Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao đương đầu khi người hôn phối phản bội?

Làm sao đương đầu khi người hôn phối phản bội?

Làm sao đương đầu khi người hôn phối phản bội?

Chị Margarita và chồng là anh Raúl đã phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian trong nhiều năm *. Nhưng không lâu sau khi sinh đứa con đầu lòng, anh Raúl bắt đầu xa cách Đức Giê-hô-va. Cuối cùng, anh sống vô luân và bị khai trừ khỏi hội thánh. Chị Margarita nói: “Khi điều này xảy ra, tôi chết lặng. Lòng tôi tan nát và tôi không biết phải làm gì”.

Sau khi kết hôn không lâu, chồng chị Jane đã phụ lòng tin của chị và bày tỏ lòng yêu thương theo một cách khác. Anh bắt đầu ngược đãi chị. Chị Jane cho biết: “Lần đầu bị anh ấy đánh, tôi choáng váng, sững sờ và nhục nhã. Lần nào cũng vậy, sau khi ngược đãi, anh xin tôi tha thứ. Tôi nghĩ rằng là tín đồ Đấng Christ thì phải tha thứ và bỏ qua. Tôi cũng nghĩ nếu nói chuyện của chúng tôi với bất cứ ai, ngay cả với các trưởng lão trong hội thánh thì mình đang phản bội chồng. Việc ngược đãi và xin tha thứ diễn ra trong nhiều năm. Trong những năm tháng ấy, tôi nghĩ rằng phải làm điều gì đó để chồng yêu tôi. Khi anh ấy bỏ tôi và con gái, tôi thấy mình đã thất bại, lẽ ra tôi phải cố gắng nhiều hơn để cứu vãn hôn nhân”.

Như chị Margarita và chị Jane, có lẽ bạn cũng chịu đựng nỗi đau buồn, khó khăn tài chính và suy yếu về thiêng liêng vì chồng đã phản bội bạn. Hoặc có lẽ bạn là người chồng đang đau đớn và gặp khó khăn vì vợ bạn không chung thủy. Rõ ràng là chúng ta đang sống trong “thời-kỳ khó-khăn”, như Kinh Thánh đã báo trước. Lời tiên tri này cho biết trong “ngày sau-rốt”, mỗi gia đình sẽ bị công kích, trong nhiều trường hợp, họ không yêu thương lẫn nhau. Một số người cho rằng mình phụng sự Đức Chúa Trời nhưng những gì họ làm không cho thấy điều đó (2 Ti 3:1-5). Tín đồ Đấng Christ chân chính cũng không tránh khỏi những vấn đề này. Vậy, nếu bị người hôn phối phản bội, làm sao bạn có thể đối phó?

Có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về bản thân

Lúc đầu, có lẽ bạn thấy khó tin rằng người mà bạn thương yêu lại làm bạn tổn thương nặng nề. Thậm chí, bạn có thể tự trách mình vì tội lỗi của người kia.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng ngay cả người hoàn toàn là Chúa Giê-su cũng bị một người ngài tin yêu phản bội. Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện rất nhiều, Chúa Giê-su chọn những người sẽ thân cận nhất với ngài, tức các sứ đồ. Mười hai người này trở thành những tôi tớ đáng tin cậy của Đức Giê-hô-va. Vì thế, chắc chắn Chúa Giê-su rất đau buồn khi Giu-đa phản ngài (Lu 6:12-16). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không buộc Chúa Giê-su phải chịu trách nhiệm về hành động của Giu-đa.

Đành rằng, không có người hôn phối nào là hoàn hảo. Cả hai đều lầm lỗi. Một người viết Thi-thiên được soi dẫn đã viết những lời thực tế sau: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống?” (Thi 130:3). Noi gương Đức Giê-hô-va, cả hai nên bỏ qua những thiếu sót của nhau.—1 Phi 4:8.

Tuy nhiên, “mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Rô 14:12). Nếu một người hôn phối cứ lạm dụng lời nói hay hành động thì người đó phải chịu trách nhiệm với Đức Giê-hô-va. Ngài lên án bạo lực và nói hành hoặc lạm dụng lời nói, nên không có lý do chính đáng nào để đối xử với người hôn phối một cách thiếu yêu thương và thiếu tôn trọng như thế (Thi 11:5; Ê-phê 5:33; Cô 3:6-8). Thật vậy, nếu một tín đồ Đấng Christ cứ nóng giận và không thay đổi, người đó phải bị khai trừ khỏi hội thánh (Ga 5:19-21; 2 Giăng 9, 10). Người hôn phối còn lại không nên cảm thấy có lỗi khi cho trưởng lão biết về hạnh kiểm trái với đạo Đấng Christ. Thật vậy, Đức Giê-hô-va đồng cảm với nạn nhân của sự ngược đãi ấy.

Khi một người hôn phối phạm tội ngoại tình, người ấy không chỉ có lỗi với người hôn phối vô tội mà còn với Đức Giê-hô-va (Mat 19:4-9; Hê 13:4). Nếu người hôn phối vô tội cố gắng sống theo nguyên tắc Kinh Thánh thì không cần cảm thấy có lỗi về việc người kia ngoại tình.

Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va biết cảm xúc của bạn. Đức Giê-hô-va mô tả Ngài là chồng của dân Y-sơ-ra-ên. Trong Kinh Thánh, có nhiều đoạn rất cảm động cho thấy Ngài đau lòng vì dân tộc ấy đã ngoại tình, nói theo nghĩa bóng (Ê-sai 54:5, 6; Giê 3:1, 6-10). Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va biết rõ những khi bạn rơi lệ vì bị người hôn phối phản bội (Mal 2:13, 14). Ngài biết bạn cần được an ủi và khích lệ.

Cách Đức Giê-hô-va mang lại sự an ủi

Một trong những cách Đức Giê-hô-va mang lại sự an ủi là qua hội thánh. Chị Jane đã nhận được sự giúp đỡ như thế. Chị hồi tưởng: “Giám thị vòng quanh đến thăm hội thánh ngay lúc tôi rất buồn nản. Anh ấy biết tôi đau lòng đến mức nào vì chồng viết đơn ly dị tôi. Anh dành thời gian để giúp tôi lý luận dựa trên những câu Kinh Thánh như 1 Cô-rinh-tô 7:15. Những câu đó và những lời tử tế của anh đã giúp tôi vơi bớt cảm giác thấy mình có lỗi, đồng thời tôi cũng được bình an phần nào”. *

Chị Margarita, người được đề cập ở trên, cũng cảm nghiệm rằng Đức Giê-hô-va đem đến sự giúp đỡ thiết thực qua hội thánh. Chị cho biết: “Khi thấy rõ chồng không ăn năn, tôi cùng các con dọn đến thành phố khác. Khi đến nơi, tôi tìm hai phòng để thuê. Ngày hôm sau, tôi vô cùng buồn bã. Khi đang mở hành lý, tôi nghe có tiếng gõ cửa. Tôi tưởng đó là bà chủ nhà ở phòng bên cạnh. Nhưng không ngờ đó là một chị đã hướng dẫn mẹ tôi tìm hiểu Kinh Thánh và giúp chúng tôi biết lẽ thật. Chị đến đây để giúp bà chủ nhà học Kinh Thánh, nhưng không ngờ lại gặp tôi. Tôi cảm thấy rất khuây khỏa và không thể chế ngự được cảm xúc. Tôi giải thích với chị hoàn cảnh của mình và chúng tôi cùng nhau khóc. Ngay lập tức chị sắp xếp để mẹ con tôi đến dự buổi nhóm họp ngày hôm đó. Các anh chị trong hội thánh chào đón chúng tôi, những anh trưởng lão có các sắp đặt thiết thực để giúp tôi chăm sóc gia đình về phương diện thiêng liêng”.

Người khác có thể giúp như thế nào?

Quả thật, các thành viên trong hội thánh có thể mang đến sự giúp đỡ thiết thực qua nhiều cách. Thí dụ, vì chị Margarita phải đi tìm việc làm nên một gia đình trong hội thánh đề nghị họ có thể giúp chị chăm sóc con sau giờ học, nếu cần.

Chị Margarita kể lại: “Khi các anh chị đề nghị cùng mẹ con tôi đi rao giảng, điều đó làm tôi vô cùng cảm kích”. Qua những sự giúp đỡ thiết thực ấy, các thành viên trong hội thánh đang “mang lấy gánh nặng cho nhau” và như thế họ làm trọn “luật-pháp của Đấng Christ”.—Ga 6:2.

Những ai đang đau khổ vì tội lỗi của người khác thật sự cảm kích sự giúp đỡ thiết thực này. Chị Monique bị chồng ruồng bỏ, để lại một khoản nợ 15.000USD và bốn đứa con, đã thổ lộ: “Các anh chị đồng đạo rất đáng yêu. Tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ ra sao nếu không có sự giúp đỡ của họ. Tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va ban cho tôi những anh chị tuyệt vời nhất, những người hết lòng vì con tôi. Tôi rất vui khi thấy con mình thành thục về thiêng liêng nhờ có sự giúp đỡ của họ. Nếu tôi cần lời khuyên, các trưởng lão giúp đỡ tôi. Nếu tôi cần nói chuyện thì họ lắng nghe”.—Mác 10:29, 30.

Dĩ nhiên, một người bạn biết quan tâm sẽ biết lúc nào không nên đề cập đến những chuyện khiến người khác buồn phiền (Truyền 3:7). Chị Margarita nói: “Thường tôi thích nói chuyện với các chị trong hội thánh mới về công việc rao giảng, các học hỏi Kinh Thánh, con cái và bất cứ điều gì, ngoại trừ vấn đề của tôi. Tôi cảm kích họ vì đã giúp tôi quên đi quá khứ và bắt đầu cuộc sống mới”.

Kháng cự khuynh hướng trả thù

Thỉnh thoảng thay vì cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của người hôn phối, bạn có thể phẫn nộ vì đang chịu đựng nỗi đau do tội lỗi của người ấy. Nếu cứ tiếp tục như thế, nỗi oán giận này có lẽ làm giảm đi lòng cương quyết của bạn trong việc giữ sự trung thành với Đức Giê-hô-va. Thí dụ, bạn có thể muốn tìm cách trả thù người hôn phối không chung thủy.

Nếu nhận ra cảm xúc ấy đang dồn nén, bạn có lẽ nghĩ đến gương của Giô-suê và Ca-lép. Hai người trung thành này đã liều mình đi do thám Đất Hứa. Những người do thám khác thiếu đức tin và khiến dân sự bất tuân với Đức Giê-hô-va. Thậm chí một số người Y-sơ-ra-ên toan ném đá Giô-suê và Ca-lép khi hai người này cố gắng khuyến khích dân sự tiếp tục trung thành (Dân 13:25-14:10). Hậu quả của những hành động mà dân Y-sơ-ra-ên gây ra là Giô-suê và Ca-lép buộc phải đi thang lang trong đồng vắng 40 năm, không vì lỗi lầm của mình nhưng vì lỗi của người khác.

Dù Giô-suê và Ca-lép có thể cảm thấy thất vọng nhưng họ không để lỗi lầm của dân sự khiến họ cay đắng. Họ tập trung vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Cuối 40 năm lang thang trong đồng vắng, họ cùng với những người Lê-vi được nhận phần thưởng: trong thế hệ ấy, họ là những người duy nhất còn sống sót và được vào Đất Hứa.—Dân 14:28-30; Giô-suê 14:6-12.

Sự không chung thủy của người hôn phối có thể khiến bạn chịu đựng khó khăn trong khoảng thời gian khá lâu. Cuộc hôn nhân có lẽ đã chấm dứt nhưng sau đó bạn có thể vẫn đau khổ và gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, thay vì cứ để những điều tiêu cực lởn vởn trong trí, hãy nhớ là Đức Giê-hô-va biết đâu là cách tốt nhất để xử lý những người cố tình không theo tiêu chuẩn của Ngài, như trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên thiếu đức tin trong đồng vắng.—Hê 10:30, 31; 13:4.

Bạn có thể đương đầu!

Thay vì để những ý nghĩ tiêu cực khiến bạn cảm thấy nặng nề, hãy lấp đầy tâm trí bằng các ý tưởng của Đức Giê-hô-va. Chị Jane nói: “Tôi thấy rằng việc nghe băng thu âm Tháp Canh Tỉnh thức! đã giúp tôi đối phó với vấn đề. Các buổi nhóm cũng là nguồn trợ lực rất lớn. Tham gia tích cực trong các buổi nhóm giúp tôi không nghĩ đến các vấn đề của mình. Công việc rao giảng cũng có tác dụng như thế. Qua việc giúp người khác vun đắp đức tin nơi Đức Giê-hô-va, tôi củng cố đức tin của chính mình. Chăm sóc các học viên Kinh Thánh giúp tôi tập trung tâm trí vào những điều quan trọng hơn”.

Chị Monique, người được đề cập ở trên, cho biết: “Nhờ đều đặn tham dự nhóm họp và hết lòng tham gia thánh chức, tôi có thể chịu đựng. Gia đình tôi ngày càng gắn bó với nhau và gần gũi với hội thánh hơn. Qua gian nan, tôi nhận ra những yếu kém của mình. Tôi đã bị thử thách nhưng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, tôi có thể đối phó với vấn đề”.

Bạn cũng có thể đối phó với những khó khăn tương tự. Dù đau đớn vì bị phản bội, nhưng bạn hãy cố gắng làm theo lời khuyên được soi dẫn của Phao-lô: “Chớ mệt-nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ-nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt”.—Ga 6:9.

[Chú thích]

^ đ. 2 Một số tên đã đổi.

^ đ. 13 Để biết thêm chi tiết về quan điểm của Kinh Thánh liên quan đến việc ly thân và ly dị, xin xem sách Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, trang 125-130, 219-221.

[Hình nơi trang 31]

Người hôn phối bị ruồng bỏ cảm kích những anh chị giúp đỡ họ trong thánh chức