Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mác “rất hữu ích cho công việc phục vụ”

Mác “rất hữu ích cho công việc phục vụ”

Mác “rất hữu ích cho công việc phục vụ”

Hội thánh An-ti-ốt đã có một số vấn đề, nhưng sự bất đồng giữa hai sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba thì khác. Hai sứ đồ này chuẩn bị đi truyền giáo, nhưng khi phải quyết định đem ai đi cùng, họ “cãi-lẫy nhau dữ-dội” (Công 15:39). Thế là mỗi người đi mỗi ngã. Cuộc tranh luận của họ liên quan đến người giáo sĩ thứ ba, đó là Mác.

Mác là ai? Hai sứ đồ tranh cãi điều gì về Mác? Tại sao họ có ý kiến cứng rắn như thế? Họ có thay đổi ý kiến không? Bạn học được gì từ câu chuyện của Mác?

Quê tại Giê-ru-sa-lem

Mác dường như xuất thân từ một gia đình Do Thái giàu có và sinh trưởng tại thành Giê-ru-sa-lem. Lần đầu tiên chúng ta biết về ông là qua những chi tiết có liên quan đến lịch sử của hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. Khoảng năm 44 CN, khi thiên sứ của Đức Giê-hô-va làm phép lạ giải thoát sứ đồ Phi-e-rơ ra khỏi ngục của vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba I, Phi-e-rơ lên đường “đến nhà Ma-ri, mẹ của Giăng, cũng gọi là Mác, là nơi có nhiều người đang nhóm lại cầu-nguyện”.—Công 12:1-12 *.

Vậy, vào thời đó, dường như hội thánh ở Giê-ru-sa-lem thường nhóm họp tại nhà mẹ của Mác. Vì “có nhiều người” nhóm tại đó nên hẳn căn nhà ấy phải lớn. Ma-ri có một đầy tớ gái tên là Rô-đơ và khi Phi-e-rơ “gõ cửa nhà ngoài”, cô đã ra tiếp. Những chi tiết này cho thấy Ma-ri là một người khá giả. Căn nhà được nói đến ở đây là nhà riêng của bà, chứ không phải của chồng bà. Vì thế, có lẽ Ma-ri là một góa phụ và lúc ấy Mác vẫn còn trẻ.—Công 12:13.

Có lẽ Mác ở trong số những người nhóm lại để cầu nguyện. Hẳn ông quen biết các môn đồ Chúa Giê-su và những người khác đã chứng kiến một số sự kiện trong thánh chức của ngài. Vậy, lúc Chúa Giê-su bị bắt, có lẽ Mác là chàng trai đã đi theo ngài và bỏ cái khăn gai trùm mình chạy trốn khi người ta cố bắt ông.—Mác 14:51, 52.

Các đặc ân trong hội thánh

Việc kết hợp với các tín đồ Đấng Christ thành thục chắc chắn đã ảnh hưởng tích cực đến Mác. Ông tiến bộ về thiêng liêng và được các anh có trách nhiệm chú ý. Khoảng năm 46 CN, khi Phao-lô và Ba-na-ba “gởi một món tiền” từ An-ti-ốt đến Giê-ru-sa-lem nhằm giảm bớt hậu quả của nạn đói, họ đã chú ý đến Mác. Khi Phao-lô và Ba-na-ba trở lại thành An-ti-ốt, họ đem Mác đi cùng.—Công 11:27-30; 12:25.

Nếu đọc mà không để ý kỹ, một người có thể cho rằng giữa ba người này không có mối liên hệ đặc biệt nào, ngoại trừ mối liên hệ tôn giáo. Người đó cũng có thể nghĩ rằng Phao-lô và Ba-na-ba kêu gọi Mác cộng tác với họ chỉ vì khả năng của ông. Nhưng trong một lá thư của Phao-lô cho biết Mác là em họ của Ba-na-ba (Cô 4:10). Điều này giúp chúng ta hiểu rõ về những sự kiện tiếp theo liên quan đến Mác.

Khoảng hơn một năm sau, thánh linh hướng dẫn Phao-lô và Ba-na-ba thực hiện một chuyến hành trình truyền giáo. Họ đi từ An-ti-ốt đến Chíp-rơ và Giăng Mác đi cùng “để giúp” họ (Công 13:2-5). Có lẽ trong suốt chuyến đi, Mác lo về những việc khác để các sứ đồ có thể tập trung vào vấn đề thiêng liêng.

Phao-lô, Ba-na-ba và Mác đi đến Chíp-rơ, họ vừa đi vừa rao giảng. Sau đó, họ đến Tiểu Á. Tại đây, Giăng Mác có một quyết định khiến Phao-lô thất vọng. Lời tường thuật cho biết rằng khi các anh em đến thành Bẹt-giê, “Giăng lìa hai người, trở về thành Giê-ru-sa-lem” (Công 13:13). Kinh Thánh không cho biết tại sao ông làm điều này.

Vài năm sau, Phao-lô, Ba-na-ba và Mác trở lại thành An-ti-ốt. Hai sứ đồ bàn bạc về chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai để tiếp tục vun đắp những gì họ đã thực hiện trong chuyến hành trình lần thứ nhất. Ba-na-ba muốn đem người em họ của mình đi cùng, nhưng Phao-lô không đồng ý vì trước kia Mác đã bỏ họ. Điều này đã gây ra tình huống căng thẳng được đề cập ở đầu bài. Kết quả là Ba-na-ba đem Mác đi cùng để làm thánh chức ở đảo Chíp-rơ, quê nhà của ông; còn Phao-lô đi đến Sy-ri (Công 15:36-41). Rõ ràng, Phao-lô và Ba-na-ba có quan điểm khác nhau về quyết định trước đây của Mác.

Hòa giải bất đồng

Chắc chắn Mác rất buồn về điều này. Tuy nhiên, ông vẫn là một tôi tớ trung thành. Khoảng 11 hoặc 12 năm sau sự việc xảy ra với Phao-lô, Kinh Thánh lại đề cập đến Mác vào giai đoạn ban đầu của lịch sử đạo Đấng Christ. Nhưng ông xuất hiện ở đâu? Ở nơi mà bạn không bao giờ ngờ tới, đó là ở cùng với Phao-lô!

Vào năm 60-61 CN, khi Phao-lô đang ngồi tù tại Rô-ma, ông gửi một số lá thư mà hiện nay thuộc một phần của Kinh Thánh. Trong một lá thư gửi cho các tín đồ ở Cô-lô-se, Phao-lô viết: “A-ri-tạc, người bạn tù của tôi tại đây, và Mác, anh em chú bác với Ba-na-ba, gửi lời thăm anh em. Tôi đã dặn anh em tiếp đón Mác khi anh ấy đến thăm... [Những] bạn đồng sự đó an ủi khích lệ và cộng tác chặt chẽ trong công cuộc mở mang Nước Chúa”.—Cô 4:10, 11, Bản Diễn Ý.

Đó quả là một sự thay đổi hoàn toàn! Từ việc từng là đối tượng khiến Phao-lô cảm thấy khó chịu, nhưng giờ đây Mác lại là người cộng tác hữu ích của Phao-lô. Rõ ràng, Phao-lô đã cho anh em ở Cô-lô-se biết có lẽ Mác sẽ đến thăm họ. Nếu thế, Mác là người đại diện cho Phao-lô.

Có phải Phao-lô quá khắt khe với Mác trong những năm trước đó? Mác có được lợi ích nhờ bị khiển trách không? Hoặc cả hai trường hợp trên đều đúng? Dù gì đi nữa, sự hòa giải giữa họ cho thấy cả Phao-lô lẫn Mác đều là người thành thục. Họ đã bỏ qua chuyện cũ và cùng hợp tác với nhau một lần nữa. Quả là một gương xuất sắc cho bất cứ ai có sự bất đồng với anh em đồng đạo!

Mác làm công việc lưu động

Khi đọc về những chuyến hành trình của Mác, bạn nhận thấy rằng ông đi rất nhiều. Quê của Mác là thành Giê-ru-sa-lem và ông đã dọn đến An-ti-ốt, rồi từ nơi này lên thuyền đến đảo Chíp-rơ và Bẹt-giê. Sau đó, ông đến Rô-ma. Từ đây, Phao-lô muốn phái ông đến Cô-lô-se, và còn hơn thế nữa!

Sứ đồ Phi-e-rơ viết lá thư đầu tiên vào khoảng năm 62 đến 64 CN. Trong thư, ông viết: ‘Hội-thánh tại thành Ba-by-lôn, chào anh em, con tôi là Mác cũng vậy’ (1 Phi 5:13). Vì thế, Mác đi đến Ba-by-lôn để cộng tác với sứ đồ này, người từng tham dự nhóm họp tại nhà mẹ của Mác nhiều năm trước.

Trong thời gian Phao-lô ngồi tù lần thứ hai tại Rô-ma vào năm 65 CN, ông viết thư kêu gọi Ti-mô-thê, lúc này đang ở Ê-phê-sô, rồi nói thêm: “Hãy đem Mác đến với con” (2 Ti 4:11). Qua đó, chúng ta biết Mác đang ở Ê-phê-sô. Vậy, chúng ta chắc chắn rằng Mác đã đáp ứng lời kêu gọi của Phao-lô là trở lại Rô-ma cùng với Ti-mô-thê. Lúc đó, việc đi lại không dễ dàng, nhưng Mác đã sẵn sàng lên đường.

Đặc ân to lớn khác

Mác có một đặc ân to lớn là được Đức Giê-hô-va soi dẫn để viết một sách Phúc âm. Dù không nơi nào trong sách Phúc âm thứ hai này cho biết về tác giả, nhưng những tài liệu xưa nhất cho thấy Mác viết sách này và ông lấy thông tin từ Phi-e-rơ. Thật vậy, Phi-e-rơ là người tận mắt chứng kiến những điều Mác ghi lại.

Các nhà phân tích sách Phúc âm Mác tin rằng ông viết sách này cho các độc giả không phải là người Do Thái. Trong sách, ông cung cấp những lời giải thích rất hữu ích cho những thực hành của người Do Thái (Mác 7:3; 14:12; 15:42). Ông đã dịch những cụm từ tiếng A-ram mà có lẽ gây khó hiểu cho các độc giả không phải là người Do Thái (Mác 3:17; 5:41; 7:11, 34; 15:22, 34). Ông dùng nhiều cụm từ La-tinh và thậm chí giải thích những từ Hy Lạp thông dụng bằng những từ La-tinh. Ông quy đổi “hai đồng tiền kẽm” của người Do Thái có “trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma” (Mác 12:42, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Những chi tiết này dường như phù hợp với điều người ta tin bấy lâu nay là Mác viết sách Phúc âm mang tên ông tại Rô-ma.

“Rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi”

Viết sách Phúc âm không phải là điều duy nhất Mác làm tại Rô-ma. Hãy nhớ những gì Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Hãy đem anh [Mác] đi với anh”. Tại sao Phao-lô nói như thế? “Vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi”.—2 Ti 4:11, GKPV.

Những lời trên cho biết nhiều điều về Mác và đây cũng là lần cuối cùng (theo trình tự thời gian) Kinh Thánh đề cập đến ông. Không nơi nào cho biết tư cách phục vụ của Mác trong hội thánh là sứ đồ, người dẫn dắt hoặc nhà tiên tri. Ông là người phục vụ người khác. Trước khi Phao-lô qua đời ít lâu, chắc chắn sứ đồ này được lợi ích từ sự giúp đỡ của Mác.

Khi tổng hợp lại những thông tin chúng ta biết về Mác, chúng phác họa chân dung về một người sốt sắng loan báo tin mừng ở nhiều vùng trên thế giới, một người vui vẻ phục vụ người khác. Quả thật, Mác có được các đặc ân đầy thỏa nguyện vì ông đã không bỏ cuộc!

Như Mác, chúng ta, những tôi tớ của Đức Giê-hô-va thời nay cũng thể hiện lòng quyết tâm rao giảng tin mừng về Nước Trời. Như trong trường hợp của Mác, một số người trong chúng ta có thể dọn đến nơi khác, ngay cả ra nước ngoài, để loan báo tin mừng. Dù hầu hết chúng ta không thể dọn đi nơi khác, nhưng chúng ta có thể noi gương Mác theo một cách quan trọng khác. Mác đã rất nỗ lực phục vụ anh em, chúng ta cũng sẵn sàng cố gắng giúp đỡ anh em đồng đạo bằng những cách thực tế để họ phụng sự Đức Chúa Trời. Khi làm thế, chúng ta tin chắc rằng mình sẽ tiếp tục nhận được nhiều ân phước.—Châm 3:27; 10:22; Ga 6:2.

[Chú thích]

^ đ. 5 Thông thường ngoài tên thật, những người sống vào thời của Mác có thêm một tên tiếng Hê-bơ-rơ hoặc tiếng nước ngoài. Tên tiếng Hê-bơ-rơ của ông là Yohanan, hoặc Giăng. Còn tên khác theo tiếng La-tinh là Marcus, hoặc Mác.—Công 12:25.

[Bản đồ/​Hình nơi trang 8, 9]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Một số thành phố mà Mác đã ghé thăm

Rô-ma

Ê-phê-sô

Cô-lô-se

Bẹt-giê

An-ti-ốt (thuộc Sy-ri)

Chíp-rơ

ĐỊA TRUNG HẢI

Giê-ru-sa-lem

Ba-by-lôn