Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tìm sự an toàn trong vòng dân Đức Chúa Trời

Tìm sự an toàn trong vòng dân Đức Chúa Trời

Tìm sự an toàn trong vòng dân Đức Chúa Trời

“Tôi sẽ cảm-tạ Chúa trong hội lớn”.—THI 35:18.

1-3. (a) Điều gì có thể khiến một số tín đồ Đấng Christ rơi vào tình trạng nguy hiểm về thiêng liêng? (b) Dân Đức Chúa Trời có thể tìm sự che chở ở đâu?

Trong kỳ nghỉ hè, vợ chồng anh Joe đi lặn ở một dải san hô vùng nhiệt đới, nơi đó có đủ loại cá lớn nhỏ, đầy màu sắc. Họ bơi ra xa một chút để ngắm dải san hô bên dưới. Khi bắt đầu thấy đáy biển sâu hẳn xuống, vợ anh Joe nói: “Em nghĩ mình đã đi quá xa”. Anh trả lời: “Đừng lo. Anh biết mình đang làm gì”. Nhưng chẳng mấy chốc anh tự hỏi: “Cá đâu hết rồi?”. Anh kinh hoàng khi thấy lý do. Từ trong nước biển xanh thẳm, một con cá mập đang tiến thẳng về phía anh. Lúc ấy mạng sống anh hoàn toàn tùy thuộc vào nó. Khi chỉ còn cách anh khoảng 1m, con cá mập đột ngột chuyển hướng và bơi đi mất.

2 Một tín đồ Đấng Christ có thể bị hệ thống của Sa-tan—gồm giải trí, việc làm và tài sản—cuốn hút đến mức không ý thức mình đang tiến dần vào vùng nước nguy hiểm. Là một trưởng lão, anh Joe cho biết: “Kinh nghiệm trong kỳ nghỉ ấy làm tôi nghĩ đến những người mà chúng ta giao tiếp. Hãy bơi ở nơi an toàn và thích thú, tức là trong hội thánh!”. Đừng bơi ra vùng nước sâu, nơi bạn có thể bị cô lập về thiêng liêng và gặp nguy hiểm. Nếu thấy mình đang ở đó, hãy nhanh chóng quay về “vùng nước an toàn”. Nếu không, bạn có thể bị nguy hại về mặt thiêng liêng.

3 Ngày nay, thế gian là nơi nguy hiểm cho tín đồ Đấng Christ (2 Ti 3:1-5). Sa-tan biết mình còn rất ít thời gian, và quyết tâm nuốt chửng những người thiếu cảnh giác (1 Phi 5:8; Khải 12:12, 17). Tuy nhiên, không phải là chúng ta không có sự che chở. Đức Giê-hô-va đã cung cấp cho dân Ngài một nơi ẩn náu an toàn về thiêng liêng—hội thánh tín đồ Đấng Christ.

4, 5. Nhiều người cảm thấy thế nào về tương lai, và tại sao?

4 Trong xã hội ngày nay, chúng ta chỉ được an toàn ở một mức nào đó, về thể chất hoặc tinh thần. Về thể chất, nhiều người cảm thấy bị đe dọa vì tội ác, bạo lực, giá sinh hoạt đắt đỏ, và ngay cả các vấn đề về môi trường. Mọi người đều phải đối mặt với tiến trình lão hóa và sức khỏe yếu. Còn những người khác có sức khỏe, việc làm, nhà cửa và tài chính ổn định thì tự hỏi không biết sẽ giữ được tình trạng này bao lâu.

5 Về tinh thần, nhiều người cũng không tìm được sự an toàn. Đáng buồn thay, rất nhiều người đã hy vọng tìm được sự bình an, thỏa nguyện trong hôn nhân và có một gia đình hạnh phúc, nhưng họ nhận ra mình không đạt được những mong đợi ấy. Về thiêng liêng, nhiều người đi nhà thờ cảm thấy hoang mang và mất phương hướng. Họ nghi ngờ giá trị của sự hướng dẫn mà họ nhận được. Đặc biệt là khi họ thấy những người lãnh đạo tôn giáo của họ có hạnh kiểm đáng chê trách và dạy những điều không phù hợp với Kinh Thánh. Vì vậy, nhiều người cảm thấy mình không có sự lựa chọn nào ngoài việc đặt hy vọng vào khoa học hoặc thiện ý và khả năng phán đoán của con người. Vậy, không ngạc nhiên gì khi những người quanh chúng ta cảm thấy vô cùng bất an hoặc không muốn suy nghĩ sâu xa về tương lai.

6, 7. (a) Tại sao quan niệm của những người phụng sự Đức Chúa Trời khác biệt với người không phụng sự Ngài? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì?

6 Quan niệm của người thuộc hội thánh tín đồ Đấng Christ thật tương phản với người ngoài! Dù chúng ta, dân của Đức Giê-hô-va, phải đối mặt với nhiều vấn đề như mọi người, nhưng phản ứng của chúng ta thì khác hẳn. (Đọc Ê-sai 65:13, 14; Ma-la-chi 3:18). Tại sao thế? Vì chúng ta tìm được trong Kinh Thánh lời giải thích thỏa đáng về tình trạng hiện nay của loài người và được trang bị để đối phó với những vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy, chúng ta không quá lo lắng về tương lai. Là người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta được che chở khỏi lối suy luận sai lầm, không phù hợp với Kinh Thánh cũng như lối sống vô luân, và các hậu quả tai hại. Nhờ đó, các thành viên của hội thánh đạo Đấng Christ cảm nghiệm sự bình yên mà người khác không có được.—Ê-sai 48:17, 18; Phi-líp 4:6, 7.

7 Một số trường hợp điển hình có thể giúp chúng ta ngẫm nghĩ về sự an toàn mà những người phụng sự Đức Giê-hô-va có được, còn những người khác thì không. Những trường hợp này có thể thúc đẩy chúng ta xem xét lại cách suy luận và lối sống của mình để biết liệu có thể áp dụng đầy đủ hơn lời khuyên của Đức Chúa Trời, những lời được viết ra nhằm bảo vệ chúng ta.—Ê-sai 30:21.

“Chân tôi đã gần vấp”

8. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va luôn phải làm điều gì?

8 Từ lúc ban đầu của lịch sử nhân loại, những người chọn phụng sự và vâng lời Đức Giê-hô-va cố tránh kết thân với người không phụng sự Ngài. Thật vậy, Đức Giê-hô-va cho biết sẽ có sự thù nghịch giữa người thờ phượng Ngài và người theo Sa-tan (Sáng 3:15). Vì kiên quyết làm theo các nguyên tắc của Đức Chúa Trời, dân Ngài hành động khác với những người xung quanh (Giăng 17:15, 16; 1 Giăng 2:15-17). Giữ lập trường đó không phải lúc nào cũng dễ. Thật vậy, một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã có lúc không chắc lối sống hy sinh là khôn ngoan.

9. Người viết Thi-thiên 73 đã có mối băn khoăn trăn trở nào?

9 Người viết bài Thi-thiên 73, có lẽ là con cháu của A-sáp, là một trong số những người thờ phượng Đức Giê-hô-va nhưng có lúc đã nghi ngờ đường lối mình. Ông thắc mắc tại sao người ác dường như thường thành công, hạnh phúc và thịnh vượng, trong khi một số người cố gắng phụng sự Đức Chúa Trời lại chịu nhiều gian nan, thử thách.—Đọc Thi-thiên 73:1-13.

10. Tại sao những vấn đề người viết Thi-thiên nêu lên là quan trọng đối với bạn?

10 Bạn có cùng những thắc mắc mà người viết Thi-thiên đã ghi lại không? Nếu có, bạn đừng quá lo vì nghĩ mình có tội hoặc đang mất đức tin. Trên thực tế, một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va, ngay cả một số người Ngài dùng để viết Kinh Thánh, cũng có ý nghĩ tương tự (Gióp 21:7-13; Thi 37:1; Giê 12:1; Ha 1:1-4, 13). Thật vậy, tất cả những người muốn phụng sự Đức Giê-hô-va phải hiểu rõ và chấp nhận lời giải đáp cho câu hỏi này: Có phải phụng sự và vâng lời Đức Chúa Trời là điều tốt nhất không? Điều này liên quan đến vấn đề mà Sa-tan đã nêu trong vườn Ê-đen, trọng tâm là vấn đề hoàn vũ về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời (Sáng 3:4, 5). Vậy, tất cả chúng ta nên xem xét vấn đề mà người viết Thi-thiên đã nêu. Chúng ta có nên ghen tị với người ác hay khoe khoang, dường như đang sống bình yên không? Chúng ta có nên ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va và theo lối sống của họ không? Dĩ nhiên đó chính là điều Sa-tan muốn chúng ta làm.

11, 12. (a) Làm thế nào người viết Thi-thiên đã giải tỏa mối nghi ngờ, và chúng ta học được gì? (b) Điều gì đã giúp bạn có cùng kết luận như người viết Thi-thiên?

11 Điều gì đã giúp người viết Thi-thiên giải tỏa được mối nghi ngờ? Dù thú nhận là mình suýt lìa bỏ đường lối công bình, ông thay đổi quan điểm khi vào “nơi thánh của Đức Chúa Trời”—đó là khi ông kết hợp với những người có thiêng liêng tính trong đền thờ Đức Chúa Trời và ngẫm nghĩ về ý định của Ngài. Bấy giờ, ông thấy rõ mình không muốn có cùng kết cục như người ác. Ông có thể thấy lối sống và những lựa chọn của họ đã đặt họ “nơi trơn-trợt”. Người viết Thi-thiên nhận thấy những người từ bỏ Đức Giê-hô-va vì lối sống vô luân chắc chắn cuộc đời sẽ kết thúc cách “kinh-khiếp”, còn những ai phụng sự Đức Giê-hô-va sẽ được Ngài nâng đỡ (Đọc Thi-thiên 73:16-19, 27, 28). Bạn hẳn đã thấy sự thật của lời đó. Sống cho bản thân mà không quan tâm đến luật pháp của Đức Chúa Trời dường như là lối sống thu hút nhiều người, nhưng người ta không thể tránh được hậu quả tai hại của lối sống đó.—Ga 6:7-9.

12 Chúng ta còn học được gì từ kinh nghiệm của người viết Thi-thiên? Ông đã tìm được sự an toàn và khôn ngoan trong vòng dân của Đức Chúa Trời. Ông bắt đầu suy luận rõ ràng và hợp lý khi đến nơi thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ngày nay cũng thế, chúng ta có thể hưởng thức ăn thiêng liêng bổ ích và tìm được những người cho lời khuyên khôn ngoan tại các buổi họp của hội thánh. Vì thế, Đức Giê-hô-va bảo các tôi tớ Ngài tham dự các buổi nhóm họp. Ở đấy, họ sẽ được khích lệ và thúc đẩy để hành động khôn ngoan.—Ê-sai 32:1, 2; Hê 10:24, 25.

Khôn ngoan chọn bạn

13-15. (a) Đi-na đã trải nghiệm điều gì, và chúng ta học được gì? (b) Tại sao kết hợp với anh em đồng đạo là sự che chở?

13 Đi-na, con gái của Gia-cốp, là trường hợp điển hình của người gặp vấn đề nghiêm trọng vì kết hợp với bạn thế gian. Lời tường thuật của Sáng-thế Ký về Đi-na cho biết cô có thói quen giao tiếp với các thiếu nữ xứ Ca-na-an trong khu vực gia đình cô sinh sống. Người Ca-na-an không có tiêu chuẩn đạo đức cao như những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Những phát hiện của các nhà khảo cổ cho thấy lối sống của dân Ca-na-an khiến cho xứ họ đầy dẫy việc thờ hình tượng, vô luân, thờ tình dục đồi bại và bạo lực (Xuất 23:23; Lê 18:2-25; Phục 18:9-12). Hãy nhớ lại hậu quả của việc Đi-na kết hợp với những người này.

14 Si-chem, một thanh niên bản xứ, được miêu tả là “người quí-trọng hơn mọi người trong nhà cha mình”. Hắn thấy Đi-na “thì cướp đi, nằm với nàng và làm điếm-nhục nàng” (Sáng 34:1, 2, 19). Thật là một bi kịch! Theo bạn, Đi-na có bao giờ nghĩ chuyện đó có thể xảy ra cho cô không? Có lẽ cô chỉ muốn kết bạn với những người trẻ trong xứ, những người mà cô cho rằng không làm hại ai. Tuy nhiên, Đi-na đã lầm.

15 Lời tường thuật này cho chúng ta bài học nào? Đó là chúng ta đừng nghĩ rằng mình có thể kết hợp với người ngoại mà không bị hậu quả tai hại. Kinh Thánh nói: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt” (1 Cô 15:33). Mặt khác, kết hợp với những người cùng đức tin, cùng tiêu chuẩn đạo đức cao và cùng yêu mến Đức Giê-hô-va sẽ là một sự che chở. Những người bạn tốt như thế sẽ khuyến khích chúng ta hành động khôn ngoan.—Châm 13:20.

“Anh em được rửa sạch”

16. Sứ đồ Phao-lô nói gì về một số người trong hội thánh Cô-rinh-tô?

16 Hội thánh tín đồ Đấng Christ đã giúp nhiều người được rửa sạch khỏi những thực hành ô uế. Khi sứ đồ Phao-lô viết lá thư đầu tiên cho hội thánh ở Cô-rinh-tô, ông nói về những thay đổi mà tín đồ Đấng Christ ở đó đã thực hiện để sống phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Một số từng là người tà dâm, thờ hình tượng, ngoại tình, đồng tính luyến ái, trộm cướp, say sưa. Phao-lô nói với họ: ‘Nhưng anh em được rửa sạch’.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 6:9-11.

17. Sống theo nguyên tắc Kinh Thánh đã thay đổi đời sống của nhiều người như thế nào?

17 Những người không có đức tin thì không có nguyên tắc đúng đắn hướng dẫn. Họ tự quyết định đường lối mình hoặc bị cuốn theo lối sống buông tuồng của những người xung quanh, giống như một số người Cô-rinh-tô xưa trước khi tin đạo (Ê-phê 4:14). Tuy nhiên, sự hiểu biết chính xác về lời và ý định Đức Chúa Trời có sức mạnh cải thiện đời sống của tất cả những ai áp dụng Kinh Thánh (Cô 3:5-10; Hê 4:12). Ngày nay nhiều thành viên của hội thánh có thể kể cho bạn nghe là trước khi học biết và làm theo những tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va, họ đã sống buông thả. Nhưng họ đã không thỏa mãn và hạnh phúc. Họ chỉ tìm được bình an khi bắt đầu kết hợp với dân Đức Chúa Trời và sống phù hợp với các nguyên tắc Kinh Thánh.

18. Một người trẻ có trải nghiệm nào? Và điều đó chứng tỏ gì?

18 Trái lại, một số người đã quyết định rời bỏ “vùng nước an toàn” của hội thánh giờ đây cảm thấy cay đắng hối tiếc. Một chị chúng ta gọi là Tanya cho biết chị “được tiếp xúc với lẽ thật từ nhỏ”, nhưng khi 16 tuổi, chị bỏ hội thánh để “chạy theo những cám dỗ của thế gian”. Chị có thai ngoài ý muốn, phải phá thai và chịu nhiều hậu quả khác. Giờ đây chị nói: “Ba năm lìa bỏ hội thánh đã để lại những vết thương lòng không bao giờ lành. Tôi luôn bị ám ảnh vì đã giết đứa con chưa ra đời... Tôi muốn nói với tất cả những người trẻ ao ước “nếm thử” thế gian dù chỉ trong chốc lát: “Đừng bao giờ làm thế!”. Thoạt tiên nó có vẻ ngọt ngào nhưng sau đó để lại dư vị cay đắng vô cùng. Thế gian này chỉ đem lại những điều đau đớn. Tôi biết. Tôi đã nếm mùi. Hãy ở trong tổ chức của Đức Giê-hô-va! Đó là lối sống duy nhất mang lại hạnh phúc”.

19, 20. Hội thánh tín đồ Đấng Christ cung cấp sự che chở nào, và như thế nào?

19 Hãy thử nghĩ bạn sẽ thế nào nếu từ bỏ môi trường an toàn của hội thánh. Nhiều người đã rùng mình không muốn nghĩ đến điều đó khi nhớ lại lối sống phù phiếm trước khi biết lẽ thật (Giăng 6:68, 69). Khi luôn gần gũi với anh em tín đồ Đấng Christ, bạn có thể tiếp tục tìm thấy sự an toàn và che chở khỏi những đau đớn và khốn khổ thường thấy trong thế gian của Sa-tan. Kết hợp với họ và thường xuyên tham dự các buổi nhóm sẽ luôn nhắc nhở bạn về sự khôn ngoan trong các nguyên tắc công bình của Đức Giê-hô-va, và khuyến khích bạn sống theo các nguyên tắc ấy. Bạn có mọi lý do để “cảm-tạ Chúa trong hội lớn”, như người viết Thi-thiên đã làm.—Thi 35:18.

20 Dĩ nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tất cả tín đồ Đấng Christ đều trải qua những giai đoạn mà họ cảm thấy khó giữ sự trung kiên của người tín đồ. Có thể họ chỉ cần có người hướng họ đến con đường đúng. Bạn cũng như mọi người trong hội thánh có thể làm gì để giúp anh em đồng đạo trong những lúc đó? Bài tới sẽ xem xét làm thế nào bạn có thể “tiếp tục an ủi, xây dựng” anh em.—1 Tê 5:11, Bản Diễn Ý.

Bạn trả lời thế nào?

• Chúng ta học được gì qua kinh nghiệm của người viết Thi-thiên 73?

• Trải nghiệm của Đi-na dạy chúng ta điều gì?

• Tại sao bạn có thể tìm sự an toàn trong hội thánh tín đồ Đấng Christ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Lời chú thích nơi trang 7]

Hãy bơi ở nơi an toàn, hãy ở trong hội thánh!