Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giúp các em trẻ quen thuộc với tổ chức của Đức Giê-hô-va

Giúp các em trẻ quen thuộc với tổ chức của Đức Giê-hô-va

Giúp các em trẻ quen thuộc với tổ chức của Đức Giê-hô-va

Trẻ em thích học. Hãy hình dung những câu hỏi mà con trẻ Y-sơ-ra-ên ở xứ Ê-díp-tô hẳn đã nêu lên vào đêm có Lễ Vượt Qua đầu tiên: “Tại sao chiên con phải chết?”, “Tại sao cha phải bôi máu lên khung cửa?”, “Chúng ta đang đi đâu?”. Việc Đức Giê-hô-va chấp nhận những câu hỏi đó được thấy rõ từ mệnh lệnh Ngài phán với những người cha Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va nói với họ về các kỳ Lễ Vượt Qua trong tương lai: “Khi con cháu các ngươi hỏi rằng: Lễ nầy là nghĩa chi? Hãy đáp rằng: Ấy là của tế-lễ Vượt-qua của Đức Giê-hô-va, vì khi Ngài hành-hại xứ Ê-díp-tô thì Ngài đi vượt qua các nhà dân Y-sơ-ra-ên, và cứu nhà chúng ta đó” (Xuất 12:24-27). Sau này, Đức Giê-hô-va nhắc những bậc cha mẹ người Y-sơ-ra-ên về tầm quan trọng của việc trả lời các câu hỏi của con trẻ liên quan đến ‘luật-lệ và mạng-lịnh’ mà Ngài đã ban.—Phục 6:20-25.

Rõ ràng, Đức Giê-hô-va muốn các em trẻ có thể tìm được lời giải đáp thỏa mãn cho những câu hỏi về sự thờ phượng thật—lời giải đáp mà có thể thúc đẩy các em yêu mến Đức Giê-hô-va, xem Ngài như Đức Chúa Trời và Đấng Giải Cứu của các em. Ngày nay, Đức Giê-hô-va mong muốn những người trẻ của chúng ta cũng như thế. Để cha mẹ có thể vun trồng nơi con lòng yêu mến Đức Chúa Trời và dân Ngài, một cách là giúp chúng quen thuộc với tổ chức của Đức Giê-hô-va và thấy mình được lợi ích thế nào từ sự sắp đặt này. Vậy chúng ta hãy xem một số cách để có thể giúp người trẻ học biết chi tiết hơn về tổ chức Đức Chúa Trời.

Hội thánh địa phương

Những người trẻ cần biết hội thánh mà gia đình kết hợp. Để làm điều này, các bậc cha mẹ cần dẫn con đến tất cả các buổi nhóm họp. Khi làm thế, bạn đang theo khuôn mẫu mà Đức Giê-hô-va đã đặt ra cho dân Y-sơ-ra-ên. Ngài đã phán dặn họ:“Ngươi phải nhóm-hiệp dân-sự, nào người nam, người nữ, nào con trẻ và khách lạ ở trong các thành của ngươi, để chúng nghe, tập kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy. Những con-cái của dân-sự chưa biết việc ấy, sẽ nghe, tập kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi”.—Phục 31:12, 13.

Từ thơ ấu, con trẻ có thể bắt đầu học Lời của Đức Giê-hô-va. Sứ đồ Phao-lô nói về Ti-mô-thê: “Từ khi con còn thơ-ấu đã biết Kinh-thánh” (2 Ti 3:15). Tại các buổi họp ở Phòng Nước Trời, thậm chí những em còn rất bé cũng có thể tiếp thu thông tin được trình bày và quen thuộc với bài hát Nước Trời. Ở đấy, chúng học cách dùng và tôn trọng Kinh Thánh cũng như những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Ngoài ra, tại buổi nhóm, các em trẻ sẽ nhận thấy một đức tính là dấu hiệu nhận diện môn đồ thật của Chúa Giê-su: tình yêu thương chân thật. Chúa Giê-su phán: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:34, 35). Tình yêu thương nồng ấm và sự an toàn thật sự được thấy rõ trong Phòng Nước Trời sẽ thu hút những em trẻ và giúp chúng xem việc tham dự nhóm họp là phần không thay đổi trong đời sống.

Khi bạn có thói quen đến Phòng Nước Trời sớm và nán lại sau khi buổi họp kết thúc, con cái sẽ có cơ hội kết bạn. Thay vì để chúng chỉ giao tiếp với những đứa trẻ khác, sao không giới thiệu chúng với các anh chị thuộc mọi lứa tuổi? Nếu dần dần biết những anh chị lớn tuổi hơn, các em trẻ sẽ nhận ra họ có sự khôn ngoan và kinh nghiệm tuyệt vời. Như Xa-cha-ri thời xưa, “người dạy vua kính sợ Đức Chúa Trời”, đã có tác động tốt đến vị vua trẻ Ô-xia của xứ Giu-đa, những người ngày nay đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm cũng ảnh hưởng tích cực trên người trẻ (2 Sử 26:1, 4, 5; Bản Dịch Mới). Khi ở Phòng Nước Trời, bạn cũng có thể cho con biết về vai trò của thư viện, bảng thông báo và những đặc điểm khác.

Tổ chức toàn cầu

Em trẻ cần hiểu là hội thánh địa phương là một phần của tổ chức toàn cầu gồm hơn 100.000 hội thánh. Hãy giải thích các đặc điểm và cách hoạt động của tổ chức cũng như con trẻ có vai trò nào trong việc ủng hộ công việc của tổ chức. Hãy cho chúng biết tại sao bạn mong đợi các kỳ hội nghị vòng quanh, hội nghị địa hạt và các cuộc viếng thăm của giám thị vòng quanh.—Xem khung  “Những đề tài để xem xét trong Buổi thờ phượng của gia đình” nơi trang 28.

Khi có cơ hội, hãy mời giám thị lưu động, giáo sĩ, thành viên gia đình Bê-tên và những anh chị phụng sự trọn thời gian khác đến nhà dùng bữa. Đừng nghĩ rằng họ không có thời gian cho người trẻ. Những người phụng sự trọn thời gian này cố gắng noi gương Chúa Giê-su, người luôn chào đón và nói chuyện với con trẻ (Mác 10:13-16). Nghe những người này kể lại kinh nghiệm và thấy niềm vui của họ trong thánh chức, con bạn cũng có thể đặt mục tiêu làm thánh chức trọn thời gian.

Gia đình bạn có thể làm gì nữa để giúp con quen thuộc hơn với tổ chức của Đức Giê-hô-va? Sau đây là một vài đề nghị: Lên chương trình cho gia đình xem xét những ấn phẩm nói về tổ chức của Đức Giê-hô-va trên đất và tự truyện của những Nhân Chứng trung thành. Nhấn mạnh sự hết lòng, khiêm nhường và trung thành mà tôi tớ Đức Giê-hô-va thể hiện. Cho thấy cách Ngài dùng họ để rao truyền tin mừng khắp đất. Dùng những video do tổ chức Đức Giê-hô-va xuất bản để dạy con những bài học quan trọng xảy ra trong quá khứ và hiện tại. Nếu có thể, đến tham quan chi nhánh và nhà Bê-tên trong nước bạn hoặc thậm chí ở những nước khác. Những chuyến tham quan như thế sẽ tạo ấn tượng nơi con bạn về cách sắp xếp của tổ chức Đức Giê-hô-va trên đất dưới sự chỉ đạo của lớp đầy tớ trung tín. Tổ chức này cung cấp thức ăn và sự hướng dẫn về thiêng liêng cho anh em trên khắp thế giới, như được thực hiện vào thế kỷ thứ nhất.—Mat 24:45-47; Công 15:22-31.

Áp dụng thông tin cho từng em trẻ

Khi dạy con, hãy nhớ cách Chúa Giê-su hướng dẫn các sứ đồ. Ngài đã từng nói với họ: “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi” (Giăng 16:12). Chúa Giê-su không đưa ra nhiều thông tin đến nỗi khiến các môn đồ cảm thấy quá sức của mình. Ngược lại, ngài dần dần dạy họ những lẽ thật quan trọng mà họ có thể tiếp thu. Tương tự, đừng đưa ra quá nhiều thông tin cho con. Khi cung cấp sự hiểu biết về tổ chức dù ít nhưng đều đặn, bạn sẽ giúp con tiếp tục chú ý và thích thú trong việc học biết về hội thánh tín đồ Đấng Christ. Khi nhu cầu của con thay đổi, bạn có thể nhắc lại thông tin và mở rộng những gì chúng đã học được.

Hội thánh tín đồ Đấng Christ là một pháo đài về thiêng liêng, và những người trẻ sốt sắng tham gia các hoạt động trong hội thánh sẽ được trang bị kỹ hơn hầu kháng cự ảnh hưởng của thế gian Sa-tan (Rô 12:2). Chúng tôi tin chắc bạn sẽ có nhiều niềm vui khi giúp con cái quen thuộc với tổ chức Đức Giê-hô-va. Với ân phước của Ngài, mong sao các con bạn sẽ tiếp tục gắn bó với tổ chức và với Đức Chúa Trời đầy yêu thương mà chúng ta phụng sự.

[Khung/​Hình nơi trang 28]

 Những đề tài để xem xét trong Buổi thờ phượng của gia đình

Dưới đây là một số đề tài liên quan đến tổ chức mà bạn có thể xem xét trong Buổi thờ phượng của gia đình.

▪ Ôn lại lịch sử của hội thánh địa phương. Hội thánh được thành lập khi nào và như thế nào? Hội thánh đã dùng những Phòng Nước Trời nào? Trong cuộc thảo luận, sao không mời một thành viên lâu năm của hội thánh đến nhà để trả lời các câu hỏi của con bạn?

▪ Giải thích mục đích của các buổi nhóm họp và các dịp hội họp lớn cũng như làm thế nào con bạn có thể được lợi ích.

▪ Xem xét mục đích của các trường do tổ chức của Đức Giê-hô-va thành lập. Chia sẻ những kinh nghiệm cho thấy kết quả tốt từ những học viên tốt nghiệp các trường này.

▪ Giúp em trẻ thấy tầm quan trọng của việc trở thành người công bố tin mừng đều đặn. Cho con thấy cách chúng có thể góp phần vào báo cáo trên khắp thế giới được đăng hằng năm trong Thánh Chức Nước Trời Yearbook of Jehovah’s Witnesses (Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va).

▪ Xem xét những hình thức khác nhau của thánh chức trọn thời gian dành cho người trẻ trong tổ chức của Đức Giê-hô-va. Chương 9 của sách Được tổ chức để thi hành thánh chức rao giảng có nhiều thông tin hữu ích.

▪ Giúp con bạn hiểu tại sao hội thánh phải theo những thủ tục nhất định. Giải thích tại sao các con không nên độc lập khỏi tổ chức của Đức Giê-hô-va, ngay cả trong những việc nhỏ. Cho các con thấy cách chúng có thể góp phần vào việc giữ trật tự trong hội thánh bằng cách làm theo hướng dẫn của các trưởng lão.

[Hình]

Con bạn sẽ được lợi ích khi kết bạn với những anh chị phụng sự lâu năm

[Các hình nơi trang 26]

Như dân Y-sơ-ra-ên xưa, cha mẹ thời nay cố gắng đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi được nêu lên về tổ chức của Đức Giê-hô-va