Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đạo Đấng Christ thời ban đầu và các thần của La Mã

Đạo Đấng Christ thời ban đầu và các thần của La Mã

Đạo Đấng Christ thời ban đầu và các thần của La Mã

Trong một lá thư gửi cho hoàng đế La Mã là Trajan, quan tổng đốc tỉnh Bi-thi-ni là Pliny the Younger viết: “Đây là cách tôi xử lý những người bị giải đến trước mặt tôi và bị cáo buộc là tín đồ Đấng Christ. Tôi hỏi có phải họ là tín đồ Đấng Christ không. Nếu họ thú nhận, tôi hỏi lại lần thứ hai và thứ ba với lời đe dọa trừng phạt. Nếu họ vẫn nhận, tôi ra lệnh hành quyết họ”. Về phần những ai không nhận theo đạo Đấng Christ bằng cách rủa sả Đấng Christ và thờ lạy tượng hoàng đế cũng như các tượng thần mà ông Pliny đã mang đến tòa án, ông viết: “Tôi nghĩ thả họ ra là đúng”.

Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu bị ngược đãi vì không chịu thờ hoàng đế và các tượng thần. Còn các tôn giáo khác trên khắp đế quốc La Mã thì sao? Người ta thờ những thần nào, và người La Mã nghĩ gì? Tại sao tín đồ Đấng Christ bị ngược đãi vì không chịu dâng tế lễ cho các thần của La Mã? Trả lời các câu hỏi này sẽ giúp chúng ta đối phó với những vấn đề tương tự ngày nay liên quan đến lòng trung thành với Đức Giê-hô-va.

Các tôn giáo ở đế quốc La Mã

Đế quốc La Mã rất đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa, và người ta cũng thờ nhiều thần. Dù người La Mã thấy đạo Do Thái lạ đến thế nào, họ vẫn xem đó là religio licita, tức tôn giáo được công nhận, và bảo vệ nó. Mỗi ngày hai lần tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, người ta dâng hai con chiên và một con bò vì Sê-sa và nước La Mã. Người La Mã không quan tâm những tế lễ đó dâng cho một thần hay nhiều thần. Điều quan trọng là hành động ấy cho thấy lòng trung thành của người Do Thái đối với La Mã.

Niềm tin ngoại giáo phổ biến dưới nhiều hình thức trong các tôn giáo địa phương. Thần thoại Hy Lạp được chấp nhận rộng rãi và bói toán rất thịnh hành. Những tôn giáo huyền bí đến từ phương Đông hứa với tín đồ rằng họ sẽ được sự bất tử, sự mặc khải trực tiếp và đến gần các thần qua nghi lễ kỳ bí. Các tôn giáo này lan rộng khắp đế quốc. Trong các thế kỷ đầu CN, nhiều người theo đạo thờ thần Serapis và nữ thần Isis của Ai Cập, nữ thần cá Atargatis của Sy-ri và thần mặt trời Mithra của Ba Tư.

Sách Công-vụ trong Kinh Thánh mô tả rõ môi trường ngoại giáo xung quanh đạo Đấng Christ thời ban đầu. Chẳng hạn, quan trấn thủ La Mã ở Chíp-rơ thường có một thuật sĩ người Do Thái đi theo (Công 13:6, 7). Dân ở Lít-trơ tưởng Phao-lô và Ba-na-ba là hai vị thần Giu-bi-tê (Zeus) và Mẹt-cu-rơ của Hy Lạp (Công 14:11-13). Ở thành Phi-líp, Phao-lô gặp một người đầy tớ gái chuyên bói khoa (Công 16:16-18). Tại thành A-thên, ông nhận thấy cư dân ở đây “sùng đạo hơn ai hết”. Ông cũng thấy một bàn thờ chạm chữ “Thờ Chúa Không Biết” (Công 17:22, 23; Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Dân thành Ê-phê-sô thờ nữ thần Đi-anh (Công 19:1, 23, 24, 34). Trên đảo Man-tơ, người ta nói Phao-lô là một vị thần vì ông không hề hấn gì khi bị rắn cắn (Công 28:3-6). Trong những hoàn cảnh như thế, tín đồ Đấng Christ phải cẩn thận về những ảnh hưởng có thể làm ô uế sự thờ phượng thanh sạch.

Tôn giáo của La Mã

Khi đế quốc bành trướng, người La Mã tiếp nhận nhiều thần mới, xem là những dạng khác của các thần họ đã biết. Sau khi chinh phục nước khác, thay vì loại bỏ các đạo lạ, người La Mã tiếp nhận chúng. Vì thế, tôn giáo của La Mã đa dạng như cư dân thuộc nhiều nền văn hóa của đế quốc này. Tôn giáo người La Mã không đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc. Người ta có thể thờ nhiều thần cùng lúc.

Tối cao trong số các thần của người La Mã thời ban đầu là thần Jupiter, còn gọi là Optimus Maximus, nghĩa là giỏi nhất và vĩ đại nhất. Người ta cho rằng gió, mưa, sấm và sét là hiện thân của thần này. Thần Juno, em gái và cũng là vợ của thần Jupiter, có liên hệ với mặt trăng, được xem là thần giám sát mọi khía cạnh trong đời sống của phụ nữ. Con gái thần này là Minerva, nữ thần thủ công, nghề nghiệp, nghệ thuật và chiến tranh.

Người La Mã dường như có vô số thần. Lares và Penates là thần phù hộ gia đình. Vesta là nữ thần lò sưởi. Janus hai mặt là thần của mọi sự khởi đầu. Mỗi nghề đều có thần hộ mệnh. Người La Mã thậm chí thần thánh hóa những điều trừu tượng. Thần Pax bảo vệ hòa bình, Salus bảo vệ sức khỏe, Pudicitia giữ gìn tính khiêm nhường và trong trắng, Fides bảo vệ sự trung thành, Virtus bảo vệ sự can đảm, và Voluptas bảo vệ khoái lạc. Mỗi hành động của người La Mã ở nơi công cộng và chốn riêng tư được cho là bị chi phối bởi ý muốn của các thần. Vì thế, để chắc chắn dự tính được thành công, người ta phải cầu đúng thần, dâng tế lễ và tổ chức lễ hội cho thần ấy.

Một cách để biết chắc ý muốn của các thần là xem điềm. Cách chính là xem nội tạng của con sinh tế. Người ta nói rằng tình trạng và vẻ bề ngoài của các nội tạng này cho biết thần có chấp nhận dự tính của mình hay không.

Vào cuối thế kỷ thứ hai TCN, người La Mã tin rằng các thần chính của họ cũng là các thần Hy Lạp—thần Jupiter là thần Zeus, thần Juno là thần Hera v.v... Người La Mã cũng tin huyền thoại về các thần Hy Lạp. Những truyền thuyết này không đề cao các vị thần chút nào, các thần ấy có điểm yếu và giới hạn như con người. Chẳng hạn, thần Zeus có quan hệ tính dục với con người và cả các thần bất tử. Thần này được miêu tả là có hành động cưỡng hiếp và thích quan hệ với trẻ em. Những hành động phiêu lưu không biết xấu hổ của các thần—thường được hoan nghênh nhiệt liệt trong các nhà hát cổ xưa—làm cho những người theo đạo nghĩ rằng họ cũng có thể buông mình vào những đam mê đồi bại.

Có lẽ ít người học thức chấp nhận các truyền thuyết ấy theo nghĩa đen. Một số người xem đó là những dụ ngôn. Đó có lẽ là nguyên nhân mà Bôn-xơ Phi-lát đã nêu câu hỏi nổi tiếng: “Lẽ thật là cái gì?” (Giăng 18:38). Câu này nói lên “cảm nghĩ chung của giới học thức, là không thể nào biết chắc chân lý tuyệt đối về bất cứ điều gì”.

Thờ hoàng đế

Triều đại của Au-gút-tơ (27 TCN đến 14 CN) đánh dấu sự bắt đầu của việc thờ hoàng đế. Đặc biệt trong các tỉnh nói tiếng Hy Lạp ở phía Đông, nhiều người thành thật biết ơn Au-gút-tơ, người đã thiết lập nền hòa bình, thịnh vượng sau một thời gian dài có chiến tranh. Dân chúng muốn có sự che chở lâu dài của một quyền lực hữu hình. Họ muốn một thể chế có thể khắc phục sự phân biệt tôn giáo, cổ vũ chủ nghĩa yêu nước và thống nhất thế giới dưới sự lãnh đạo của một “vị cứu tinh”. Kết quả là người ta tôn thờ hoàng đế như một vị thần.

Dù lúc sinh thời Au-gút-tơ không cho phép người ta gọi mình là thần, ông ra lệnh thờ nữ thần Roma Dea, hiện thân của nước La Mã. Sau khi Au-gút-tơ qua đời, ông được tôn làm thần. Trong các tỉnh, dân chúng thể hiện lòng yêu nước và tôn sùng đối với trung tâm đế quốc và với người cai trị. Việc thờ hoàng đế nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh, trở thành một cách biểu hiện sự tôn kính và trung thành với Nhà nước.

Domitian làm hoàng đế La Mã từ năm 81 CN đến 96 CN, là người đầu tiên đòi được thờ phượng như một vị thần. Đến lúc đó, người La Mã đã phân biệt tín đồ Đấng Christ với người đạo Do Thái và chống lại cái được xem là đạo mới. Có thể trong triều đại của Domitian, sứ đồ Giăng bị đày trên đảo Bát-mô vì làm chứng về Chúa Giê-su.—Khải 1:9.

Giăng đã viết sách Khải-huyền trong thời kỳ bị lưu đày. Trong sách ấy, ông nói đến một tín đồ Đấng Christ là An-ti-ba bị giết ở Bẹt-găm, một trung tâm quan trọng thờ hoàng đế (Khải 2:12, 13). Bấy giờ, chính quyền La Mã có lẽ đã bắt đầu đòi hỏi tín đồ Đấng Christ phải thực hiện những nghi thức của quốc giáo. Dù có đúng như thế hay không, năm 112 CN, trong lá thư gửi hoàng đế Trajan như đã đề cập ở đầu bài, quan tổng đốc Pliny ra lệnh cho các tín đồ Đấng Christ ở Bi-thi-ni phải thực hành những nghi thức đó.

Hoàng đế Trajan khen ngợi về cách Pliny giải quyết những vụ cáo buộc, và ra lệnh hành quyết tín đồ Đấng Christ nào từ chối thờ các thần La Mã. Trajan viết: “Tuy nhiên, người nào không nhận mình là tín đồ Đấng Christ và chứng tỏ điều đó bằng cách cầu các thần của chúng ta và tỏ ra ăn năn, thì tha cho hắn (dù trước đó có nghi ngờ)”.

Người La Mã không thể hình dung một tôn giáo đòi hỏi các tín đồ phải thờ phượng chuyên độc. Các thần của La Mã không đòi hỏi điều đó, thì tại sao Đức Chúa Trời của tín đồ Đấng Christ lại làm thế? Đối với người La Mã, việc thờ các thần của nhà nước chỉ cho thấy sự thừa nhận hệ thống chính trị. Vì vậy, việc từ chối thờ các thần ấy bị xem là phản quốc. Như ông Pliny nhận thấy, không cách nào ép buộc được phần lớn tín đồ Đấng Christ thờ các thần. Đối với họ, hành động như thế là bất trung với Đức Giê-hô-va, và rất nhiều tín đồ Đấng Christ thời ban đầu thà chết chứ không thờ lạy hoàng đế.

Tại sao ngày nay chúng ta nên quan tâm đến vấn đề này? Trong một số nơi, người dân phải sùng kính các biểu tượng quốc gia. Là tín đồ Đấng Christ, dĩ nhiên chúng ta tôn trọng nhà cầm quyền (Rô 13:1). Tuy nhiên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc và Lời Ngài khuyên chúng ta “tránh khỏi sự thờ-lạy hình-tượng” cũng như “hãy giữ mình về hình-tượng” (1 Cô 10:14; 1 Giăng 5:21; Na 1:2). Vì thế, chúng ta làm theo những hướng dẫn này khi đối mặt với những buổi lễ liên quan đến biểu tượng quốc gia. Chúa Giê-su phán: “Ngươi phải thờ-phượng Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Lu 4:8). Mong sao chúng ta tiếp tục giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời, Đấng mà chúng ta thờ phượng.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Tín đồ Đấng Christ chân chính chỉ thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va

[Các hình nơi trang 3]

Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu từ chối thờ hoàng đế hoặc các tượng thần

Hoàng đế Domitian

Thần Zeus

[Nguồn tư liệu]

Emperor Domitian: Todd Bolen/Bible Places.com; Zeus: Photograph by Todd Bolen/Bible Places.com, taken at Archaeological Museum of Istanbul

[Hình nơi trang 4]

Tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô từ chối thờ nữ thần Đi-anh mà nhiều người tôn sùng.—Công 19:23-41