Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời biện hộ—Đức Giê-hô-va có quan điểm gì?

Lời biện hộ—Đức Giê-hô-va có quan điểm gì?

Lời biện hộ​—Đức Giê-hô-va có quan điểm gì?

Người nam nói: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi”. Người nữ trả lời: “Con rắn dỗ-dành tôi và tôi đã ăn rồi”. Tổ phụ đầu tiên của chúng ta, A-đam và Ê-va, đã nói những lời này với Đức Chúa Trời, đánh dấu sự khởi đầu lịch sử những lời biện hộ của nhân loại.—Sáng 3:12, 13.

Việc Đức Giê-hô-va phán xét A-đam và Ê-va vì họ cố ý bất tuân cho thấy rõ những lời biện hộ của họ không được Ngài chấp nhận (Sáng 3:16-19). Vậy, chúng ta có kết luận rằng tất cả các lời biện hộ đều không được Đức Giê-hô-va chấp nhận không? Hoặc Ngài có xem một số lời biện hộ là chính đáng không? Nếu có, làm thế nào chúng ta biết đâu là lời biện hộ chính đáng? Để trả lời, đầu tiên hãy xem định nghĩa của từ “biện hộ”.

Biện hộ là nêu lý lẽ để giải thích tại sao một điều được thực hiện, chưa được thực hiện hoặc sẽ không được thực hiện. Một lời biện hộ có thể là lời giải thích chính đáng cho một điều không thực hiện được và có thể là lời xin lỗi chân thành để làm cơ sở cho sự tha thứ. Tuy nhiên, như trong trường hợp của A-đam và Ê-va, một lời biện hộ cũng có thể là cái cớ, một lý do không chính đáng hầu che giấu sự thật. Vì thường có đặc tính này nên lời biện hộ nói chung bị người ta nghi ngờ.

Khi đưa ra lời biện hộ, đặc biệt nếu chúng có liên quan đến việc phụng sự Đức Chúa Trời, chúng ta phải cẩn thận tránh “lừa-dối mình” bằng những lý lẽ sai trái (Gia 1:22). Vì thế, chúng ta hãy xem một vài gương và nguyên tắc trong Kinh Thánh giúp chúng ta tiếp tục “xét điều chi vừa lòng Chúa”.—Ê-phê 5:10.

Điều Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm

Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta biết những mệnh lệnh rõ ràng mà dân Ngài cần làm theo. Chẳng hạn, nhiệm vụ Chúa Giê-su giao “đi dạy-dỗ muôn-dân” là một mệnh lệnh vẫn còn áp dụng cho các môn đồ chân chính của ngài (Mat 28:19, 20). Thật vậy, làm theo mệnh lệnh này quan trọng đến độ sứ đồ Phao-lô nói: “Không rao-truyền Tin-lành, thì khốn-khó cho tôi thay”.—1 Cô 9:16.

Tuy nhiên, một số người đã học Kinh Thánh với chúng ta một thời gian dài vẫn ngần ngại tham gia công việc rao truyền tin mừng về Nước Trời (Mat 24:14). Những người khác trước đây tham gia công việc rao giảng nay đã ngưng. Đôi khi họ đưa ra những lý do nào? Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào với những người lưỡng lự vâng theo mệnh lệnh của Ngài trong quá khứ?

Những lời biện hộ không được Đức Chúa Trời chấp nhận

“Việc này khó quá”. Đặc biệt đối với những người có bản tính nhút nhát, dường như tham gia công việc rao giảng là quá khó. Tuy nhiên, hãy xem chúng ta học được gì từ gương của Giô-na. Ông được giao một nhiệm vụ mà đối với ông là vô cùng khó khăn. Đức Giê-hô-va bảo ông công bố sự phán xét thành Ni-ni-ve. Không khó để thấy tại sao Giô-na quá sợ hãi trước nhiệm vụ đó. Ni-ni-ve là thủ đô của A-si-ri, và người A-si-ri nổi tiếng độc ác. Giô-na có lẽ nghĩ thầm: “Tôi sẽ ra sao khi ở giữa những người đó? Họ sẽ làm gì tôi?”. Không lâu sau, ông chạy trốn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không chấp nhận lời biện hộ của Giô-na. Một lần nữa, Ngài bổ nhiệm ông đến rao giảng cho dân thành Ni-ni-ve. Lần này, Giô-na can đảm thực hiện nhiệm vụ của mình, và Đức Giê-hô-va ban phước cho ông để có kết quả tốt.—Giô-na 1:1-3; 3:3, 4, 10.

Nếu bạn nghĩ rằng nhiệm vụ rao truyền tin mừng là quá khó, hãy nhớ “Đức Chúa Trời làm mọi sự được cả” (Mác 10:27). Bạn có thể tin chắc là Đức Giê-hô-va sẽ thêm sức cho bạn khi tiếp tục cầu xin Ngài giúp đỡ, và Ngài sẽ ban phước khi bạn thu hết can đảm để thi hành thánh chức.—Lu 11:9-13.

“Tôi không có ước muốn”. Nếu không có ước muốn để thi hành thánh chức, bạn có thể làm gì? Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va có thể tác động đến bạn và ước muốn của bạn. Phao-lô nói: “Chính Đức Chúa Trời cảm-động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13). Do đó, bạn có thể cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn muốn thực hiện ý muốn Ngài. Vua Đa-vít đã làm thế khi ông cầu xin Đức Giê-hô-va: “Xin hãy dẫn tôi trong lẽ thật của Ngài” (Thi 25:4, 5). Bạn cũng có thể làm vậy qua việc hết lòng cầu xin Đức Giê-hô-va thúc đẩy bạn muốn làm điều đẹp lòng Ngài.

Đành rằng khi mệt mỏi hoặc nản lòng, chúng ta có thể đôi khi buộc mình tham dự buổi họp ở Phòng Nước Trời hoặc tham gia thánh chức. Nếu vậy, chúng ta có nên kết luận rằng mình không thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va không? Hoàn toàn không. Các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời trong quá khứ cũng phải cố gắng để làm theo ý Ngài. Chẳng hạn, Phao-lô nói ông ‘đãi thân-thể cách nghiêm-khắc’ để vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời (1 Cô 9:26, 27). Vậy, khi phải ép mình thi hành thánh chức, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước. Tại sao? Chúng ta làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va vì một lý do chính đáng: tình yêu thương đối với Ngài. Khi làm thế, chúng ta đáp lại nghi vấn của Sa-tan, đó là tôi tớ Đức Chúa Trời sẽ từ bỏ Ngài nếu bị thử thách.—Gióp 2:4.

“Tôi bận quá”. Nếu không tham gia vào thánh chức vì bạn cảm thấy quá bận rộn, thì điều quan trọng là bạn nên xem lại những điều ưu tiên. Chúa Giê-su nói: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời” (Mat 6:33). Để làm theo nguyên tắc chỉ đạo này, bạn có lẽ cần đơn giản hóa đời sống hoặc giảm bớt thời gian giải trí để làm thánh chức. Dĩ nhiên, giải trí và những mục tiêu cá nhân khác cũng quan trọng nhưng không là lý do chính đáng để biện hộ cho việc lơ là trong thánh chức. Một tôi tớ của Đức Chúa Trời luôn đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng ưu tiên trong đời sống.

“Tôi không có đủ khả năng”. Có lẽ bạn cảm thấy không đủ khả năng để trở thành người truyền giáo tin mừng. Một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va vào thời Kinh Thánh cảm thấy họ không thể thực thi những trách nhiệm Đức Giê-hô-va giao. Hãy xem trường hợp của Môi-se. Khi nhận được nhiệm vụ rõ ràng từ Đức Giê-hô-va, Môi-se nói: “Ôi! lạy Chúa, từ hôm qua, hôm kia, hay là từ lúc Chúa phán dạy kẻ tôi-tớ Chúa, tôi vẫn chẳng phải một tay nói giỏi, vì miệng và lưỡi tôi hay ngập-ngừng”. Dù Đức Giê-hô-va đã trấn an ông nhưng Môi-se trả lời: “Ôi! lạy Chúa, Chúa muốn sai ai đi, thì sai” (Xuất 4:10-13). Đức Giê-hô-va đã phản ứng thế nào?

Đức Giê-hô-va không miễn cho Môi-se nhiệm vụ ấy. Tuy nhiên, Ngài đã bổ nhiệm A-rôn để giúp Môi-se thực thi công việc (Xuất 4:14-17). Hơn nữa, trong những năm về sau, Đức Giê-hô-va đứng bên cạnh Môi-se và cung cấp cho ông điều cần thiết để hoàn thành những nhiệm vụ Ngài giao. Ngày nay, bạn có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ thúc đẩy các anh chị có kinh nghiệm giúp bạn thi hành thánh chức. Trên hết, Lời Đức Chúa Trời bảo đảm rằng Ngài sẽ giúp chúng ta có đủ khả năng để làm công việc Ngài phán dặn.​—2 Cô 3:5; xem khung  “Những năm tháng hạnh phúc nhất đời tôi”.

“Tôi bị tổn thương”. Một số người ngưng tham gia thánh chức hoặc nhóm họp vì cảm thấy bị tổn thương, và lý luận rằng Đức Giê-hô-va chắc chắn chấp nhận lý do họ ngưng hoạt động về thiêng liêng. Điều dễ hiểu là chúng ta buồn khi có người làm mình tổn thương nhưng đó có phải là lý do chính đáng để ngưng tham gia các hoạt động của tín đồ Đấng Christ không? Phao-lô và người anh em đồng đạo là Ba-na-ba có lẽ bị tổn thương sau khi bất đồng với nhau, dẫn đến việc “cãi-lẫy nhau dữ-dội” (Công 15:39). Nhưng có ai trong họ ngưng thánh chức vì chuyện đó không? Dĩ nhiên không!

Tương tự, khi một anh em làm chúng ta tổn thương, hãy nhớ rằng kẻ thù của bạn không phải người anh em bất toàn nhưng là Sa-tan, kẻ muốn nuốt chửng bạn. Dù vậy, Ma-quỉ sẽ không thành công nếu bạn “đứng vững trong đức-tin mà chống-cự nó” (1 Phi 5:8, 9; Ga 5:15). Nếu có đức tin như thế, chắc chắn bạn “sẽ không thất vọng”.—Rô 9:33, Bản Diễn Ý.

Nếu bị giới hạn, chúng ta nên làm gì?

Từ những gương về việc biện hộ, chúng ta thấy rõ không có lý do chính đáng nào trong Kinh Thánh để không thực thi mệnh lệnh cụ thể của Đức Giê-hô-va, trong đó có nhiệm vụ rao truyền tin mừng. Tuy nhiên, chúng ta có thể có lý do chính đáng nếu bị giới hạn trong việc thi hành thánh chức. Những bổn phận khác theo Kinh Thánh có thể lấy mất thời gian của chúng ta cho công việc rao giảng. Ngoài ra, thỉnh thoảng chúng ta có thể quá mệt hoặc bệnh nặng nên không làm thánh chức nhiều như chúng ta muốn. Nhưng Lời Đức Chúa Trời trấn an chúng ta rằng Ngài biết ước muốn và giới hạn của chúng ta.—Thi 103:14; 2 Cô 8:12.

Vì thế, chúng ta cần cẩn thận, không hấp tấp đoán xét chính mình và người khác trong những vấn đề này. Sứ đồ Phao-lô viết: “Ngươi là ai mà dám xét-đoán tôi-tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó” (Rô 14:4). Thay vì so sánh tình trạng của mình với người khác, chúng ta nên nhớ rằng “mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Rô 14:12; Ga 6:4, 5). Khi đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và trình bày những lý do của mình với Ngài, chúng ta hãy làm thế với một “lương-tâm tốt”.—Hê 13:18.

Tại sao phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại niềm vui?

Dù hoàn cảnh thế nào đi nữa, tất cả chúng ta có thể phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng vui mừng vì những đòi hỏi của Ngài luôn hợp lý và có thể thực hiện được. Tại sao chúng ta có thể nói thế?

Lời Đức Chúa Trời nói: “Chớ từ-chối làm lành cho kẻ nào xứng-đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy” (Châm 3:27). Bạn thấy câu châm ngôn này nói gì về đòi hỏi của Đức Chúa Trời? Đức Giê-hô-va không ra lệnh chúng ta phải nỗ lực hết sức để bằng anh chị khác nhưng muốn chúng ta phụng sự Ngài trong ‘quyền của tay’ tức khả năng của mình. Thật vậy, mỗi người trong chúng ta—dù có khả năng nhiều hay ít đến đâu—đều có thể hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va.—Lu 10:27; Cô 3:23.

[Khung/​Hình nơi trang 14]

 “Những năm tháng hạnh phúc nhất đời tôi”

Dù có những giới hạn nghiêm trọng về thể chất hay tình cảm, chúng ta không nên vội vàng kết luận rằng những điều này sẽ ngăn cản chúng ta hết lòng tham gia thánh chức. Hãy xem điều gì đã xảy ra cho anh Ernest, một tín đồ Đấng Christ ở Canada.

Anh Ernest nói năng không trôi chảy và rất nhút nhát. Sau khi bị chấn thương nặng ở lưng, anh phải nghỉ làm công nhân xây dựng. Dù tàn tật, hoàn cảnh mới cho phép anh có thêm thời gian trong thánh chức. Tại các buổi họp, các bài khuyến khích làm tiên phong phụ trợ đã động đến lòng anh. Tuy vậy, anh cảm thấy mình không đủ khả năng để làm công việc này.

Để chứng tỏ tiên phong phụ trợ là ngoài khả năng của mình, anh nộp đơn xin làm trong một tháng. Anh rất ngạc nhiên khi mình có thể hoàn thành công việc. Rồi anh tự nhủ: “Chắc chắn mình sẽ không bao giờ làm lại được lần nữa”. Để chứng tỏ điều này, anh nộp đơn làm tiên phong cho tháng thứ nhì, và một lần nữa, anh đã thành công.

Anh Ernest đã làm tiên phong phụ trợ một năm, nhưng anh nói: “Tôi biết chắc là tôi không bao giờ có thể làm tiên phong đều đều”. Một lần nữa để chứng minh điều này, anh nộp đơn làm tiên phong đều đều. Anh rất ngạc nhiên khi có thể hoàn thành năm đầu tiên làm tiên phong. Anh quyết định tiếp tục công việc ấy và được ân phước là có niềm vui trong việc phụng sự với tư cách là tiên phong đều đều trong hai năm, cho đến khi anh qua đời vì biến chứng của chấn thương. Tuy nhiên, trước khi qua đời, anh thường nói trong nước mắt với những người đến thăm: “Những năm làm tiên phong phụng sự Đức Giê-hô-va là những năm tháng hạnh phúc nhất đời tôi”.

[Hình nơi trang 13]

Chúng ta có thể vượt qua bất cứ rào cản nào ngăn trở việc thi hành thánh chức

[Hình nơi trang 15]

Đức Giê-hô-va vui lòng khi chúng ta hết lòng phụng sự Ngài bằng cách làm những gì có thể trong hoàn cảnh cho phép