Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tiếp tục xây dựng hội thánh

Tiếp tục xây dựng hội thánh

Tiếp tục xây dựng hội thánh

“Hãy tiếp tục an ủi, xây dựng nhau”.—1 TÊ 5:11, BẢN DIỄN Ý.

1. Thành viên của hội thánh tín đồ Đấng Christ nhận được những ân phước nào, nhưng vẫn có những thử thách nào?

Được làm thành viên của hội thánh tín đồ Đấng Christ quả là ân phước lớn. Bạn có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va. Nhờ tin cậy nơi sự hướng dẫn của Lời Đức Chúa Trời, bạn được che chở khỏi hậu quả tai hại của lối sống trái nguyên tắc đạo Đấng Christ. Xung quanh bạn là những người bạn thật, muốn bạn được hạnh phúc. Thật vậy, bạn có nhiều ân phước. Tuy nhiên, đa số tín đồ Đấng Christ đang phải đương đầu với vấn đề nào đó. Một số người có thể cần được giúp đỡ để hiểu những điều sâu sắc trong Lời Đức Chúa Trời. Những người khác thì bị bệnh, buồn nản hoặc đang chịu hậu quả của quyết định thiếu khôn ngoan. Và tất cả chúng ta đều phải sống trong một thế gian không tin kính.

2. Chúng ta nên làm gì khi anh em gặp khó khăn, và tại sao?

2 Không ai trong chúng ta muốn thấy anh em chịu khổ hoặc vất vả đối phó với khó khăn. Sứ đồ Phao-lô ví hội thánh như một thân thể, và ông nói rằng “trong các chi-thể, khi có một cái nào chịu đau-đớn, thì các cái khác đều cùng chịu” (1 Cô 12:12, 26). Trong những tình huống như thế, chúng ta nên cố gắng hỗ trợ anh em. Một số lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy các thành viên trong hội thánh giúp anh em đối phó và vượt qua thử thách. Khi xem xét những lời tường thuật ấy, hãy suy nghĩ làm thế nào bạn có thể áp dụng cách giúp đỡ tương tự. Làm sao bạn có thể giúp đỡ anh em về thiêng liêng, nhờ thế xây dựng hội thánh của Đức Giê-hô-va?

‘Họ đem người về với mình’

3, 4. A-qui-la và Bê-rít-sin đã giúp A-bô-lô như thế nào?

3 Khi đến cư ngụ ở thành Ê-phê-sô, A-bô-lô là người truyền giáo nhiệt tình. Sách Công-vụ tường thuật: “Người... lấy lòng rất sốt-sắng mà giảng và dạy kỹ-càng những điều về Đức Chúa Jêsus, dẫu người chỉ biết phép báp-têm của Giăng mà thôi”. A-bô-lô không biết về phép báp-têm ‘nhân danh Cha, Con và Thánh-Linh’, có lẽ vì môn đồ của Giăng Báp-tít hoặc các môn đồ của Chúa Giê-su đã làm chứng cho ông trước Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. A-bô-lô rất sốt sắng, nhưng có vài điều quan trọng mà ông chưa hiểu. Ông được giúp thế nào qua việc kết hợp với anh em đồng đạo?—Công 1:4, 5; 18:25; Mat 28:19.

4 Hai vợ chồng tín đồ Đấng Christ là A-qui-la và Bê-rít-sin nghe A-bô-lô rao giảng dạn dĩ trong nhà hội. Họ đem ông về và giải thích thêm cho ông. (Đọc Công-vụ 18:24-26). Đó quả là hành động yêu thương. Dĩ nhiên, A-qui-la và Bê-rít-sin phải tỏ ra tế nhị và ân cần, không làm A-bô-lô cảm thấy bị chê trách. Vấn đề chỉ là A-bô-lô không biết về lịch sử ban đầu của hội thánh đạo Đấng Christ. A-bô-lô hẳn rất biết ơn những người bạn mới này vì đã chia sẻ những điều quan trọng đó. Nhờ sự hiểu biết này, A-bô-lô giúp ích nhiều cho anh em ở A-chai và làm chứng cách thuyết phục.—Công 18:27, 28.

5. Hàng ngàn người công bố Nước Trời giúp đỡ người khác cách yêu thương như thế nào? Và kết quả là gì?

5 Ngày nay, nhiều người trong hội thánh rất biết ơn những người đã giúp họ hiểu Kinh Thánh. Nhiều học viên và người dạy đã phát triển tình bạn bền vững. Trong đa số trường hợp, người dạy phải sắp xếp để thường xuyên thảo luận về lẽ thật với học viên trong nhiều tháng. Tuy nhiên, người công bố Nước Trời sẵn lòng hy sinh như thế vì họ nhận biết đó là vấn đề sinh tử (Giăng 17:3). Thật vui mừng khi thấy người ta hiểu được lẽ thật, sống phù hợp với lẽ thật ấy và dùng đời sống mình để làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va!

‘Anh em đều làm chứng tốt về người’

6, 7. (a) Tại sao Phao-lô chọn Ti-mô-thê làm bạn đồng hành? (b) Ti-mô-thê được giúp để tiến bộ như thế nào?

6 Khi sứ đồ Phao-lô và Si-la đến thăm thành Lít-trơ trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai, họ gặp một người trẻ tên là Ti-mô-thê, có lẽ gần 20 tuổi hoặc hơn. “Anh em ở thành Lít-trơ và thành Y-cô-ni đều làm chứng tốt về người”. Mẹ của Ti-mô-thê là Ơ-nít và bà ngoại là Lô-ít theo đạo Đấng Christ, nhưng cha không tin đạo (2 Ti 1:5). Có thể Phao-lô đã quen với gia đình này trong lần đầu đến thăm vùng đó ít năm trước. Nhưng giờ đây Phao-lô đặc biệt chú ý đến Ti-mô-thê vì dường như đó là một thanh niên xuất sắc. Vì thế, với sự chấp thuận của hội đồng trưởng lão địa phương, Ti-mô-thê trở thành phụ tá của Phao-lô trong công việc giáo sĩ.—Đọc Công-vụ 16:1-3.

7 Ti-mô-thê có nhiều điều phải học từ người bạn đồng hành lớn tuổi hơn. Nhưng Ti-mô-thê tiến bộ rất nhiều đến mức Phao-lô có thể tin cậy phái Ti-mô-thê đến thăm các hội thánh và làm đại diện cho ông. Trong vòng 15 năm kết hợp với nhau, người thanh niên thiếu kinh nghiệm và có lẽ nhút nhát này đã tiến bộ để trở thành một giám thị xuất sắc.—Phi-líp 2:19-22; 1 Ti 1:3.

8, 9. Các thành viên hội thánh có thể làm gì để khuyến khích người trẻ? Hãy cho thí dụ.

8 Nhiều thanh niên thiếu nữ trong hội thánh ngày nay rất có tiềm năng. Nếu được anh chị có thiêng liêng tính thường xuyên khuyến khích, những người trẻ này có thể vươn tới và đảm nhận các trách nhiệm lớn hơn trong dân của Đức Giê-hô-va. Hãy nhìn quanh hội thánh bạn! Bạn có thấy người trẻ nào sẵn sàng phục vụ như Ti-mô-thê không? Với sự giúp đỡ và khuyến khích của bạn, họ có thể trở thành tiên phong, thành viên nhà Bê-tên, giáo sĩ hoặc giám thị lưu động. Bạn có thể làm gì để giúp họ vươn tới mục tiêu như thế?

9 Anh Martin, là thành viên của gia đình Bê-tên được 20 năm, nhớ lại với lòng biết ơn về sự quan tâm của anh giám thị vòng quanh 30 năm trước, khi hai người đang đi rao giảng chung. Anh giám thị nhiệt tình nói về công việc phụng sự tại nhà Bê-tên khi anh còn trẻ. Anh khuyến khích Martin nghĩ đến việc phục vụ như thế cho tổ chức của Đức Giê-hô-va. Martin cảm thấy buổi nói chuyện đáng nhớ ấy ảnh hưởng rất nhiều đến những quyết định sau này của anh. Biết đâu bạn có thể giúp ích khi nói chuyện với người trẻ về các mục tiêu thần quyền.

“Yên-ủi những kẻ ngã lòng”

10. Ép-ba-phô-đích cảm thấy thế nào và tại sao?

10 Ép-ba-phô-đích thực hiện một cuộc hành trình dài, mệt mỏi từ thành Phi-líp đến Rô-ma để thăm sứ đồ Phao-lô đang bị tù vì đức tin. Ép-ba-phô-đích được các tín đồ ở Phi-líp phái đến. Ông không những mang quà của anh em đến cho Phao-lô mà còn định ở lại để giúp Phao-lô trong hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, khi ở Rô-ma, Ép-ba-phô-đích “mắc bịnh gần chết”. Ông lo lắng và buồn nản vì cảm thấy mình đã không hoàn thành sứ mạng.—Phi-líp 2:25-27.

11. (a) Tại sao chúng ta không nên ngạc nhiên nếu một số anh chị trong hội thánh bị buồn nản? (b) Phao-lô khuyên gì trong trường hợp của Ép-ba-phô-đích?

11 Ngày nay, người ta lo buồn vì những áp lực khác nhau. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ năm người thì có một người bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc đời. Dân của Đức Giê-hô-va cũng không tránh khỏi điều đó. Vấn đề chu cấp cho gia đình, sức khỏe kém, nản lòng vì nhược điểm cá nhân, hoặc những yếu tố khác có thể góp phần khiến một người buồn nản. Các tín đồ ở Phi-líp có thể làm gì để giúp Ép-ba-phô-đích? Phao-lô viết: “Hãy lấy sự vui-mừng trọn-vẹn mà tiếp-rước người trong Chúa, và tôn-kính những người như vậy; bởi, ấy là vì công-việc của Đấng Christ mà người đã gần chết, liều sự sống mình để bù lại các việc mà chính anh em không thể giúp tôi”.—Phi-líp 2:29, 30.

12. Điều gì có thể là nguồn an ủi cho người bị buồn nản?

12 Chúng ta cũng nên khích lệ những anh em đang buồn nản. Hẳn có nhiều điều tích cực chúng ta có thể nói về việc họ phụng sự Đức Giê-hô-va. Có lẽ họ đã thực hiện nhiều thay đổi trong đời sống để trở thành tín đồ Đấng Christ hoặc để phụng sự trọn thời gian. Chúng ta quý nỗ lực của họ, và có thể bảo đảm với họ rằng Đức Giê-hô-va cũng thế. Nếu tuổi tác hoặc sức khỏe kém khiến một số người trung thành không thể làm nhiều như trước, họ vẫn xứng đáng được kính trọng vì những năm tháng phụng sự. Dù trong trường hợp nào, Đức Giê-hô-va khuyên tất cả tôi tớ trung thành của Ngài: “[Hãy] yên-ủi những kẻ ngã lòng, nâng-đỡ những kẻ yếu-đuối, phải nhịn-nhục đối với mọi người”.—1 Tê 5:14.

Hãy “tha-thứ yên-ủi”

13, 14. (a) Hội thánh Cô-rinh-tô đã áp dụng biện pháp nghiêm khắc nào, và tại sao? (b) Biện pháp khai trừ có kết quả nào?

13 Vào thế kỷ thứ nhất, trong hội thánh Cô-rinh-tô có trường hợp một người gian dâm mà không ăn năn. Hành vi của người ấy đe dọa sự thanh sạch của hội thánh và gây tai tiếng đối với cả người không tin đạo. Vì thế, Phao-lô bảo phải trừ bỏ người đó khỏi hội thánh.—1 Cô 5:1, 7, 11-13.

14 Biện pháp kỷ luật này có kết quả tốt. Hội thánh được bảo vệ khỏi ảnh hưởng tai hại, và người phạm tội đã tỉnh ngộ và thành thật ăn năn. Vì người đó hành động phù hợp với sự ăn năn, trong lá thư thứ hai gửi hội thánh, Phao-lô cho biết nên nhận lại người đó. Tuy nhiên, không chỉ có thế. Phao-lô cũng bảo hội thánh hãy “tha-thứ yên-ủi, hầu cho [người phạm tội biết ăn năn] khỏi bị sa-ngã vì sự buồn-rầu quá lớn”.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 2:5-8.

15. Chúng ta nên có quan điểm nào về người phạm tội đã ăn năn và được nhận lại vào hội thánh?

15 Chúng ta học được gì từ lời tường thuật này? Thật buồn khi một người phải bị khai trừ. Có lẽ họ đã làm ô danh Đức Chúa Trời và gây tai tiếng cho hội thánh. Thậm chí họ có thể phạm tội với cá nhân chúng ta. Tuy nhiên, các trưởng lão được chỉ định xem xét vụ việc ấy có thể quyết định phải nhận lại người phạm tội đã ăn năn, theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Nếu vậy, người đó đã được Ngài tha thứ (Mat 18:17-20). Chẳng phải chúng ta nên cố gắng noi gương Ngài hay sao? Thật vậy, cố chấp và không tha thứ có nghĩa là chống lại Đức Giê-hô-va. Để góp phần xây dựng sự bình an, hợp nhất trong hội thánh và được Đức Giê-hô-va chấp nhận, chẳng phải chúng ta nên “bày-tỏ lòng yêu-thương” với người phạm tội đã thật sự ăn năn và được nhận lại vào hội thánh sao?—Mat 6:14, 15; Lu 15:7.

“Người thật có ích cho ta”

16. Tại sao Phao-lô thất vọng về Mác?

16 Một lời tường thuật khác trong Kinh Thánh cho thấy chúng ta không nên nuôi dưỡng cảm nghĩ tiêu cực với những người làm chúng ta thất vọng. Chẳng hạn, Giăng Mác đã làm sứ đồ Phao-lô vô cùng thất vọng. Như thế nào? Khi Phao-lô và Ba-na-ba bắt đầu chuyến hành trình rao giảng thứ nhất, Mác cùng đi để hỗ trợ họ. Nhưng giữa đường vì một lý do không rõ, Giăng Mác đã bỏ họ và quay về nhà. Phao-lô rất thất vọng về điều này đến độ khi lên kế hoạch cho chuyến hành trình thứ hai, ông đã cãi nhau với Ba-na-ba về việc có nên cho Mác cùng đi không. Vì chuyện đã xảy ra trong chuyến hành trình thứ nhất, Phao-lô không muốn Mác đi theo.—Đọc Công-vụ 13:1-5, 13; 15:37, 38.

17, 18. Làm thế nào chúng ta biết vấn đề giữa Phao-lô và Mác đã được giải tỏa? Và chúng ta học được gì từ điều này?

17 Mác hẳn đã không để mình quá nản chí khi bị Phao-lô dứt khoát từ chối, vì ông vẫn tiếp tục làm công việc giáo sĩ với Ba-na-ba ở khu vực khác (Công 15:39). Vài năm sau, những lời Phao-lô viết về Mác cho thấy Mác đã chứng tỏ mình trung thành và đáng tin cậy. Lúc ấy, đang bị tù ở Rô-ma, Phao-lô viết thư gọi Ti-mô-thê đến. Trong thư, Phao-lô nói: “Hãy đem Mác đến với con, vì người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm” (2 Ti 4:11). Thật vậy, Mác đã được Phao-lô đánh giá cao hơn.

18 Chúng ta rút ra một bài học từ chuyện này. Mác đã vun trồng được những đức tính của người giáo sĩ giỏi. Ông không vấp ngã vì sự từ chối lúc đầu của Phao-lô. Cả ông và Phao-lô là những người thành thục, và giữa họ không có mối ác cảm lâu dài. Ngược lại, sau này Phao-lô công nhận Mác là phụ tá đắc lực. Vì thế khi anh em khắc phục khó khăn và vấn đề đã qua, điều cần làm là quên đi chuyện cũ và tiếp tục giúp người khác tiến bộ về thiêng liêng. Có thái độ tích cực sẽ xây dựng hội thánh.

Hội thánh và bạn

19. Tất cả thành viên trong hội thánh có thể làm gì để giúp đỡ nhau?

19 Trong “thời-kỳ khó-khăn” này, bạn cần sự hỗ trợ của các anh chị trong hội thánh, và họ cũng cần sự giúp đỡ của bạn (2 Ti 3:1). Tín đồ Đấng Christ không luôn biết cá nhân mình phải làm gì để đối phó thành công với các tình huống gặp phải, nhưng Đức Giê-hô-va thì biết. Và Ngài có thể dùng các thành viên khác trong hội thánh, kể cả bạn, để giúp nhiều người làm điều đúng (Ê-sai 30:20, 21; 32:1, 2). Vậy, hãy ghi nhớ lời khuyên của Phao-lô: “Hãy tiếp tục an ủi, xây dựng nhau, như anh em thường làm”.—1 Tê 5:11, BDY.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao xây dựng lẫn nhau là điều cần thiết trong hội thánh?

• Bạn có thể giúp người khác vượt qua khó khăn nào?

• Tại sao chúng ta cần sự hỗ trợ của anh chị khác trong hội thánh?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 11]

Khi một anh em tín đồ đương đầu với tình huống khó khăn, chúng ta có thể hỗ trợ

[Hình nơi trang 12]

Nhiều thanh niên thiếu nữ trong hội thánh ngày nay rất có tiềm năng