Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Luôn bận rộn trong tổ chức của Đức Giê-hô-va

Luôn bận rộn trong tổ chức của Đức Giê-hô-va

Luôn bận rộn trong tổ chức của Đức Giê-hô-va

Do Vernon Zubko kể lại

Tôi lớn lên trong một nông trại gần Stenen, một làng của tỉnh Saskatchewan, Canada. Cha mẹ tôi là Fred và Adella, làm việc vất vả để cung cấp vật chất lẫn thiêng liêng cho chị em tôi, gồm chị Aurellia, tôi và các em Alvin, Allegra và Daryl. Đến ngày nay, chúng tôi vẫn rất biết ơn cha mẹ đã dạy chúng tôi lẽ thật.

Cha tôi, một tín đồ Đấng Christ được xức dầu, là người truyền giáo dạn dĩ. Cha siêng năng làm việc để kiếm sống, nhưng cũng cho mọi người thấy ông là một Nhân Chứng. Ông luôn nói về lẽ thật. Lòng sốt sắng và can đảm của ông đã để lại ấn tượng khó phai nơi tôi. Ông thường nói với tôi: “Hãy luôn bận rộn trong tổ chức Đức Giê-hô-va, và con sẽ tránh được nhiều vấn đề”.

Chúng tôi thường xuyên rao giảng trên đường phố ở Stenen và các cộng đồng lân cận. Đối với tôi, điều này không phải lúc nào cũng dễ. Mỗi thị trấn đều có những kẻ bắt nạt, thường đến chỗ những người trẻ chúng tôi để chế nhạo. Năm lên tám, một lần nọ, khi tôi đang đứng ở góc đường cầm tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! thì một nhóm thiếu niên bao vây tôi. Chúng giật chiếc mũ mới khỏi đầu tôi và móc lên cái cột bên cạnh đó. Thật tốt thay, một anh lớn tuổi hơn đang trông chừng tôi thấy điều đã xảy ra. Anh đi đến và hỏi: “Này Vern, có chuyện gì không?”. Nhóm thiếu niên ấy liền bỏ chạy. Dù chuyện đó làm tôi khó chịu, nhưng dạy tôi rằng khi làm chứng trên đường phố, một người phải di chuyển và không đứng như cây cột. Sự huấn luyện trong những năm ấy cho tôi đủ can đảm để rao giảng từng nhà.

Alvin và tôi làm báp-têm vào tháng 5 năm 1951, khi tôi được 13 tuổi. Tôi vẫn nhớ anh Jack Nathan, người làm bài diễn văn báp-têm, đã khuyến khích chúng tôi đừng bao giờ để một tháng trôi qua mà không nói về Đức Giê-hô-va. Trong gia đình chúng tôi, thánh chức tiên phong luôn được xem là sự nghiệp tốt nhất để theo đuổi. Vì thế, năm 1958, sau khi học xong, tôi dọn đến Winnipeg, Manitoba, để làm tiên phong. Dù cha tôi muốn tôi tham gia công việc kinh doanh của gia đình là nghề mộc, cha mẹ luôn khuyến khích tôi tham gia thánh chức trọn thời gian và ủng hộ việc tôi dọn đến Winnipeg.

Nơi ở và bạn đồng hành mới

Vào năm 1959, chi nhánh mời tất cả anh chị có điều kiện chuyển đến Quebec, nơi có nhu cầu lớn cần người rao giảng. Tôi đã đến Montreal làm tiên phong. Thật là một sự thay đổi lớn! Cuộc đời tôi mở sang trang khác khi tôi học tiếng Pháp và thích nghi với văn hóa mới. Anh giám thị vòng quanh bảo tôi: “Đừng bao giờ nói: “Ở quê tôi thường làm vậy””. Đó là lời khuyên khôn ngoan.—1 Cô 9:22, 23.

Tôi không có bạn cùng làm tiên phong khi chuyển đến Quebec. Tuy nhiên, một chị trẻ là Shirley Turcotte, người tôi đã gặp trước đây ở Winnipeg, đã trở thành người bạn đồng hành lâu dài của tôi khi chúng tôi kết hôn vào tháng 2 năm 1961. Shirley cũng lớn lên trong một gia đình yêu mến Đức Giê-hô-va. Lúc ấy, tôi không nghĩ rằng Shirley sẽ trở thành nguồn sức mạnh và khích lệ quý báu đến thế cho tôi trong những năm sau này.

Chuyến rao giảng ở Gaspé

Hai năm sau đám cưới, chúng tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt ở Rimouski, Quebec. Mùa xuân năm sau, chi nhánh đề nghị chúng tôi đi một chuyến rao giảng khắp bán đảo Gaspé, dọc ven biển phía đông Canada. Nhiệm vụ của chúng tôi là gieo hạt giống lẽ thật càng nhiều càng tốt (Truyền 11:6). Chúng tôi chất lên xe hơn 1.000 tạp chí và gần 400 cuốn sách cùng với thực phẩm, quần áo, rồi bắt đầu chuyến rao giảng kéo dài một tháng. Chúng tôi theo thứ tự rao giảng cho tất cả các làng nhỏ tại Gaspé. Đài phát thanh địa phương cảnh báo người dân rằng Nhân Chứng đang đến và bảo họ không được nhận ấn phẩm của chúng tôi. Tuy nhiên, hầu hết người dân lại hiểu lầm và nghĩ rằng thông báo ấy quảng cáo cho các ấn phẩm của chúng tôi nên họ đồng ý nhận.

Trong những năm ấy, một số vùng ở Quebec mới bắt đầu được tự do rao giảng, và bị cảnh sát chặn lại là chuyện bình thường. Chúng tôi đã gặp vấn đề này ở một thành phố, nơi chúng tôi phát hành ấn phẩm tại hầu hết các hộ dân. Một viên cảnh sát đề nghị chúng tôi đi với ông về đồn, và chúng tôi làm theo. Sau đó, tôi phát hiện ra là luật sư của thành phố đã đưa lệnh không cho phép chúng tôi rao giảng. Vì viên cảnh sát trưởng đi vắng hôm ấy, tôi đưa cho luật sư lá thư từ chi nhánh ở Toronto, trình bày chi tiết về quyền chúng tôi được rao giảng. Sau khi đọc lá thư, luật sư liền nói: “Tôi không muốn rắc rối. Thật ra linh mục của giáo xứ đã bảo tôi ngăn các anh lại”. Vì muốn mọi người trong khu vực biết công việc chúng tôi là hợp pháp nên lập tức chúng tôi trở về nơi có vấn đề với cảnh sát và tiếp tục rao giảng.

Sáng hôm sau, khi chúng tôi trở lại gặp cảnh sát trưởng, ông rất bực mình khi nghe chúng tôi bị cảnh sát chặn lại. Giá mà bạn nghe được cuộc nói chuyện của ông với luật sư! Cảnh sát trưởng bảo chúng tôi rằng nếu có bất kỳ vấn đề gì, chúng tôi nên gọi trực tiếp cho ông và ông sẽ giải quyết. Dù là người lạ và không nói giỏi tiếng Pháp, chúng tôi nhận thấy người dân ở đây tử tế và hiếu khách. Nhưng chúng tôi thầm nghĩ: “Có bao giờ họ sẽ biết lẽ thật không?”. Nhiều năm sau, khi trở lại để xây dựng Phòng Nước Trời ở khắp Gaspé, chúng tôi đã biết câu trả lời, và nhận thấy rất nhiều người chúng tôi từng rao giảng giờ đây đã trở thành anh em. Thật vậy, Đức Giê-hô-va là Đấng làm cho lớn lên.—1 Cô 3:6, 7.

Nhận được một phần thưởng

Con gái chúng tôi là Lisa ra đời vào năm 1970. Phần thưởng này từ Đức Giê-hô-va mang lại thêm nhiều niềm vui trong đời sống. Vợ và con gái cùng tôi làm việc trong nhiều dự án xây cất Phòng Nước Trời. Sau khi học xong, Lisa nói: “Thưa ba mẹ, vì con mà ba mẹ phải tạm ngưng phụng sự trọn thời gian nên con sẽ cố gắng bù lại bằng cách làm tiên phong”. Hơn 20 năm sau, Lisa vẫn phụng sự với tư cách là tiên phong, nhưng giờ đây với chồng là Sylvain. Hai cháu có đặc ân làm việc trong một số dự án xây cất quốc tế. Cả gia đình chúng tôi có mục tiêu là giữ đời sống đơn giản và luôn sẵn sàng phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi không bao giờ quên lời Lisa nói khi cháu bắt đầu làm tiên phong. Thật ra, cháu đã thúc đẩy tôi trở lại với thánh chức trọn thời gian vào năm 2001 và kể từ đó tôi tiếp tục làm tiên phong. Công việc này luôn dạy tôi tin cậy nơi Đức Giê-hô-va trong mọi điều mình làm, sống đơn giản nhưng thỏa nguyện và hạnh phúc.

Dự án xây dựng đòi hỏi tình yêu thương và lòng trung thành

Đức Giê-hô-va dạy tôi rằng nếu chúng ta sẵn sàng và nhận bất cứ việc nào được giao thì nhiều ân phước sẽ đến với chúng ta. Phục vụ trong Ủy ban xây cất vùng và làm việc trong các dự án xây cất cùng với các anh chị khắp Quebec và những nơi khác là một đặc ân quý giá.

Dù một số anh chị có lẽ không làm bài giảng xuất sắc trên bục nhưng ở các công trình xây cất Phòng Nước Trời, họ làm việc rất tuyệt vời. Những anh chị yêu dấu này để hết lòng vào công việc, và tài năng họ thể hiện rất rõ. Do đó, luôn luôn có những phòng họp đẹp dành cho việc thờ phượng Đức Giê-hô-va.

Có người đã hỏi tôi: “Những đức tính nào là quan trọng nhất đối với người tình nguyện trong công trình xây cất Phòng Nước Trời?”. Theo kinh nghiệm của tôi, một người trước hết phải yêu thương Đức Giê-hô-va và Con Ngài cũng như đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ (1 Cô 16:14). Kế đến, cần có lòng trung thành. Khi sự việc không theo ý chúng ta muốn—và đó là điều sẽ xảy ra—một người trung thành vẫn tiếp tục ủng hộ các sắp đặt thần quyền. Vì trung thành, người đó sẵn sàng tình nguyện cho những dự án trong tương lai.

Biết ơn Đức Giê-hô-va

Dù cha tôi đã qua đời năm 1985, lời ông khuyên là luôn bận rộn trong tổ chức Đức Giê-hô-va vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi. Chắc hẳn cha đang bận rộn như những người đã nhận công việc trong tổ chức của Đức Giê-hô-va trên trời (Khải 14:13). Mẹ tôi năm nay đã 97 tuổi. Vì một cơn đột quỵ, bà không thể nói trôi chảy như trước nhưng vẫn nhớ Kinh Thánh. Bà trích các câu Kinh Thánh trong thư gửi chúng tôi và khuyến khích chúng tôi tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Tất cả chúng tôi biết ơn xiết bao khi có bậc cha mẹ yêu thương như thế!

Tôi cũng cám ơn Đức Giê-hô-va về Shirley, người vợ và người bạn chung thủy. Shirley luôn ghi nhớ lời khuyên mà mẹ cô đã nói: “Vern sẽ rất bận rộn trong lẽ thật, và con phải tập làm quen với việc để anh dành thời gian cho người khác”. Khi kết hôn cách đây 49 năm, chúng tôi quyết tâm sống với nhau đến già, cùng phụng sự Đức Giê-hô-va, và nếu cả hai còn sống qua sự cuối cùng của hệ thống này, chúng tôi cùng trẻ lại, tiếp tục phụng sự Ngài mãi mãi. Thật vậy, chúng tôi đã làm “công-việc Chúa cách dư-dật” (1 Cô 15:58). Về phần Đức Giê-hô-va, Ngài đã thật sự quan tâm chăm sóc chúng tôi và bảo đảm rằng chúng tôi không bao giờ thiếu điều tốt nào.

[Hình nơi trang 31]

“Cả gia đình chúng tôi có mục tiêu là giữ đời sống đơn giản và luôn sẵn sàng phụng sự Đức Giê-hô-va”