Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được tươi tỉnh tinh thần nhờ các hoạt động thiêng liêng

Được tươi tỉnh tinh thần nhờ các hoạt động thiêng liêng

Được tươi tỉnh tinh thần nhờ các hoạt động thiêng liêng

“Hãy mang lấy ách của tôi... Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”.—MAT 11:29, CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ.

1. Tại núi Si-na-i, Đức Chúa Trời đã ban sự sắp đặt nào, và tại sao?

Khi giao ước Luật pháp được thiết lập ở núi Si-na-i, có sự sắp đặt về ngày Sa-bát hằng tuần. Qua người phát ngôn là Môi-se, Đức Giê-hô-va ban mệnh lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên: “Luôn trong sáu ngày ngươi hãy làm công-việc mình, nhưng qua ngày thứ bảy hãy nghỉ, hầu cho bò và lừa ngươi được nghỉ; cùng con trai của đầy-tớ gái và người ngoại-bang được dưỡng sức lại” (Xuất 23:12). Thật vậy, vì quan tâm đến những người ở dưới Luật pháp, Đức Giê-hô-va đã yêu thương sắp đặt một ngày nghỉ để dân Ngài “được dưỡng sức lại”.

2. Dân Y-sơ-ra-ên đã được lợi ích thế nào qua việc giữ ngày Sa-bát?

2 Có phải ngày Sa-bát chỉ để nghỉ ngơi? Không. Ngày này là một phần quan trọng trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va của dân Y-sơ-ra-ên. Nhờ giữ ngày Sa-bát, người chủ gia đình có thời gian để dạy cả gia đình “giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công-bình” (Sáng 18:19). Trong ngày này, gia đình và bạn bè có cơ hội nhóm lại để suy ngẫm về các công việc của Đức Giê-hô-va và vui vẻ với nhau (Ê-sai 58:13, 14). Quan trọng hơn, ngày Sa-bát mang ý nghĩa tiên tri chỉ về thời kỳ mà Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su sẽ mang lại sự tươi tỉnh trọn vẹn (Rô 8:21). Nhưng còn thời nay thì sao? Tín đồ Đấng Christ chân chính, những người quan tâm đến đường lối của Đức Giê-hô-va, có thể tìm được sự tươi tỉnh ở đâu và như thế nào?

Được tươi tỉnh nhờ kết hợp với anh em tín đồ Đấng Christ

3. Tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất hỗ trợ nhau qua cách nào, và kết quả là gì?

3 Sứ đồ Phao-lô miêu tả hội thánh đạo Đấng Christ là “trụ và nền của lẽ thật” (1 Ti 3:15). Các tín đồ thời ban đầu được hỗ trợ nhiều qua việc khích lệ và xây dựng lẫn nhau trong tình yêu thương (Ê-phê 4:11, 12, 16). Khi ở Ê-phê-sô, Phao-lô được các thành viên thuộc hội thánh Cô-rinh-tô đến thăm và khích lệ. Hãy lưu ý đến cảm nghĩ của Phao-lô về cuộc viếng thăm ấy: “Sê-pha-na, Phốt-tu-na và A-chai-cơ đến đây, tôi lấy làm vui-mừng lắm... vì các người ấy đã làm cho yên-lặng [“bình an thanh thản”, GKPV] tâm-thần của tôi” (1 Cô 16:17, 18). Tương tự, khi Tít đến Cô-rinh-tô để phục vụ anh em ở đấy, Phao-lô đã viết cho hội thánh rằng: “Anh em thảy đều đã để cho tâm-thần người được yên-lặng [“thư thái”, GKPV]” (2 Cô 7:13). Ngày nay cũng thế, Nhân Chứng Giê-hô-va được tươi tỉnh nhờ tình anh em tín đồ Đấng Christ.

4. Các buổi họp của hội thánh giúp chúng ta tươi tỉnh như thế nào?

4 Như bạn đã cảm nghiệm, các buổi nhóm của hội thánh mang lại nhiều niềm vui. Nơi đấy, chúng ta “cùng nhau giục lòng mạnh-mẽ bởi đức-tin” (Rô 1:12). Anh em tín đồ Đấng Christ không chỉ quen biết nhau qua loa, có mối quan hệ hời hợt, nhưng họ là những người bạn thật, những người chúng ta yêu thương và quý trọng. Qua việc đều đặn tham dự các buổi nhóm với họ, chúng ta được an ủi và có nhiều niềm vui.—Phi-lê 7.

5. Tại các kỳ hội nghị, chúng ta có thể mang lại sự tươi tỉnh cho nhau bằng cách nào?

5 Các kỳ hội nghị hằng năm cũng mang lại sự tươi tỉnh cho chúng ta. Ngoài việc cung cấp nước sự sống của lẽ thật đến từ Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, những kỳ hội họp lớn này là dịp để chúng ta “mở rộng lòng” (2 Cô 6:12, 13). Nhưng nếu chúng ta nhút nhát và cảm thấy khó bắt chuyện với người lạ thì sao? Một cách làm quen với các anh chị là làm việc tình nguyện tại hội nghị. Sau khi tham gia giúp việc tại một kỳ hội nghị quốc tế, một chị đã cho biết: “Ngoại trừ gia đình và vài người bạn, tôi không biết nhiều người ở đấy. Nhưng khi tham gia làm vệ sinh, tôi được làm quen với nhiều anh chị! Thật vui vô cùng!”.

6. Một cách có thể giúp chúng ta cảm thấy phấn khởi trong kỳ nghỉ là gì?

6 Mỗi năm dân Y-sơ-ra-ên đi đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng trong ba kỳ lễ (Xuất 34:23). Điều đó thường có nghĩa là họ phải rời đồng ruộng, cửa hàng và đi bộ nhiều ngày trên những con đường bụi bặm. Tuy nhiên, họ rất vui đi lên đền thờ và thấy những người có mặt “hát mừng ngợi-khen Đức Giê-hô-va” (2 Sử 30:21). Tương tự, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay cảm nhận được niềm vui khi cùng gia đình đến thăm nhà Bê-tên, tức chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trong khu vực. Bạn có thể làm như thế trong kỳ nghỉ tới của gia đình không?

7. (a) Các buổi họp mặt có thể mang lại lợi ích như thế nào? (b) Điều gì có thể góp phần giúp buổi họp mặt đáng nhớ và xây dựng?

7 Họp mặt với gia đình và bạn bè cũng có thể là dịp đầy khích lệ. Vua Sa-lô-môn khôn ngoan nói: “Chẳng gì tốt cho người hơn là ăn, uống, khiến linh-hồn mình hưởng phước của lao-khổ mình” (Truyền 2:24). Các buổi họp mặt không những làm chúng ta cảm thấy tươi tỉnh mà còn thắt chặt sợi dây yêu thương với anh em đồng đạo khi chúng ta biết họ rõ hơn. Để những dịp ấy đáng nhớ và xây dựng, tốt nhất là đừng tổ chức lớn và bảo đảm có sự trông coi đúng mức, đặc biệt nếu đãi rượu.

Thánh chức mang lại sự tươi tỉnh

8, 9. (a) Hãy nêu điểm tương phản giữa thông điệp của Chúa Giê-su và thông điệp của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si. (b) Chúng ta nhận lợi ích thế nào qua việc chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh?

8 Chúa Giê-su sốt sắng với thánh chức, và khuyến khích các môn đồ cũng thế. Điều này được thấy rõ trong lời ngài nói: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình” (Mat 9:37, 38). Thông điệp Chúa Giê-su dạy thật sự mang lại sự tươi tỉnh; đó là “tin-lành” (Mat 4:23; 24:14). Điều này khác hẳn những luật lệ nặng nề mà người Pha-ri-si áp đặt trên dân chúng.—Đọc Ma-thi-ơ 23:4, 23, 24.

9 Khi chia sẻ thông điệp Nước Trời với người khác, chúng ta cho họ cơ hội được tươi tỉnh về thiêng liêng, đồng thời chính chúng ta gia tăng lòng quý trọng với lẽ thật quý báu của Kinh Thánh. Người viết Thi-thiên nói rất đúng: “Khá ngợi-khen Đức Giê-hô-va! vì là điều tốt. Hãy hát ngợi-khen Đức Chúa Trời chúng ta; vì là việc tốt-lành” (Thi 147:1). Chúng ta cảm nghiệm được niềm vui khi ngợi khen Đức Giê-hô-va trong thánh chức. Bạn có thể gia tăng niềm vui ấy không?

10. Sự thành công trong thánh chức có tùy thuộc vào việc người ta hưởng ứng thông điệp của chúng ta không? Hãy giải thích.

10 Phải công nhận là trong một số khu vực người ta thích nghe tin mừng hơn những khu vực khác. (Đọc Công-vụ 18:1, 5-8). Vậy, nếu bạn sống trong khu vực ít người hưởng ứng thông điệp Nước Trời, hãy cố tập trung vào điều tốt mà bạn đang thực hiện trong thánh chức. Hãy nhớ nỗ lực không ngừng của bạn để công bố danh Đức Giê-hô-va sẽ không vô ích (1 Cô 15:58). Hơn nữa, sự thành công trong thánh chức không tùy thuộc vào phản ứng của người ta đối với tin mừng. Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ lo sao để những người ngay thẳng có cơ hội nghe thông điệp Nước Trời.—Giăng 6:44.

Buổi thờ phượng của gia đình mang lại sự tươi tỉnh

11. Đức Giê-hô-va giao cho cha mẹ trách nhiệm nào? Và làm thế nào họ có thể hoàn thành trách nhiệm ấy?

11 Cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời có trách nhiệm dạy dỗ con cái về Đức Giê-hô-va và đường lối Ngài (Phục 11:18, 19). Nếu là cha mẹ, bạn có dành thời gian cố định để dạy con về Cha trên trời đầy yêu thương không? Để giúp bạn hoàn thành trách nhiệm quan trọng này và chăm lo nhu cầu của gia đình, Đức Giê-hô-va cung cấp dồi dào thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng qua sách báo, tạp chí, video và đĩa thu âm.

12, 13. (a) Gia đình có thể được lợi ích như thế nào từ Buổi thờ phượng của gia đình? (b) Cha mẹ có thể làm gì để Buổi thờ phượng gia đình mang lại sự tươi tỉnh về thiêng liêng?

12 Ngoài ra, lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan cũng có sắp đặt về Buổi thờ phượng của gia đình. Đó là buổi tối hằng tuần dành riêng cho việc học Kinh Thánh của gia đình. Nhiều người nhận thấy sắp đặt này giúp họ gần gũi nhau hơn và làm vững mạnh mối quan hệ của họ với Đức Giê-hô-va. Nhưng các bậc cha mẹ có thể làm gì để Buổi thờ phượng của gia đình mang lại sự tươi tỉnh về thiêng liêng?

13 Không nên để Buổi thờ phượng của gia đình khô khan, quá trang nghiêm. Suy cho cùng, chúng ta thờ phượng “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, và Ngài muốn chúng ta vui mừng trong sự thờ phượng (1 Ti 1:11; Phi-líp 4:4). Có thêm một buổi tối để thảo luận các lẽ thật quý giá trong Kinh Thánh quả là một ân phước. Cha mẹ có thể linh động trong phương pháp dạy dỗ, khéo dùng trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Chẳng hạn, một gia đình đã để cho cậu con trai lên mười tên là Brandon trình bày đề tài: “Tại sao Đức Giê-hô-va dùng con rắn tượng trưng cho Sa-tan?”. Brandon đã băn khoăn về điều này vì em rất thích rắn, và thấy thất vọng vì chúng có liên quan đến Sa-tan. Đôi khi một số gia đình đóng các vở kịch dựa trên Kinh Thánh, mỗi người đảm nhận một vai, đọc lời thoại từ Kinh Thánh, hoặc họ diễn lại một sự kiện. Những phương pháp dạy dỗ này không chỉ tạo niềm vui thích mà còn giúp con cái được tham gia, nhờ thế các nguyên tắc Kinh Thánh có thể động đến lòng chúng *.

Tránh những điều có thể làm mình nặng gánh

14, 15. (a) Trong thời kỳ cuối cùng, sự căng thẳng và bất an đã gia tăng như thế nào? (b) Chúng ta có thể phải đối mặt với áp lực nào khác?

14 Căng thẳng và bất an đã gia tăng trong thời kỳ cuối cùng của hệ thống gian ác này. Thất nghiệp và những khó khăn khác về kinh tế ảnh hưởng đến hàng triệu người. Ngay cả những người có việc làm cũng thường cảm thấy tiền kiếm được đựng trong túi thủng, không giúp gì nhiều cho gia đình. (So sánh A-ghê 1:4-6). Các chính trị gia và những nhà lãnh đạo khác dường như bất lực khi vất vả đối phó với nạn khủng bố và các thảm họa khác. Nhiều người cảm thấy buồn nản vì những khuyết điểm của mình.—Thi 38:4.

15 Tín đồ Đấng Christ chân chính không tránh khỏi những vấn đề và áp lực của thế gian Sa-tan (1 Giăng 5:19). Trong một số trường hợp, môn đồ của Chúa Giê-su có thể còn phải đối mặt với áp lực khác nữa khi cố gắng trung thành với Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su nói: “Nếu họ đã bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi” (Giăng 15:20). Tuy nhiên, chúng ta “bị bắt-bớ, nhưng không đến bỏ” (2 Cô 4:9). Tại sao?

16. Điều gì có thể giúp chúng ta giữ được niềm vui?

16 Chúa Giê-su phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ” (Mat 11:28). Khi hoàn toàn tin nơi giá chuộc của Chúa Giê-su, chúng ta đặt mình trong tay Đức Giê-hô-va. Nhờ đó, chúng ta có “sức tuyệt vời” (2 Cô 4:7, An Sơn Vị). “Đấng Yên-ủi”, tức thánh linh Đức Chúa Trời, củng cố đức tin chúng ta rất nhiều để chúng ta không những chịu đựng gian nan thử thách mà còn giữ được niềm vui.—Giăng 14:26; Gia 1:2-4.

17, 18. (a) Chúng ta cần tránh tinh thần nào? (b) Quá chú trọng đến những thú vui thông thường có thể mang lại hậu quả nào?

17 Tín đồ Đấng Christ chân chính ngày nay cần tránh bị ảnh hưởng bởi tinh thần đam mê thú vui của thế gian này. (Đọc Ê-phê-sô 2:2-5). Nếu không, chúng ta có thể sa vào bẫy của “sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời” (1 Giăng 2:16). Hoặc chúng ta có thể lầm tưởng rằng chiều theo những mê tham của xác thịt sẽ mang lại sự tươi tỉnh (Rô 8:6). Chẳng hạn, một số người lạm dụng rượu, tìm đến ma túy, tài liệu khiêu dâm, những môn thể thao quá khích, hoặc những điều sai trái khác để được kích thích. Mục tiêu các “mưu-kế” của Sa-tan là khiến người ta lầm lạc bằng cách làm họ có quan điểm sai lệch về sự tươi tỉnh.—Ê-phê 6:11.

18 Thật thế, ăn uống và giải trí lành mạnh không có gì là sai nếu biết giữ chừng mực. Nhưng chúng ta không để những điều đó trở thành trọng tâm trong đời sống. Thăng bằng và tự chủ là quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ chúng ta đang sống. Theo đuổi những mục tiêu cá nhân có thể làm chúng ta nặng gánh đến độ “ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”.—2 Phi 1:8.

19, 20. Làm thế nào có thể tìm được sự tươi tỉnh đích thực?

19 Khi có lối suy nghĩ phù hợp với các nguyên tắc của Đức Giê-hô-va, chúng ta ý thức rằng bất cứ thú vui nào trong thế gian này đều là tạm thời. Môi-se đã nhận ra điều này, và chúng ta cũng thế (Hê 11:25). Sự thật là sự tươi tỉnh đích thực—mang lại vui mừng và thỏa nguyện lâu dài, sâu sắc—đến từ việc làm theo ý muốn của Cha chúng ta trên trời.—Mat 5:6.

20 Mong sao chúng ta tiếp tục được tươi tỉnh qua các hoạt động thiêng liêng. Nhờ thế, chúng ta “từ bỏ dục vọng trần gian và tinh thần vô đạo... Đồng thời, ta phải kiên nhẫn đợi chờ sự tái lâm vinh quang của Chúa Cứu Thế Giê-xu” (Tít 2:12, 13, Bản Diễn Ý). Vậy, chúng ta hãy quyết tâm ở dưới ách của Chúa Giê-su bằng cách vâng phục uy quyền và sự hướng dẫn của ngài. Làm thế, chúng ta sẽ thật sự hạnh phúc và tươi tỉnh!

[Chú thích]

^ đ. 13 Để biết cách làm cho buổi học gia đình thú vị và có tác dụng mở mang sự hiểu biết, xin xem Thánh Chức Nước Trời, tháng 12 năm 1990, trang 1.

Bạn trả lời thế nào?

• Ngày nay, dân của Đức Giê-hô-va tìm được sự tươi tỉnh bằng cách nào?

• Thánh chức giúp chúng ta và những người chúng ta rao giảng được tươi tỉnh như thế nào?

• Người chủ gia đình có thể làm gì để Buổi thờ phượng của gia đình mang lại sự tươi tỉnh về thiêng liêng?

• Về thiêng liêng, điều gì làm chúng ta nặng gánh?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 26]

Nhờ gánh lấy ách của Chúa Giê-su, chúng ta tìm được nhiều điều giúp mình tươi tỉnh