Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tiếp tục rèn luyện khả năng nhận thức

Tiếp tục rèn luyện khả năng nhận thức

Tiếp tục rèn luyện khả năng nhận thức

Thật thích thú khi xem một vận động viên thể dục nhà nghề thực hiện những động tác đẹp một cách nhanh nhẹn! Kinh Thánh khuyến khích tín đồ Đấng Christ rèn luyện khả năng suy nghĩ như một vận động viên thường xuyên luyện tập.

Trong lá thư gửi cho tín đồ người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô viết: “Đồ-ăn đặc là để cho kẻ thành-nhân, cho kẻ hay dụng tâm-tư [nguyên ngữ: “các giác quan”] luyện-tập [như một vận động viên thể dục] mà phân-biệt điều lành và dữ” (Hê 5:14). Tại sao Phao-lô khuyên các tín đồ người Hê-bơ-rơ rèn luyện “tâm-tư”, hay khả năng nhận thức, giống như vận động viên thể dục lành nghề luyện cơ bắp của mình? Làm sao chúng ta có thể rèn luyện khả năng nhận thức?

“Đáng lẽ anh em đã làm thầy”

Khi giải thích vai trò của Chúa Giê-su là “thầy tế-lễ thượng-phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc”, Phao-lô viết: “Về sự đó, chúng ta có nhiều điều nên nói, và khó cắt-nghĩa, vì anh em đã trở nên chậm hiểu. Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ-học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ-ăn đặc”.—Hê 5:10-12.

Vào thế kỷ thứ nhất, một số tín đồ Đấng Christ người Do Thái dường như không gia tăng sự hiểu biết và không tiến bộ về thiêng liêng. Chẳng hạn, họ thấy khó chấp nhận ánh sáng mới liên quan đến Luật pháp và phép cắt bì (Công 15:1, 2, 27-29; Ga 2:11-14; 6:12, 13). Một số khác thấy khó bỏ những truyền thống về ngày Sa-bát hằng tuần và ngày Lễ Chuộc Tội hằng năm (Cô 2:16, 17; Hê 9:1-14). Vì thế, Phao-lô khuyến khích họ rèn luyện khả năng nhận thức để có thể phân biệt điều lành và dữ, và bảo họ “tấn-tới sự trọn-lành [“bậc trưởng thành”, Bản Dịch Mới]” (Hê 6:1, 2). Lời khuyên của ông hẳn đã thúc đẩy một số người xem xét cách họ đang dùng khả năng suy nghĩ, và có lẽ đã giúp họ tiến bộ về thiêng liêng. Còn chúng ta thì sao?

Rèn luyện khả năng nhận thức

Làm sao chúng ta có thể rèn luyện khả năng suy nghĩ để trưởng thành về thiêng liêng? Theo Phao-lô, chúng ta làm thế bằng cách thường xuyên sử dụng khả năng này. Qua việc luyện tập, các vận động viên thể dục luyện cơ bắp và thân thể để thực hiện những động tác đẹp và phức tạp. Tương tự, chúng ta nên rèn luyện khả năng suy nghĩ để phân biệt điều lành và dữ.

Ông John Ratey, phó giáo sư của khoa tâm thần học thuộc Trường Y khoa Harvard, nói: “Rèn luyện là điều tốt nhất bạn có thể làm cho bộ não mình”. Theo ông Gene Cohen, giám đốc trung tâm nghiên cứu về sự lão hóa, sức khỏe và nhân văn tại Đại học George Washington, “khi chúng ta bắt não hoạt động mạnh, các tế bào não phát triển những nhánh thần kinh mới, nhờ đó có thêm nhiều khớp thần kinh, tức giao điểm”.

Vì thế, chúng ta nên luyện tập khả năng suy nghĩ và gia tăng sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời. Nhờ đó, chúng ta được trang bị tốt hơn để thực hiện ‘ý-muốn trọn-vẹn của Đức Chúa Trời’.—Rô 12:1, 2.

Tập yêu thích “đồ-ăn đặc”

Nếu muốn “tấn tới bậc trưởng thành”, chúng ta cần tự hỏi: “Tôi có đang gia tăng sự hiểu biết về lẽ thật trong Kinh Thánh không? Người khác có xem tôi là người thành thục về thiêng liêng không?”. Người mẹ vui sướng cho con bú sữa hoặc ăn thực phẩm dành cho em bé khi con vài tháng tuổi. Nhưng bà sẽ lo lắng nếu nhiều năm trôi qua mà con vẫn không ăn đồ ăn đặc. Cũng vậy, chúng ta vui khi thấy học viên Kinh Thánh của mình tiến bộ đến bước dâng mình và báp-têm. Nhưng nếu sau đó người ấy không tiến bộ nữa thì sao? Chẳng phải điều này làm chúng ta nản lòng sao? (1 Cô 3:1-4). Người dạy mong rằng đến một lúc nào đó môn đồ mới cũng trở thành người dạy Kinh Thánh.

Dùng khả năng nhận thức để lý luận đòi hỏi phải suy ngẫm, và vì thế phải nỗ lực (Thi 1:1-3). Chúng ta chớ để cho những việc như xem ti-vi hoặc những thú tiêu khiển khác—không đòi hỏi phải vận dụng trí óc nhiều—cản trở việc suy ngẫm những điều quan trọng. Để phát triển khả năng suy nghĩ, chúng ta cần tập yêu thích việc học hỏi Kinh Thánh và các ấn phẩm từ lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, và thỏa mãn niềm yêu thích đó (Mat 24:45-47). Ngoài chương trình đọc Kinh Thánh riêng đều đặn, chúng ta cũng cần dành thời gian cho Buổi thờ phượng của gia đình và nghiên cứu các đề tài Kinh Thánh.

Anh Jerónimo, giám thị lưu động ở Mexico, cho biết anh đọc kỹ mỗi số Tháp Canh ngay khi nhận được. Anh cũng dành thời gian để cùng học với vợ. Anh nói: “Vợ chồng tôi có thói quen cùng đọc Kinh Thánh mỗi ngày, và dùng những công cụ như sách mỏng ‘Xứ tốt-tươi’”. Một tín đồ Đấng Christ tên Ronald cho biết anh luôn theo kịp chương trình đọc Kinh Thánh của hội thánh. Anh cũng có một hoặc hai đề tài lớn để nghiên cứu riêng. Anh nói: “Việc nghiên cứu này khiến tôi rất thích giờ học hỏi cá nhân”.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có dành đủ thời gian để học hỏi Kinh Thánh và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời không? Chúng ta có rèn luyện khả năng suy nghĩ và thu thập thêm kinh nghiệm trong việc quyết định dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh không? (Châm 2:1-7). Mong sao chúng ta đặt mục tiêu trở nên thành thục về thiêng liêng, nhận được sự hiểu biết và khôn ngoan mà chỉ có ở những ai rèn luyện khả năng nhận thức để phân biệt điều lành và dữ!

[Hình nơi trang 23]

Chúng ta rèn luyện khả năng suy nghĩ bằng cách thường xuyên sử dụng khả năng này