Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dù có thay đổi nhưng vẫn giữ được ân phước

Dù có thay đổi nhưng vẫn giữ được ân phước

Dù có thay đổi nhưng vẫn giữ được ân phước

Bạn đang gặp những thay đổi trong đời? Bạn có thấy khó chấp nhận chúng không? Hầu hết chúng ta đang hoặc sẽ rơi vào tình huống đó. Một vài kinh nghiệm có thật trong quá khứ có thể giúp chúng ta biết những đức tính nào hữu ích khi gặp thay đổi trong đời sống.

Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của Đa-vít và nhiều thay đổi mà ông gặp phải. Đa-vít chỉ là một chàng chăn chiên khi Sa-mu-ên bổ nhiệm ông làm vị vua tương lai. Lúc còn trẻ, ông đã tình nguyện nghênh chiến với tên khổng lồ của dân Phi-li-tin là Gô-li-át (1 Sa 17:26-32, 42). Chàng trai Đa-vít được mời vào sống trong cung của vua Sau-lơ và được phong làm tướng lĩnh quân đội. Đa-vít không thể ngờ sẽ có những thay đổi này; cũng không lường trước chuyện gì sẽ xảy ra.

Mối quan hệ giữa Đa-vít và Sau-lơ trở nên vô cùng căng thẳng (1 Sa 18:8, 9; 19:9, 10). Để bảo toàn tính mạng, Đa-vít phải lẩn trốn trong nhiều năm. Thậm chí khi lên làm vua nước Y-sơ-ra-ên, hoàn cảnh của ông cũng thay đổi rất nhiều, đặc biệt sau khi ông ngoại tình và trong nỗ lực che giấu tội lỗi, ông trở thành kẻ sát nhân. Hậu quả là gia đình ông gặp nhiều tai họa. Bên cạnh những tai họa khác, Đa-vít đã chứng kiến sự phản loạn của con trai mình là Áp-sa-lôm (2 Sa 12:10-12; 15:1-14). Tuy nhiên, sau khi Đa-vít ăn năn về tội ngoại tình và giết người, Đức Giê-hô-va tha thứ và ban lại ân huệ cho ông.

Hoàn cảnh của bạn cũng có thể thay đổi. Vấn đề sức khỏe, kinh tế bấp bênh hoặc những khó khăn trong gia đình, ngay cả hành động của bản thân đều khiến đời sống bạn thay đổi. Vậy, những đức tính nào có thể giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn để đương đầu với những thử thách ấy?

Tính khiêm nhường giúp ích rất nhiều

Tính khiêm nhường bao hàm thái độ phục tùng. Tính này giúp chúng ta biết rõ về bản thân và người khác. Qua việc không xem thường các đức tính và sự thành công của người khác, chúng ta sẽ hiểu và quý trọng họ hơn cũng như những gì họ làm. Tương tự, tính khiêm nhường có thể giúp chúng ta hiểu tại sao vấn đề nào đó xảy ra cho chúng ta và làm sao đối phó.

Giô-na-than, con trai Sau-lơ, là gương mẫu tốt. Hoàn cảnh của ông đã thay đổi qua những sự kiện ngoài tầm kiểm soát. Khi Sa-mu-ên nói với Sau-lơ rằng Đức Giê-hô-va sẽ lấy nước khỏi tay ông, Sa-mu-ên không nói Giô-na-than sẽ nối ngôi (1 Sa 15:28; 16:1, 12, 13). Đức Giê-hô-va đã chọn Đa-vít làm vua kế tiếp của nước Y-sơ-ra-ên thay vì Giô-na-than. Theo một nghĩa nào đó, sự bất tuân của Sau-lơ đã tác động tiêu cực đến Giô-na-than. Ngay dù không chịu trách nhiệm về việc làm của Sau-lơ, Giô-na-than sẽ không được kế nghiệp cha (1 Sa 20:30, 31). Trong tình huống này, Giô-na-than phản ứng thế nào? Ông có phẫn uất vì đã đánh mất cơ hội và bắt đầu ghen tỵ với Đa-vít không? Ông không có thái độ như thế. Dù lớn tuổi và có kinh nghiệm hơn, nhưng Giô-na-than đã trung thành ủng hộ Đa-vít (1 Sa 23:16-18). Nhờ khiêm nhường, ông hiểu ai là người nào được Đức Chúa Trời chọn, và ông ‘không có tư-tưởng cao quá lẽ’ (Rô 12:3). Giô-na-than hiểu Đức Giê-hô-va kỳ vọng điều gì nơi ông và chấp nhận quyết định của Đức Giê-hô-va về vấn đề này.

Dĩ nhiên, nhiều thay đổi gây ra một số khó khăn. Có một lúc, Giô-na-than cảm thấy khó xử với hai người thân thiết của ông. Một người là Đa-vít, vị vua tương lai cũng là bạn của ông, người được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm. Còn người kia là Sau-lơ, thân phụ ông, người bị Đức Giê-hô-va từ bỏ nhưng vẫn đang làm vua. Tình huống này hẳn khiến Giô-na-than rất căng thẳng, trong khi đó ông cũng phải cố gắng gìn giữ ân phước của Đức Giê-hô-va. Ngày nay, những thay đổi trong đời sống có thể khiến chúng ta phần nào lo lắng và e sợ. Nhưng nếu cố gắng hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ tiếp tục trung thành phụng sự Ngài dù gặp nhiều thay đổi.

Tầm quan trọng của tính khiêm tốn

Khiêm tốn bao hàm việc ý thức những giới hạn của bản thân. Không nên lẫn lộn giữa tính khiêm tốn và khiêm nhường. Người khiêm nhường có lẽ không hoàn toàn ý thức được những giới hạn của mình.

Đa-vít là người khiêm tốn. Dù Đức Giê-hô-va đã chọn ông làm vua, nhưng trong nhiều năm Đa-vít không thể lên nắm quyền. Kinh Thánh không nói rằng Đa-vít nhận được bất kỳ sự giải thích nào từ Đức Giê-hô-va về lý do của sự trì hoãn này. Tuy nhiên, tình huống có vẻ nản lòng đó đã không làm Đa-vít phiền não. Ông ý thức giới hạn của mình và hiểu rằng Đức Giê-hô-va, Đấng để cho tình huống đó xảy ra, kiểm soát được tình hình. Vì thế, dù có thể giết Sau-lơ để cứu mạng nhưng Đa-vít đã không làm, ông cũng ngăn chặn bạn mình là A-bi-sai làm điều đó.—1 Sa 26:6-9.

Đôi khi có một tình huống phát sinh trong hội thánh mà chúng ta không hiểu hoặc theo quan điểm của mình, vấn đề đó dường như không được giải quyết hay dàn xếp một cách tốt nhất. Liệu chúng ta sẽ khiêm tốn nhìn nhận Chúa Giê-su là Đầu hội thánh và ngài điều hành hội đồng trưởng lão được bổ nhiệm để dẫn đầu hội thánh không? Chúng ta sẽ thể hiện tính khiêm tốn, nhận biết rằng để giữ được ân phước của Đức Giê-hô-va, chúng ta cần đợi Ngài hướng dẫn qua Chúa Giê-su hay không? Liệu chúng ta sẽ khiêm tốn chờ đợi cho dù điều này là cả một thử thách không?—Châm 11:2.

Tính nhu mì giúp chúng ta có thái độ tích cực

Nhu mì là đức tính khiêm hòa hoặc ôn hòa. Nó giúp chúng ta chịu đựng tổn thương với lòng kiên nhẫn và không bực tức, oán giận, căm thù. Nhu mì là đức tính khó vun trồng. Điều thú vị là một câu trong Kinh Thánh kêu gọi “kẻ nhu-mì của đất... tìm-kiếm sự nhu-mì” (Sô 2:3). Tính nhu mì có liên hệ với tính khiêm nhường và khiêm tốn, nhưng nó cũng bao hàm những đức tính khác như nhân đức và ôn hòa. Một người nhu mì có thể tiến bộ về thiêng liêng nhờ dễ uốn nắn.

Làm sao tính nhu mì giúp chúng ta đối phó với những khía cạnh mới của đời sống? Dường như bạn thấy rằng nhiều người có khuynh hướng xem những thay đổi theo hướng tiêu cực. Trên thực tế, những thay đổi có thể là cơ hội để Đức Giê-hô-va huấn luyện chúng ta thêm nữa. Cuộc đời của ông Môi-se minh họa cho điều này.

Lúc 40 tuổi, Môi-se đã có những đức tính nổi trội. Ông nhạy cảm trước nhu cầu của dân Đức Chúa Trời và thể hiện tinh thần hy sinh (Hê 11:24-26). Tuy nhiên, trước khi được Đức Giê-hô-va chọn làm người dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Môi-se phải đối mặt với những thay đổi giúp ông rèn luyện tính nhu mì. Ông phải trốn khỏi Ê-díp-tô và sống trong xứ Ma-đi-an 40 năm, làm nghề chăn chiên, mất hết danh vọng địa vị. Kết quả ra sao? Sự thay đổi này giúp ông trở thành người tốt hơn (Dân 12:3). Ông rút ra được bài học là đặt ý muốn Đức Giê-hô-va lên hàng đầu.

Để thấy rõ tính nhu mì của Môi-se, hãy xem điều gì đã xảy ra khi Đức Giê-hô-va nói rằng Ngài muốn từ bỏ dân tộc bất tuân và khiến con cháu của Môi-se trở thành một dân hùng mạnh (Dân 14:11-20). Môi-se đã xin Đức Giê-hô-va tha cho dân Y-sơ-ra-ên. Những lời của ông cho thấy ông quan tâm đến thanh danh của Đức Giê-hô-va và hạnh phúc của những người đồng hương, chứ không phải lợi ích cá nhân. Để làm tròn vai trò người lãnh đạo và người trung gian của dân sự, Môi-se phải là người khiêm nhường. Dù Mi-ri-am và A-rôn lằm bằm cùng ông, nhưng lời tường thuật trong Kinh Thánh cho biết Môi-se là “người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian” (Dân 12:1-3, 9-15). Dường như Môi-se bày tỏ tính nhu mì khi nhẫn nhịn trước những lời xúc phạm của họ. Nếu Môi-se không là người nhu mì thì điều gì sẽ xảy ra?

Vào một dịp khác, Đức Giê-hô-va ban thánh linh cho một số người khiến họ nói tiên tri. Đầy tớ của Môi-se là Giô-suê cảm thấy những người Y-sơ-ra-ên này đã cư xử không đúng. Trái lại, Môi-se khiêm nhường nhìn sự việc theo quan điểm của Đức Giê-hô-va và không lo lắng về việc bị mất quyền (Dân 11:26-29). Nếu không có tính khiêm nhường, liệu Môi-se có chấp nhận sự thay đổi này của Đức Giê-hô-va không?

Tính nhu mì giúp Môi-se sử dụng quyền hành một cách đúng đắn và làm đúng vai trò được Đức Chúa Trời giao. Ngài bảo ông lên núi Hô-rếp và đứng trước dân sự. Qua một thiên sứ, Đức Giê-hô-va nói với Môi-se rằng Ngài chọn ông làm người trung gian của giao ước. Tính nhu mì của Môi-se đã giúp ông chấp nhận sự thay đổi lớn liên quan đến quyền hành, đồng thời không làm điều gì khiến ông mất đi ân huệ của Đức Chúa Trời.

Còn chúng ta thì sao? Tính nhu mì là thiết yếu cho sự tiến bộ của chúng ta. Tất cả những ai được giao cho đặc ân và quyền hành trong dân sự Đức Chúa Trời đều phải nhu mì. Đức tính này giúp chúng ta không trở nên kiêu ngạo khi gặp sự thay đổi, đồng thời giúp chúng ta có thái độ đúng khi đương đầu với hoàn cảnh. Cách phản ứng của chúng ta rất quan trọng. Liệu chúng ta sẽ chấp nhận sự thay đổi không? Chúng ta sẽ xem đó là cơ hội để mình tiến bộ không? Đó có thể là cơ hội đặc biệt để vun trồng tính nhu mì!

Chúng ta luôn phải đối diện với những thay đổi trong đời sống. Đôi khi chúng ta khó hiểu tại sao điều đó xảy ra. Những giới hạn và sự căng thẳng có thể khiến chúng ta khó tiếp tục nhìn sự việc theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, những đức tính như khiêm nhường, khiêm tốn, nhu mì sẽ giúp chúng ta đón nhận những thay đổi và giữ được ân phước của Đức Chúa Trời.

[Câu nổi bật nơi trang 4]

Tính khiêm nhường giúp chúng ta biết rõ về bản thân

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Tính nhu mì là thiết yếu cho sự tiến bộ của chúng ta

[Lời chú thích nơi trang 5]

Môi-se đối mặt với những thay đổi giúp ông rèn luyện tính nhu mì