Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy chăm-chỉ... dạy-dỗ”

“Hãy chăm-chỉ... dạy-dỗ”

“Hãy chăm-chỉ... dạy-dỗ”

“Các ngươi gọi ta bằng Thầy bằng Chúa; các ngươi nói phải, vì ta thật vậy” (Giăng 13:13). Qua những lời này, Chúa Giê-su cho thấy vai trò của ngài là thầy. Trước khi lên trời, ngài ra lệnh cho các môn đồ: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân,... dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Mat 28:19, 20). Sau này, sứ đồ Phao-lô cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc trở thành người giảng dạy Lời Đức Chúa Trời. Ông khuyên trưởng lão Ti-mô-thê: “Hãy chăm-chỉ đọc sách, khuyên-bảo, dạy-dỗ... Hãy săn-sóc chuyên-lo những việc đó, hầu cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con”.—1 Ti 4:13-15.

Ngày nay, chúng ta cũng giảng dạy khi tham gia thánh chức và tại các buổi nhóm họp của hội thánh. Vậy, làm thế nào chúng ta áp dụng lời khuyên là chăm chỉ giảng dạy Lời Đức Chúa Trời? Làm sao việc chăm chỉ giúp chúng ta tiến bộ?

Noi gương Thầy Vĩ Đại

Cách dạy dỗ của Chúa Giê-su thu hút nhiều người. Hãy xem người ta phản ứng thế nào sau khi nghe lời giảng của ngài trong nhà hội tại Na-xa-rét. Một người viết Phúc âm là Lu-ca tường thuật: “Ai nấy đều làm chứng về Ngài, lấy làm lạ về các lời đầy ơn lành từ miệng Ngài ra” (Lu 4:22). Khi đi rao giảng, các môn đồ thời ban đầu noi theo gương mẫu của thầy mình. Vì thế, sứ đồ Phao-lô khuyên các anh em đồng đạo: “Hãy bắt-chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (1 Cô 11:1). Nhờ làm theo phương pháp của Chúa Giê-su, Phao-lô trở nên rất hữu hiệu trong việc ‘dạy từ nhà nầy sang nhà kia’.—Công 20:20.

Giảng dạy “tại nơi chợ”

Chúng ta có thể tìm thấy trong sách Công-vụ chương 17 một thí dụ điển hình về nghệ thuật giảng dạy của Phao-lô. Nơi đây tường thuật về một lần ông viếng thăm thành A-thên, Hy Lạp. Khắp các đường phố và nơi công cộng, đâu đâu ông cũng thấy tượng thờ. Có lẽ ông rất khó chịu nhưng vẫn kiềm chế được cảm xúc. Ông “biện-luận trong nhà hội... lại mỗi ngày, với những kẻ nào mình gặp tại nơi chợ” (Công 17:16, 17). Thật là một gương mẫu tốt! Khi tỏ thái độ tôn trọng những người có gốc gác khác nhau thay vì lên án họ, chúng ta mở đường cho họ biết đến tin mừng và thoát khỏi sự kìm kẹp của tôn giáo sai lầm.—Công 10:34, 35; Khải 18:4.

Những người Phao-lô gặp ở chợ là những người khó thuyết phục. Một số là triết gia có quan điểm trái ngược với lẽ thật. Khi họ tranh luận với Phao-lô, chắc chắn ông vẫn tôn trọng ý kiến của họ. Nhưng một số người lại gọi ông là “người già mép”. Số khác nói: “Người dường như giảng về các thần ngoại-quốc”.—Công 17:18.

Tuy nhiên, Phao-lô không nản lòng trước những lời coi thường của người ta. Ngược lại, khi họ yêu cầu ông giải thích niềm tin, Phao-lô nắm cơ hội để trình bày một bài giảng sâu sắc cho thấy tài dạy dỗ của ông (Công 17:19-22; 1 Phi 3:15). Hãy cùng xem xét bài giảng này và rút ra những bài học giúp chúng ta trau dồi kỹ năng dạy dỗ.

Nói về những điều người ta quan tâm

Sứ đồ Phao-lô nói: “Hỡi người A-thên, phàm việc gì ta cũng thấy các ngươi sốt-sắng quá chừng. Vì khi ta... xem-xét khí-vật các ngươi dùng thờ-phượng, thì thấy một bàn-thờ có chạm chữ rằng: THỜ CHÚA KHÔNG BIẾT. Vậy, Đấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Đấng ta đương rao-truyền cho”.—Công 17:22, 23.

Phao-lô quan sát rất kỹ mọi thứ xung quanh. Nhờ thế, ông biết nhiều về những người ông giảng. Tương tự thế, nếu chịu khó quan sát, chúng ta cũng sẽ biết điều gì đó về chủ nhà. Chẳng hạn, những đồ chơi trong sân hay dấu trên cửa nhà nói lên một thông tin về họ. Khi biết đôi chút về hoàn cảnh của chủ nhà, chúng ta có thể chọn đề tài để nói và cách nói phù hợp.—Cô 4:6.

Ông Phao-lô chia sẻ điều có ích cho người ta thay vì chê bai niềm tin của họ. Tuy nhiên, ông thấy dân thành A-thên thờ phượng không đúng với sự dạy dỗ của Kinh Thánh, nên ông giúp họ biết rõ cách thờ phượng Đức Chúa Trời thật (1 Cô 14:8). Vậy, chúng ta cũng cần chia sẻ điều có ích và nói một cách rõ ràng khi loan báo tin mừng Nước Trời. Điều này quan trọng biết bao!

Tế nhị và không thành kiến

Ông Phao-lô giảng: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế-giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền-thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài”.—Công 17:24, 25.

Ông Phao-lô khéo léo gọi Đức Giê-hô-va là “Chúa của trời đất” để cho thấy Ngài là Đấng ban sự sống. Chúng ta cũng có đặc ân giúp những người có lòng thành từ mọi tôn giáo và nền văn hóa biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời là nguồn của sự sống.—Thi 36:9.

Sau đó, ông nói: “Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và... định trước thì giờ đời người ta cùng giới-hạn chỗ ở, hầu cho tìm-kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”.—Công 17:26, 27.

Qua thái độ của mình khi đi rao giảng, chúng ta phản ánh cá tính của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va là Đấng không thiên vị, Ngài cho phép mọi người ‘tìm-kiếm Ngài và tìm cho được’. Noi gương Ngài, chúng ta cũng chia sẻ tin mừng với mọi hạng người. Chúng ta cố gắng giúp những ai tin nơi Đấng Tạo Hóa đến gần Ngài để họ được ân phước mãi mãi (Gia 4:8). Còn những người chưa tin Đức Chúa Trời hiện hữu, chúng ta giúp bằng cách nào? Bằng cách noi gương của Phao-lô. Hãy xem phần kế tiếp của bài giảng:

“Trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi-nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng-dõi của Ngài. Vậy, bởi chúng ta là dòng-dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá”.—Công 17:28, 29.

Ông Phao-lô thu hút sự chú ý của dân thành A-thên bằng cách trích lời của những thi nhân mà họ quen thuộc và công nhận. Chúng ta cũng cố gắng tìm điểm chung bằng cách dùng những điều mà người đối thoại công nhận để lập luận. Chẳng hạn, minh họa của Phao-lô trong lá thư gửi cho tín đồ người Hê-bơ-rơ đến nay vẫn đầy sức thuyết phục: “Chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên; mà Đấng đã dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời” (Hê 3:4). Với minh họa đơn giản này, chúng ta có thể giúp chủ nhà hiểu điều chúng ta chia sẻ là hợp lý. Bài giảng của Phao-lô còn hữu hiệu ở một khía cạnh khác, đó là thúc đẩy người nghe hành động.

Giúp người ta ý thức đây là thời kỳ khẩn cấp

Sứ đồ Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu-muội đó, mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn-năn, vì Ngài đã chỉ-định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công-bình đoán-xét thế-gian, bởi Người Ngài đã lập”.—Công 17:30, 31.

Đức Giê-hô-va tạm thời cho phép sự gian ác tiếp diễn để mỗi người có cơ hội chứng tỏ cho Ngài thấy mình là người như thế nào. Vì thế, chúng ta cần giúp mọi người ý thức đây là thời kỳ khẩn cấp, đồng thời nhiệt tình cho họ biết về các ân phước mà Nước Trời sắp mang lại.—2 Ti 3:1-5.

Nhiều phản ứng khác nhau

“Khi chúng nghe nói về sự sống lại của kẻ chết, kẻ thì nhạo-báng, người thì nói rằng: Lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó. Vì vậy, Phao-lô từ giữa đám họ bước ra. Nhưng có mấy kẻ theo người và tin”.—Công 17:32-34.

Một số người hưởng ứng ngay thông điệp mà chúng ta rao giảng, số khác thì sau một thời gian mới tin. Tuy nhiên, khi giúp được một người hiểu biết chính xác về Đức Giê-hô-va qua cách giải thích lẽ thật đơn giản và rõ ràng, chúng ta rất đỗi vui mừng vì được Đức Chúa Trời dùng để kéo người ấy đến với con Ngài!—Giăng 6:44.

Bài học cho chúng ta

Khi suy ngẫm về bài giảng của Phao-lô, chúng ta học rất nhiều về cách giải thích Kinh Thánh cho người khác. Nếu có đặc ân nói bài giảng tại hội thánh, chúng ta cố gắng noi gương ông bằng cách dùng lời lẽ khéo léo hầu giúp người mới có thể hiểu và chấp nhận lẽ thật. Chúng ta nói rõ vấn đề, nhưng tránh lên án niềm tin của những người theo đạo khác đang có mặt. Khi rao giảng cũng vậy, chúng ta cố gắng trình bày thông điệp một cách thuyết phục và tế nhị. Nếu làm thế, quả thật chúng ta đang áp dụng lời khuyên của Phao-lô là ‘chăm-chỉ dạy-dỗ’.

[Hình nơi trang 30]

Lời giảng dạy của Phao-lô rõ ràng, đơn giản và tế nhị

[Hình nơi trang 31]

Chúng ta noi gương Phao-lô bằng cách quan tâm đến cảm xúc của người mình rao giảng