“Các ngươi chỉ có một chủ, là Đấng Christ”
“Các ngươi chỉ có một chủ, là Đấng Christ”
“Đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ”.—MAT 23:10.
1. Nhân Chứng Giê-hô-va xem ai là Đấng Lãnh Đạo, và tại sao?
Trong giáo hội của khối đạo tự nhận theo Chúa Giê-su, các lãnh đạo là con người chẳng hạn như giáo hoàng của La Mã, giáo trưởng và tổng giám mục của giáo hội Chính Thống giáo Phương Đông cũng như những người đứng đầu các tôn giáo khác. Nhân Chứng Giê-hô-va không tôn con người làm lãnh đạo. Họ không phải là tín đồ hoặc môn đệ của bất cứ người nào. Điều này phù hợp với lời tiên tri của Đức Giê-hô-va về Con Ngài: “Nầy, ta đã lập người lên làm chứng-kiến cho các nước, làm quan-trưởng và quan-tướng cho muôn dân” (Ê-sai 55:4). Hội thánh quốc tế gồm các tín đồ Đấng Christ được xức dầu và bạn đồng hành của họ là “chiên khác” không có đấng lãnh đạo nào khác ngoài đấng Đức Giê-hô-va bổ nhiệm (Giăng 10:16). Họ đồng ý với lời Chúa Giê-su: “Các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ”.—Mat 23:10.
Vị tướng thần linh của dân Y-sơ-ra-ên
2, 3. Con Đức Chúa Trời đóng vai trò nào với dân Y-sơ-ra-ên?
2 Nhiều thế kỷ trước khi thành lập hội thánh tín đồ Đấng Christ, Đức Giê-hô-va dùng một thiên sứ để dẫn dắt dân sự của Ngài. Sau khi giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi xứ Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va bảo họ: “Đây nầy, ta sai một thiên-sứ đi trước mặt ngươi, đặng phù-hộ trong lúc đi đường, và đưa ngươi vào nơi ta đã dự-bị. Trước mặt người, ngươi khá giữ mình, phải nghe theo lời, chớ nên phản-nghịch; người sẽ chẳng tha tội ngươi đâu, vì danh ta ngự trong mình người” (Xuất 23:20, 21). Điều hợp lý là thiên sứ này, đấng có ‘danh Đức Giê-hô-va ngự trong mình người’, là con đầu lòng của Đức Chúa Trời.
3 Trước khi sinh ra làm người, dường như Con Đức Chúa Trời có tên là Mi-chen. Trong sách Đa-ni-ên, Mi-chen được gọi là “vua các ngươi [dân sự của Đa-ni-ên]” (Đa 10:21). Môn đồ Giu-đe cho biết trước thời Đa-ni-ên rất lâu, Mi-chen có vai trò trong những sự việc xảy ra với dân Y-sơ-ra-ên. Sau khi Môi-se qua đời, dường như Sa-tan định dùng thi thể của ông để tiến hành mưu mô của hắn theo cách nào đó, có lẽ để xui khiến dân Y-sơ-ra-ên thờ hình tượng. Thiên sứ Mi-chen đã ngăn cản điều này. Giu-đe cho biết: “Khi chính mình thiên-sứ-trưởng Mi-chen chống với ma-quỉ giành xác Môi-se, còn chẳng dám lấy lời nhiếc-móc mà đoán-phạt; người chỉ nói rằng: Cầu Chúa phạt ngươi!” (Giu 9). Sau đó không lâu, trước khi thành Giê-ri-cô bị bao vây, chắc hẳn Mi-chen, “tướng đạo binh của Đức Giê-hô-va”, đã hiện ra với Giô-suê để bảo đảm rằng Đức Chúa Trời đang hỗ trợ ông. (Đọc Giô-suê 5:13-15). Ngoài ra, khi một quỉ cố ngăn cản một thiên sứ truyền thông điệp quan trọng cho tiên tri Đa-ni-ên, thiên sứ trưởng Mi-chen đã đến giúp thiên sứ ấy.—Đa 10:5-7, 12-14.
Đấng Lãnh Đạo được báo trước đã xuất hiện
4. Lời tiên tri nào liên quan đến sự xuất hiện của Đấng Mê-si?
4 Trước khi sự kiện trên diễn ra, Đức Giê-hô-va đã sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến cho Đa-ni-ên biết một lời tiên tri về sự xuất hiện của “Đấng chịu xức dầu, tức là vua” (Đa 9:21-25) *. Vào đúng thời điểm, mùa thu năm 29 CN, Chúa Giê-su được Giăng làm báp-têm. Thánh linh đã đổ xuống trên Chúa Giê-su, nhờ đó ngài trở thành Đấng chịu xức dầu—Đấng Christ hay Đấng Mê-si (Mat 3:13-17; Giăng 1:29-34; Ga 4:4). Vì thế, ngài sẽ là vua hay Đấng Lãnh Đạo không ai sánh bằng.
5. Trong thánh chức trên đất, Chúa Giê-su hành động như Đấng Lãnh Đạo như thế nào?
5 Từ khi bắt đầu thánh chức trên đất, Chúa Giê-su chứng tỏ ngài là “Đấng chịu xức dầu, tức là vua”. Chỉ trong vài ngày, ngài bắt đầu nhóm các môn đồ lại và làm phép lạ đầu tiên (Giăng 1:35–2:11). Các môn đồ theo ngài đi khắp xứ, rao giảng tin mừng về Nước Trời (Lu 8:1). Chúa Giê-su huấn luyện họ đi rao giảng, đồng thời nêu gương mẫu tốt khi dẫn đầu trong công việc rao truyền và dạy dỗ (Lu 9:1-6). Các trưởng lão ngày nay noi gương Chúa Giê-su trong lĩnh vực này.
6. Chúa Giê-su chứng tỏ ngài là Đấng Chăn Chiên và Đấng Lãnh Đạo qua cách nào?
6 Chúa Giê-su đề cập đến một khía cạnh khác trong quyền lãnh đạo của ngài khi ví ngài như người chăn chiên yêu thương. Ở phương đông, người chăn chiên đích thân dẫn dắt bầy chiên của mình. Trong sách Đất thánh và Kinh Thánh (The Land and the Book), ông W. M. Thomson cho biết: “Người chăn chiên đi trước, không chỉ để dẫn đường, mà còn xem đường có an toàn và đi được không... Cầm gậy trên tay, ông điều khiển và hướng bầy chiên đến những đồng cỏ xanh, và bảo vệ chúng khỏi thú dữ”. Chúa Giê-su cho thấy ngài là Đấng Chăn Chiên và Đấng Lãnh Đạo khi nói: “Ta là người chăn hiền-lành; người chăn hiền-lành vì chiên mình phó sự sống mình. Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta” (Giăng 10:11, 27). Đúng với lời này, Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống vì chiên của ngài, rồi sau đó Đức Giê-hô-va đã ‘tôn ngài lên làm Đấng Lãnh Đạo và Đấng Cứu Thế’.—Công 5:31, Bản Dịch Mới; Hê 13:20.
Đấng giám sát hội thánh
7. Chúa Giê-su giám sát hội thánh qua cách nào?
7 Không lâu trước khi về trời, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta” (Mat 28:18). Đức Giê-hô-va dùng Chúa Giê-su để ban thánh linh nhằm củng cố các môn đồ đứng vững trong lẽ thật (Giăng 15:26). Chúa Giê-su đổ thánh linh trên các tín đồ Đấng Christ vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN (Công 2:33). Sự kiện này đánh dấu việc thành lập hội thánh tín đồ Đấng Christ. Đức Giê-hô-va ban cho Con Ngài quyền lãnh đạo hội thánh trên đất. (Đọc Ê-phê-sô 1:22; Cô-lô-se 1:13, 18). Chúa Giê-su hướng dẫn hội thánh qua thánh linh của Đức Giê-hô-va và qua các thiên sứ, tức những tạo vật thần linh “phục Ngài”.—1 Phi 3:22.
8. Chúa Giê-su dùng công cụ nào trên đất để hướng dẫn môn đồ vào thế kỷ thứ nhất, và ngài đang dùng ai ngày nay?
8 Cũng qua thánh linh, Chúa Giê-su ban “các ơn” dưới hình thức người, một số là người chăn chiên hoặc dạy dỗ trong hội thánh (Ê-phê 4:8, 11). Sứ đồ Phao-lô khuyến khích các giám thị đạo Đấng Christ: ‘Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Thánh-linh đã lập anh em làm kẻ coi-sóc, để chăn Hội-thánh của Đức Chúa Trời’ (Công 20:28). Khi hội thánh bắt đầu được thành lập, tất cả giám thị này là những người được xức dầu bằng thánh linh. Các sứ đồ và trưởng lão trong hội thánh ở Giê-ru-sa-lem đóng vai trò là hội đồng lãnh đạo. Chúa Giê-su dùng công cụ này để hướng dẫn toàn thể nhóm “anh em” được xức dầu của ngài trên đất (Hê 2:11; Công 16:4, 5). Trong thời kỳ cuối cùng này, Chúa Giê-su đã giao “cả gia-tài mình”—tất cả các quyền lợi trên đất của Nước Trời—cho “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, đại diện là Hội đồng lãnh đạo gồm một nhóm các anh được xức dầu (Mat 24:45-47). Những người xức dầu và bạn đồng hành là chiên khác nhận biết rằng khi theo sự hướng dẫn của Hội đồng lãnh đạo thời nay, thật ra họ đang theo Đấng Lãnh Đạo là Chúa Giê-su.
Đấng dẫn đầu công việc rao giảng
9, 10. Làm thế nào Chúa Giê-su hướng dẫn những vấn đề liên quan đến việc lan truyền tin mừng Nước Trời?
9 Ngay từ khi bắt đầu thánh chức, chính Chúa Giê-su đã hướng dẫn hoạt động rao giảng và dạy dỗ trên toàn cầu. Ngài ra chỉ thị là tin mừng về Nước Trời phải được giảng ra cho dân cư trên đất. Trong thánh chức, ngài bảo các môn đồ: “Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả; song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên. Khi đi đường, hãy rao-giảng rằng: Nước thiên-đàng gần rồi” (Mat 10:5-7). Họ sốt sắng rao giảng cho người Do Thái và người cải đạo, đặc biệt sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN.—Công 2:4, 5, 10, 11; 5:42; 6:7.
10 Sau đó, qua thánh linh, Chúa Giê-su mở rộng công việc rao giảng Nước Trời cho người Sa-ma-ri và rồi cho dân ngoại (Công 8:5, 6, 14-17; 10:19-22, 44, 45). Với mục đích đẩy mạnh việc lan rộng tin mừng ra các nước, Chúa Giê-su đã tác động khiến Sau-lơ người Tạt-sơ trở thành tín đồ Đấng Christ. Ngài đã hướng dẫn môn đồ A-na-nia: “Hãy chờ dậy, đi lên đường gọi là đường Ngay-thẳng, tìm tên Sau-lơ, người Tạt-sơ... Hãy đi, vì ta đã chọn người nầy làm một đồ-dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con-cái Y-sơ-ra-ên” (Công 9:3-6, 10, 11, 15). “Người nầy” đã trở thành sứ đồ Phao-lô.—1 Ti 2:7.
11. Chúa Giê-su dùng thánh linh để mở rộng công việc rao giảng như thế nào?
11 Khi đến lúc mở rộng công việc rao giảng Nước Trời cho dân ngoại, thánh linh Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Phao-lô trong những chuyến truyền giáo ở Tiểu Á và châu Âu. Lời tường thuật của Lu-ca nơi Công-vụ cho biết: “Đương khi môn-đồ [các tiên tri và người dạy của hội thánh ở thành An-ti-ốt xứ Sy-ri] thờ-phượng Chúa và kiêng ăn, thì [Thánh-Linh] phán rằng: Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công-việc ta đã gọi làm. Đã kiêng ăn và cầu-nguyện xong, môn-đồ bèn đặt tay trên hai người, rồi để cho đi” (Công 13:2, 3). Chúa Giê-su đích thân gọi Sau-lơ người Tạt-sơ là “đồ-dùng” của ngài để đồn danh ngài ra cho các nước, vì thế, việc đẩy mạnh thánh chức rao giảng này đến từ Chúa Giê-su, Đấng Lãnh Đạo hội thánh. Việc Chúa Giê-su dùng thánh linh để hướng dẫn được thấy rõ trong chuyến truyền giáo lần thứ hai của Phao-lô. Lời tường thuật cho biết “Thánh-Linh của Đức Chúa Jêsus”, tức là Chúa Giê-su dùng thánh linh, hướng dẫn Phao-lô và bạn đồng hành của ông chọn thời điểm và nơi họ sẽ đến, và một sự hiện thấy đã hướng dẫn họ đến châu Âu.—Đọc Công-vụ 16:6-10.
Quyền lãnh đạo của Chúa Giê-su trên hội thánh
12, 13. Làm thế nào sách Khải-huyền cho thấy Chúa Giê-su đang theo dõi những điều xảy ra trong mỗi hội thánh?
12 Chúa Giê-su theo dõi những điều xảy ra trong hội thánh gồm những người được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất. Ngài biết rõ tình trạng thiêng liêng của mỗi hội thánh. Chúng ta thấy điều này khi đọc Khải-huyền chương 2 và 3. Ngài nêu tên bảy hội thánh, tất cả đều ở Tiểu Á (Khải 1:11). Chúng ta có mọi lý do để tin rằng ngài cũng biết rõ tình trạng thiêng liêng của những hội thánh khác trên đất vào thời đó.—Đọc Khải-huyền 2:23.
13 Chúa Giê-su khen một số hội thánh về sự nhịn nhục, trung tín trước thử thách, trung thành với lời ngài và cự tuyệt những kẻ bội đạo (Khải 2:2, 9, 13, 19; 3:8). Mặt khác, ngài đưa ra lời khuyên mạnh mẽ cho vài hội thánh vì tình yêu thương của họ với ngài đã nguội dần, và họ dung túng việc thờ hình tượng, tà dâm cũng như chủ nghĩa bè phái (Khải 2:4, 14, 15, 20; 3:15, 16). Là đấng giám sát yêu thương, Chúa Giê-su nói với ngay cả những người mà ngài khiển trách nặng: “Phàm những kẻ ta yêu thì ta quở-trách sửa-phạt; vậy hãy có lòng sốt-sắng, và ăn-năn đi” (Khải 3:19). Dù ở trên trời, Chúa Giê-su dùng thánh linh dẫn đầu các hội thánh gồm các môn đồ trên đất. Ở cuối mỗi thông điệp gửi cho các hội thánh, Chúa Giê-su phán: ‘Ai có tai, hãy nghe lời Thánh-Linh phán cùng các Hội-thánh!’.—Khải 3:22.
14-16. (a) Làm thế nào Chúa Giê-su chứng tỏ là Đấng Lãnh Đạo dũng cảm của dân sự Đức Giê-hô-va trên đất? (b) Việc Chúa Giê-su “ở cùng” các môn đồ “cho đến tận-thế” mang lại kết quả gì? (c) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?
14 Thiên sứ Mi-chen (Chúa Giê-su) đã chứng tỏ ngài là Đấng Lãnh Đạo can đảm của dân Y-sơ-ra-ên. Sau này, Chúa Giê-su là Đấng Lãnh Đạo dũng cảm và Đấng Chăn Chiên yêu thương của các môn đồ ngài vào thời ban đầu. Khi làm thánh chức, ngài dẫn đầu công việc rao giảng. Và sau khi sống lại, ngài giám sát kỹ việc lan rộng tin mừng Nước Trời.
15 Sau cùng Chúa Giê-su dùng thánh linh để mở rộng công việc làm chứng đến cùng trái đất. Trước khi về trời, ngài nói với các môn đồ: ‘Khi Thánh-Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền-phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất’ (Công 1:8; đọc 1 Phi-e-rơ 1:12). Dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê-su, công việc làm chứng với quy mô lớn đã được thực hiện vào thế kỷ thứ nhất.—Cô 1:23.
16 Tuy nhiên, chính Chúa Giê-su cho biết rằng công việc này sẽ tiếp tục cho đến thời kỳ cuối cùng. Sau khi giao cho các môn đồ sứ mạng rao giảng và đào tạo môn đồ trong mọi nước, Chúa Giê-su hứa với họ: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế” (Mat 28:19, 20). Từ khi được ban vương quyền vào năm 1914, hơn bao giờ hết Chúa Giê-su “ở cùng” các môn đồ ngài và hành động với tư cách là Đấng Lãnh Đạo họ. Hoạt động mạnh mẽ của ngài kể từ năm 1914 sẽ được bàn trong bài tiếp.
[Chú thích]
^ đ. 4 Để biết thêm về lời tiên tri này, xin xem sách Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên! nơi chương 11.
Để ôn lại
• Làm thế nào Con Đức Chúa Trời chứng tỏ là Đấng Lãnh Đạo của dân Y-sơ-ra-ên?
• Chúa Giê-su dẫn đầu hội thánh trên đất qua những cách nào?
• Làm thế nào Chúa Giê-su hướng dẫn việc lan rộng tin mừng?
• Điều gì cho thấy Chúa Giê-su theo dõi tình trạng thiêng liêng của mỗi hội thánh?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 21]
“Ta sai một thiên-sứ đi trước mặt ngươi”
[Hình nơi trang 23]
Như trong quá khứ, Chúa Giê-su dùng “các ơn” dưới hình thức người để chăn bầy