Hết lòng tham gia mùa gặt thiêng liêng
Hết lòng tham gia mùa gặt thiêng liêng
“Hãy làm công-việc Chúa cách dư-dật”.—1 CÔ 15:58.
1. Chúa Giê-su đưa ra lời mời nào cho môn đồ?
Vào cuối năm 30 CN, khi đi ngang qua vùng Sa-ma-ri, Chúa Giê-su dừng chân nghỉ ngơi bên cạnh giếng nước ở gần thành Si-kha. Ngài nói với môn đồ: “Hãy nhướng mắt lên và xem đồng-ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt” (Giăng 4:35). Chúa Giê-su không nói đến mùa gặt theo nghĩa đen, nhưng nói đến sự thu nhóm những người ngay thẳng sẽ trở thành môn đồ ngài. Trên thực tế, ngài kêu gọi các môn đồ tham gia mùa gặt. Có nhiều điều phải làm nhưng chỉ có ít thời gian để hoàn thành công việc ấy!
2, 3. (a) Điều gì cho thấy chúng ta đang sống trong mùa gặt? (b) Bài này sẽ xem xét gì?
2 Những lời Chúa Giê-su nói về mùa gặt mang ý nghĩa đặc biệt cho thời nay. Chúng ta sống trong thời kỳ mà cánh đồng thế giới “đã vàng sẵn cho mùa gặt”. Mỗi năm, hàng triệu người nhận lời mời học biết các lẽ thật mang lại sự sống, và nhiều ngàn môn đồ mới đã làm báp têm. Chúng ta có đặc ân tham gia vào mùa gặt vĩ đại nhất từ trước tới nay, dưới sự giám sát của Chủ mùa gặt là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Bạn có đang ‘làm cách dư-dật’ công việc gặt hái này không?—1 Cô 15:58.
3 Trong ba năm rưỡi thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su chuẩn bị cho môn đồ thực hiện vai trò của người gặt hái. Bài này sẽ xem xét ba trong nhiều bài học quan trọng mà Chúa Giê-su đã dạy môn đồ. Mỗi bài học cho thấy rõ một đức tính rất có ích khi chúng ta nỗ lực tham gia công việc thu nhóm môn đồ thời nay. Chúng ta hãy xem xét mỗi đức tính này.
Tính khiêm nhường là trọng yếu
4. Chúa Giê-su minh họa tầm quan trọng của tính khiêm nhường như thế nào?
4 Hãy hình dung cảnh này: Các môn đồ vừa cãi nhau về việc ai là lớn nhất. Gương mặt của họ vẫn còn lộ vẻ nghi ngờ và ác cảm. Vì thế, Chúa Giê-su gọi một đứa trẻ đến đứng giữa họ. Chăm chú nhìn đứa bé, ngài nói: “Hễ ai trở nên khiêm-nhường [hoặc “ai tự hạ, coi mình”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ] như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên-đàng”. (Đọc Ma-thi-ơ 18:1-4). Thế gian đánh giá một người dựa trên quyền thế, của cải và địa vị của người đó, nhưng các môn đồ cần hiểu rằng họ cao trọng hay không tùy thuộc vào việc “tự hạ” mình trước mắt người khác. Chỉ khi nào họ thể hiện tính khiêm nhường đích thực, Đức Giê-hô-va mới ban phước và dùng họ.
5, 6. Tại sao bạn phải khiêm nhường để có thể hết lòng tham gia công việc gặt hái? Hãy minh họa.
5 Cho đến nay, nhiều người trong thế gian tập trung đời sống vào việc theo đuổi quyền thế, của cải và địa vị. Vì vậy, họ không có thì giờ hoặc chỉ còn ít thì giờ cho vấn đề tâm linh (Mat 13:22). Ngược lại, dân Đức Giê-hô-va vui vẻ “tự hạ” mình trước mặt người khác để được Chủ mùa gặt khen ngợi và ban phước.—Mat 6:24; 2 Cô 11:7; Phi-líp 3:8.
6 Hãy xem trường hợp của anh Francisco, một trưởng lão ở Nam Mỹ. Khi là một thanh niên, anh bỏ đại học để làm tiên phong. Anh nhớ lại: “Sau khi đính hôn, tôi đã có thể tìm một công việc để vợ chồng tôi được đảm bảo hơn về tài chính. Nhưng chúng tôi quyết định đơn giản hóa đời sống và tiếp tục cùng
nhau phụng sự trọn thời gian. Khi có con, chúng tôi có thêm thách đố. Nhưng Đức Giê-hô-va giúp chúng tôi giữ đúng theo điều mình đã quyết định”. Anh Francisco kết luận: “Hơn 30 năm, tôi có đặc ân phụng sự với tư cách trưởng lão và thực hiện nhiều nhiệm vụ đặc biệt khác. Chưa bao giờ chúng tôi hối tiếc về việc sống một cuộc đời đơn giản”.7. Bạn đã cố gắng áp dụng lời khuyên nơi Rô-ma 12:16 như thế nào?
7 Nếu bạn từ chối “sự cao-sang” của thế gian này và “ưa-thích sự khiêm-nhượng”, bạn cũng có thể nhận thêm nhiều ân phước và đặc ân khác trong công việc gặt hái.—Rô 12:16; Mat 4:19, 20; Lu 18:28-30.
Sự siêng năng mang lại phần thưởng
8, 9. (a) Hãy tóm tắt minh họa của Chúa Giê-su về ta-lâng. (b) Minh họa này đặc biệt khích lệ đối với ai?
8 Một đức tính khác mà chúng ta cần để có thể hết lòng tham gia công việc gặt hái là sự siêng năng. Chúa Giê-su minh họa điều này trong ví dụ về ta-lâng *. Minh họa đó kể về một người trước khi đi xa, giao của cải cho ba đầy tớ. Người thứ nhất nhận được năm ta-lâng, người thứ nhì được hai và người thứ ba được một. Sau khi chủ đi, hai đầy tớ đầu tỏ ra siêng năng, ngay lập tức lấy ta-lâng “đi làm lợi”. Nhưng người thứ ba thì “biếng-nhác”, đem ta-lâng mình nhận được mà chôn giấu dưới đất. Khi trở về, chủ thưởng cho hai đầy tớ đầu, giao cho họ “coi-sóc nhiều”. Chủ lấy lại ta-lâng đã giao cho đầy tớ thứ ba rồi đuổi người đó ra khỏi nhà.—Mat 25:14-30.
9 Bạn hẳn muốn noi gương hai đầy tớ siêng năng trong ví dụ của Chúa Giê-su và muốn hết lòng tham gia công việc đào tạo môn đồ. Nhưng nói gì nếu hoàn cảnh không cho phép bạn làm hơn những gì mình đang làm? Điều kiện kinh tế ngặt nghèo có thể buộc bạn phải làm nhiều giờ để chu cấp cho gia đình. Hoặc bạn không còn sức lực như lúc trẻ và sức khỏe kém. Nếu thế, ví dụ về ta-lâng chứa đựng một thông điệp khích lệ cho bạn.
10. Người chủ trong ví dụ về ta-lâng cho thấy tính phải lẽ như thế nào, và tại sao bạn thấy điều đó rất khích lệ?
10 Hãy lưu ý người chủ trong ví dụ đó biết mỗi đầy tớ có khả năng khác nhau. Ông cho thấy điều này khi giao ta-lâng “tùy theo tài mỗi người” (Mat 25:15). Đúng như trông đợi, đầy tớ thứ nhất sinh lợi nhiều hơn đầy tớ thứ hai. Tuy nhiên, chủ nhìn nhận sự siêng năng của cả hai đầy tớ đó, tuyên bố họ là “đầy-tớ ngay-lành trung-tín” và ban thưởng đồng đều (Mat 25:21, 23). Tương tự, Chủ mùa gặt là Giê-hô-va Đức Chúa Trời biết rằng hoàn cảnh ảnh hưởng đến những gì bạn có thể làm trong thánh chức. Chắc chắn, Ngài sẽ nhận biết sự cố gắng hết lòng của bạn trong việc phụng sự Ngài và ban thưởng cho bạn.—Mác 14:3-9; đọc Lu-ca 21:1-4.
11. Hãy cho thấy làm thế nào sự siêng năng trong hoàn cảnh khắc nghiệt có thể mang lại nhiều ân phước.
11 Trường hợp của chị Selmira, một tín đồ Đấng Christ sống ở Brazil, cho thấy siêng năng trong thánh chức không tùy thuộc vào hoàn cảnh thuận lợi. Cách đây 20 năm, chồng chị bị bắn chết trong một vụ cướp, để lại ba đứa con thơ. Chị nuôi con bằng nghề giúp việc nhà, phải làm nhiều giờ và đi làm vất vả bằng phương tiện chuyên chở công cộng chật ních người. Bất kể những khó khăn đó, chị sắp xếp công việc để có thể làm tiên phong đều đều. Sau này, hai người con cũng làm tiên phong với chị. Chị kể lại: “Qua năm tháng, tôi đã giúp hơn 20 người học Kinh Thánh và họ trở thành người trong “gia đình”. Tới nay, tôi rất vui có được tình bạn và sự yêu thương của họ. Đó là điều quý giá mà tiền bạc không thể mua được”. Chủ mùa gặt chắc chắn đã ban thưởng cho chị Selmira vì sự siêng năng!
12. Bằng cách nào chúng ta có thể cho thấy sự siêng năng trong việc rao giảng?
12 Nếu hoàn cảnh hiện tại giới hạn thì giờ làm thánh chức, bạn vẫn có thể cố gắng góp phần nhiều hơn trong việc gặt hái bằng cách rao giảng hữu hiệu hơn. Khi cẩn thận áp dụng những đề nghị thực tiễn trong chương trình Buổi họp công tác hàng tuần, bạn sẽ cải tiến kỹ năng rao giảng và thử những cách mới để làm chứng (2 Ti 2:15). Bạn cũng có thể sắp xếp lại hoặc bỏ bớt những việc không quan trọng để đều đặn ủng hộ những sắp đặt rao giảng của hội thánh.—Cô 4:5.
13. Trong việc vun trồng và duy trì tính siêng năng, yếu tố quan trọng nhất là gì?
13 Hãy nhớ rằng sự siêng năng xuất phát từ tấm lòng biết ơn (Thi 40:8). Đầy tớ thứ ba trong ví dụ của Chúa Giê-su là người sợ chủ, xem chủ là khắt khe, đòi hỏi vô lý. Vì thế, đầy tớ ấy đem chôn giấu ta-lâng đã giao cho mình thay vì dùng nó để làm lợi cho chủ. Để tránh thái độ lơ là đó, chúng ta cần vun đắp và duy trì mối quan hệ mật thiết với Chủ mùa gặt là Đức Giê-hô-va. Hãy dành thì giờ để học hỏi và suy ngẫm về các đức tính thu hút của Ngài, như tình yêu thương, lòng kiên nhẫn và thương xót. Nhờ thế, bạn sẽ cảm kích và muốn làm hết sức để phụng sự Ngài.—Lu 6:45; Phi-líp 1:9-11.
“Hãy nên thánh”
14. Những ai muốn trở thành người gặt hái phải đáp ứng điều kiện quan trọng nào?
14 Trích dẫn phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phi-e-rơ cho biết ý muốn rõ ràng của Đức Chúa Trời đối với các tôi tớ Ngài trên đất: “Như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn-ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh” (1 Phi 1:15, 16; Lê 19:2; Phục 18:13). Câu này nhấn mạnh là những người gặt hái phải trong sạch về thiêng liêng và đạo đức. Chúng ta có thể đáp ứng điều kiện quan trọng này qua việc áp dụng những bước để được rửa sạch, nói theo nghĩa bóng. Làm sao thực hiện được điều này? Với sự trợ giúp của lời Đức Chúa Trời là lẽ thật.
15. Lẽ thật của lời Đức Chúa Trời có quyền năng làm gì cho chúng ta?
15 Lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật được ví như nước để rửa sạch. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô viết rằng hội thánh gồm các tín đồ xức dầu được tinh sạch trước mắt Đức Chúa Trời, như nàng dâu trong trắng của Chúa Giê-su, đấng đã “lấy nước rửa và dùng Đạo [“lời hằng sống”, GKPV] làm cho Hội... thánh-sạch không chỗ trách được” (Ê-phê 5:) Chúa Giê-su cũng từng nói về quyền năng rửa sạch của lời Đức Chúa Trời, là lời mà ngài rao giảng. Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Các ngươi đã được trong-sạch, vì lời ta đã bảo cho” ( 25-27Giăng 15:3). Vì vậy, lẽ thật của lời Đức Chúa Trời có quyền năng rửa sạch về đạo đức và thiêng liêng. Chỉ khi chúng ta để lẽ thật của Đức Chúa Trời rửa sạch mình, sự thờ phượng của chúng ta mới được Ngài chấp nhận.
16. Làm thế nào chúng ta có thể giữ mình trong sạch về thiêng liêng và đạo đức?
16 Vì vậy, để được làm người gặt hái, trước tiên chúng ta từ bỏ mọi thực hành ô uế về đạo đức và thiêng liêng. Để tiếp tục hội đủ điều kiện giữ đặc ân này, chúng ta phải gương mẫu trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn cao của Đức Giê-hô-va về đạo đức và thiêng liêng. (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:14-16). Chúng ta luôn chú tâm đến vệ sinh cá nhân, cũng vậy, chúng ta phải đều đặn để lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật tác động hầu được sạch. Điều này bao hàm việc đọc Kinh Thánh và tham dự các buổi nhóm của tín đồ Đấng Christ. Chúng ta cũng phải thành thật cố gắng áp dụng những lời nhắc nhở của Đức Chúa Trời trong đời sống. Làm thế sẽ giúp chúng ta chống lại khuynh hướng tội lỗi của chính mình và kháng cự ảnh hưởng ô uế của thế gian này (Thi 119:9; Gia 1:21-25). Thật khích lệ khi biết rằng với sự giúp đỡ của lời Đức Chúa Trời là lẽ thật, chúng ta có thể “được rửa sạch” ngay cả tội trọng!—1 Cô 6:9-11.
17. Để giữ trong sạch, chúng ta phải chú ý đến lời khuyên nào của Kinh Thánh?
17 Bạn có sẵn sàng để lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật tác động trong đời sống hầu được sạch không? Chẳng hạn, bạn phản ứng thế nào khi được cảnh báo về những nguy hiểm của các loại hình giải trí bại hoại trong thế gian này? (Thi 101:3). Bạn có tránh giao tiếp không cần thiết với bạn học, đồng nghiệp không cùng đức tin không? (1 Cô 15:33). Bạn có thành thật cố gắng khắc phục nhược điểm có thể khiến mình ô uế trước mắt Đức Giê-hô-va không? (Cô 3:5). Bạn có giữ mình tách biệt khỏi những tranh chấp về chính trị trong thế gian, và tinh thần quốc gia thể hiện trong nhiều cuộc thi đua thể thao không?—Gia 4:4.
18. Trong sạch về đạo đức và thiêng liêng sẽ giúp chúng ta thế nào để trở thành người gặt hái hữu hiệu?
18 Trung thành vâng lời trong những vấn đề đó sẽ mang lại nhiều kết quả tốt. Ví các môn đồ xức dầu với những nhánh cây nho, Chúa Giê-su nói: “Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì [Cha ta] chặt hết; và Ngài tỉa-sửa [“tỉa cho sạch”, NW] những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn” (Giăng 15:2). Khi bạn nhận nước rửa sạch là lẽ thật Kinh Thánh, bạn sẽ sinh thêm nhiều trái.
Các ân phước ngay bây giờ và trong tương lai
19. Trong nỗ lực thực hiện công việc gặt hái, môn đồ Chúa Giê-su đã được ban phước như thế nào?
19 Những môn đồ trung thành hưởng ứng sự huấn luyện của Chúa Giê-su sau này được ban sức qua thánh linh vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN để làm chứng “cho đến cùng trái đất” (Công 1:8). Họ phục vụ với tư cách thành viên của hội đồng lãnh đạo, giáo sĩ và giám thị lưu động. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc rao giảng tin mừng “giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời” (Cô 1:23). Những môn đồ ấy quả đã nhận được nhiều ân phước và mang lại niềm vui cho người khác!
20. (a) Bạn đã nhận được ân phước nào nhờ hết lòng tham gia mùa gặt thiêng liêng? (b) Bạn quyết tâm làm gì?
20 Đúng vậy, khi thể hiện tính khiêm nhường, siêng năng và giữ gìn các tiêu chuẩn cao của Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tiếp tục vui mừng tham gia hết lòng vào mùa gặt thiêng liêng vĩ đại đang diễn ra. Trong lúc nhiều người chịu đau đớn và thất vọng vì lối sống duy vật, tìm kiếm khoái lạc của thế gian này, chúng ta có được niềm vui và thỏa lòng thật sự (Thi 126:6). Quan trọng hơn hết, “công-khó của [chúng ta] trong Chúa chẳng phải là vô-ích đâu” (1 Cô 15:58). Chủ mùa gặt là Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng đời đời cho chúng ta vì ‘công-việc và lòng yêu-thương của chúng ta đã tỏ ra vì danh Ngài’.—Hê 6:10-12.
[Chú thích]
^ đ. 8 Ví dụ về ta-lâng chủ yếu nói về mối quan hệ của Chúa Giê-su với các môn đồ được xức dầu, nhưng hàm chứa nguyên tắc áp dụng cho tất cả tín đồ Đấng Christ.
Bạn còn nhớ không?
Khi bạn hết lòng tham gia công việc gặt hái,
• tại sao thể hiện tính khiêm nhường là rất quan trọng?
• làm thế nào bạn có thể vun trồng và duy trì tính siêng năng?
• tại sao giữ trong sạch về đạo đức và thiêng liêng là quan trọng?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 17]
Tính khiêm nhường có thể giúp chúng ta có đời sống đơn giản, tập trung vào lợi ích Nước Trời