Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tiếp tục đi trên con đường tốt nhất!

Tiếp tục đi trên con đường tốt nhất!

Tiếp tục đi trên con đường tốt nhất!

“Chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả”.—RÔ 14:8.

1. Chúa Giê-su dạy gì về lối sống tốt nhất?

Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hưởng được đời sống tốt đẹp nhất. Người ta có thể có nhiều lối sống khác nhau, nhưng chỉ có một lối sống tốt nhất. Không gì tốt hơn là sống phù hợp với Lời Đức Chúa Trời và học những điều Con Ngài dạy. Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm thần và lẽ thật, và ngài ra lệnh cho họ đi đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Giăng 4:24). Qua việc sống phù hợp với những dạy dỗ của Chúa Giê-su, chúng ta làm Đức Giê-hô-va hài lòng và nhận được ân phước của Ngài.

2. Vào thế kỷ thứ nhất, nhiều người đã đáp ứng thông điệp về Nước Trời như thế nào? Và thuộc về “đạo” có nghĩa gì?

2 Khi những người “sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu” chấp nhận lẽ thật và tiến bộ đến bước làm báp-têm, chúng ta có lý do chính đáng để nói với họ: “Chào mừng các anh chị đến với con đường tốt nhất!” (Công-vụ 13:48, Bản Diễn Ý). Vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, hàng ngàn người từ nhiều nước đã chấp nhận lẽ thật và công khai biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời qua việc làm báp-têm (Công 2:41). Những môn đồ thời ban đầu ấy thuộc về “đạo”, tức theo đường lối của Chúa Giê-su (Công 9:2). Đây là từ thích hợp vì những người trở thành môn đồ Chúa Giê-su đã theo một lối sống đặt trọng tâm vào việc tin nơi Chúa Giê-su và noi gương ngài.—1 Phi 2:21.

3. Tại sao dân của Đức Giê-hô-va làm báp-têm? Và trong 10 năm qua đã có bao nhiêu người làm bước này?

3 Công việc đào tạo môn đồ tiến triển trong những ngày cuối cùng này, và giờ đây được thực hiện trong hơn 230 xứ. Trong 10 năm qua, hơn 2.700.000 người đã quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va và làm báp-têm, biểu trưng sự dâng mình cho Ngài. Điều đó có nghĩa là trung bình mỗi tuần có hơn 5.000 người làm báp-têm! Quyết định báp-têm dựa trên tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời, sự hiểu biết về Kinh Thánh và niềm tin nơi những gì Kinh Thánh dạy. Báp-têm là một sự kiện quan trọng trong đời sống chúng ta, vì nó đánh dấu việc khởi đầu mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Báp-têm cũng cho thấy chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta trung thành trong việc phụng sự, như Ngài đã giúp các tôi tớ thời xưa bước đi trong đường lối Ngài.—Ê-sai 30:21.

Tại sao làm báp-têm?

4, 5. Hãy cho biết một số ân phước và lợi ích của việc làm báp-têm.

4 Có lẽ bạn đã học biết về Đức Chúa Trời, thay đổi đời sống và hiện nay là người công bố chưa báp-têm. Những tiến bộ ấy thật đáng khen. Nhưng bạn đã hứa dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, và có ước muốn làm báp-têm chưa? Qua việc học hỏi Kinh Thánh, rất có thể giờ đây bạn biết đời sống mình nên tập trung vào việc ca ngợi Đức Giê-hô-va, chứ không chú trọng làm những điều mình thích hoặc theo đuổi vật chất. (Đọc Thi-thiên 148:11-13; Lu-ca 12:15). Vậy, làm báp-têm mang lại một số ân phước và lợi ích nào?

5 Khi trở thành tín đồ Đấng Christ đã dâng mình, đời sống bạn sẽ có mục tiêu cao cả nhất. Bạn sẽ hạnh phúc vì đang làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Rô 12:1, 2). Thánh linh Đức Giê-hô-va giúp bạn có những phẩm chất tin kính như bình an và đức tin (Ga 5:22). Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cầu nguyện và ban phước cho bạn vì những nỗ lực bạn đã làm để điều chỉnh đời sống theo Lời Ngài. Bạn sẽ có niềm vui trong thánh chức, và sống theo đường lối Đức Chúa Trời chấp nhận sẽ củng cố hy vọng của bạn về sự sống vĩnh cửu. Hơn nữa, dâng mình và làm báp-têm chứng tỏ rằng bạn thật sự muốn trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va.—Ê-sai 43:10-12.

6. Làm báp-têm cho thấy điều gì?

6 Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm, chúng ta công khai cho biết mình thuộc về Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả” (Rô 14:7, 8). Đức Chúa Trời cho thấy Ngài xem trọng chúng ta qua việc cho chúng ta quyền tự do quyết định. Khi quyết tâm theo đuổi lối sống này vì yêu thương Đức Chúa Trời, chúng ta làm đẹp lòng Ngài (Châm 27:11). Báp-têm là biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va và công khai cho biết Ngài là Đấng Cai Trị, Đấng mà chúng ta vâng phục. Báp-têm cho thấy chúng ta đứng về phía Đức Giê-hô-va trong vấn đề quyền tối thượng hoàn vũ (Công 5:29, 32). Về phần Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ bênh vực chúng ta. (Đọc Thi-thiên 118:6). Nhờ làm báp-têm, chúng ta cũng nhận được nhiều ân phước thiêng liêng khác ngay bây giờ và trong tương lai.

Thuộc về một đoàn thể anh em yêu thương

7-9. (a) Chúa Giê-su bảo đảm điều gì với những người bỏ mọi sự và theo ngài? (b) Lời hứa của Chúa Giê-su nơi Mác 10:29, 30 đang được ứng nghiệm thế nào?

7 Sứ đồ Phi-e-rơ nói với Chúa Giê-su: “Nầy, chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo thầy; vậy thì chúng tôi sẽ được chi?” (Mat 19:27). Phi-e-rơ muốn biết tương lai của ông và các môn đồ khác sẽ như thế nào. Để cống hiến hết mình cho công việc rao giảng về Nước Trời, họ đã hy sinh rất nhiều (Mat 4:18-22). Chúa Giê-su bảo đảm điều gì với họ?

8 Theo lời tường thuật của Mác về cùng đề tài ấy, Chúa Giê-su cho biết các môn đồ ngài sẽ thuộc về một đoàn thể anh em thiêng liêng. Ngài phán: “Chẳng một người nào vì ta và [tin mừng] từ-bỏ nhà-cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà-cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất-ruộng, với sự bắt-bớ, và sự sống đời đời trong đời sau” (Mác 10:29, 30). Như lời Chúa Giê-su hứa, các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất như Ly-đi, A-qui-la, Bê-rít-sin và Gai-út nằm trong số những người cung cấp “nhà-cửa” và trở thành “anh em, chị em, mẹ con” của các tín đồ khác.—Công 16:14, 15; 18:2-4; 3 Giăng 1, 5-8.

9 Những điều Chúa Giê-su nói đang ứng nghiệm trọn vẹn hơn thời nay. “Đất-ruộng” mà các môn đồ ngài bỏ lại phía sau ám chỉ đến kế sinh nhai của họ. Nhiều người, trong đó có các giáo sĩ, thành viên gia đình Bê-tên, tình nguyện viên xây cất quốc tế và những người khác, đã sẵn sàng từ bỏ kế sinh nhai nhằm đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, nhiều anh chị đã rời bỏ nhà cửa để đơn giản hóa đời sống. Chúng ta vui mừng khi nghe họ kể những kinh nghiệm về cách Đức Giê-hô-va chăm sóc, cũng như niềm hạnh phúc của họ trong việc phụng sự Ngài (Công 20:35). Hơn nữa, tất cả tôi tớ đã làm báp-têm của Đức Giê-hô-va có đặc ân là cùng với đoàn thể anh em thế giới ‘trước hết, tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài’.—Mat 6:33.

Được an toàn “ở nơi kín-đáo”

10, 11. “Nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao” là gì? Và làm sao chúng ta vào được nơi ấy?

10 Dâng mình và làm báp-têm mang lại một ân phước dồi dào khác, đó là đặc ân được ở “nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao”. (Đọc Thi-thiên 91:1). Đây là một nơi an toàn theo nghĩa bóng, là tình trạng được che chở khỏi những nguy hại về thiêng liêng. Đó là “nơi kín-đáo” vì những người không cùng quan điểm với Đức Chúa Trời và không tin cậy Ngài sẽ không biết về nơi ấy. Qua việc sống phù hợp với sự dâng mình và hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, như thể chúng ta đang nói với Ngài: “Ngài là nơi nương-náu tôi, và là đồn-lũy tôi; cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin-cậy nơi Ngài” (Thi 91:2). Giê-hô-va Đức Chúa Trời trở thành nơi trú náu an toàn của chúng ta (Thi 91:9). Còn nơi nào tốt đẹp hơn không?

11 Vào được “nơi kín-đáo” của Đức Giê-hô-va cũng hàm ý là chúng ta được đặc ân vun trồng mối quan hệ riêng với Ngài. Điều này bắt đầu với việc dâng mình và làm báp-têm. Từ đó trở đi, chúng ta vun đắp mối quan hệ với Đức Chúa Trời bằng cách đến gần Ngài qua việc học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện chân thành và hoàn toàn vâng lời Ngài (Gia 4:8). Chúa Giê-su gần gũi với Đức Giê-hô-va hơn bất cứ ai. Ngài là đấng có đức tin không suy suyển nơi Đấng Tạo Hóa (Giăng 8:29). Vì thế, chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ Đức Giê-hô-va, hoặc nghi ngờ mong muốn cũng như khả năng của Ngài trong việc giúp chúng ta làm tròn lời hứa nguyện dâng mình (Truyền 5:4). Những sự cung cấp về thiêng liêng mà Đức Chúa Trời ban cho dân Ngài là bằng chứng rõ ràng cho thấy Ngài thật sự yêu thương và muốn chúng ta thành công trong việc phụng sự Ngài.

Quý trọng địa đàng thiêng liêng

12, 13. (a) Địa đàng thiêng liêng là gì? (b) Chúng ta có thể giúp người mới bằng cách nào?

12 Dâng mình và làm báp-têm cũng mở đường cho chúng ta được ở trong địa đàng thiêng liêng đầy ân phước. Đó là môi trường thiêng liêng độc nhất mà chúng ta có với anh em đồng đức tin, những người hòa thuận với nhau và với Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Thi 29:11; Ê-sai 54:13). Không gì trong thế gian có thể so sánh với địa đàng thiêng liêng. Điều này đặc biệt thấy rõ tại các hội nghị quốc tế, nơi mà các anh chị từ nhiều quốc gia, ngôn ngữ và sắc tộc cùng đến trong bầu không khí bình an, hợp nhất và tình yêu thương anh em.

13 Địa đàng thiêng liêng mà chúng ta vui hưởng hoàn toàn tương phản với tình trạng tồi tệ của thế gian ngày nay. (Đọc Ê-sai 65:13, 14). Qua việc công bố thông điệp về Nước Trời, chúng ta có đặc ân mời người khác đến với địa đàng thiêng liêng. Một đặc ân khác là giúp những người mới kết hợp với hội thánh và cần được rèn luyện trong thánh chức. Dưới sự hướng dẫn của các trưởng lão, chúng ta có thể nhận đặc ân giúp đỡ một số người mới, như A-qui-la và Bê-rít-sin đã ‘giãi-bày đạo Đức Chúa Trời kỹ-lưỡng hơn’ cho A-bô-lô.—Công 18:24-26.

Tiếp tục học từ gương Chúa Giê-su

14, 15. Chúng ta có lý do chính đáng nào để tiếp tục học từ gương Chúa Giê-su?

14 Chúng ta có lý do chính đáng để tiếp tục học từ gương Chúa Giê-su. Trước khi xuống trái đất, Chúa Giê-su đã làm việc cùng Cha ngài không biết bao nhiêu thiên niên kỷ (Châm 8:22, 30). Ngài biết rằng đường lối tốt nhất là tập trung vào việc phụng sự Đức Chúa Trời và làm chứng cho lẽ thật (Giăng 18:37). Chúa Giê-su hiểu rõ bất cứ lối sống nào khác đều ích kỷ và thiển cận. Chúa Giê-su biết ngài sẽ bị thử thách nặng nề và bị giết (Mat 20:18, 19; Hê 4:15). Là Đấng Gương Mẫu, ngài dạy chúng ta làm thế nào để giữ lòng trung kiên.

15 Không lâu sau khi Chúa Giê-su làm báp-têm, Sa-tan dụ dỗ ngài từ bỏ lối sống tốt nhất nhưng hắn đã thất bại (Mat 4:1-11). Điều này cho thấy bất kể những gì Sa-tan làm, chúng ta vẫn có thể giữ lòng trung kiên. Dường như hắn tập trung vào những người sắp làm báp-têm cũng như những người mới báp-têm (1 Phi 5:8). Sự chống đối có thể đến từ những thành viên trong gia đình có ý tốt nhưng hiểu sai về Nhân Chứng. Tuy nhiên, những thử thách ấy cho chúng ta cơ hội biểu lộ các đức tính của tín đồ Đấng Christ, như sự tôn trọng và tế nhị, khi chúng ta trả lời câu hỏi và làm chứng cho họ (1 Phi 3:15). Nhờ những lần như thế, chúng ta có thể tạo ấn tượng tốt nơi người nghe.—1 Ti 4:16.

Hãy tiếp tục đi trên con đường tốt nhất!

16, 17. (a) Nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20 ghi lại ba đòi hỏi căn bản nào để được sự sống? (b) Về những điều Môi-se nói, Chúa Giê-su, Giăng và Phao-lô đã ủng hộ như thế nào?

16 Khoảng 1.500 năm trước khi Chúa Giê-su xuống trái đất, Môi-se đã khuyến giục dân Y-sơ-ra-ên chọn lối sống tốt nhất thời đó. Ông nói: “Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước-lành và sự rủa-sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng-dõi ngươi được sống, thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu-mến Ngài” (Phục 30:19, 20). Dân Y-sơ-ra-ên đã bất trung với Đức Chúa Trời, nhưng ba đòi hỏi căn bản để được sự sống mà Môi-se kể ra vẫn không thay đổi. Chúa Giê-su và những người khác đã lặp lại ba đòi hỏi ấy.

17 Thứ nhất, chúng ta phải “thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời”. Chúng ta cho thấy mình yêu Đức Chúa Trời qua việc hành động phù hợp với đường lối công bình của Ngài (Mat 22:37). Thứ nhì, chúng ta ‘vâng theo tiếng phán Đức Giê-hô-va’ bằng cách học hỏi Lời Ngài và vâng giữ điều răn Ngài (1 Giăng 5:3). Điều này đòi hỏi chúng ta thường xuyên tham dự các buổi họp của hội thánh, nơi thảo luận về Kinh Thánh (Hê 10:23-25). Thứ ba, chúng ta phải “tríu-mến”, tức gắn bó với Đức Giê-hô-va. Dù đương đầu với điều gì chăng nữa, chúng ta hãy luôn thể hiện đức tin nơi Đức Chúa Trời và noi theo Con Ngài.—2 Cô 4:16-18.

18. (a) Vào năm 1914, tạp chí Tháp Canh đã miêu tả như thế nào về lẽ thật? (b) Ngày nay, chúng ta nên cảm thấy thế nào về ánh sáng lẽ thật?

18 Sống phù hợp với lẽ thật của Kinh Thánh quả là một ân phước! Vào năm 1914, Tháp Canh đã đăng những lời đầy ý nghĩa này: “Chẳng phải chúng ta là một dân tộc được ban phước và hạnh phúc sao? Chẳng phải Đức Chúa Trời là thành tín sao? Nếu có bất cứ người nào biết điều gì tốt hơn, thì cứ giữ lấy. Nếu có anh em nào tìm được điều gì tốt hơn, chúng tôi mong người đó sẽ cho chúng tôi biết. Còn chúng tôi thì chẳng thấy điều gì tốt hơn hay là tốt bằng phân nửa những điều chúng tôi tìm thấy được trong Lời Đức Chúa Trời... Không có lời nào hay là bút mực nào có thể diễn tả được sự bình an, vui mừng và ân phước mà sự hiểu biết rõ ràng về Đức Chúa Trời đã đem lại cho lòng và đời sống của chúng ta. Lẽ thật về sự khôn ngoan, công bình, quyền năng và yêu thương của Đức Chúa Trời thỏa mãn trọn vẹn sự khao khát về thiêng liêng của trí và lòng chúng ta. Chúng ta không cần tìm đâu nữa. Không có gì đáng ao ước hơn là ngày càng hiểu rõ về lẽ thật này” (Tháp Canh [Anh-ngữ], số ra ngày 15-12-1914, trang 377 và 378). Chúng ta vẫn biết ơn về lẽ thật và ánh sáng thiêng liêng. Thật thế, giờ đây chúng ta càng có lý do để vui mừng khi “bước đi trong sự sáng của Đức Giê-hô-va”.—Ê-sai 2:5; Thi 43:3; Châm 4:18.

19. Tại sao những người hội đủ điều kiện làm báp-têm không nên chần chừ?

19 Nếu bạn muốn “bước đi trong sự sáng của Đức Giê-hô-va” nhưng chưa dâng mình và làm báp-têm thì đừng chần chừ! Hãy làm những điều cần thiết nhằm hội đủ điều kiện trong Kinh Thánh để báp-têm—cách đặc biệt để biểu lộ lòng biết ơn về những điều Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta. Hãy dâng cho Đức Giê-hô-va tài sản tốt nhất: đời sống của bạn. Hãy cho thấy bạn muốn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời bằng cách noi theo Con Ngài (2 Cô 5:14, 15). Đó quả là con đường tốt nhất!

Bạn trả lời thế nào?

• Báp-têm tượng trưng cho điều gì?

• Dâng mình cho Đức Chúa Trời và làm báp-têm mang lại những ân phước nào?

• Tại sao học từ gương Chúa Giê-su là điều rất quan trọng?

• Điều gì sẽ giúp chúng ta tiếp tục bước đi trên con đường tốt nhất?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 25]

Việc bạn làm báp-têm cho thấy bạn đã chọn con đường tốt nhất

[Hình nơi trang 26]

Bạn có an toàn trong “nơi kín-đáo” không?