Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dạy con yêu thích đọc sách và học hỏi

Dạy con yêu thích đọc sách và học hỏi

Dạy con yêu thích đọc sách và học hỏi

Không gì ảnh hưởng nhiều đến tương lai của con bằng việc dạy con đọc sách và học hỏi. Đọc và học cũng mang lại niềm vui. Quả thật, kỷ niệm thân thương nhất về thời thơ ấu của một số người là được nghe cha mẹ đọc truyện. Đọc sách không những là một thú vui mà còn mang lại nhiều lợi ích. Điều này đặc biệt đúng với những người thờ phượng Đức Chúa Trời, vì sự tiến bộ về thiêng liêng phần lớn tùy thuộc vào việc đọc và học Kinh Thánh. Một người cha là Nhân Chứng Giê-hô-va nhận xét: “Những điều quý nhất chúng ta có là nhờ việc đọc và học”.

Nề nếp học tập tốt có thể giúp con vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời (Thi 1:1-3, 6). Đành rằng việc đọc sách không phải là điều kiện để một người được cứu rỗi, nhưng Kinh Thánh cho biết điều này mang lại những lợi ích to lớn về mặt thiêng liêng. Chẳng hạn, Khải-huyền 1:3 nói: “Phước cho kẻ đọc cùng những kẻ nghe lời tiên-tri này”. Ngoài ra, lời mà sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê cũng nói gián tiếp đến một yếu tố quan trọng trong việc học, đó là khả năng tập trung. Ông nói: “Con hãy suy gẫm về những việc đó”. Tại sao? “Để mọi người đều thấy rõ sự tiến bộ của con”.—1 Ti 4:15, Trần Đức Huân.

Tuy nhiên, một người biết đọc và học chưa hẳn nhận được lợi ích. Chẳng hạn, nhiều người lười đọc sách và học hỏi vì dành hết thời gian vào những việc kém quan trọng nên không nhận được lợi ích. Vậy, làm sao cha mẹ có thể vun đắp cho con lòng ham học hỏi những điều bổ ích?

Dạy bằng tình yêu thương và gương mẫu

Bầu không khí yêu thương là cần thiết để con bạn thích thú học. Anh Owen và chị Claudia, cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ, kể về hai con lúc còn nhỏ: “Các con chúng tôi háo hức mong chờ buổi học gia đình vì đó là thời gian đặc biệt đối với chúng—khi học, chúng cảm thấy thoải mái và được quan tâm. Dần dần, trong suy nghĩ của chúng, việc học đi liền với bầu không khí yêu thương”. Ngay cả khi con bạn bước vào tuổi dậy thì, khó dạy hơn, bầu không khí yêu thương của buổi học gia đình vẫn sẽ tác động đến thái độ của chúng đối với việc học. Giờ đây, hai người con của vợ chồng anh Owen đang làm tiên phong, và sự ham thích đọc sách cũng như học hỏi vẫn mang lại nhiều lợi ích cho họ.

Bên cạnh tình yêu thương, cha mẹ cần nêu gương mẫu. Những em thường xuyên chứng kiến cha mẹ đọc và học thì dễ dàng coi điều này là nhu cầu trong đời sống của bản thân chúng. Nếu đọc sách là việc khó đối với bạn, làm sao bạn có thể nêu gương cho con? Có lẽ bạn cần điều chỉnh thói quen trong sinh hoạt thường ngày, hoặc thái độ của mình đối với việc đọc (Rô 2:21). Nếu bạn dành thời gian đọc sách hằng ngày, nề nếp này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến con. Đặc biệt, khi thấy bạn siêng năng đọc Kinh Thánh, chuẩn bị cho các buổi nhóm họp và buổi học gia đình, con bạn sẽ ý thức được tầm quan trọng của những việc đó.

Như vậy, tình yêu thương và gương mẫu của bạn là những yếu tố cần thiết để dạy con yêu thích đọc sách. Ngoài ra, bạn có thể làm những bước thực tế nào để khuyến khích con?

Càng đọc càng thích

Một số bước quan trọng nào giúp cha mẹ vun trồng nơi con lòng yêu thích đọc sách? Cho con làm quen với sách từ thuở bé. Một trưởng lão, từng được cha mẹ giúp vun trồng lòng yêu thích đọc sách, nhận xét: “Hãy cho con cầm sách và làm quen với sách từ nhỏ. Nhờ đó, sách sẽ trở thành bạn và một nhu cầu trong đời sống của chúng”. Những sách dựa trên Kinh Thánh như Hãy học theo Thầy Vĩ Đại Sách kể chuyện Kinh Thánh rất thân thiết với nhiều em từ lâu trước khi biết đọc. Khi đọc những sách ấy cho con, bạn giúp con không những làm quen với ngôn ngữ mà còn làm quen với “[điều] thiêng-liêng” và “tiếng thiêng-liêng”.—1 Cô 2:13.

Thường xuyên đọc sách cho con nghe. Hãy tập thói quen đọc sách cho con mỗi ngày. Bằng cách này, bạn sẽ giúp con biết phát âm rõ ràng và có thói quen đọc sách. Cách bạn đọc cũng rất quan trọng, nếu giọng diễn cảm, con sẽ thích thú nghe. Con có thể đòi bạn đọc đi đọc lại cùng một câu chuyện, bạn nên chiều theo con. Một lúc nào đó, con sẽ muốn nghe chuyện khác. Nhưng hãy thận trọng, đừng làm chúng cảm thấy bị ép phải nghe. Chúa Giê-su nêu gương mẫu khi ngài dạy các môn đồ “tùy theo sức họ nghe được” (Mác 4:33). Nếu không bị ép buộc, con sẽ háo hức mong chờ buổi đọc sách. Như vậy, bạn đã tiến thêm một bước trong việc dạy con yêu thích đọc sách.

Khuyến khích con phát biểu và cùng thảo luận điều bạn đọc. Bạn sẽ vui mừng khi thấy con bắt đầu nhận dạng, phát âm và hiểu nhiều từ. Để giúp con tiến bộ, hãy hỏi con về điều bạn vừa đọc. Một sách viết về cách dạy trẻ đọc lưu loát cho biết trò chuyện sẽ giúp trẻ “học những từ mà sau này chúng cần nhận dạng và hiểu khi tập đọc”. Sách này cũng nói: “Đối với con nhỏ ở lứa tuổi đang phát triển trí tuệ, trò chuyện là rất cần thiết—càng ý nghĩa... càng tốt”.

Để con đọc sách cho bạn nghe, rồi khuyến khích con đặt câu hỏi. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi và đưa ra một số cách trả lời. Khi làm thế, con bạn sẽ hiểu là sách chứa những thông tin và mỗi từ ngữ đều có nghĩa. Bạn càng nên làm thế khi đọc ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, sách có ý nghĩa nhất.—Hê 4:12.

Hãy nhớ rằng đọc là một kỹ năng khó, nếu muốn đọc trôi chảy thì cần thời gian và luyện tập *. Vì thế, nhớ khen và động viên con để vun đắp nơi con lòng ham thích đọc sách.

Đọc mang lại lợi ích và niềm vui

Để con thấy việc đọc có ý nghĩa, bạn cần dạy con cách học. Học hỏi bao hàm thâu thập các thông tin và nắm được mối liên quan giữa chúng. Điều này đòi hỏi khả năng sắp xếp, ghi nhớ và dùng các thông tin. Khi trẻ biết cách học và nhận ra giá trị thực tiễn của việc học, chúng sẽ thấy việc này thật thú vị và có lợi ích.—Truyền 10:10.

Dạy con cách thức học. Buổi thờ phượng của gia đình, buổi thảo luận câu Kinh Thánh mỗi ngày và những dịp tương tự là lúc thuận tiện để dạy con cách học. Khi ngồi yên và chú tâm vào một đề tài cụ thể trong khoảng thời gian ngắn, chúng rèn luyện sự tập trung, đây là điều cần thiết cho việc học. Để con tập so sánh, hãy bảo con cho biết điều vừa học liên quan thế nào đến điều con đã biết. Đề nghị con tóm tắt bài bằng lời lẽ riêng để con nhớ và nắm được bài. Ôn lại, tức là nhắc lại những điểm chính của bài, là cách khác giúp con nhớ lâu. Tập cho con ghi chép trong buổi học hay buổi nhóm họp, dù con còn nhỏ, để giúp chúng tập trung. Nhờ những cách này, việc học trở nên thú vị và ý nghĩa cho cả bạn lẫn con.

Tạo điều kiện tốt cho việc học. Một không gian thoáng mát, đủ ánh sáng, yên tĩnh và dễ chịu sẽ giúp trẻ dễ tập trung hơn. Nhưng chính thái độ của cha mẹ đối với việc học của con là rất quan trọng. Một người mẹ nhận xét: “Điều thiết yếu là bạn cần dành một thời gian cố định cho việc đọc sách và học, rồi duy trì cách đều đặn. Làm thế, con sẽ tập tính kỷ luật tự giác, tức là biết giờ nào cần làm gì”. Nhiều bậc cha mẹ yêu cầu con ngưng các hoạt động khác khi đến giờ học. Theo một chuyên gia, đây là cách hiệu quả để tạo cho con nề nếp học tập.

Giúp con thấy giá trị của việc học. Bạn hãy giúp con thấy rõ lợi ích thiết thực của việc học. Khuyến khích con sử dụng kiến thức để chúng thấy việc học là có mục đích. Một anh trẻ thừa nhận: “Nếu áp dụng được điều đang học vào đời sống, thì tôi thích tìm hiểu thêm. Bằng không, tôi không có hứng để học”. Đúng vậy, khi ý thức được việc học là có mục đích, các em sẽ siêng năng học. Rồi các em sẽ thích thú học hỏi, như trước đây các em đã tập ham thích đọc sách.

Phần thưởng lớn nhất

Không thể kể hết lợi ích của việc dạy con yêu thích đọc sách, chẳng hạn như thành công nơi học đường và trong sự nghiệp, biết cách đối nhân xử thế, hiểu biết về thế giới xung quanh, tạo sự gần gũi giữa cha mẹ và con cái. Ngoài ra, việc đọc sách và học hỏi cũng là một thú vui.

Trên hết, việc ham học có thể giúp trẻ trở thành người quý mến những điều thuộc về tâm linh. Lòng ham thích học là chìa khóa để các em hiểu “bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” của lẽ thật (Ê-phê 3:18). Là tín đồ Đấng Christ, có nhiều điều bạn cần dạy con. Bạn dành thời gian, sự quan tâm và làm tất cả để con có sự khởi đầu tốt trong đời sống với hy vọng con cái sẽ quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va. Tạo nề nếp học tập cho con chính là cách giúp con vun trồng và gìn giữ mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Vậy, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho bạn khi cố gắng dạy con yêu thích đọc sách và học hỏi.—Châm 22:6.

[Chú thích]

^ đ. 14 Việc đọc sách và học hỏi đặc biệt khó đối với trẻ bị khiếm khuyết khả năng học tập. Để giúp đỡ các em, cha mẹ có thể tham khảo tạp chí Tỉnh Thức! tháng 1-3 năm 2009, trang 10, 11.

[Khung/​Các hình nơi trang 26]

Giúp con thích đọc...

• Cho con làm quen với sách

• Đọc sách cho con nghe

• Khuyến khích con phát biểu

• Cùng thảo luận điều bạn đọc

• Để con đọc sách cho bạn nghe

• Khuyến khích con đặt câu hỏi

và học hỏi...

• Nêu gương mẫu

• Dạy con cách...

○ tập trung

○ so sánh

○ tóm tắt

○ ôn lại

○ ghi chép

• Tạo điều kiện tốt cho việc học

• Giúp con thấy giá trị của việc học