Đức Giê-hô-va nghe tiếng kêu cầu của người có lòng đau đớn
Đức Giê-hô-va nghe tiếng kêu cầu của người có lòng đau đớn
Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn của dân Y-sơ-ra-ên xưa nhận xét: “Thời thế và sự bất trắc xảy ra cho [chúng ta]” (Truyền 9:11, NW). Một bi kịch hoặc một nghịch cảnh đau lòng có thể hoàn toàn đảo lộn cuộc sống chúng ta. Chẳng hạn, một người thân yêu đột ngột qua đời có thể khiến chúng ta vô cùng đau khổ. Trong nhiều tuần và nhiều tháng, cảm giác đau khổ và tuyệt vọng dường như quá lớn. Một người có thể hoang mang đến nỗi cảm thấy mình không xứng đáng đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện.
Trong trường hợp đó, một người cần được khích lệ, quan tâm và yêu thương. Thật yên lòng khi người viết Thi-thiên là Đa-vít hát: “Đức Giê-hô-va nâng-đỡ mọi người sa-ngã, và sửa ngay lại mọi người cong-khom” (Thi 145:14). Kinh Thánh nói với chúng ta rằng “con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (2 Sử 16:9). Ngài ở “với người có lòng ăn-năn đau-đớn và khiêm-nhường, đặng làm tươi-tỉnh thần-linh của những kẻ khiêm-nhường, và làm tươi-tỉnh lòng người ăn-năn đau-đớn” (Ê-sai 57:15). Đức Giê-hô-va nâng đỡ và an ủi người có lòng đau đớn như thế nào?
“Lời nói phải thì”
Một trong những cách Đức Giê-hô-va cung cấp sự giúp đỡ đúng lúc là qua đoàn thể anh em. Tín đồ Đấng Christ được khuyến khích “yên-ủi những kẻ ngã lòng” (1 Tê 5:14). Những lời đầy quan tâm và yêu thương của một anh em đồng đạo có lòng thấu cảm có thể giúp củng cố một người trong giai đoạn đau buồn. Dù trong cuộc nói chuyện ngắn, những lời an ủi có tác dụng rất lớn để nâng đỡ tinh thần của người đang nản lòng. Những lời an ủi đầy quan tâm như thế có thể đến từ những người từng trải qua nỗi đau về thể chất và tinh thần. Hoặc những lời nhận xét sâu sắc có thể đến từ một người bạn giàu kinh nghiệm sống. Qua những cách ấy, Đức Giê-hô-va nâng đỡ tinh thần của người có lòng đau đớn.
Hãy xem trường hợp của một trưởng lão mới kết hôn là anh Alex. Anh đột ngột mất vợ vì chị bị bệnh nan y. Một giám thị lưu động đồng cảm với anh và đã chia sẻ những lời an ủi. Anh giám thị này cũng có vợ qua đời và sau đó đã tái hôn. Anh cho biết lúc ấy anh chìm ngập trong những cảm xúc dễ tổn thương. Anh cảm thấy ổn khi cùng các anh chị đi rao giảng và tham gia nhóm họp. Tuy nhiên, khi anh về phòng và đóng cửa lại, anh cảm thấy rất cô đơn. Anh Alex nói: Châm 15:23.
“Thật an ủi khi biết rằng cảm xúc của tôi là bình thường và người khác cũng từng cảm thấy như thế”. Thật vậy, “lời nói phải thì” quả an ủi và nâng đỡ một người trong giai đoạn đau buồn.—Một trưởng lão khác, từng quen biết nhiều người mất người hôn phối, cũng đã an ủi anh Alex. Đồng cảm với Alex, anh ân cần nói rằng Đức Giê-hô-va biết chúng ta cảm thấy như thế nào và cần điều gì. Alex nói: “Nếu qua năm tháng, bạn cảm thấy mình cần một người bạn đời thì có thể tái hôn vì đó là sắp đặt yêu thương của Đức Giê-hô-va”. Dĩ nhiên, không phải tất cả những ai mất người hôn phối và về sau muốn tái hôn đều có thể kết hôn lần nữa. Nhưng nghĩ đến lời của anh trưởng lão ấy, anh Alex nói: “Khi được nhắc nhở đây là sự cung cấp của Đức Giê-hô-va, bạn sẽ thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, chẳng hạn việc tái hôn cho thấy bạn không trung thành với người hôn phối hoặc với sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về hôn nhân”.—1 Cô 7:8, 9, 39.
Một người viết sách Thi-thiên là Đa-vít, từng cảm nghiệm nhiều khó khăn và gian nan, đã công nhận: “Mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu-cầu của họ” (Thi 34:15). Chắc chắn Đức Giê-hô-va đáp lại đúng lúc lời kêu cầu của người có lòng đau thương qua những lời nói sâu sắc và sáng suốt của các anh chị thành thục, cảm thông. Đây là sự cung cấp thực tiễn và quý báu.
Sự giúp đỡ qua các buổi nhóm họp
Một người nản lòng thường dễ có suy nghĩ tiêu cực khiến người đó tự cô lập mình. Tuy nhiên, Châm-ngôn 18:1 cảnh báo: “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích; nó cãi-cọ với những sự khôn-ngoan thật”. Anh Alex thừa nhận: “Khi người hôn phối qua đời, tâm trí bạn đầy những ý nghĩ tiêu cực”. Anh nhớ lại đã tự hỏi mình: “Lẽ ra tôi đã có thể làm gì khác không? Tôi có thể thông cảm và quan tâm nhiều hơn đến vợ mình không? Tôi không thể hình dung là tôi sống một mình. Rất khó để thoát khỏi lối suy nghĩ đó vì mỗi ngày bạn biết bạn chỉ có một mình”.
Hơn bao giờ hết, người có lòng đau thương cần có sự kết hợp lành mạnh. Đây là điều luôn có tại các buổi nhóm họp. Trong môi trường ấy, chúng ta tiếp nhận những quan điểm tích cực và xây dựng của Đức Chúa Trời.
Các buổi nhóm họp giúp chúng ta có cái nhìn thăng bằng về hoàn cảnh của mình. Khi lắng nghe và suy ngẫm các đoạn Kinh Thánh, chúng ta tập trung tâm trí vào hai vấn đề quan trọng nhất—biện minh cho quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và làm thánh danh Ngài—chứ không chỉ nỗi đau của riêng mình. Hơn nữa, khi được dạy dỗ về Đức Giê-hô-va tại các buổi nhóm, chúng ta được vững mạnh khi biết rằng ngay cả nếu người khác không biết nỗi đau đớn hoặc cảm giác của chúng ta, chắc chắn Đức Giê-hô-va hiểu. Ngài biết “tại lòng buồn-bã trí bèn bị nao-sờn” (Châm 15:13). Đức Chúa Trời muốn giúp chúng ta, và điều này cho chúng ta động lực và sức mạnh để tiếp tục tiến tới.—Thi 27:14.
Dưới áp lực nặng nề của kẻ thù, vua Đa-vít đã kêu cầu Đức Chúa Trời: “Thần-linh tôi nao-sờn, tấm lòng sầu-não trong mình tôi” (Thi 143:4). Nghịch cảnh thường khiến một người kiệt sức về thể chất và tình cảm, thậm chí làm lòng bị “sầu-não” hay tê tái. Sự đau khổ có thể xảy ra vì một căn bệnh hoặc bệnh mãn tính. Nhưng chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta chịu đựng (Thi 41:1-3). Dù ngày nay Đức Chúa Trời không làm phép lạ để chữa bệnh cho người ta, nhưng Ngài ban cho người đang gặp khó khăn sự khôn ngoan và nghị lực cần thiết để chịu đựng. Hãy nhớ rằng khi lòng trĩu nặng vì nghịch cảnh, Đa-vít đã hướng đến Đức Giê-hô-va. Ông hát: “Tôi nhớ lại các ngày xưa, tưởng đến mọi việc Chúa đã làm, và suy-gẫm công-việc của tay Chúa”.—Thi 143:5.
Những lời soi dẫn này được ghi lại trong Lời Đức Chúa Trời cho thấy Ngài hiểu cảm giác của chúng ta. Những lời này là sự bảo đảm rằng Ngài lắng nghe lời nài xin của chúng ta. Nếu chúng ta nhận sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, ‘Ngài sẽ nâng-đỡ chúng ta’.—Thi 55:22.
“Cầu-nguyện không thôi”
Gia-cơ 4:8 nói: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. Một cách để đến gần Đức Chúa Trời là qua lời cầu nguyện. Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta “cầu-nguyện không thôi” (1 Tê 5:17). Thậm chí, nếu chúng ta khó nói lên cảm xúc của mình, ‘chính Thánh-Linh lấy sự thở-than không thể nói ra được mà cầu-khẩn thay cho chúng ta’ (Rô 8:26, 27). Chắc chắn, Đức Giê-hô-va hiểu chúng ta cảm thấy thế nào.
Chị Monika đã có mối quan hệ mật thiết như thế với Đức Giê-hô-va. Chị nói: “Qua lời cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và học hỏi cá nhân, tôi dần cảm nhận Đức Giê-hô-va đã trở thành người bạn thân thiết nhất. Ngài có thật với tôi đến nỗi tôi luôn thấy bàn tay chăm sóc của Ngài trong đời sống. Thật an ủi khi biết rằng ngay cả vào những lúc tôi không thể nói lên cảm xúc, Đức Giê-hô-va hiểu tôi. Tôi biết lòng nhân từ và ân phước của Ngài là vô biên”.
Vậy, chúng ta hãy lắng nghe những lời yêu thương và an ủi từ anh em đồng đạo, áp dụng những lời khuyên nhân từ và lời nhắc nhở củng cố đức tin tại các buổi nhóm họp và trải lòng mình với Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện. Tất cả những điều này là cách Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài chăm sóc chúng ta. Anh Alex đã rút ra từ kinh nghiệm của mình: “Nếu chúng ta làm phần mình và tận dụng những điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời cung cấp để gìn giữ mối quan hệ mật thiết với Ngài, chúng ta sẽ có “quyền-phép lớn” để chịu đựng bất kỳ nghịch cảnh nào mình gặp phải”.—2 Cô 4:7.
[Khung/Hình nơi trang 18]
Niềm an ủi cho người có lòng đau đớn
Các bài Thi-thiên chứa đựng rất nhiều lời miêu tả cảm xúc của con người, cũng như nhiều lời bảo đảm là Đức Giê-hô-va lắng nghe tiếng kêu cầu của người có lòng đau đớn đang trong tâm trạng căng thẳng. Hãy xem những đoạn thơ sau đây:
“Trong cơn gian-truân tôi cầu-khẩn Đức Giê-hô-va, tôi kêu-cầu Đức Chúa Trời tôi: Tại đền Ngài, Ngài nghe tiếng tôi, và tiếng kêu-cầu của tôi thấu đến tai Ngài”.—Thi 18:6.
“Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”.—Thi 34:18.
“[Đức Giê-hô-va] chữa lành người có lòng đau-thương, và bó vít của họ”.—Thi 147:3.
[Hình nơi trang 17]
“Lời nói phải thì” có thể an ủi biết bao trong những lúc đau buồn!