Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Tại sao Chúa Giê-su có thể nói với một người đàn bà có tiếng là tội lỗi rằng tội của bà đã được tha?—Lu-ca 7:37, 48.

Khi Chúa Giê-su đang ngồi ăn trong nhà của một người Pha-ri-si tên là Si-môn, một người đàn bà “đứng đằng sau, nơi chân Đức Chúa Jêsus”. Bà để nước mắt rơi ướt chân Chúa Giê-su và lấy tóc mình mà lau. Rồi bà dịu dàng hôn chân ngài và xức dầu thơm lên đó. Sách Phúc âm cho biết bà ấy là người “xấu nết [“tội lỗi”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ] ở thành đó”. Dĩ nhiên, mọi người bất toàn đều là người tội lỗi, nhưng Kinh Thánh hay dùng từ này để miêu tả một người có tiếng là phạm tội. Có lẽ bà làm nghề mại dâm. Chúa Giê-su đã phán với một người như thế: “Tội-lỗi ngươi đã được tha rồi” (Lu 7:36-38, 48). Chúa Giê-su có ý gì? Lúc ấy của lễ hy sinh làm giá chuộc chưa được dâng, vậy làm thế nào có thể tha tội?

Sau khi người đàn bà rửa và xức dầu lên chân Chúa Giê-su, nhưng trước khi Chúa Giê-su tha tội cho bà, ngài đã dùng minh họa để giải thích một điểm quan trọng cho chủ nhà là Si-môn. Ví tội lỗi như một món nợ quá lớn không thể trả được, Chúa Giê-su nói với Si-môn: “Một chủ nợ có hai người mắc nợ: một người mắc năm trăm đơ-ni-ê, một người mắc năm chục. Vì hai người đều không có chi mà trả, nên chủ nợ tha cả hai. Trong hai người đó, ai yêu chủ nợ hơn?”. Si-môn trả lời: “Tôi tưởng là người mà chủ nợ đã tha nhiều nợ hơn”. Chúa Giê-su đáp: “Ngươi đoán phải lắm” (Lu 7:41-43). Bổn phận của tất cả chúng ta là vâng lời Đức Chúa Trời, nên khi không vâng lời và phạm tội, chúng ta mắc nợ Ngài. Món nợ này ngày càng chồng chất. Nhưng Đức Giê-hô-va như người chủ nợ sẵn sàng tha nợ cho chúng ta. Vì thế, Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ cầu nguyện Đức Chúa Trời: “[Xin] tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ mắc nợ chúng tôi” (Mat 6:12, Ghi-đê-ôn).

Trong quá khứ, Đức Chúa Trời tha tội dựa trên điều kiện nào? Công lý hoàn hảo của Ngài qui định hình phạt của tội lỗi là sự chết. Vì thế, A-đam phải trả giá cho tội của ông bằng mạng sống. Tuy nhiên, dưới Luật pháp Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên, một người phạm tội có thể được tha thứ bằng cách dâng một con vật làm tế lễ cho Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết: “Theo luật-pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha-thứ” (Hê 9:22). Người Do Thái không biết cách nào khác để được Đức Chúa Trời tha thứ. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi những người xung quanh Chúa Giê-su vào lúc đó phản đối lời ngài nói với người đàn bà. Những người ngồi cùng bàn với Chúa Giê-su nghĩ thầm: “Người nầy là ai, mà cũng tha tội?” (Lu 7:49). Vậy, dựa trên cơ sở nào mà người đàn bà tội lỗi ấy được tha tội?

Sau khi thủy tổ của chúng ta phản nghịch, lời tiên tri đầu tiên cho biết ý định của Đức Giê-hô-va là dấy lên một “dòng-dõi” mà sẽ bị Sa-tan và “dòng-dõi” của hắn cắn gót chân (Sáng 3:15). Việc cắn gót chân này đã xảy ra khi Chúa Giê-su bị kẻ thù của Đức Chúa Trời giết (Ga 3:13, 16). Huyết Chúa Giê-su đổ ra cung cấp giá chuộc giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Vì không điều gì có thể ngăn cản Đức Giê-hô-va hoàn thành ý định của Ngài, nên ngay khi những lời nơi Sáng-thế Ký 3:15 được phán ra, Đức Chúa Trời xem như giá chuộc đã được trả. Do đó, Ngài có thể tha tội cho những ai thể hiện đức tin nơi lời hứa của Ngài.

Trước thời Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã xem nhiều người là công bình. Trong số đó có Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Ra-háp và Gióp. Với đức tin, họ trông mong sự ứng nghiệm của những lời Đức Chúa Trời hứa. Môn đồ Gia-cơ viết: “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công-bình cho người”. Ông nói về Ra-háp: “Đồng một thể ấy, kỵ-nữ Ra-háp... há chẳng phải cậy việc làm mà được xưng công-bình sao?”.—Gia 2:21-25.

Vua Đa-vít của xứ Y-sơ-ra-ên xưa đã phạm một số tội trọng, nhưng ông có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời, và sau mỗi lần phạm tội ông đều thể hiện sự ăn năn chân thành. Ngoài ra, Kinh Thánh nói: “[Chúa Giê-su] là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của-lễ chuộc tội, bởi đức-tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày-tỏ sự công-bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, trong buổi Ngài nhịn-nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công-bình Ngài trong thời hiện-tại, tỏ ra mình là công-bình và xưng công-bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Jêsus” (Rô 3:25, 26). Dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su được cung cấp sau này, Đức Giê-hô-va có thể tha những tội của Đa-vít mà không làm sai lệch công lý của Ngài.

Hoàn cảnh của người đàn bà đã xức dầu lên chân Chúa Giê-su cũng tương tự. Bà từng sống cuộc đời vô luân, nhưng đã ăn năn. Bà nhận biết mình cần được chuộc tội, và cho thấy qua hành động là bà thật sự quý người Đức Giê-hô-va dùng để cung cấp giá chuộc ấy. Dù lúc ấy giá chuộc chưa được trả, nhưng đó là điều chắc chắn đến độ giá trị của giá chuộc có thể được áp dụng cho những người như bà. Vì thế, Chúa Giê-su nói với bà: “Tội-lỗi ngươi đã được tha rồi”.

Như lời tường thuật này cho thấy rõ, Chúa Giê-su không xa lánh người có tội. Ngài làm điều tốt cho họ. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ cho người phạm tội biết ăn năn. Thật là một bảo đảm tuyệt vời và ấm lòng cho loài người bất toàn chúng ta biết bao!

[Hình nơi trang 7]

Họ được kể là công bình