Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi người nữ, tại sao phục tùng quyền làm đầu?

Hỡi người nữ, tại sao phục tùng quyền làm đầu?

Hỡi người nữ, tại sao phục tùng quyền làm đầu?

“Người đàn-ông là đầu người đàn-bà”.—1 CÔ 11:3.

1, 2. (a) Sứ đồ Phao-lô viết gì về sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va liên quan đến quyền làm đầu và sự phục tùng? (b) Những câu hỏi nào sẽ được xem xét trong bài này?

Đức Giê-hô-va đã thiết lập thứ tự mà sứ đồ Phao-lô đề cập khi ông viết: “Đấng Christ là đầu mọi người [“tất cả đàn ông”, Bản Dịch Mới]” và “Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ” (1 Cô 11:3). Bài trước cho thấy hai điểm: Chúa Giê-su xem việc phục tùng Đấng làm đầu, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là một đặc ân và niềm vui; và các nam tín đồ có Chúa Giê-su là đầu. Chúa Giê-su đối xử với người khác một cách nhân từ, mềm mại, trắc ẩn và bất vị kỷ. Người nam trong hội thánh cần noi theo cách đối xử ấy, nhất là với vợ.

2 Nhưng về người nữ thì sao? Ai là đầu của họ? Phao-lô viết: “Người đàn-ông là đầu người đàn-bà”. Người nữ nên nghĩ gì về lời được soi dẫn này? Nếu người chồng không cùng đức tin, nguyên tắc này vẫn áp dụng không? Phục tùng địa vị làm đầu của chồng có đòi hỏi người vợ chỉ là người cộng sự im lặng, không được góp ý trong các quyết định không? Làm thế nào người nữ được khen ngợi?

“Ta sẽ làm nên một kẻ giúp-đỡ”

3, 4. Tại sao sự sắp đặt về quyền làm đầu trong hôn nhân mang lại lợi ích?

3 Đức Chúa Trời là Đấng sắp đặt quyền làm đầu. Sau khi tạo nên A-đam, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán: “Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp-đỡ giống như nó”. Khi Ê-va được tạo ra, A-đam rất vui vì có được người bạn và người giúp đỡ, ông nói: “Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra” (Sáng 2:18-24). A-đam và Ê-va đã có triển vọng tuyệt vời là trở thành cha mẹ của nhân loại hoàn toàn, những người sống hạnh phúc đời đời trong địa đàng mở rộng khắp đất.

4 Sự phản nghịch của thủy tổ chúng ta đã làm mất đi tình trạng hoàn toàn trong vườn Ê-đen. (Đọc Rô-ma 5:12). Nhưng sự sắp đặt về quyền làm đầu vẫn không thay đổi. Khi làm đúng theo sự sắp đặt này, hôn nhân sẽ được nhiều lợi ích và hạnh phúc. Kết quả cũng giống như cảm nhận của Chúa Giê-su về việc phục tùng Đấng làm đầu của ngài, Đức Giê-hô-va. Trước khi xuống đất làm người, Chúa Giê-su “luôn luôn vui mừng trước mặt [Đức Giê-hô-va]” (Châm 8:30, BDM). Vì bất toàn, người nam không còn khả năng để làm đầu cách hoàn hảo, và người nữ cũng không thể hiện được sự phục tùng hoàn hảo. Tuy nhiên, khi vợ chồng luôn cố gắng hết sức, sự sắp đặt này mang lại nhiều thỏa lòng nhất trong hiện tại.

5. Tại sao vợ chồng phải ghi nhớ lời khuyên nơi Rô-ma 12:10?

5 Kinh Thánh khuyên tất cả tín đồ Đấng Christ: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô 12:10). Để thành công trong hôn nhân, vợ chồng rất cần áp dụng lời khuyên này. Họ cũng phải cố gắng “ở với nhau cách nhân-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót, tha-thứ nhau”.—Ê-phê 4:32.

Khi người hôn phối không tin đạo

6, 7. Khi người vợ đạo Đấng Christ phục tùng chồng không tin đạo, kết quả có thể là gì?

6 Nếu người hôn phối của bạn không phụng sự Đức Giê-hô-va thì sao? Thường thì người chồng là người không tin đạo. Trong trường hợp đó, người vợ nên đối xử với chồng như thế nào? Kinh Thánh trả lời: “Hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính”.—1 Phi 3:1, 2.

7 Lời Đức Chúa Trời khuyên người vợ nên giữ thái độ phục tùng với chồng không tin đạo. Hạnh kiểm của chị có thể khiến chồng suy xét điều gì đã thôi thúc chị có cách cư xử tốt như thế. Nhờ đó, người chồng có thể tìm hiểu niềm tin của vợ và cuối cùng chấp nhận lẽ thật.

8, 9. Người vợ đạo Đấng Christ có thể làm gì nếu người chồng không đáp ứng trước hạnh kiểm tốt của chị?

8 Tuy nhiên, nếu người chồng không đáp ứng thì sao? Kinh Thánh khuyến khích người vợ luôn thể hiện các đức tính của người tín đồ, dù khó khăn đến thế nào. Chẳng hạn, 1 Cô-rinh-tô 13:4 nói: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục”. Vậy, người vợ nên tiếp tục cư xử ‘khiêm-nhường, mềm-mại, nhịn-nhục’, chịu đựng hoàn cảnh với tình yêu thương (Ê-phê 4:2). Với sự trợ giúp của thánh linh Đức Chúa Trời, một người có thể duy trì các đức tính của tín đồ Đấng Christ ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.

9 Phao-lô viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Thánh linh có thể giúp một tín đồ Đấng Christ làm nhiều điều mà nếu không có thánh linh thì không thể thực hiện được. Chẳng hạn, cách cư xử khắc nghiệt của người hôn phối có thể khiến một người muốn trả đũa. Tuy nhiên, Kinh Thánh khuyên tất cả tín đồ Đấng Christ: “Chớ lấy ác trả ác cho ai... vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng” (Rô 12:17-19). Tương tự, 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:15 khuyên chúng ta: “Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên-hạ”. Với sự hỗ trợ của thánh linh Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể thực hiện những điều mình không thể làm được bằng sức riêng. Thật thích hợp là cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh để giúp mình có được điều mình cần!

10. Chúa Giê-su phản ứng thế nào khi người khác nói năng và cư xử tệ với ngài?

10 Chúa Giê-su nêu gương xuất sắc trong việc đối xử với những người nói năng và cư xử tệ với ngài. Câu 1 Phi-e-rơ 2:23 nói: “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm-dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử-đoán công-bình”. Chúng ta được khuyên nên noi theo gương của ngài. Đừng bị khiêu khích bởi hành động xấu của người khác. Như tất cả các tín đồ Đấng Christ được khuyên, hãy “có lòng nhân-từ và đức khiêm-nhường. Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa-sả trả rủa-sả”.—1 Phi 3:8, 9.

Chỉ là người cộng sự không có tiếng nói?

11. Một số nữ tín đồ sẽ có phần trong đặc ân cao quý nào?

11 Phải chăng phục tùng quyền làm đầu của người chồng có nghĩa người vợ là người cộng sự không có tiếng nói trong các vấn đề của gia đình hoặc những việc khác? Không phải thế. Cả nam lẫn nữ đều được Đức Giê-hô-va ban nhiều đặc ân. Hãy nghĩ đến vinh dự cao quý của 144.000 người được làm vua và thầy tế lễ trên trời dưới quyền Chúa Giê-su khi ngài cai trị trái đất! Trong số đó có cả người nữ (Ga 3:26-29). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã ban cho người nữ vai trò tích cực trong sự sắp đặt của Ngài.

12, 13. Hãy nêu thí dụ cho thấy người nữ đã nói tiên tri.

12 Chẳng hạn, vào thời Kinh Thánh, người nữ đã nói tiên tri. Câu Giô-ên 2:28, 29 báo trước: “Ta sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác-thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên-tri... Trong những ngày đó, dầu những đầy-tớ trai và đầy-tớ gái, ta cũng đổ Thần ta lên”.

13 Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khoảng 120 môn đồ của Chúa Giê-su nhóm lại trong một phòng cao ở Giê-ru-sa-lem, có cả nam lẫn nữ. Thánh linh Đức Chúa Trời đổ xuống trên cả nhóm này. Vì vậy, Phi-e-rơ có thể trích lời tiên tri của Giô-ên và áp dụng cho người nam và người nữ. Phi-e-rơ nói: “Nhưng ấy là điều đấng tiên-tri Giô-ên đã nói tiên-tri rằng: Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau-rốt, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác-thịt; con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên-tri... trong những ngày đó, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên các đầy-tớ trai và gái ta, chúng nó đều nói lời tiên-tri”.—Công 2:16-18.

14. Người nữ có vai trò nào trong việc truyền bá đạo Đấng Christ thời ban đầu?

14 Vào đầu thế kỷ thứ nhất, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá đạo Đấng Christ. Họ rao giảng cho người khác về Nước Đức Chúa Trời và làm những việc liên quan đến công việc rao giảng (Lu 8:1-3). Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô gọi Phê-bê là “nữ chấp-sự của Hội-thánh Xen-cơ-rê”. Và trong lời chào thăm gửi đến các anh chị cùng làm việc, Phao-lô đã nhắc đến một số người nữ trung thành, trong đó có “hai chị Try-phen và Try-phô-xa, những người đang vất vả vì Chúa”. Ông cũng nói: “Chị Péc-xi-đê yêu quý, người đã vất vả nhiều vì Chúa”.—Rô 16:1, 12, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

15. Người nữ có vai trò nào trong việc truyền bá đạo Đấng Christ vào thời chúng ta?

15 Vào thời chúng ta, trong hơn bảy triệu người rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời trên khắp thế giới, phần lớn là người nữ thuộc mọi lứa tuổi (Mat 24:14). Nhiều người trong số họ là người rao giảng trọn thời gian, giáo sĩ và thành viên gia đình Bê-tên. Người viết Thi-thiên là Đa-vít đã hát: “Chúa truyền mạng-lịnh ra: Các người đàn-bà báo tin thật một đoàn đông lắm” (Thi 68:11). Những lời này quả đúng làm sao! Đức Giê-hô-va xem trọng vai trò người nữ trong việc rao truyền tin mừng và thực hiện ý định Ngài. Chắc chắn, việc Ngài đòi hỏi nữ tín đồ Đấng Christ vâng phục không có nghĩa là họ phải im lặng phục tùng.

Hai người nữ nói lên quan điểm của mình

16, 17. Làm thế nào trường hợp của Sa-ra cho thấy người nữ không phải là người cộng sự không có tiếng nói trong hôn nhân?

16 Nếu Đức Giê-hô-va ban cho người nữ nhiều đặc ân, chẳng phải người chồng nên hỏi ý kiến vợ trước khi quyết định những việc quan trọng sao? Làm thế là điều khôn ngoan. Kinh Thánh nói đến một số trường hợp người vợ lên tiếng hoặc hành động dù không được chồng hỏi ý kiến. Hãy xem hai trường hợp.

17 Sa-ra, vợ của tộc trưởng Áp-ra-ham, cứ xin ông đuổi vợ lẽ và con trai bà ấy vì họ có thái độ vô lễ. “Lời nầy lấy làm buồn lòng Áp-ra-ham lắm” nhưng với Đức Chúa Trời thì không. Đức Giê-hô-va bảo Áp-ra-ham: “Ngươi chớ buồn-bực vì con trai và con đòi ngươi. Sa-ra nói thể nào, hãy nghe theo tiếng người nói” (Sáng 21:8-12). Áp-ra-ham vâng lời Đức Giê-hô-va, nghe Sa-ra và làm theo yêu cầu của bà.

18. A-bi-ga-in đã chủ động làm gì?

18 Cũng hãy xem trường hợp của A-bi-ga-in, vợ Na-banh. Khi Đa-vít chạy trốn Sau-lơ, vị vua ghen ghét ông, có một thời gian ông đóng trại gần bầy gia súc của Na-banh. Đa-vít và người của ông không lấy vật gì của người giàu có này, nhưng đã bảo vệ tài sản của ông ta. Tuy nhiên, Na-banh là người “cứng-cỏi hung-ác” và ‘nơi ông có sự điên-dại’. Ông “gắt-gỏng” với người của Đa-vít. Khi họ lễ phép hỏi xin thực phẩm thì ông từ chối. A-bi-ga-in đã phản ứng thế nào khi nghe chuyện đó? Không nói với Na-banh, bà “vội-vàng lấy hai trăm ổ bánh, hai bầu da rượu nho, năm con chiên đực nấu chín, năm đấu hột rang, một trăm bánh nho khô, và hai trăm bánh trái vả khô”, mang đến cho Đa-vít và người của ông. A-bi-ga-in có làm đúng không? Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va đánh Na-banh, và người chết”. Sau này Đa-vít cưới A-bi-ga-in.—1 Sa 25:3, 14-19, 23-25, 38-42.

‘Người nữ được khen-ngợi’

19, 20. Điều gì khiến một người nữ xứng đáng được khen ngợi?

19 Kinh Thánh khen người vợ làm theo đường lối Đức Giê-hô-va. Sách Châm-ngôn ca ngợi “người nữ tài-đức”, nói rằng: “Giá-trị nàng trổi hơn châu-ngọc. Lòng người chồng tin-cậy nơi nàng, người sẽ chẳng thiếu huê-lợi. Trọn đời nàng làm cho chồng được ích-lợi, chớ chẳng hề sự tổn-hại”. Hơn nữa, “nàng mở miệng ra cách khôn-ngoan, phép-tắc nhân-từ ở nơi lưỡi nàng. Nàng coi-sóc đường-lối của nhà mình, không hề ăn bánh của sự biếng-nhác. Con cái nàng chỗi-dậy, chúc nàng được phước; chồng nàng cũng chỗi-dậy, và khen-ngợi nàng”.—Châm 31:10-12, 26-28.

20 Điều gì khiến một người nữ xứng đáng được khen ngợi? Châm-ngôn 31:30 nói: “Duyên là giả-dối, sắc lại hư-không; nhưng người nữ nào kính-sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen-ngợi”. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va bao hàm việc sẵn sàng phục tùng sự sắp đặt của Ngài về quyền làm đầu. “Người đàn-ông là đầu người đàn-bà”, cũng như “Đấng Christ là đầu mọi người [“tất cả đàn ông”, BDM]” và “Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ”.—1 Cô 11:3.

Biết ơn món quà của Đức Chúa Trời

21, 22. (a) Những tín đồ Đấng Christ đã kết hôn với nhau có những lý do nào để biết ơn về món quà hôn nhân? (b) Tại sao chúng ta phải tôn trọng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về uy quyền và địa vị làm đầu? (Xin xem khung trang 17).

21 Những tín đồ Đấng Christ đã kết hôn với nhau thì có rất nhiều lý do để bày tỏ lòng biết ơn với Đức Chúa Trời! Họ có thể nắm tay nhau bước đi trong hạnh phúc. Họ có thể biết ơn đặc biệt về món quà hôn nhân vì có cơ hội sống chung và cùng bước đi với Đức Giê-hô-va (Ru 1:9; Mi 6:8). Đức Chúa Trời, Đấng sáng lập hôn nhân, biết rõ điều gì cần thiết để hôn nhân được hạnh phúc. Hãy luôn làm theo đường lối Ngài, thì “sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va là sức-lực của [bạn]” ngay cả trong thế gian đầy vấn đề ngày nay.—Nê 8:10.

22 Người chồng tín đồ Đấng Christ biết yêu vợ như chính mình sẽ thực thi quyền làm đầu cách mềm mại, quan tâm. Người vợ kính sợ Đức Chúa Trời sẽ thật sự đáng yêu, vì chị hỗ trợ và biểu lộ lòng kính trọng sâu xa với chồng. Quan trọng hơn hết, hôn nhân gương mẫu của họ sẽ tôn vinh Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời xứng đáng được ca ngợi.

Bạn còn nhớ không?

• Chúng ta nên noi theo những đức tính nào của Chúa Giê-su?

• Các trưởng lão nên đối xử với chiên như thế nào?

• Chồng nên đối xử với vợ như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 17]

Tại sao tôn trọng uy quyền?

Đức Giê-hô-va đã thiết lập các sắp đặt về uy quyền và địa vị làm đầu cho các tạo vật thông minh. Đó là vì lợi ích của cả tạo vật thần linh và loài người. Nhờ vậy họ có cơ hội dùng sự tự do ý chí và tôn vinh Đức Chúa Trời qua việc phụng sự Ngài một cách hợp nhất và hòa thuận.​—Thi 133:1.

Hội thánh gồm các tín đồ Đấng Christ được xức dầu thừa nhận uy quyền và địa vị làm đầu của Chúa Giê-su (Ê-phê 1:​22, 23). Nhìn nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va, cuối cùng “chính mình Con sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự” (1 Cô 15:27, 28). Vậy điều thích hợp là những người đã dâng mình cho Đức Chúa Trời ủng hộ sự sắp đặt về quyền làm đầu trong hội thánh và trong gia đình! (1 Cô 11:3; Hê 13:17). Khi làm thế, chúng ta được lợi ích vì được Đức Giê-hô-va chấp nhận và ban phước.​—Ê-sai 48:17.

[Hình nơi trang 13]

Lời cầu nguyện có thể giúp người vợ tín đồ Đấng Christ thể hiện những đức tính tin kính

[Các hình nơi trang 15]

Đức Giê-hô-va xem trọng vai trò người nữ trong việc đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời