Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tìm kiếm “sự công-bình của Ngài” trước hết

Hãy tìm kiếm “sự công-bình của Ngài” trước hết

Hãy tìm kiếm “sự công-bình của Ngài” trước hết

“Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”.—MAT 6:33.

1, 2. Sự công bình của Đức Chúa Trời là gì, và dựa trên điều gì?

“Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời” (Mat 6:33). Chúa Giê-su nói lời khuyến giục này trong Bài giảng trên núi, bài giảng rất quen thuộc với Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay. Trong mọi khía cạnh của đời sống, chúng ta cố gắng cho thấy mình yêu quý và muốn trung thành cùng chính phủ Nước Trời. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ phần thứ hai của câu này, đó là “và sự công-bình của Ngài”. Sự công bình của Đức Chúa Trời là gì, và tìm kiếm sự công bình của Ngài trước hết có nghĩa gì?

2 Trong nguyên ngữ, những từ dịch là “sự công-bình” cũng có thể được dịch là “công chính” hoặc “ngay thẳng”. Vì thế, sự công bình của Đức Chúa Trời là sự ngay thẳng theo tiêu chuẩn và giá trị của Ngài. Là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va có quyền đặt tiêu chuẩn về điều tốt và điều xấu, điều thiện và điều ác (Khải 4:11). Tuy nhiên, sự công bình của Đức Chúa Trời không phải là một bộ luật lạnh lùng, cứng nhắc hoặc một danh sách luật lệ và quy định dài lê thê. Ngược lại, nó dựa trên đức tính của Ngài là công bình, cùng với những đức tính chính khác là tình yêu thương, khôn ngoan và quyền năng. Sự công bình của Đức Chúa Trời gắn liền với ý muốn và mục đích của Ngài. Sự công bình ấy là một trong những điều Ngài đòi hỏi nơi người muốn phụng sự Ngài.

3. (a) Trước hết tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời có nghĩa gì? (b) Tại sao chúng ta vâng giữ tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va?

3 Trước hết tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời có nghĩa gì? Nói đơn giản đó là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời để làm vui lòng Ngài. Tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời bao hàm việc cố gắng sống theo các giá trị và tiêu chuẩn hoàn hảo của Ngài, chứ không phải của chúng ta. (Đọc Rô-ma 12:2). Lối sống này ảnh hưởng đến chính mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Thật vậy, chúng ta vâng giữ luật pháp Ngài không phải vì sợ bị phạt. Thay vì thế, tình yêu thương với Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta cố gắng làm vui lòng Ngài bằng cách giữ tiêu chuẩn của Ngài, không lập ra tiêu chuẩn riêng. Chúng ta biết đó là điều đúng, là điều mà chúng ta được tạo nên để làm theo. Như Chúa Giê-su, vua của Nước Đức Chúa Trời, chúng ta phải yêu sự công bình.—Hê 1:8, 9.

4. Tại sao tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời là điều rất quan trọng?

4 Tìm kiếm sự công bình của Đức Giê-hô-va quan trọng như thế nào? Hãy xem yếu tố này: Thử thách đầu tiên trong vườn Ê-đen dựa trên việc A-đam và Ê-va có chấp nhận việc Đức Giê-hô-va có quyền đặt ra tiêu chuẩn hay không (Sáng 2:17; 3:5). Khi không làm thế, họ đã đem đến sự đau khổ và sự chết trên con cháu là chúng ta (Rô 5:12). Nhưng Lời Đức Chúa Trời cho biết: “Người nào tìm-cầu sự công-bình và sự nhân-từ sẽ tìm được sự sống, sự công-bình, và tôn-trọng” (Châm 21:21). Thật vậy, trước hết tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời mang lại mối quan hệ hòa thuận với Đức Giê-hô-va, là điều dẫn đến sự cứu rỗi cho chúng ta.—Rô 3:23, 24.

Mối nguy hiểm của việc tự xem mình là công bình

5. Chúng ta cần tránh mối nguy hiểm nào?

5 Trong lá thư viết cho tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh một mối nguy hiểm mà tất cả chúng ta cần tránh hầu có thể thành công trong việc tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời trước hết. Về người Do Thái, Phao-lô nói: “Tôi làm chứng cho họ rằng họ có lòng sốt-sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt-sắng đó là không phải theo trí-khôn. Bởi họ không nhận-biết sự công-bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công-bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công-bình của Đức Chúa Trời” (Rô 10:2, 3). Theo Phao-lô, những người thờ phượng này đã không hiểu sự công bình của Đức Chúa Trời vì quá bận tâm đến việc cố gắng lập sự công bình riêng của mình *.

6. Chúng ta nên tránh thái độ nào, và tại sao?

6 Chúng ta có thể rơi vào bẫy nếu xem việc phụng sự Đức Chúa Trời như một cuộc cạnh tranh, so sánh mình với người khác. Thái độ này có thể dễ dẫn đến việc trở nên quá tự tin về khả năng của mình. Nhưng thật ra nếu có thái độ đó, chúng ta sẽ quên sự công bình của Đức Giê-hô-va (Ga 6:3, 4). Động cơ đúng đắn để làm điều phải xuất phát từ tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va. Bất cứ nỗ lực nào để chứng tỏ sự công bình riêng đều có thể làm mất giá trị việc chúng ta cho rằng mình yêu mến Đức Chúa Trời.—Đọc Lu-ca 16:15.

7. Chúa Giê-su nói gì về vấn đề tự xem mình là công bình?

7 Chúa Giê-su lo lắng về những người “cậy mình là người công-bình và khinh-dể kẻ khác”. Ngài nói về vấn đề tự xem mình là công bình khi kể minh họa sau: “Có hai người lên đền-thờ cầu-nguyện: một người Pha-ri-si và một người thâu thuế. Người Pha-ri-si đứng cầu-nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham-lam, bất-nghĩa, gian-dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần-lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương-xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!”. Chúa Giê-su kết luận như sau: “Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công-bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”.—Lu 18:9-14.

Mối nguy hiểm của việc xem mình là “công-bình quá”

8, 9. Trở nên “công-bình quá” có nghĩa gì, và có thể dẫn chúng ta đến điều gì?

8 Truyền-đạo 7:16 nói đến một mối nguy hiểm khác chúng ta cần tránh: “Chớ công-bình quá, cũng đừng làm ra mình khôn-ngoan quá, cớ sao làm thiệt-hại cho mình?”. Người được soi dẫn để viết Kinh Thánh cho biết tiếp nơi câu 20 về lý do để tránh thái độ ấy: “Thật, chẳng có người công-bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội”. Một người trở nên “công-bình quá” sẽ tự đặt ra những tiêu chuẩn công bình và xét đoán người khác dựa trên những tiêu chuẩn đó. Tuy nhiên, khi làm thế, người ấy không nhận ra mình đang đặt tiêu chuẩn riêng lên trên tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, vì vậy trước mắt Đức Chúa Trời là không công bình.

9 Trở nên “công-bình quá” có thể khiến chúng ta nghi ngờ cách Đức Giê-hô-va giải quyết vấn đề. Chúng ta cần nhớ nếu đặt nghi vấn về sự công bình hoặc ngay thẳng trong các quyết định của Đức Giê-hô-va, chúng ta đang đặt tiêu chuẩn công bình của mình lên trên tiêu chuẩn của Ngài. Chúng ta không bao giờ muốn hành động như thể đang đưa Đức Giê-hô-va ra tòa và xét đoán Ngài theo tiêu chuẩn riêng về điều thiện và điều ác. Nhưng Đức Giê-hô-va là Đấng có quyền đặt ra tiêu chuẩn về sự công bình, chứ không phải chúng ta.—Rô 14:10.

10. Như trong trường hợp của Gióp, điều gì có thể khiến chúng ta xét đoán Đức Chúa Trời?

10 Dù không ai trong chúng ta cố ý muốn xét đoán Đức Chúa Trời nhưng bản chất bất toàn có thể khiến chúng ta làm thế. Điều này dễ xảy ra khi chúng ta thấy một điều có vẻ bất công hoặc khi chính mình chịu đựng khó khăn. Ngay cả người trung thành Gióp cũng phạm lỗi này. Lúc đầu, Gióp được mô tả là người “vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác” (Gióp 1:1). Nhưng rồi hàng loạt tai họa ập đến, có vẻ bất công. Điều này khiến Gióp cho rằng “mình là công-bình hơn là Đức Chúa Trời” (Gióp 32:1, 2). Gióp phải điều chỉnh quan điểm của mình. Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên nếu đôi khi thấy mình ở trong tình huống tương tự. Khi ấy, điều gì có thể giúp chúng ta điều chỉnh quan điểm?

Chúng ta không luôn biết mọi thông tin

11, 12. (a) Nếu nhận thấy một điều có vẻ bất công, chúng ta cần nhớ gì? (b) Về minh họa của Chúa Giê-su về những người làm công ở vườn nho, tại sao một số người cảm thấy có sự bất công?

11 Điều đầu tiên nên nhớ là chúng ta không luôn biết mọi thông tin. Trường hợp của Gióp cho thấy điều này. Ông không biết về những buổi họp của các thiên sứ, các con trai Đức Chúa Trời ở trên trời, khi Sa-tan cáo buộc ông (Gióp 1:7-12; 2:1-6). Gióp không nhận ra vấn đề của mình là do Sa-tan gây ra. Thật vậy, chúng ta không chắc Gióp có biết danh tánh thật của Sa-tan hay không. Vì thế, ông kết luận sai rằng Đức Chúa Trời gây ra các vấn đề cho ông. Thật dễ để kết luận sai khi chúng ta không biết hết mọi thông tin.

12 Thí dụ, hãy xem minh họa của Chúa Giê-su về những người làm công ở một vườn nho. (Đọc Ma-thi-ơ 20:8-16). Chúa Giê-su cho biết người chủ đã trả cho tất cả người làm công cùng một số tiền, dù họ làm việc cả ngày hay chỉ một giờ. Bạn cảm thấy thế nào về điều này? Làm thế có công bằng không? Có lẽ ban đầu bạn thấy tội nghiệp cho những người làm việc cả ngày dưới trời nắng nóng. Hiển nhiên họ xứng đáng được trả lương cao hơn! Nếu kết luận như thế, người chủ có vẻ không yêu thương và bất công. Thậm chí câu trả lời của ông với những người phàn nàn có vẻ như là lạm quyền. Nhưng chúng ta có biết mọi thông tin không?

13. Liên quan đến minh họa của Chúa Giê-su về những người làm công trong vườn nho, chúng ta có thể có cái nhìn nào khác?

13 Chúng ta hãy phân tích minh họa này từ một cái nhìn khác. Chắc hẳn người chủ trong minh họa biết những người làm công phải nuôi gia đình. Vào thời Chúa Giê-su, những người làm công ở đồng ruộng thường được trả lương theo ngày. Gia đình họ tùy thuộc vào đồng lương mỗi ngày. Dựa trên điểm này, hãy nghĩ về tình trạng của những người mà chủ gặp vào cuối ngày và vì thế họ chỉ làm việc trong một giờ. Có lẽ họ không thể nuôi gia đình với tiền lương của một giờ, nhưng họ đã sẵn sàng làm việc và đợi cả ngày để được thuê (Mat 20:1-7). Họ không có lỗi khi không được làm việc nguyên ngày. Không gì cho thấy họ cố ý tránh việc. Hãy hình dung bạn phải đợi cả ngày, và biết gia đình đang tùy thuộc vào đồng lương bạn làm được trong ngày đó. Hẳn bạn biết ơn biết bao khi được thuê làm một số việc—và ngạc nhiên khi nhận được đủ tiền lương để cung cấp cho gia đình!

14. Chúng ta rút ra bài học quý giá nào từ minh họa về vườn nho?

14 Bây giờ chúng ta hãy xem lại hành động của người chủ. Ông không trả lương thấp cho ai. Ngược lại, ông đối xử với tất cả người làm công như những người có quyền kiếm tiền để nuôi sống mình và gia đình. Có rất nhiều người chờ được thuê, nên người chủ có thể lợi dụng tình trạng này để thuê nhân công với mức lương thấp. Nhưng ông không làm thế. Tất cả người làm công đều trở về nhà, có đủ tiền để cung cấp cho gia đình. Suy xét những chi tiết này có thể thay đổi quan điểm của chúng ta về hành động của người chủ. Ông quyết định một cách yêu thương và không lạm quyền. Chúng ta có thể học được gì? Bài học là chỉ biết một vài thông tin có thể làm chúng ta đi đến kết luận sai lầm. Thật vậy, minh họa này nhấn mạnh rằng sự công bình của Đức Chúa Trời là cao cả, không chỉ dựa trên pháp lý và quan điểm của con người.

Cái nhìn của chúng ta có thể sai lệch hoặc hạn hẹp

15. Tại sao cái nhìn của chúng ta về sự công bình có thể sai lệch hoặc hạn hẹp?

15 Điều thứ hai nên nhớ là khi chúng ta đương đầu với hoàn cảnh có vẻ bất công thì cái nhìn của chúng ta có thể sai lệch hoặc hạn hẹp. Cái nhìn của chúng ta bị sai lệch vì sự bất toàn, thành kiến hoặc văn hóa. Ngoài ra, nó cũng hạn hẹp vì chúng ta không có khả năng biết được động lực và điều thật sự trong lòng người ta. Trái lại, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su không có những giới hạn đó.—Châm 24:12; Mat 9:4; Lu 5:22.

16, 17. Khi Đa-vít phạm tội với Bát-Sê-ba, tại sao Đức Giê-hô-va không áp dụng luật về tội ngoại tình?

16 Chúng ta hãy phân tích lời tường thuật về việc Đa-vít phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba (2 Sa 11:2-5). Theo Luật pháp Môi-se, họ đáng bị xử tử (Lê 20:10; Phục 22:22). Dù Đức Giê-hô-va đã phạt họ nhưng Ngài không thi hành luật của Ngài. Đức Giê-hô-va có bất công không? Ngài có thiên vị Đa-vít và vi phạm tiêu chuẩn công bình của ngài không? Một số người đọc Kinh Thánh đã từng cảm thấy như thế.

17 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va ban luật về tội ngoại tình cho những quan xét bất toàn, không đọc được lòng người ta. Dù họ bị giới hạn, luật này giúp họ có thể nhất quán trong các phán xét của mình. Ngược lại, Đức Giê-hô-va có thể đọc được lòng (Sáng 18:25; 1 Sử 29:17). Vì thế, chúng ta không nên nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng bị giới hạn trong điều luật mà Ngài ban cho những quan xét bất toàn. Áp đặt luật đó cho Đức Chúa Trời chẳng khác nào buộc một người có thị giác hoàn hảo đeo mắt kiếng được thiết kế cho người có thị giác yếu. Đức Giê-hô-va có thể đọc được lòng của Đa-vít và Bát-Sê-ba, cũng như thấy sự ăn năn chân thành của họ. Ngài đã suy xét yếu tố này, rồi phán xét họ một cách thương xót và yêu thương.

Tìm kiếm sự công bình của Đức Giê-hô-va

18, 19. Điều gì sẽ giúp chúng ta không bao giờ xét đoán Đức Giê-hô-va theo tiêu chuẩn công bình riêng?

18 Nếu đôi khi chúng ta thấy một điều dường như là Đức Giê-hô-va bất công—dù đọc trong lời tường thuật của Kinh Thánh hoặc cảm nghiệm trong đời sống—đừng bao giờ xét đoán Ngài theo tiêu chuẩn công bình riêng. Hãy nhớ là chúng ta không luôn biết mọi thông tin và cái nhìn của chúng ta có thể sai lệch hoặc hạn hẹp. Đừng bao giờ quên rằng “cơn giận của người ta không làm nên sự công-bình của Đức Chúa Trời” (Gia 1:19, 20). Khi làm thế, lòng chúng ta sẽ không bao giờ “oán Đức Giê-hô-va”.—Châm 19:3.

19 Như Chúa Giê-su, chúng ta hãy luôn nhận biết rằng chỉ Đức Giê-hô-va mới có quyền đặt tiêu chuẩn về điều thiện và công bình (Mác 10:17, 18). Hãy cố gắng có được “sự hiểu biết” và “thông-biết” về tiêu chuẩn của Ngài (Rô 10:2, Bản Dịch Mới; 2 Ti 3:7). Khi chấp nhận những điều này và thay đổi đời sống theo ý muốn Đức Giê-hô-va, chúng ta cho thấy mình đang trước hết tìm kiếm “sự công-bình của Ngài”.—Mat 6:33.

[Chú thích]

^ đ. 5 Theo một học giả, trong nguyên ngữ từ được dịch là “lập” có thể cũng mang nghĩa là “dựng một tượng kỷ niệm”. Vì thế, những người Do Thái ấy thật ra đang dựng một tượng kỷ niệm theo nghĩa tượng trưng để ca ngợi chính mình chứ không phải Đức Chúa Trời.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao tìm kiếm sự công bình của Đức Giê-hô-va là quan trọng?

• Chúng ta cần tránh hai mối nguy hiểm nào?

• Làm thế nào để trước hết tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 9]

Chúng ta rút ra bài học nào từ minh họa của Chúa Giê-su về hai người cầu nguyện tại đền thờ?

[Hình nơi trang 10]

Trả lương cho người làm công vào giờ thứ 11 bằng với người làm việc cả ngày có bất công không?