mà tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ để hiểu Kinh Thánh. Trẻ em càng phải được giúp đỡ nhiều hơn.

Kinh Thánh cho biết: “Sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ” (Châm 22:15). Vì thế, trẻ em cần được dạy dỗ và hướng dẫn. Cha mẹ có trách nhiệm truyền cho con những giá trị đạo đức lẫn tâm linh dựa trên Kinh Thánh, và qua các buổi nhóm họp của đạo Đấng Christ. Trẻ em có quyền nhận sự giáo dục như thế. Ngay từ nhỏ, chúng cần sự giúp đỡ để xây nền tảng vững chắc dựa trên Kinh Thánh, từ đó phát triển về tâm linh và trở nên người trưởng thành, “hay dụng tâm-tư luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ”.—Hê 5:14.