Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Ai đã biết ý Đức Giê-hô-va?’

‘Ai đã biết ý Đức Giê-hô-va?’

‘Ai đã biết ý Đức Giê-hô-va?’

“Ai đã biết ý Chúa, đặng dạy-dỗ Ngài? Nhưng phần chúng ta, thì có ý của Đấng Christ”.—1 CÔ 2:16.

1, 2. (a) Nhiều người cảm thấy khó hiểu điều gì? (b) Chúng ta cần nhớ gì về lối suy nghĩ của chúng ta và lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va?

Bạn có bao giờ thấy khó hiểu suy nghĩ hay ý tưởng của một người không? Có lẽ bạn mới kết hôn, và cảm thấy không thể hiểu rõ cách người hôn phối suy nghĩ. Thật vậy, người nam và người nữ suy nghĩ và thậm chí nói chuyện khác nhau. Trong một số nền văn hóa, người nam và người nữ thật ra dùng ngôn từ khác nhau trong cùng một ngôn ngữ! Hơn nữa, sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ có thể dẫn đến lối suy nghĩ và hành động khác nhau. Tuy nhiên, càng biết nhiều hơn về người khác, chúng ta càng có cơ hội hiểu về lối suy nghĩ của họ.

2 Vì thế, chúng ta không nên ngạc nhiên khi biết lối suy nghĩ của mình khác xa lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Ý-tưởng ta chẳng phải ý-tưởng các ngươi, đường-lối các ngươi chẳng phải đường-lối ta”. Rồi để minh họa điểm này, Đức Giê-hô-va nói tiếp: “Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường-lối ta cao hơn đường-lối các ngươi, ý-tưởng ta cao hơn ý-tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu”.—Ê-sai 55:8, 9.

3. Chúng ta có thể cố gắng “kết bạn thiết” với Đức Giê-hô-va qua hai cách nào?

3 Điều này có nghĩa là chúng ta không nên cố gắng hiểu lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va không? Dĩ nhiên không. Dù chúng ta không bao giờ hiểu trọn vẹn mọi ý tưởng của Đức Giê-hô-va, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “kết bạn thiết” với Ngài. (Đọc Thi-thiên 25:14; Châm-ngôn 3:32). Chúng ta có thể đến gần Đức Giê-hô-va hơn bằng cách chú ý và quý trọng những công việc của Ngài được ghi trong Kinh Thánh (Thi 28:5). Cách khác là học biết “ý của Đấng Christ”, là “hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được” (1 Cô 2:16; Cô 1:15). Khi dành thời gian để nghiên cứu và suy ngẫm các lời tường thuật trong Kinh Thánh, chúng ta có thể bắt đầu hiểu các đức tính và lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va.

Đề phòng một khuynh hướng sai lầm

4, 5. (a) Chúng ta cần tránh khuynh hướng sai lầm nào? Xin giải thích. (b) Dân Y-sơ-ra-ên có lối suy nghĩ sai lầm nào?

4 Khi suy ngẫm về những công việc của Đức Giê-hô-va, chúng ta cần tránh khuynh hướng xét đoán Ngài theo tiêu chuẩn của loài người. Lời Đức Chúa Trời nói đến khuynh hướng này nơi Thi-thiên 50:21: “Ngươi tưởng rằng ta thật y như ngươi”. Cách đây hơn 175 năm, một học giả Kinh Thánh cũng nói như thế: “Con người có khuynh hướng phán xét Đức Chúa Trời theo tiêu chuẩn của họ, và nghĩ rằng Ngài cũng bị hạn chế bởi những luật mà họ xem là thích đáng”.

5 Chúng ta cần cẩn thận không để tiêu chuẩn và mong muốn của mình làm lệch lạc quan điểm về Đức Giê-hô-va. Tại sao điều này là quan trọng? Khi chúng ta học Kinh Thánh, một số hành động của Đức Giê-hô-va dường như không hoàn toàn đúng theo quan điểm bất toàn và giới hạn của chúng ta. Dân Y-sơ-ra-ên xưa đã có lối suy nghĩ đó, rồi kết luận sai về cách Đức Giê-hô-va đối xử với họ. Hãy lưu ý những gì Đức Giê-hô-va nói với họ: “Các ngươi lại nói rằng: Đường-lối của Chúa là không bằng-phẳng! Vậy, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, hãy nghe: Đường-lối của ta há không bằng-phẳng sao? Há chẳng phải đường-lối của các ngươi là không bằng-phẳng sao?”.—Ê-xê 18:25.

6. Gióp học được bài học gì? Và làm thế nào chúng ta có thể được lợi ích từ kinh nghiệm của ông?

6 Để tránh xét đoán Đức Giê-hô-va bằng tiêu chuẩn riêng, một cách là nhận biết quan điểm của chúng ta có giới hạn và đôi khi sai trầm trọng. Gióp cần phải học bài học này. Trong thời gian chịu đau khổ, Gióp phải đương đầu với sự tuyệt vọng, và trở nên phần nào xem mình là quan trọng. Ông mất cái nhìn về những vấn đề lớn hơn. Nhưng Đức Giê-hô-va đã yêu thương giúp ông có cái nhìn bao quát. Qua việc hỏi Gióp hơn 70 câu hỏi mà không câu nào ông trả lời được, Đức Giê-hô-va nhấn mạnh rằng sự hiểu biết của Gióp có giới hạn. Gióp phản ứng cách khiêm nhường, điều chỉnh lại quan điểm của mình.—Đọc Gióp 42:1-6.

Làm sao có được “ý của Đấng Christ”?

7. Khi xem xét các việc làm của Chúa Giê-su, tại sao chúng ta có thể hiểu lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va?

7 Chúa Giê-su noi gương Cha ngài cách hoàn hảo qua lời nói và hành động (Giăng 14:9). Vì thế, xem xét các việc làm của Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va (Rô 15:5; Phi-líp 2:5). Vậy, chúng ta hãy xem hai lời tường thuật trong Phúc âm.

8, 9. Như được ghi nơi Giăng 6:1-5, tình huống nào dẫn đến việc Chúa Giê-su hỏi Phi-líp một câu hỏi? Và tại sao ngài làm thế?

8 Hãy hình dung cảnh này. Đó là thời điểm ngay trước Lễ Vượt Qua năm 32 CN. Các sứ đồ của Chúa Giê-su vừa mới trở về sau chuyến rao giảng đặc biệt khắp vùng Ga-li-lê. Vì họ đã mệt, Chúa Giê-su dẫn họ đến một nơi hẻo lánh ở bờ đông bắc Biển Ga-li-lê. Tuy nhiên, có hàng ngàn người đi theo họ. Sau khi Chúa Giê-su chữa lành cho đám đông và dạy họ nhiều điều, một vấn đề đã nảy sinh. Làm sao những người này có thể tìm được thức ăn ở nơi hẻo lánh như thế? Chúa Giê-su thấy nhu cầu của họ và hỏi Phi-líp, người đến từ vùng đó: “Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân nầy có mà ăn?”.—Giăng 6:1-5.

9 Tại sao Chúa Giê-su hỏi Phi-líp câu này? Có phải Chúa Giê-su đang lo, không biết phải làm gì không? Chắc chắn không. Vậy ý của Chúa Giê-su thật sự là gì? Sứ đồ Giăng, người cũng có mặt ở đó, giải thích: “[Chúa Giê-su] phán điều đó đặng thử Phi-líp, chớ Ngài đã biết điều Ngài sẽ làm rồi” (Giăng 6:6). Lúc này Chúa Giê-su muốn thử để xem các môn đồ tiến bộ về thiêng liêng đến đâu. Khi nêu lên câu hỏi ấy, ngài khiến họ suy nghĩ và cho họ cơ hội để nói lên đức tin nơi những gì ngài có thể làm. Nhưng họ đã mất cơ hội ấy và cho thấy mình có cái nhìn hạn hẹp. (Đọc Giăng 6:7-9). Rồi Chúa Giê-su tiếp tục chứng tỏ ngài có thể làm điều mà họ chưa bao giờ nghĩ đến. Ngài làm phép lạ cung cấp thức ăn cho hàng ngàn người đang đói.—Giăng 6:10-13.

10-12. (a) Chúa Giê-su không đáp ứng ngay yêu cầu của người phụ nữ dân ngoại có thể vì lý do nào? Xin giải thích. (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì?

10 Lời tường thuật trên có thể giúp chúng ta hiểu suy nghĩ của Chúa Giê-su trong một trường hợp khác. Không lâu sau khi cung cấp thức ăn cho đám đông ấy, Chúa Giê-su và các sứ đồ đi về phía bắc qua biên giới của Y-sơ-ra-ên, đến vùng phụ cận của Ty-rơ và Si-đôn. Ở đấy, họ gặp một phụ nữ dân ngoại nài xin Chúa Giê-su chữa lành bệnh cho con gái bà. Ban đầu, Chúa Giê-su không chú ý đến bà. Nhưng khi bà cứ một mực nài xin, Chúa Giê-su nói với bà: “Không nên lấy bánh của con-cái mà quăng cho chó con ăn”.—Mat 15:21-26.

11 Tại sao ban đầu Chúa Giê-su từ chối giúp người phụ nữ này? Chúa Giê-su có đang thử đức tin bà, như đã làm với Phi-líp, để thấy cách bà phản ứng và cho bà cơ hội thể hiện đức tin không? Giọng ngài nói, dù không được đề cập trong lời tường thuật, đã không làm bà nản lòng. Việc ngài dùng từ “chó con” đã làm nhẹ bớt sự so sánh. Vì vậy, có lẽ Chúa Giê-su đang hành động như một bậc cha mẹ muốn đáp ứng yêu cầu của con nhưng bề ngoài không tỏ vẻ chấp nhận, để thử xem con có quyết tâm đạt được điều đó không. Dù trường hợp là gì đi nữa, khi người phụ nữ ấy thể hiện đức tin, Chúa Giê-su sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của bà.—Đọc Ma-thi-ơ 15:27, 28.

12 Hai lời tường thuật này trong Phúc âm cho chúng ta sự hiểu biết quý báu về “ý của Đấng Christ”. Giờ đây hãy xem xét làm thế nào những lời tường thuật này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý của Đức Giê-hô-va.

Cách Đức Giê-hô-va đối xử với Môi-se

13. Hiểu rõ lối suy nghĩ của Chúa Giê-su giúp chúng ta như thế nào?

13 Nhờ hiểu rõ lối suy nghĩ của Chúa Giê-su, chúng ta nắm được ý nghĩa của các đoạn Kinh Thánh có lẽ khó hiểu. Chẳng hạn, hãy xem những lời Đức Giê-hô-va nói với Môi-se sau khi dân Y-sơ-ra-ên thờ con bò vàng. Ngài phán: “Ta đã xem thấy dân nầy, kìa là một dân cứng cổ. Vả, bây giờ hãy để mặc ta làm, hầu cho cơn thạnh-nộ ta nổi lên cùng chúng nó, diệt chúng nó đi; nhưng ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn”.—Xuất 32:9, 10.

14. Môi-se phản ứng thế nào trước lời của Đức Giê-hô-va?

14 Lời tường thuật nói tiếp: “Môi-se bèn nài-xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời người rằng: Lạy Đức Giê-hô-va, sao nổi thạnh-nộ cùng dân Ngài? là dân mà Ngài đã dùng quyền lớn-lao mạnh-mẽ đưa ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Sao để cho người Ê-díp-tô nói rằng: Ngài đưa chúng nó ra khỏi xứ đặng làm hại cho, giết đi tại trong núi, cùng diệt chúng nó khỏi mặt đất? Cầu-xin Chúa hãy nguôi cơn giận và bỏ qua điều tai-họa mà Ngài muốn giáng cho dân Ngài. Xin Chúa hãy nhớ lại Áp-ra-ham, Y-sác, Y-sơ-ra-ên, là các tôi-tớ Ngài, mà Ngài có chỉ mình thề cùng họ rằng: Ta sẽ thêm dòng-dõi các ngươi lên nhiều như sao trên trời, ta sẽ ban cho dòng-dõi đó cả xứ mà ta chỉ phán, và họ sẽ được xứ ấy làm cơ-nghiệp đời đời. Đức Giê-hô-va bèn bỏ qua điều tai-họa mà Ngài nói rằng sẽ giáng cho dân mình”.—Xuất 32:11-14 *.

15, 16. (a) Sau lời Đức Giê-hô-va phán, Môi-se có cơ hội nào? (b) Quyết định của Đức Giê-hô-va là gì?

15 Môi-se có phải điều chỉnh suy nghĩ của Đức Giê-hô-va không? Chắc chắn không! Dù Đức Giê-hô-va cho biết điều Ngài dự định làm, nhưng đó không phải là sự phán xét cuối cùng. Thật ra Đức Giê-hô-va đang thử Môi-se, như Chúa Giê-su sau này đã thử Phi-líp và người phụ nữ dân ngoại. Môi-se có cơ hội để nói lên quan điểm của mình *. Đức Giê-hô-va đã chọn Môi-se làm người trung gian giữa Ngài và dân Y-sơ-ra-ên, và Ngài tôn trọng sự bổ nhiệm Môi-se trong vai trò đó. Môi-se có để sự bực tức khiến ông lợi dụng cơ hội này để gợi ý Đức Giê-hô-va bỏ dân Y-sơ-ra-ên và thành lập một nước hùng mạnh khác từ dòng dõi của ông không?

16 Lời đáp của Môi-se cho thấy đức tin và lòng tin cậy của ông nơi sự công bình của Đức Giê-hô-va. Hành động của ông thể hiện lòng quan tâm, không phải đến lợi ích riêng, nhưng đến danh của Đức Giê-hô-va. Ông không muốn danh Ngài bị bôi nhọ. Do đó, Môi-se cho thấy ông hiểu ‘ý của Đức Giê-hô-va’ về vấn đề này (1 Cô 2:16). Kết quả là gì? Đức Giê-hô-va đã không khẳng định Ngài sẽ làm gì, và lời được soi dẫn ghi lại Ngài “bèn bỏ qua điều tai họa”. Đức Giê-hô-va không giáng tai họa trên cả dân sự như Ngài dự định.

Cách Đức Giê-hô-va đối xử với Áp-ra-ham

17. Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài vô cùng kiên nhẫn đối với những mối quan tâm của Áp-ra-ham như thế nào?

17 Lời cầu xin của Áp-ra-ham về thành Sô-đôm là một trường hợp khác cho thấy Đức Giê-hô-va cho tôi tớ Ngài cơ hội thể hiện đức tin và lòng tin cậy. Trong lời tường thuật này, Đức Giê-hô-va vô cùng kiên nhẫn khi để Áp-ra-ham đặt câu hỏi liên tiếp tám lần. Trong đó có lần Áp-ra-ham khẩn khoản cầu xin: “Không lẽ nào Chúa làm điều như vậy, diệt người công-bình luôn với kẻ độc-ác; đến đỗi kể người công-bình cũng như người độc-ác. Không, Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ! Đấng đoán-xét toàn thế-gian, há lại không làm sự công-bình sao?”.—Sáng 18:22-33.

18. Chúng ta học được gì từ cách Đức Giê-hô-va đối xử với Áp-ra-ham?

18 Từ lời tường thuật này, chúng ta học được gì về suy nghĩ của Đức Giê-hô-va? Đức Giê-hô-va có cần Áp-ra-ham lý luận với Ngài để đưa ra quyết định đúng không? Không. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va có thể ngay từ đầu cho ông biết lý do Ngài quyết định như thế. Nhưng qua những câu hỏi này, Đức Giê-hô-va cho Áp-ra-ham thời gian để chấp nhận quyết định đó và hiểu suy nghĩ của Ngài. Ngoài ra, Áp-ra-ham cũng có thể hiểu sâu sắc hơn về lòng trắc ẩn và sự công bình của Đức Giê-hô-va. Thật vậy, Đức Giê-hô-va đối xử với Áp-ra-ham như một người bạn.—Ê-sai 41:8; Gia 2:23.

Bài học cho chúng ta

19. Chúng ta có thể bắt chước Gióp như thế nào?

19 Chúng ta học được gì về ‘ý của Đức Giê-hô-va’? Để hiểu đúng ý của Ngài, chúng ta cần để Lời Ngài uốn nắn lối suy nghĩ. Đừng bao giờ xét đoán Đức Giê-hô-va theo quan điểm giới hạn, tiêu chuẩn và lối suy nghĩ của mình. Gióp đã nói: “Đức Chúa Trời chẳng phải loài người như tôi, mà tôi dám đối với Ngài, để chúng ta cùng đi chịu phán-xét” (Gióp 9:32). Như Gióp, khi bắt đầu hiểu ý của Đức Giê-hô-va, chúng ta hẳn sẽ thốt lên: “Kìa, ấy chỉ là biên-giới của các đường-lối Ngài; Ta được nghe tiếng nói về Chúa xầm-xì nhỏ thay! Nhưng ai hiểu rõ tiếng sấm của quyền-năng Ngài?”.—Gióp 26:14.

20. Nếu gặp một đoạn Kinh Thánh khó hiểu, chúng ta nên làm gì?

20 Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta nên làm gì nếu gặp một đoạn khó hiểu, đặc biệt có liên quan đến suy nghĩ của Đức Giê-hô-va? Sau khi đã nghiên cứu về vấn đề ấy, nếu vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng, chúng ta có thể xem đây là cơ hội chứng tỏ lòng tin cậy Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ rằng đôi khi có một số câu Kinh Thánh là dịp để chúng ta cho thấy mình hiểu những đức tính của Ngài đến mức nào, và nhận biết hành động của Ngài phản ánh các đức tính ấy. Hãy khiêm nhường nhận ra rằng chúng ta không thể hiểu mọi điều Ngài làm (Truyền 11:5). Vì thế, chúng ta muốn đồng ý với những lời sau của sứ đồ Phao-lô: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời! Sự phán-xét của Ngài nào ai thấu được, đường-nẻo của Ngài nào ai hiểu được! Vì, ai biết ý-tưởng Chúa, ai là kẻ bàn-luận của Ngài? Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại? Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh-hiển cho Ngài đời đời vô-cùng! A-men”.—Rô 11:33-36.

[Chú thích]

^ đ. 14 Lời tường thuật tương tự là nơi Dân-số Ký 14:11-20.

^ đ. 15 Theo một số học giả, cụm từ tiếng Hê-bơ-rơ được dịch là “hãy để mặc ta làm” nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 32:10 có thể được xem là một lời mời, một đề nghị rằng Môi-se làm người trung gian, hoặc “đứng trám vào lỗ hổng”, giữa Đức Giê-hô-va và dân sự (Ê-xê 22:30, Bản Dịch Mới). Dù sao đi nữa, Môi-se chắc hẳn cảm thấy thoải mái bày tỏ ý kiến của mình với Đức Giê-hô-va.

Bạn có nhớ không?

• Điều gì sẽ giúp chúng ta tránh khuynh hướng xét đoán Đức Giê-hô-va theo tiêu chuẩn của mình?

• Hiểu được công việc của Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta “kết bạn thiết” với Đức Giê-hô-va như thế nào?

• Bạn học được gì từ những cuộc nói chuyện của Đức Giê-hô-va với Môi-se và Áp-ra-ham?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 5]

Từ cách Đức Giê-hô-va đối xử với Môi-se và Áp-ra-ham, chúng ta học được gì về lối suy nghĩ của Ngài?