Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự hợp nhất của tín đồ Đấng Christ tôn vinh Đức Chúa Trời

Sự hợp nhất của tín đồ Đấng Christ tôn vinh Đức Chúa Trời

Sự hợp nhất của tín đồ Đấng Christ tôn vinh Đức Chúa Trời

“[“Hết sức”, Bản Dịch Mới] mà giữ-gìn sự hiệp một của Thánh-Linh”.—Ê-PHÊ 4:3.

1. Làm thế nào các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất ở Ê-phê-sô tôn vinh Đức Chúa Trời?

Sự hợp nhất của hội thánh tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô xưa tôn vinh Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Tại trung tâm thương mại thịnh vượng ấy, một số anh em tín đồ dường như là chủ nô lệ giàu có, còn những người khác là nô lệ và có lẽ rất nghèo (Ê-phê 6:5, 9). Một số là người Do Thái biết lẽ thật trong thời gian ba tháng mà Phao-lô rao giảng trong nhà hội. Những người khác từng thờ thần Đi-anh và thực hành phù phép (Công 19:8, 19, 26). Rõ ràng, đạo Đấng Christ chân chính đã thu hút được nhiều người từ những hoàn cảnh khác nhau. Phao-lô công nhận rằng Đức Giê-hô-va được tôn vinh qua sự hợp nhất của hội thánh. Sứ đồ này viết: “Nguyền Ngài được vinh-hiển trong Hội-thánh”.—Ê-phê 3:21.

2. Điều gì đã đe dọa sự hợp nhất của các tín đồ ở Ê-phê-sô?

2 Tuy nhiên, sự hợp nhất đáng quý trong hội thánh Ê-phê-sô đã bị đe dọa. Phao-lô cảnh báo các trưởng lão: “Lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung-ác dấy lên, ráng sức dỗ môn-đồ theo họ” (Công 20:30). Ngoài ra, một số người vẫn còn tinh thần chia rẽ mà Phao-lô cảnh báo là sẽ “hành-động trong các con bạn-nghịch”.—Ê-phê 2:2; 4:22.

Một lá thư nhấn mạnh sự hợp nhất

3, 4. Lá thư Phao-lô gửi cho người Ê-phê-sô nhấn mạnh sự hợp nhất như thế nào?

3 Phao-lô nhận biết rằng để tiếp tục hợp tác với nhau, mỗi tín đồ cần cố gắng hết sức để đẩy mạnh sự hợp nhất. Đức Chúa Trời hướng dẫn Phao-lô viết một lá thư cho người Ê-phê-sô với đề tài về sự hợp nhất. Chẳng hạn, Phao-lô viết về ý định Đức Chúa Trời là “hội-hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ” (Ê-phê 1:10). Ông cũng ví các tín đồ xức dầu như các hòn đá xây nên một căn nhà. Ông nói: “Cả cái nhà đã... sắp-đặt cách hẳn-hoi, để làm nên một đền-thờ thánh trong Chúa” (Ê-phê 2:20, 21). Hơn nữa, Phao-lô nhấn mạnh sự hợp nhất của người Do Thái và dân ngoại, đồng thời nhắc các anh em nhớ họ đều có nguồn gốc chung. Ông gọi Đức Giê-hô-va là “Cha, bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên”.—Ê-phê 3:5, 6, 14, 15.

4 Khi xem xét chương 4 của sách Ê-phê-sô, chúng ta sẽ thấy tại sao sự hợp nhất cần nỗ lực, làm thế nào Đức Giê-hô-va giúp chúng ta hợp nhất, và thái độ nào sẽ giúp chúng ta duy trì sự hợp nhất. Hãy cùng đọc cả chương để hưởng lợi ích nhiều hơn.

Sự hiệp một đòi hỏi hết sức cố gắng

5. Tại sao các thiên sứ của Đức Chúa Trời có thể hợp nhất phụng sự, nhưng có lẽ chúng ta khó hợp nhất hơn vì lý do gì?

5 Phao-lô khuyến khích anh em ở Ê-phê-sô “[“hết sức”, BDM] mà giữ-gìn sự hiệp một của Thánh-Linh” (Ê-phê 4:3). Để hiểu tại sao cần hết sức cố gắng, hãy xem trường hợp của các thiên sứ Đức Chúa Trời. Không có hai tạo vật sống nào trên đất giống hệt nhau, vì thế có thể hợp lý kết luận rằng hàng triệu thiên sứ Đức Giê-hô-va tạo ra cũng hoàn toàn khác nhau (Đa 7:10). Tuy nhiên, họ có thể phụng sự Đức Giê-hô-va trong sự hợp nhất vì tất cả đều lắng nghe và làm theo ý muốn Ngài. (Đọc Thi-thiên 103:20, 21). Các thiên sứ trung thành có những đặc tính riêng, và các tín đồ Đấng Christ cũng thế nhưng lại có khuyết điểm khác nhau. Điều này có thể khiến chúng ta khó hợp nhất hơn.

6. Thái độ nào sẽ giúp chúng ta vui vẻ hợp tác với những anh em có khuyết điểm khác với chúng ta?

6 Khi loài người bất toàn cố gắng hợp tác, khó khăn có thể dễ xảy ra. Chẳng hạn, một anh có tính nhu mì nhưng thường đi trễ và một anh luôn đúng giờ nhưng dễ nóng nảy cùng phụng sự chung với nhau. Người này có thể cảm thấy người kia có hành động không thích hợp với tín đồ Đấng Christ, nhưng có lẽ quên rằng mình cũng có những thiếu sót không kém gì. Làm thế nào cả hai anh cùng làm việc hòa hợp với nhau? Hãy lưu ý thái độ mà Phao-lô khuyến khích trong những lời sau sẽ giúp họ như thế nào. Rồi suy ngẫm làm sao chúng ta có thể phát huy sự hợp nhất khi vun trồng những thái độ như thế. Phao-lô viết: “[Tôi] khuyên anh em phải ăn-ở một cách xứng-đáng... mềm-mại đến điều, phải nhịn-nhục, lấy lòng thương-yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa-bình mà giữ-gìn sự hiệp một của Thánh-Linh”.—Ê-phê 4:1-3.

7. Tại sao cố gắng hợp nhất với anh em bất toàn là điều quan trọng?

7 Điều quan trọng là học cách phụng sự Đức Chúa Trời trong sự hợp nhất với những người bất toàn khác, vì những người thờ phượng chân chính hợp thành chỉ một thân thể. Kinh Thánh cho biết: “Chỉ có một thân-thể, một Thánh-Linh, như anh em bởi chức-phận mình đã được gọi đến một sự trông-cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức-tin, một phép báp-têm; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người” (Ê-phê 4:4-6). Thánh linh Đức Giê-hô-va và những ân phước của Ngài gắn liền với đoàn thể anh em mà Ngài đang dùng. Thậm chí, nếu một người trong hội thánh làm chúng ta tổn thương, chúng ta có thể đi đâu? Không có nơi nào khác cho chúng ta những lời của sự sống đời đời.—Giăng 6:68.

“Các ơn” dưới hình thức người đẩy mạnh sự hợp nhất

8. Chúa Giê-su thêm sức giúp chúng ta chống lại ảnh hưởng của sự chia rẽ qua cách nào?

8 Phao-lô dùng một hành động phổ biến của người lính thời xưa để minh họa cách Chúa Giê-su cung cấp “các ơn” dưới hình thức người hầu giúp hội thánh được hợp nhất. Một người lính chiến thắng có thể bắt một người của nước kia về làm nô lệ để giúp việc nhà cho vợ mình (Thi 68:1, 12, 18). Tương tự, việc Chúa Giê-su chiến thắng thế gian đã mang lại cho Ngài nhiều người sẵn sàng làm “kẻ phu-tù”. (Đọc Ê-phê-sô 4:7, 8). Ngài dùng những “kẻ phu-tù” này như thế nào? Kinh Thánh nói: “Ngài đã cho người nầy làm sứ-đồ, kẻ kia làm tiên-tri, người khác làm thầy giảng Tin-lành, kẻ khác nữa làm mục-sư [“chăn chiên”, Trịnh Văn Căn] và giáo-sư, để các thánh-đồ được trọn-vẹn về công-việc của chức-dịch và sự gây-dựng thân-thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức-tin”.—Ê-phê 4:11-13.

9. (a) Làm thế nào “các ơn” dưới hình thức người giúp duy trì sự hợp nhất? (b) Tại sao mọi thành viên trong hội thánh nên hợp tác hầu góp phần vào sự hợp nhất?

9 Là những người chăn yêu thương, “các ơn” dưới hình thức người giúp duy trì sự hợp nhất. Chẳng hạn, nếu thấy hai anh đang “ghen-ghét nhau”, một trưởng lão có thể góp phần đáng kể để giữ hợp nhất trong hội thánh bằng cách cho lời khuyên riêng, “lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại” (Ga 5:26–6:1). Là “giáo-sư”, “các ơn” dưới hình thức người giúp chúng ta có đức tin vững chắc dựa trên những sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Vì thế, họ phát huy sự hợp nhất và giúp chúng ta tiến tới sự thành thục. Phao-lô cho biết nhờ thế “chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa-đảo, bị mưu-chước dỗ-dành làm cho lầm-lạc, mà day-động và dời-đổi theo chiều gió của đạo lạc” (Ê-phê 4:13, 14). Mỗi tín đồ Đấng Christ nên góp phần vào sự hợp nhất của đoàn thể anh em, giống như mỗi phần trong cơ thể hỗ trợ nhau bằng cách cung cấp những điều cần thiết.—Đọc Ê-phê-sô 4:15, 16.

Vun trồng thái độ đúng

10. Hành vi vô luân đe dọa sự hợp nhất của chúng ta như thế nào?

10 Hãy lưu ý nơi chương thứ tư của lá thư Phao-lô gửi cho người Ê-phê-sô, đối với tín đồ thành thục, tập thể hiện tình yêu thương là bí quyết để đạt được sự hợp nhất. Kế đến, chương này cho thấy tình yêu thương bao hàm gì. Chẳng hạn, theo đường lối yêu thương không cho phép tà dâm và sống buông lung. Phao-lô khuyến giục anh em “chớ nên ăn-ở như người ngoại-đạo nữa”. Những người ngoại đạo này “đã mất cả sự cảm-biết, đành bỏ mình trong một đời buông-lung” (Ê-phê 4:17-19). Thế gian đầy dẫy sự vô luân đe dọa sự hợp nhất của chúng ta. Người ta đùa giỡn về những câu chuyện dâm dục, hát về nó, xem chương trình về nó để giải trí và sống vô luân dù là lén lút hay công khai. Tuy nhiên, ngay cả việc tán tỉnh—có thể bao gồm hành động cho thấy bạn có tình cảm với một người khác phái nhưng không có ý định kết hôn—có thể khiến bạn rời xa Đức Giê-hô-va và hội thánh. Tại sao? Vì điều này rất dễ dẫn đến tà dâm. Hơn nữa, việc tán tỉnh khiến một người đã có gia đình phạm tội ngoại tình, hậu quả là chia rẽ con cái khỏi cha mẹ cũng như người hôn phối vô tội khỏi chồng hoặc vợ người ấy. Quả là hành động chia rẽ tàn nhẫn! Không ngạc nhiên gì khi Phao-lô viết: “Anh em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy”!—Ê-phê 4:20, 21.

11. Kinh Thánh khuyến khích các tín đồ Đấng Chirst nên có sự thay đổi nào?

11 Phao-lô nhấn mạnh rằng chúng ta nên từ bỏ những lối suy nghĩ gây chia rẽ, mà vun trồng những thái độ giúp chúng ta sống hòa hợp với người khác. Ông nói: “Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư-hỏng bởi tư-dục dỗ-dành, mà phải làm nên mới trong tâm-chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật” (Ê-phê 4:22-24). Làm thế nào chúng ta có thể “làm nên mới trong tâm-chí mình”? Nếu suy ngẫm với lòng biết ơn về những gì học được từ Lời Đức Chúa Trời và từ gương tốt của các tín đồ thành thục, chúng ta có thể nỗ lực mặc lấy người mới, là người “được dựng nên giống như Đức Chúa Trời”.

Trau dồi cách nói năng

12. Làm thế nào nói thật phát huy sự hợp nhất? Và tại sao đối với một số người khó để nói thật?

12 Đối với những người liên hệ với nhau trong một gia đình hoặc một hội thánh, nói sự thật là điều rất quan trọng. Lời nói thẳng thắn, cởi mở và tử tế có thể kéo người ta lại gần nhau (Giăng 15:15). Nhưng nếu một người nói dối anh em mình thì sao? Khi anh em đó nhận ra, lòng tin cậy lẫn nhau sẽ giảm đi. Bạn có thể hiểu tại sao Phao-lô viết: “Hãy nói thật với kẻ lân-cận mình, vì chúng ta làm chi-thể cho nhau” (Ê-phê 4:25). Một người quen nói dối, có lẽ từ lúc nhỏ, có thể thấy khó để bắt đầu nói thật. Nhưng Đức Giê-hô-va quý trọng và sẽ giúp sức nếu người ấy nỗ lực thay đổi.

13. Bỏ đi cách nói năng hạ phẩm giá người khác bao hàm điều gì?

13 Đức Giê-hô-va dạy chúng ta phát huy lòng kính trọng và sự hợp nhất trong hội thánh lẫn gia đình qua việc đặt ra những giới hạn rõ ràng về cách nói năng. Kinh Thánh nói: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em... Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc, cùng mọi điều hung-ác” (Ê-phê 4:29, 31). Một cách để tránh nói lời công kích là vun trồng thái độ tôn trọng người khác nhiều hơn. Chẳng hạn, một người thường nói lời hạ phẩm giá vợ nên cố gắng thay đổi thái độ về vợ mình, đặc biệt khi anh học biết cách Đức Giê-hô-va xem trọng người nữ. Thậm chí, Đức Chúa Trời xức dầu bằng thánh linh cho một số người nữ, cho họ có triển vọng cai trị với tư cách là vua cùng với Chúa Giê-su (Ga 3:28; 1 Phi 3:7). Tương tự, một người vợ có thói quen la hét chồng nên thay đổi khi học biết cách Chúa Giê-su kiềm chế mình dù bị khiêu khích.—1 Phi 2:21-23.

14. Tại sao tỏ ra giận dữ là nguy hiểm?

14 Không kiềm chế cơn giận thường dẫn đến việc nói năng hạ phẩm giá. Đó là điều cũng có thể chia rẽ những người trong cùng gia đình hoặc hội thánh. Cơn giận được ví như lửa. Nó có thể vượt quá tầm kiểm soát và gây tai họa (Châm 29:22). Dù có lý do chính đáng để bất bình, một người phải cẩn thận kiềm chế cơn giận để tránh hủy hoại những mối quan hệ quý báu. Các tín đồ Đấng Christ nên cố gắng tha thứ, không nuôi lòng oán giận và nhắc đi nhắc lại vấn đề (Thi 37:8; 103: 8, 9; Châm 17:9). Phao-lô khuyên các tín đồ ở Ê-phê-sô: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma-quỉ nhân dịp” (Ê-phê 4:26, 27). Không kiềm chế được cơn giận có thể tạo cơ hội cho Ma-quỉ gieo sự bất hòa và thậm chí xung đột trong hội thánh.

15. Lấy những gì không thuộc về mình có thể mang lại hậu quả nào?

15 Tôn trọng tài sản của người khác góp phần vào sự hợp nhất trong hội thánh. Kinh Thánh nói: “Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa” (Ê-phê 4:28). Nói chung, dân Đức Giê-hô-va tin tưởng lẫn nhau. Nếu lạm dụng sự tin tưởng đó bằng cách lấy những gì không thuộc về mình, một tín đồ có thể phá vỡ sự hợp nhất tốt đẹp ấy.

Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời hợp nhất chúng ta

16. Làm thế nào chúng ta có thể dùng lời lành để củng cố sự hợp nhất?

16 Tất cả những ai yêu thương Đức Chúa Trời được thúc đẩy đối xử với người khác cách yêu thương. Kết quả là hội thánh được hợp nhất. Lòng biết ơn sự nhân từ của Đức Giê-hô-va thôi thúc chúng ta nỗ lực áp dụng lời khuyên sau: “Khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến. Hãy ở với nhau cách nhân-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót, tha-thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha-thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê 4: 29, 32). Đức Giê-hô-va nhân từ tha thứ cho những người bất toàn như chúng ta. Chẳng lẽ chúng ta không tha thứ cho người khác khi thấy sự bất toàn của họ sao?

17. Tại sao chúng ta nên nỗ lực phát huy sự hợp nhất?

17 Sự hợp nhất của dân Đức Giê-hô-va làm vinh hiển Ngài. Thánh linh Đức Chúa Trời giúp chúng ta trong nhiều cách khác nhau để phát huy sự hợp nhất. Chắc chắn chúng ta không muốn chống lại sự dẫn dắt của thánh linh. Phao-lô viết: ‘Chớ làm buồn cho Thánh-Linh của Đức Chúa Trời’ (Ê-phê 4:30). Sự hợp nhất là điều quý báu, đáng để gìn giữ. Sự hợp nhất tôn vinh Đức Giê-hô-va và mang lại niềm vui cho những người duy trì tinh thần ấy. Vì thế, “hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con-cái rất yêu-dấu của Ngài”.—Ê-phê 5:1, 2.

Bạn trả lời thế nào?

• Hạnh kiểm nào phát huy sự hợp nhất của tín đồ Đấng Christ?

• Làm thế nào hành vi vô luân phá vỡ sự hợp nhất trong hội thánh?

• Làm thế nào cách nói năng giúp chúng ta vui vẻ hợp tác với người khác?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 17]

Người từ những hoàn cảnh khác nhau được hợp nhất

[Hình nơi trang 18]

Bạn có thấy những mối nguy hiểm của việc tán tỉnh không?