Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vai trò của thánh linh trong việc thực hiện ý định Đức Giê-hô-va

Vai trò của thánh linh trong việc thực hiện ý định Đức Giê-hô-va

Vai trò của thánh linh trong việc thực hiện ý định Đức Giê-hô-va

“Lời đã ra từ miệng Ta, sẽ... hoàn thành việc Ta đã sai khiến nó”.​—Ê-SAI 55:11, Bản Dịch Mới.

1. Hãy minh họa sự khác biệt giữa kế hoạch và mục tiêu.

Hãy hình dung hai người đàn ông, mỗi người chuẩn bị thực hiện một chuyến đi bằng xe hơi. Một người vạch ra lộ trình chi tiết dẫn đến đích. Người kia định rõ nơi mình đến nhưng cũng biết có nhiều lối đi. Nếu tình huống bất ngờ xảy ra, ông sẵn sàng thay đổi lộ trình. Trong vài khía cạnh, cách thức để đến đích của hai người này minh họa sự khác biệt giữa kế hoạch và mục tiêu. Kế hoạch có thể ví như việc vạch ra lộ trình chi tiết. Còn mục tiêu thì có thể ví với việc định rõ nơi đến nhưng không nhất thiết có một cách cụ thể để đến đấy.

2, 3. (a) Ý định của Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì? Và khi hai người đầu tiên phạm tội, Ngài ứng phó như thế nào? (b) Tại sao chúng ta nên nhận biết để hành động phù hợp với cách Đức Chúa Trời thực hiện ý định Ngài?

2 Về việc tiến hành ý muốn, Đức Giê-hô-va không có một kế hoạch cứng nhắc, nhưng có một mục tiêu hay ý định dần dần được thực hiện (Ê-phê 3:11). Ý định này bao hàm điều Ngài đã định lúc ban đầu cho loài người và trái đất—đó là trái đất này trở thành địa đàng, nơi những người hoàn toàn có thể sống an bình và hạnh phúc mãi mãi (Sáng 1:28). Khi A-đam và Ê-va phạm tội, Đức Giê-hô-va ứng phó bằng cách có những sắp đặt để đảm bảo ý định Ngài sẽ hoàn thành. (Đọc Sáng-thế Ký 3:15). Đức Giê-hô-va quyết định rằng người nữ tượng trưng sẽ sinh ra “dòng-dõi” hay Con, là đấng cuối cùng sẽ hủy diệt kẻ chủ mưu là Sa-tan và xóa bỏ mọi tổn hại mà hắn đã gây ra.—Hê 2:14; 1 Giăng 3:8.

3 Không quyền lực nào trên trời hay dưới đất có thể ngăn trở Đức Chúa Trời thực hiện ý định mà Ngài đã phán (Ê-sai 46:9-11). Tại sao chúng ta có thể nói như thế? Vì điều đó có liên quan đến thánh linh của Đức Giê-hô-va. Lực ấy vô cùng mạnh mẽ nên ý định Đức Chúa Trời đảm bảo sẽ hoàn thành (Ê-sai 55:10, 11). Chúng ta nên luôn nhận biết để hành động phù hợp với cách Đức Chúa Trời thực hiện ý định Ngài. Triển vọng về sự sống trong tương lai của chúng ta tùy thuộc vào việc ý định đó được hoàn thành. Ngoài ra, khi thấy cách Đức Giê-hô-va dùng thánh linh, đức tin chúng ta được vững mạnh. Vậy, chúng ta hãy xem xét vai trò của thánh linh—trong quá khứ, hiện tại và tương lai—trong việc thực hiện ý định Đức Giê-hô-va.

Vai trò của thánh linh trong quá khứ

4. Đức Giê-hô-va dần dần tiết lộ ý định Ngài như thế nào?

4 Vào thời Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va dần dần tiết lộ ý định Ngài. Lúc đầu, Dòng Dõi được hứa trước ấy là “sự mầu-nhiệm kín-giấu” (1 Cô 2:7). Mãi đến khoảng 2.000 năm sau, Đức Giê-hô-va mới lại đề cập đến một dòng dõi. (Đọc Sáng-thế Ký 12:7; 22:15-18). Đức Giê-hô-va nói với Áp-ra-ham một lời hứa mà sẽ có sự ứng nghiệm rộng hơn. Nhóm từ “nhờ dòng-dõi ngươi” cho thấy rõ Dòng Dõi sẽ là một người, con cháu của Áp-ra-ham. Chúng ta có thể tin chắc rằng Sa-tan đã theo dõi và rất chú ý khi chi tiết này được tiết lộ. Chắc chắn, Kẻ Thù Nghịch đó không muốn gì hơn là hủy diệt hay phá hoại dòng dõi của Áp-ra-ham để làm hỏng ý định của Đức Chúa Trời. Nhưng không thể nào có kết cục như thế, vì thánh linh vô hình của Đức Chúa Trời đã hoạt động. Như thế nào?

5, 6. Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để che chở những người thuộc các thế hệ dẫn đến Dòng Dõi như thế nào?

5 Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để che chở những người thuộc các thế hệ dẫn đến Dòng Dõi. Đức Giê-hô-va phán với Áp-ram (tức Áp-ra-ham): “Ta đây là một cái thuẫn-đỡ cho ngươi” (Sáng 15:1). Đó không phải là lời nói suông. Chẳng hạn, hãy xem điều gì đã xảy ra vào khoảng năm 1919 TCN, khi Áp-ra-ham và Sa-ra đến trú ngụ ở Ghê-ra. Không biết Sa-ra là vợ Áp-ra-ham, vua xứ Ghê-ra là A-bi-mê-léc đã sai người bắt Sa-ra với ý định cưới bà làm vợ. Sa-tan có lèo lái sự việc này, cố ngăn Sa-ra sinh con nối dõi cho Áp-ra-ham không? Kinh Thánh không nói gì về điều đó nhưng cho biết Đức Giê-hô-va đã can thiệp. Trong một giấc mơ, Ngài đã cảnh báo A-bi-mê-léc không được động đến Sa-ra.—Sáng 20:1-18.

6 Đây không phải là trường hợp duy nhất mà Đức Giê-hô-va đã bảo vệ Áp-ra-ham và người thân của ông. Ngài đã nhiều lần giải cứu họ (Sáng 12:14-20; 14:13-20; 26:26-29). Vì thế, người viết Thi-thiên đã có thể nói về Áp-ra-ham và con cháu ông như sau: “Ngài [Đức Giê-hô-va] không cho ai hà-hiếp họ; Ngài trách các vua vì cớ họ, mà rằng: Đừng đụng đến kẻ chịu xức dầu ta, chớ làm hại các đấng tiên-tri ta”.—Thi 105:14, 15.

7. Đức Giê-hô-va đã che chở dân Y-sơ-ra-ên qua những cách nào?

7 Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để che chở dân Y-sơ-ra-ên thời xưa, dân mà Dòng Dõi đã hứa sẽ được sinh ra. Qua thánh linh, Đức Giê-hô-va ban Luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên. Luật pháp đó duy trì sự thờ phượng thật và che chở người Do Thái khỏi bị ô uế về thiêng liêng, đạo đức và thể chất (Xuất 31:18; 2 Cô 3:3). Vào thời các quan xét, thánh linh của Đức Giê-hô-va ban quyền năng cho một số người để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi kẻ thù (Quan 3:9, 10). Trong những thế kỷ trước khi thành phần chính của dòng dõi Áp-ra-ham là Chúa Giê-su được sinh ra, thánh linh hẳn đã giữ một vai trò trong việc bảo vệ Giê-ru-sa-lem, Bết-lê-hem và đền thờ—những nơi góp phần làm ứng nghiệm các lời tiên tri về Chúa Giê-su.

8. Điều gì cho thấy thánh linh góp phần trực tiếp trong đời sống và thánh chức của Con Đức Chúa Trời?

8 Thánh linh đã góp phần trực tiếp trong đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su. Trong tử cung của trinh nữ Ma-ri, thánh linh đã thực hiện một điều từ xưa cho đến nay chỉ xảy ra một lần. Đó là làm cho một người nữ bất toàn thụ thai và sinh ra người Con hoàn toàn, không ở dưới án phạt của sự chết (Lu 1:26-31, 34, 35). Sau đó, thánh linh đã che chở con trẻ Giê-su khỏi bị giết hại (Mat 2:7, 8, 12, 13). Khi Chúa Giê-su khoảng 30 tuổi, Đức Chúa Trời xức dầu cho ngài bằng thánh linh để bổ nhiệm ngài thừa kế ngôi vua Đa-vít và giao cho ngài sứ mạng rao giảng (Lu 1:32, 33; 4:16-21). Qua thánh linh, Chúa Giê-su được ban quyền năng làm phép lạ, trong đó có việc chữa bệnh, cung cấp thức ăn cho đám đông và làm người chết sống lại. Những việc phi thường ấy cho thấy trước các ân phước chúng ta có thể mong đợi dưới sự cai trị của Chúa Giê-su.

9, 10. (a) Việc thánh linh hoạt động trên các môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất được thấy rõ như thế nào? (b) Vào thế kỷ thứ nhất CN, có diễn tiến nào trong việc thực hiện ý định của Đức Giê-hô-va?

9 Kể từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để xức dầu cho thành phần phụ của dòng dõi Áp-ra-ham, trong đó có nhiều người không phải là con cháu Áp-ra-ham (Rô 8:15-17; Ga 3:29). Thánh linh rõ ràng đã hoạt động trên các môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất, khiến họ có thể sốt sắng rao giảng và cho họ quyền năng làm những việc phi thường (Công 1:8; 2:1-4; 1 Cô 12:7-11). Qua những ơn kỳ diệu ấy, thánh linh cho thấy một diễn tiến đầy ấn tượng trong việc thực hiện ý định của Đức Giê-hô-va. Ngài không còn dùng sắp đặt đã được thiết lập từ nhiều thế kỷ trước, là sự thờ phượng tập trung ở đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ân huệ của Ngài giờ đây chỉ dành cho hội thánh tín đồ Đấng Christ mới thành lập. Kể từ đấy, Đức Giê-hô-va dùng hội thánh gồm những người được xức dầu để thực hiện ý định của Ngài.

10 Che chở, ban quyền năng, xức dầu—chỉ là vài cách Đức Giê-hô-va dùng thánh linh vào thời Kinh Thánh để bảo đảm ý định Ngài cuối cùng được thực hiện. Còn thời kỳ chúng ta thì sao? Ngày nay, Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để thực hiện ý định như thế nào? Vì muốn hành động phù hợp với thánh linh nên chúng ta cần biết điều này. Vậy, chúng ta hãy xem xét bốn cách Đức Giê-hô-va dùng thánh linh trong hiện tại.

Vai trò của thánh linh trong hiện tại

11. Điều gì cho thấy thánh linh là lực giúp dân Đức Chúa Trời giữ sự thanh sạch? Và làm thế nào bạn có thể cho thấy mình để thánh linh tác động?

11 Trước tiên, thánh linh là lực giúp dân Đức Chúa Trời giữ sự thanh sạch. Những người có phần trong ý định của Đức Giê-hô-va phải thanh sạch về đạo đức. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 6:9-11). Một số người trước khi trở thành tín đồ Đấng Christ chân chính từng thực hành những việc như tà dâm, ngoại tình và đồng tính luyến ái. Những dục vọng dẫn đến hành vi tội lỗi có thể ăn sâu trong lòng (Gia 1:14, 15). Tuy nhiên, những người như thế được “rửa sạch”, cho thấy họ đã có những thay đổi cần thiết trong đời sống để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Một người yêu mến Đức Chúa Trời kháng cự được sự thôi thúc chiều theo dục vọng xấu xa là nhờ điều gì? Đó là ‘nhờ thánh-linh của Đức Chúa Trời’, như 1 Cô-rinh-tô 6:11 cho biết. Qua việc giữ thanh sạch về đạo đức, bạn cho thấy mình để thánh linh tác động mạnh mẽ trong đời sống.

12. (a) Theo sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va hướng dẫn tổ chức Ngài như thế nào? (b) Làm thế nào bạn có thể cho thấy mình hành động phù hợp với thánh linh?

12 Thứ nhì, Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để hướng dẫn tổ chức Ngài theo hướng Ngài muốn. Trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, phần trên trời của tổ chức Đức Giê-hô-va được miêu tả như một cỗ xe đang di chuyển để thực hiện ý định của Ngài, không gì có thể cản được. Lực nào đẩy cỗ xe di chuyển? Đó là thánh linh (Ê-xê 1:20, 21). Chúng ta hãy nhớ rằng tổ chức Đức Giê-hô-va gồm hai phần, một ở trên trời và một ở trên đất. Nếu phần trên trời được hướng dẫn bởi thánh linh, thì hẳn phần trên đất cũng vậy. Khi vâng theo và trung thành với sự hướng dẫn đến từ phần trên đất của tổ chức Đức Chúa Trời, bạn cho thấy mình đang theo kịp cỗ xe trên trời của Đức Giê-hô-va và đang hành động phù hợp với thánh linh Ngài.—Hê 13:17.

13, 14. (a) Ai hợp thành “dòng-dõi nầy” mà Chúa Giê-su nói đến? (b) Hãy nêu thí dụ cho thấy thánh linh hoạt động để làm sáng tỏ các lẽ thật trong Kinh Thánh. (Xem khung “Bạn có theo kịp ánh sáng ngày càng sáng tỏ không?”)

13 Thứ ba, thánh linh hoạt động để làm sáng tỏ các lẽ thật trong Kinh Thánh (Châm 4:18). Tạp chí này từ lâu đã được “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” dùng làm phương tiện chính để dần dần tiết lộ các lẽ thật trong Kinh Thánh (Mat 24:45). Chẳng hạn, hãy xem sự hiểu biết của chúng ta về những người hợp thành “dòng-dõi nầy” mà Chúa Giê-su đã nói đến. (Đọc Ma-thi-ơ 24:32-34). Chúa Giê-su đề cập đến dòng dõi nào? Bài “Sự hiện diện của Đấng Christ—Có nghĩa gì đối với bạn?” giải thích rằng Chúa Giê-su không nói đến những người ác mà nói đến các môn đồ ngài, những người sắp được xức dầu bằng thánh linh *. Những môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su, cả vào thế kỷ thứ nhất lẫn ngày nay, là những người không chỉ thấy mà còn hiểu ý nghĩa của điềm, đó là Chúa Giê-su “đương ở trước cửa”.

14 Sự giải thích này có nghĩa gì với chúng ta? Dù không thể xác định “dòng-dõi nầy” kéo dài bao lâu, chúng ta nên ghi nhớ vài điều về từ “dòng-dõi”: Nó thường nói đến một khoảng thời gian cụ thể, trong đó những người ở độ tuổi khác nhau có giai đoạn sống trùng nhau, chẳng hạn cha và con, hoặc ông và cháu; nó không quá dài; và nó có kết thúc (Xuất 1:6). Vậy, chúng ta phải hiểu lời Chúa Giê-su nói về “dòng-dõi nầy” như thế nào? Rất có thể ngài muốn nói những người xức dầu đã thấy điềm bắt đầu xảy ra vào năm 1914 có giai đoạn sống trùng với những người xức dầu sẽ thấy sự khởi đầu của hoạn nạn lớn. Dòng dõi đó có sự bắt đầu và chắc chắn sẽ có sự kết thúc. Nhiều khía cạnh của điềm đã được ứng nghiệm; điều này cho thấy rõ hoạn nạn lớn hẳn đã gần kề. Khi giữ tinh thần khẩn trương và tỉnh thức, bạn cho thấy mình đang theo kịp ánh sáng ngày càng sáng tỏ và đi theo sự hướng dẫn của thánh linh.—Mác 13:37.

15. Điều gì cho thấy thánh linh ban quyền năng để chúng ta rao truyền tin mừng?

15 Thứ tư, thánh linh ban quyền năng cho chúng ta để rao truyền tin mừng (Công 1:8). Còn có cách nào khác để giải thích làm thế nào tin mừng đã được loan truyền khắp đất? Hãy thử suy nghĩ xem. Có thể bạn là một trong số những người trước đây rất nhút nhát và sợ sệt, nghĩ rằng: “Tôi không bao giờ có thể đi rao giảng từng nhà!”. Nhưng giờ đây bạn sốt sắng tham gia công việc đó *. Nhiều Nhân Chứng trung thành của Đức Giê-hô-va tiếp tục rao giảng bất kể sự chống đối hay ngược đãi. Chỉ thánh linh Đức Chúa Trời mới có thể giúp sức để chúng ta vượt qua trở ngại gay go và thực hiện những việc không thể làm được bằng sức riêng (Mi 3:8; Mat 17:20). Khi hết lòng tham gia công việc rao giảng, bạn cho thấy mình cùng làm việc với thánh linh.

Vai trò của thánh linh trong tương lai

16. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ che chở dân Ngài trong hoạn nạn lớn?

16 Trong tương lai, Đức Giê-hô-va sẽ dùng thánh linh qua những cách phi thường để hoàn thành ý định Ngài. Trước hết hãy xem xét về việc che chở. Như chúng ta đã biết, trong quá khứ Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để che chở cá nhân cũng như cả dân tộc Y-sơ-ra-ên. Vì vậy, chúng ta có mọi lý do để tin rằng Ngài sẽ dùng thánh linh mạnh mẽ ấy để che chở dân Ngài trong hoạn nạn lớn sắp đến. Chúng ta không cần suy đoán Đức Giê-hô-va sẽ chăm lo chúng ta bằng cách cụ thể nào vào lúc ấy. Chúng ta có thể tin chắc nhìn về tương lai, biết rằng những người yêu mến Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ ở ngoài tầm mắt của Ngài hay ở ngoài tầm hoạt động của thánh linh.—2 Sử 16:9; Thi 139:7-12.

17. Đức Giê-hô-va sẽ dùng thánh linh như thế nào trong thế giới mới?

17 Đức Giê-hô-va sẽ dùng thánh linh như thế nào trong thế giới mới sắp đến? Thánh linh sẽ là lực hoạt động trên các sách mới được mở ra vào thời kỳ ấy (Khải 20:12). Những sách ấy sẽ ghi gì? Có lẽ là những điều cụ thể mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi chúng ta trong thời kỳ một ngàn năm. Bạn có trông mong được xem nội dung các sách ấy không? Chúng ta háo hức trông đợi thế giới mới đó. Chúng ta không thể hình dung hết đời sống trong thời kỳ ân phước ấy, khi Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để thực hiện ý định Ngài với trái đất và nhân loại.

18. Bạn quyết tâm làm gì?

18 Chúng ta đừng bao giờ quên rằng ý định mà Đức Giê-hô-va dần dần thực hiện chắc chắn sẽ thành công, vì Ngài dùng thánh linh—lực mạnh mẽ nhất trong vũ trụ—để làm điều đó. Bạn có phần trong ý định ấy. Vậy hãy quyết tâm cầu xin Đức Giê-hô-va ban thánh linh và hành động phù hợp với sự hướng dẫn của thánh linh (Lu 11:13). Nhờ thế bạn có thể có triển vọng sống đời đời trong Địa đàng, như Ngài đã định cho loài người.

[Chú thích]

^ đ. 15 Để biết kinh nghiệm của một người đã vượt qua tính nhút nhát và trở nên sốt sắng trong thánh chức, xin xem Tháp Canh số ra ngày 15-6-1994, nơi trang 19.

Bạn còn nhớ không?

• Vào thời Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va dùng thánh linh qua những cách nào để bảo đảm ý định Ngài được thực hiện?

• Đức Giê-hô-va dùng thánh linh như thế nào trong hiện tại?

• Đức Giê-hô-va sẽ dùng thánh linh như thế nào trong tương lai để hoàn thành ý định Ngài?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 10]

Bạn có theo kịp ánh sáng ngày càng sáng tỏ không?

Đức Giê-hô-va tiếp tục soi sáng trên dân Ngài. Tạp chí Tháp Canh đã nêu lên một số điều chỉnh nào?

▪ Minh họa của Chúa Giê-su về men cho thấy điểm tích cực nào liên quan đến sự tiến triển về thiêng liêng? (Mat 13:33)—Số ngày 15-7-2008, trang 19, 20.

▪ Việc chọn những tín đồ Đấng Christ có hy vọng lên trời được hoàn tất khi nào?—Số ngày 1-5-2007, trang 30, 31.

▪ Thờ phượng Đức Giê-hô-va bằng “tâm-thần” có nghĩa gì? (Giăng 4:24)—Số ngày 15-7-2002, trang 15.

▪ Đám đông vô số người hầu việc trong sân nào? (Khải 7:15)—Số ngày 1-5-2002, trang 30, 31.

▪ Việc phân chia chiên và dê diễn ra khi nào? (Mat 25:31-33)—Số ngày 15-10-1995, trang 18-28.