Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có nhận lợi ích từ câu hỏi của Đức Giê-hô-va?

Bạn có nhận lợi ích từ câu hỏi của Đức Giê-hô-va?

Bạn có nhận lợi ích từ câu hỏi của Đức Giê-hô-va?

Kinh Thánh có hàng trăm câu hỏi giúp một người hiểu thấu cảm xúc và động cơ sâu kín trong lòng mình. Thật thế, chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũng dùng câu hỏi để dạy những lẽ thật quan trọng. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va dùng vài câu hỏi khi khuyên Ca-in phải thay đổi thái độ xấu (Sáng 4:6, 7). Tương tự, câu hỏi của Đức Giê-hô-va cũng thúc đẩy Ê-sai hành động. Khi nghe Đức Giê-hô-va hỏi: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?”, nhà tiên tri Ê-sai đã trả lời: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”.—Ê-sai 6:8.

Thầy Vĩ Đại là Chúa Giê-su cũng dùng câu hỏi cách hữu hiệu. Các sách Phúc âm ghi lại hơn 280 câu hỏi của ngài. Thỉnh thoảng Chúa Giê-su dùng câu hỏi để làm cho những kẻ chỉ trích phải nín lặng, nhưng thường thì mục tiêu của ngài là động đến lòng người nghe, khiến họ suy nghĩ về tình trạng thiêng liêng của mình (Mat 22:41-46; Giăng 14:9, 10). Tương tự, sứ đồ Phao-lô—người viết 14 sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp—đã dùng câu hỏi một cách thuyết phục (Rô 10:13-15). Chẳng hạn, trong thư gửi các tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô đã nêu rất nhiều câu hỏi. Các câu hỏi này giúp người đọc quý trọng sự ‘sâu-nhiệm của sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời’.—Rô 11:33.

Một số câu hỏi là để người nghe trả lời. Những câu khác thì nhằm gợi ý để người nghe suy nghĩ, và đó là cách Chúa Giê-su sử dụng câu hỏi được ghi trong Phúc âm. Vào dịp nọ, Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Hãy giữ mình cẩn-thận về men người Pha-ri-si, và men đảng Hê-rốt”, tức là sự giả hình và các giáo lý sai lầm của họ (Mác 8:15; Mat 16:12). Môn đồ Chúa Giê-su không hiểu ý ngài và bắt đầu cãi nhau về việc họ quên mang theo bánh mì. Hãy lưu ý cách Chúa Giê-su dùng câu hỏi trong cuộc đối thoại ngắn sau đó: “Đức Chúa Jêsus... phán rằng: Sao các ngươi nói cùng nhau rằng đó là tại các ngươi không có bánh? Chớ các ngươi còn chưa nghe, chưa hiểu sao? Các ngươi có lòng cứng-cỏi luôn ư? Các ngươi có mắt mà sao không thấy? Có tai mà sao không nghe?... Các ngươi còn chưa hiểu sao?”. Qua những câu hỏi đó, Chúa Giê-su muốn các môn đồ suy nghĩ về ý nghĩa của lời ngài.—Mác 8:16-21.

“Ta sẽ hỏi ngươi”

Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng câu hỏi để chỉnh lại lối suy nghĩ của tôi tớ Ngài là Gióp. Qua nhiều câu hỏi, Đức Giê-hô-va cho Gióp thấy sự nhỏ bé, tầm thường của ông so với Đấng tạo ra ông (Gióp, chương 38-41). Đức Giê-hô-va có đợi Gióp trả lời từng câu hỏi không? Có lẽ không. Những câu hỏi như: “Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu?” dường như là để gợi lên trong Gióp nhiều suy nghĩ và cảm xúc. Sau một số câu hỏi sâu sắc như thế, Gióp gần như không thốt nên lời. Ông chỉ nói: “Tôi... sẽ đáp chi với Chúa? Tôi đặt tay lên che miệng tôi” (Gióp 38:4; 39:37). Gióp hiểu ý Đức Giê-hô-va và tự hạ mình xuống. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không chỉ dạy Gióp về sự khiêm nhường mà còn chỉnh lại lối suy nghĩ của ông. Như thế nào?

Tuy Gióp là người “vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng”, đôi khi lời nói của ông cho thấy quan điểm sai. Ê-li-hu nhận ra điều đó khi đến trách Gióp vì ông đã “tự xưng mình là công-bình hơn là Đức Chúa Trời” (Gióp 1:8; 32:2; 33:8-12). Như vậy, những câu hỏi của Đức Giê-hô-va cũng chỉnh lại quan điểm của Gióp. Từ giữa cơn gió trốt, Đức Giê-hô-va nói với Gióp: “Kẻ nầy là ai dám dùng các lời không tri-thức, mà làm cho mờ-ám các mưu-định ta? Khá thắt lưng người như kẻ dõng-sĩ; ta sẽ hỏi ngươi, ngươi sẽ chỉ-dạy cho ta!” (Gióp 38:1-3). Sau đó, Đức Giê-hô-va dùng những câu hỏi để hướng ông đến sự khôn ngoan và quyền năng vô hạn được thể hiện qua các công việc tuyệt vời của Ngài. Nhờ sự giải thích này, Gióp tin cậy nơi sự xét đoán và cách làm việc của Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết. Được chính Đức Chúa Trời Toàn Năng đặt câu hỏi quả là một trải nghiệm gợi lên lòng kính sợ nơi Gióp!

Làm thế nào nhận lợi ích từ câu hỏi của Đức Giê-hô-va?

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thể được lợi ích từ những câu hỏi được ghi trong Kinh Thánh không? Có. Nếu dành thời gian suy nghĩ những câu hỏi đó, chúng ta có thể nhận nhiều lợi ích về thiêng liêng. Các câu hỏi góp phần giúp Lời Đức Chúa Trời có tác động sâu sắc. Thật vậy, “lời của Đức Chúa Trời... linh-nghiệm... xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng” (Hê 4:12). Tuy nhiên, để nhận nhiều lợi ích, chúng ta cần suy nghĩ về những câu hỏi đó, như thể Đức Giê-hô-va đang hỏi chúng ta (Rô 15:4). Hãy xem xét vài thí dụ.

“Đấng đoán-xét toàn thế-gian, há lại không làm sự công-bình sao?” (Sáng 18:25). Áp-ra-ham đã nêu câu hỏi tu từ này với Đức Giê-hô-va khi Ngài phán xét thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Đối với Áp-ra-ham, Đức Giê-hô-va không thể nào hành động bất công—để người công bình chết chung với người ác. Câu hỏi của Áp-ra-ham cho thấy ông tin chắc nơi sự công bình của Đức Giê-hô-va.

Ngày nay, một số người có khuynh hướng suy đoán về những vấn đề liên quan đến sự phán xét của Đức Giê-hô-va trong tương lai, chẳng hạn ai sẽ sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn, hoặc ai sẽ được sống lại. Thay vì để những điều đó gây hoang mang, chúng ta có thể nhớ lại câu hỏi của Áp-ra-ham. Như Áp-ra-ham, nếu biết Đức Giê-hô-va là Cha nhân từ ở trên trời và hoàn toàn tin cậy nơi sự công bình và thương xót của Ngài, chúng ta sẽ không mất thì giờ và năng lực cho sự lo lắng không cần thiết, mối nghi ngờ làm suy yếu đức tin và các cuộc tranh luận vô ích.

“Có ai trong vòng các ngươi lo-lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?” (Mat 6:27). Khi nói với đám đông, trong đó có các môn đồ, Chúa Giê-su dùng câu hỏi này để nhấn mạnh việc họ cần đặt mình trong vòng tay yêu thương của Đức Giê-hô-va. Những ngày cuối cùng của hệ thống gian ác này thường có nhiều mối lo âu, nhưng tập trung vào chúng sẽ không tăng tuổi thọ hoặc làm đời sống chúng ta tốt hơn.

Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy lo lắng về bản thân hay người thân yêu, nhớ đến câu hỏi của Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta có cái nhìn đúng về những mối lo âu. Câu hỏi ấy có thể giúp chúng ta không còn lo lắng và suy nghĩ tiêu cực, là những điều làm chúng ta kiệt quệ về tinh thần, tình cảm và thể chất. Như Chúa Giê-su bảo đảm, Cha trên trời—Đấng nuôi nấng loài chim và ban áo đẹp cho cây cối ngoài đồng—biết rõ chúng ta cần gì.—Mat 6:26-34.

“Há có người nào để lửa trong lòng mình, mà áo người lại chẳng bị cháy sao?” (Châm 6:27). Chín chương đầu của sách Châm-ngôn là những bài diễn thuyết ngắn của người cha muốn truyền sự khôn ngoan thực tiễn cho con trai mình. Câu hỏi trên ám chỉ hậu quả cay đắng của việc ngoại tình (Châm 6:29). Nếu chúng ta nhận thấy mình có hành vi tán tỉnh hoặc nuôi dưỡng bất cứ ham muốn vô luân nào, câu hỏi này nên là hồi chuông cảnh báo. Bất cứ khi nào một người bị cám dỗ làm điều dại dột thì có thể nghĩ đến câu hỏi này. Nó nhấn mạnh nguyên tắc thực tiễn: “Gieo giống chi, lại gặt giống ấy”.—Ga 6:7.

“Ngươi là ai mà dám xét-đoán tôi-tớ của kẻ khác?” (Rô 14:4). Trong lá thư gửi cho các tín đồ ở Rô-ma, sứ đồ Phao-lô nói về những vấn đề nảy sinh trong hội thánh vào thế kỷ thứ nhất. Một số tín đồ Đấng Christ, đến từ nhiều nền văn hóa, có khuynh hướng phê phán quyết định hoặc hành động của các anh em khác. Câu hỏi của Phao-lô nhắc họ phải chấp nhận nhau và để sự đoán xét trong tay Đức Giê-hô-va.

Tương tự, ngày nay dân Đức Giê-hô-va đến từ mọi tầng lớp xã hội, nhưng Đức Giê-hô-va đã kết hợp chúng ta trong sự hợp nhất quý báu. Chúng ta có góp phần vào sự hợp nhất ấy không? Nếu chúng ta có khuynh hướng vội vàng chỉ trích một anh em về hành động mà người ấy đã làm theo lương tâm, điều khôn ngoan là tự hỏi mình câu hỏi trên của Phao-lô!

Câu hỏi giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn

Những thí dụ trên cho thấy các câu hỏi trong Lời Đức Chúa Trời có tác động mạnh như thế nào. Hiểu rõ bối cảnh của mỗi câu hỏi có thể giúp chúng ta biết cách áp dụng thực tế cho hoàn cảnh của mình. Và khi đọc Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy có nhiều câu hỏi hữu ích khác.—Xem khung trang 14.

Khi để những câu hỏi sâu sắc trong Lời Đức Chúa Trời tác động đến lòng, chúng ta có thể uốn nắn tâm trí phù hợp với tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va. Sau khi Đức Giê-hô-va đặt câu hỏi với Gióp, ông đã khẳng định: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài” (Gióp 42:5). Thật thế, Đức Giê-hô-va trở nên thật hơn với Gióp, như thể Ngài đang đứng trước mặt ông. Sau này, môn đồ Gia-cơ cũng nói: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Gia 4:8). Mong sao chúng ta để toàn bộ Lời Đức Chúa Trời, kể cả các câu hỏi, giúp chúng ta tiến bộ về thiêng liêng và ngày càng “thấy” Ngài rõ ràng!

[Khung nơi trang 14]

Tự hỏi những câu sau đây có thể giúp bạn có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va như thế nào?

▪ “ Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của-lễ thiêu và của-lễ thù-ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư?”​—1 Sa 15:22.

▪ “ Đấng đã nắn con mắt há sẽ chẳng thấy ư?”—Thi 94:9.

▪ “ Con có thấy người nào khôn-ngoan theo mắt nó chăng?”—Châm 26:12.

▪ “ Ngươi giận có nên không?”​—Giô-na 4:4.

▪ “ Người nào nếu được cả thiên-hạ mà mất linh-hồn mình, thì có ích gì?”—Mat 16:26.

▪ “ Ai sẽ phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương của Đấng Christ?”.​—Rô 8:35.

▪ “ Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận-lãnh sao?”—1 Cô 4:7.

▪ “ Sự sáng với sự tối có thông-đồng nhau được chăng?”—2 Cô 6:14.

[Hình nơi trang 15]

Gióp học được gì qua các câu hỏi của Đức Giê-hô-va?