Chớ làm buồn thánh linh của Đức Giê-hô-va
Chớ làm buồn thánh linh của Đức Giê-hô-va
‘Chớ làm buồn cho Thánh-Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ [Thánh-Linh] anh em được ấn-chứng’.—Ê-PHÊ 4:30.
1. Đức Giê-hô-va đã làm gì cho hàng triệu người, và họ có bổn phận nào?
Đức Giê-hô-va đã làm một điều đặc biệt cho hàng triệu người đang sống trong thế gian đầy dẫy vấn đề. Đức Chúa Trời cho họ cơ hội đến gần Ngài qua Con một của Ngài là Chúa Giê-su (Giăng 6:44). Nếu đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và giữ theo lời hứa nguyện ấy, bạn là một trong những người đó. Là người đã báp-têm nhân danh thánh linh, bạn phải có lối sống phù hợp với sự hướng dẫn của thánh linh.—Mat 28:19.
2. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
2 Là những người “gieo cho Thánh-Linh”, chúng ta mặc lấy nhân cách mới (Ga 6:8; ). Nhưng sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta đừng làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời. (Đọc Ê-phê 4:17-24Ê-phê-sô 4:25-32). Giờ đây hãy xem xét kỹ lời khuyên của ông. Phao-lô có ý gì khi nói về việc làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời? Làm sao một người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va lại có thể làm điều đó? Làm thế nào chúng ta tránh làm buồn thánh linh Đức Giê-hô-va?
Ý của Phao-lô là gì?
3. Lời được ghi nơi Ê-phê-sô 4:30 có nghĩa gì?
3 Trước tiên, hãy lưu ý lời của Phao-lô ghi nơi Ê-phê-sô 4:30: ‘Anh em chớ làm buồn cho Thánh-Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ [Thánh-Linh] anh em được ấn-chứng đến ngày cứu-chuộc’. Phao-lô không muốn anh em tự làm hại mình về mặt thiêng liêng. Nhờ thánh linh Đức Giê-hô-va, họ “được ấn-chứng đến ngày cứu-chuộc”. Thánh linh Đức Chúa Trời đã và đang là ấn chứng hay “của-tin” cho những người xức dầu giữ lòng trung kiên (2 Cô 1:22). Ấn chứng này cho thấy họ thuộc về Đức Chúa Trời và sẽ nhận được sự sống trên trời. Cuối cùng tổng số người được đóng ấn là 144.000 người.—Khải 7:2-4.
4. Tại sao cần phải tránh làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời?
4 Làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời có thể là bước đầu dẫn đến việc thánh linh không còn tác động trong đời sống của người tín đồ Đấng Christ. Chúng ta thấy rõ khả năng này qua lời của Đa-vít sau khi phạm tội với Bát-Sê-ba. Ông ăn năn và nài xin Đức Giê-hô-va: “Xin chớ từ-bỏ tôi khỏi trước mặt Chúa, cũng đừng cất khỏi tôi Thánh-Linh Chúa” (Thi 51:11). Chỉ những người được xức dầu “giữ trung-tín cho đến chết” sẽ nhận được “mão triều-thiên” của sự sống bất tử trên trời (Khải 2:10; 1 Cô 15:53). Tín đồ Đấng Christ có hy vọng sống trên đất cũng cần thánh linh nếu muốn giữ trung kiên với Đức Chúa Trời và được ban cho sự sống nhờ đức tin nơi giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su (Giăng 3:36; Rô 5:8; 6:23). Vì vậy, tất cả chúng ta phải tránh làm buồn thánh linh của Đức Giê-hô-va.
Một tín đồ Đấng Christ có thể làm buồn thánh linh như thế nào?
5, 6. Một tín đồ Đấng Christ có thể làm buồn thánh linh Đức Giê-hô-va như thế nào?
5 Là tín đồ Đấng Christ đã dâng mình, chúng ta có thể tránh làm buồn thánh linh nếu ‘bước theo thánh linh và nhờ thánh linh mà sống’. Như thế, chúng ta sẽ không bị chi phối bởi những ham muốn sai trái của xác thịt và không thể hiện những tính xấu (Ga 5:16, 25, 26). Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi. Chúng ta có thể làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời trong một mức độ nào đó nếu để mình bị trôi dạt dần, có lẽ không hay biết, đến gần điều bị lên án trong Kinh Thánh, là Lời được thánh linh soi dẫn.
6 Nếu tiếp tục hành động trái với sự hướng dẫn của thánh linh, chúng ta sẽ làm buồn thánh linh và Đức Giê-hô-va, Nguồn của thánh linh. Xem xét Ê-phê-sô 4:25-32 sẽ cho thấy chúng ta nên có lối sống nào để tránh làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời.
Làm thế nào để tránh làm buồn thánh linh?
7, 8. Hãy giải thích tại sao chúng ta phải chân thật.
7 Chúng ta phải chân thật. Nơi Ê-phê-sô 4:25, Phao-lô viết: “Mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân-cận mình, vì chúng ta làm chi-thể cho nhau”. Vì hợp nhất như “chi-thể cho nhau”, chắc chắn chúng ta không nên gian dối hay cố tình làm anh em lầm lẫn. Ai cứ tiếp tục làm thế cuối cùng sẽ mất mối quan hệ với Đức Chúa Trời.—Đọc Châm-ngôn 3:32.
8 Lời nói và hành động dối trá có thể cản trở sự hợp nhất trong hội thánh. Vì vậy, chúng ta nên noi theo nhà tiên tri trung thành là Đa-ni-ên, nơi ông chẳng có sự xấu nào (Đa 6:4). Chúng ta nên ghi nhớ lời khuyên của Phao-lô với những tín đồ có hy vọng lên trời. Ông nói mỗi thành viên của “thân-thể Đấng Christ” đều thuộc về nhau và cần tiếp tục hợp nhất với những môn đồ xức dầu chân thật (Ê-phê 4:11, 12). Nếu trông mong được sống đời đời trong Địa Đàng, chúng ta cũng phải nói thật, nhờ thế góp phần vào sự hợp nhất của đoàn thể anh em thế giới.
9. Tại sao cần phải làm theo Ê-phê-sô 4:26, 27?
9 Chúng ta phải kháng cự Ma-quỉ, không cho hắn cơ hội làm hại chúng ta về thiêng liêng (Gia 4:7). Thánh linh giúp chúng ta kháng cự Sa-tan. Chẳng hạn, chúng ta có thể làm thế bằng cách tránh nổi giận không kiềm chế. Phao-lô viết: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma-quỉ nhân dịp” (Ê-phê 4:26, 27). Nếu nổi giận vì lý do chính đáng, lời cầu nguyện thầm ngay lúc đó có thể giúp chúng ta bình tĩnh, thể hiện sự tự chủ thay vì có hành động làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời (Châm 17:27). Vậy chúng ta đừng giữ lòng căm giận và cho Sa-tan cơ hội xui khiến chúng ta làm điều ác (Thi 37:8, 9). Một cách để kháng cự hắn là nhanh chóng giải quyết vấn đề theo lời khuyên của Chúa Giê-su.—Mat 5:23, 24; 18:15-17.
10, 11. Tại sao chúng ta không được ăn cắp hoặc làm điều bất lương?
10 Đừng để bị cám dỗ trộm cắp hoặc làm điều bất lương. Về vấn đề này, Phao-lô viết: “Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa; nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương-thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu-thốn thì hơn” (Ê-phê 4:28). Nếu trộm cắp, một tín đồ dâng mình sẽ “làm ô danh của Đức Chúa Trời” (Châm 30:7-9). Ngay cả tình trạng nghèo khó cũng không bào chữa cho việc trộm cắp. Những người yêu mến Đức Chúa Trời và người lân cận nhận biết rằng việc trộm cắp không bao giờ là điều chính đáng.—Mác 12:28-31.
11 Phao-lô không những nói đến điều không nên làm, mà còn cho biết điều phải làm. Nếu sống và bước đi theo thánh linh, chúng ta sẽ làm việc siêng năng để có thể chăm sóc gia đình và cũng “có vật chi giúp cho kẻ thiếu-thốn” (1 Ti 5:8). Chúa Giê-su và các môn đồ đã lập quỹ để giúp người nghèo, nhưng kẻ phản bội là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã ăn cắp tiền trong đó (Giăng 12:4-6). Chắc chắn hắn không theo sự hướng dẫn của thánh linh. Chúng ta là những người theo sự hướng dẫn của thánh linh thì “ăn-ở trọn-lành trong mọi sự” như Phao-lô (Hê 13:18). Bằng cách đó, chúng tránh làm buồn thánh linh Đức Giê-hô-va.
Những cách khác để tránh làm buồn thánh linh
12, 13. (a) Như được ghi nơi Ê-phê-sô 4:29, chúng ta phải tránh cách nói năng nào? (b) Cách nói năng của chúng ta nên như thế nào?
12 Chúng ta phải giữ gìn miệng lưỡi. Phao-lô nói: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê 4:29). Một lần nữa, Phao-lô không chỉ cho biết điều không nên làm mà còn nói rõ điều phải làm. Dưới tác động của thánh linh Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được thôi thúc nói “một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến”. Ngoài ra, chúng ta không nên nói “lời dữ”. Từ Hy Lạp được dịch là “dữ” thường được dùng để miêu tả trái cây, cá hoặc thịt bị thối. Như chúng ta ghê những thực phẩm như thế, thì chúng ta cũng ghét cách nói năng mà Đức Giê-hô-va xem là có hại.
13 Lời nói của chúng ta nên đứng đắn, nhân từ và “nêm thêm muối” (Cô 3:8-10; 4:6). Khi nghe chúng ta nói, người khác phải thấy chúng ta khác biệt. Vậy, hãy giúp người khác bằng cách nói những “lời lành”. Mong sao chúng ta có cùng cảm nghĩ với người viết Thi-thiên: “Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi và là Đấng cứu-chuộc tôi, nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy-gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!”.—Thi 19:14.
14. Theo Ê-phê-sô 4:30, 31, chúng ta phải bỏ điều gì?
14 Chúng ta phải bỏ sự cay đắng, tức giận, mắng nhiếc và mọi điều hung ác. Sau khi cảnh báo về việc làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời, Phao-lô viết: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc, cùng mọi điều hung-ác” (Ê-phê 4:30, 31). Là người bất toàn, tất cả chúng ta cần cố gắng kiểm soát tư tưởng và hành động của mình. Nếu cứ “cay-đắng, buồn-giận, tức mình”, chúng ta sẽ làm buồn thánh linh. Nếu cứ ghi nhớ lỗi lầm người khác phạm với mình, tỏ thái độ bực bội và không chịu làm hòa, chúng ta cũng làm buồn thánh linh. Nếu bắt đầu lờ đi lời khuyên của Kinh Thánh, chúng ta có thể phát triển những nét tính có khả năng dẫn đến việc phạm tội với thánh linh, và cuối cùng gánh lấy hậu quả tai hại.
15. Nếu bị đối xử bất công, chúng ta nên làm gì?
15 Chúng ta phải nhân từ, thương xót và tha thứ. Phao-lô viết: “Hãy ở với nhau cách nhân-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót, tha-thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha-thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê 4:32). Ngay cả nếu chúng ta tổn thương vì bị đối xử bất công, hãy tha thứ như gương của Đức Chúa Trời (Lu 11:4). Giả sử có một anh em nói điều tiêu cực về chúng ta. Để giải quyết vấn đề, chúng ta đến nói chuyện với người đó. Người đó bày tỏ lòng thành thật ăn năn và xin lỗi, chúng ta tha thứ, nhưng cần làm hơn thế nữa. Lê-vi Ký 19:18 nói: “Chớ toan báo-thù, chớ giữ sự báo-thù [“đừng mang oán hận”, Bản Dịch Mới] cùng con cháu dân-sự mình; nhưng hãy yêu-thương kẻ lân-cận ngươi như mình: Ta là Đức Giê-hô-va”.
Cần thận trọng
16. Hãy nêu một thí dụ cho thấy chúng ta có thể phải thay đổi để không làm buồn thánh linh Đức Giê-hô-va.
16 Ở nơi riêng tư, chúng ta cũng có thể bị cám dỗ làm điều không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, một anh có thể nghe loại nhạc không phù hợp với tín đồ Đấng Christ. Cuối cùng, lương tâm anh bị cắn rứt vì đã lờ đi lời khuyên của Kinh Thánh được trình bày trong các ấn phẩm của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Mat 24:45). Anh có thể cầu nguyện về vấn đề này và nhớ lại lời Phao-lô ghi nơi Ê-phê-sô 4:30. Cương quyết không làm bất cứ điều gì làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời, anh quyết tâm kể từ đây không nghe loại nhạc như thế. Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho anh vì có thái độ đó. Vậy, chúng ta hãy luôn cẩn thận tránh làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời.
17. Nếu chúng ta không cầu nguyện và thận trọng, điều gì có thể xảy ra?
17 Nếu không cầu nguyện và thận trọng, chúng ta có thể rơi vào việc thực hành điều ô uế hay sai trái làm buồn thánh linh. Thánh linh sinh ra những phẩm chất phù hợp với bản tính của Cha trên trời, vì vậy khi làm buồn thánh linh, chúng ta làm buồn Ngài—là điều chúng ta chắc chắn không muốn (Ê-phê 4:30). Vào thế kỷ thứ nhất, các thầy thông giáo Do Thái đã phạm tội khi nói các phép lạ Chúa Giê-su làm là nhờ Sa-tan. (Đọc Mác 3:22-30). Những kẻ thù này của Chúa Giê-su đã ‘nói phạm đến Thánh-Linh’, và vì thế, phạm tội không thể tha thứ. Mong rằng chúng ta không bao giờ phạm tội đó!
18. Làm thế nào chúng ta biết mình không phạm tội không thể tha thứ?
18 Vì không muốn làm ngay cả điều có thể dẫn đến việc phạm tội không thể tha thứ, chúng ta cần nhớ lời Phao-lô nói về việc làm buồn thánh linh. Nhưng nếu chúng ta đã phạm tội nặng thì sao? Nếu ăn năn và được trưởng lão giúp đỡ, chúng ta có thể nhận biết rằng mình được Đức Chúa Trời tha thứ và không phạm tội với thánh linh. Với sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng có thể tránh bất cứ điều gì làm buồn thánh linh lần nữa.
19, 20. (a) Chúng ta phải tránh một số điều nào? (b) Chúng ta nên quyết tâm làm gì?
19 Đức Chúa Trời dùng thánh linh để giúp dân Ngài phát huy tình yêu thương, sự vui mừng và hợp nhất (Thi 133:1-3). Vì thế, chúng ta phải tránh làm buồn thánh linh bằng cách không nói chuyện thày lay có hại hoặc những điều khiến người khác giảm lòng kính trọng đối với những người chăn bầy được thánh linh bổ nhiệm (Công 20:28; Giu 8). Thay vì thế, chúng ta phải phát huy sự hợp nhất và lòng tôn trọng nhau trong hội thánh. Chắc chắn, chúng ta không nên chia thành những nhóm riêng, tách biệt với các anh em khác. Phao-lô viết: “Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân-rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau”.—1 Cô 1:10.
20 Đức Giê-hô-va sẵn lòng và có khả năng giúp chúng ta tránh làm buồn thánh linh. Hãy tiếp tục cầu xin thánh linh và quyết tâm không làm buồn thánh linh. Mong sao chúng ta luôn “gieo cho Thánh-Linh”, sốt sắng tìm sự hướng dẫn của thánh linh từ bây giờ cho đến mãi mãi.
Bạn trả lời thế nào?
• Làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời có nghĩa gì?
• Một người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va có thể làm buồn thánh linh như thế nào?
• Chúng ta có thể tránh làm buồn thánh linh qua những cách nào?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 30]
Hãy nhanh chóng giải quyết vấn đề
[Hình nơi trang 31]
Cách nói năng của bạn có đặc điểm nổi bật nào?