Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi bạn trẻ—Bạn dự tính gì cho đời mình?

Hỡi bạn trẻ—Bạn dự tính gì cho đời mình?

Hỡi bạn trẻ—Bạn dự tính gì cho đời mình?

“Tôi chạy, chẳng phải là chạy bá-vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió”.—1 CÔ 9:26.

1, 2. Để thành công khi đang đến tuổi trưởng thành, bạn cần điều gì?

Nếu một khách bộ hành sắp đi một đường lạ, có lẽ người đó muốn mang theo bản đồ và la bàn. Bản đồ sẽ giúp người đó biết vị trí hiện tại của mình và đường nào là đúng. Còn la bàn sẽ giúp tiếp tục đi đúng hướng. Tuy nhiên, cả bản đồ và la bàn sẽ không hữu ích nếu người đó không biết mình muốn đi đâu. Để tránh đi lang thang, người đó cần biết chính xác nơi mình sẽ đến.

2 Bạn gặp hoàn cảnh tương tự khi đang đến tuổi trưởng thành. Bạn có trong tay một bản đồ và một la bàn đáng tin cậy. Kinh Thánh là bản đồ có thể giúp bạn biết con đường nào mình phải chọn (Châm 3:5, 6). Nếu được rèn luyện đúng đắn, lương tâm bạn có thể giúp ích rất nhiều để bạn tiếp tục đi trên con đường đúng (Rô 2:15). Lương tâm giống như la bàn. Tuy nhiên, để thành công trong đời sống, bạn cần biết mình sẽ đi đâu. Bạn cần xác định rõ ràng mục tiêu của mình.

3. Nơi 1 Cô-rinh-tô 9:26, Phao-lô nói đến những lợi ích nào của việc đặt mục tiêu?

3 Sứ đồ Phao-lô kết luận những lợi ích của việc đặt mục tiêu và cố gắng vươn đến các mục tiêu đó khi viết: “Tôi chạy, chẳng phải là chạy bá-vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió” (1 Cô-rinh-tô 9:26). Nếu có mục đích, bạn sẽ chạy cách tự tin. Chẳng bao lâu nữa, bạn sẽ phải quyết định những điều quan trọng liên quan đến sự thờ phượng, việc làm, hôn nhân, gia đình, v.v.. Đôi khi bạn có lẽ cảm thấy bối rối khi đứng trước nhiều lựa chọn. Nhưng nếu định trước con đường mình sẽ đi, quyết định dựa trên lẽ thật và những nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời, bạn sẽ tránh đi theo đường lối sai lầm.—2 Ti 4:4, 5.

4, 5. (a) Nếu không đặt mục tiêu cho mình, chuyện gì có thể xảy ra? (b) Tại sao nên để ước muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời tác động đến lựa chọn của bạn?

4 Nếu bạn không đặt mục tiêu cho mình, bạn bè và thầy cô rất có thể sẽ tác động, khiến bạn làm điều mà họ nghĩ là đúng. Dĩ nhiên, ngay cả khi bạn có mục tiêu cụ thể, một số người có lẽ vẫn nêu lên quan điểm của họ. Khi nghe những đề nghị ấy, hãy tự hỏi: “Những mục tiêu mà họ nói đến có giúp tôi tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa khi còn trẻ, hay khiến tôi bị phân tâm?”.—Đọc Truyền-đạo 12:1.

5 Tại sao nên để ước muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời tác động đến lựa chọn của bạn trong đời sống? Một lý do là mọi điều tốt đẹp mà mình có đều là sự ban cho của Đức Giê-hô-va (Gia 1:17). Thật vậy, mỗi người nên biết ơn Đức Giê-hô-va (Khải 4:11). Để thể hiện lòng biết ơn, còn cách nào tốt hơn là nhớ đến Đức Giê-hô-va khi đặt mục tiêu cho mình? Chúng ta hãy xem những mục tiêu nào đáng theo đuổi và bạn phải làm gì để vươn đến những mục tiêu đó.

Bạn có thể đặt mục tiêu gì?

6. Bạn có thể đặt mục tiêu cơ bản nào, và tại sao?

6 Như được đề cập trong bài trước, mục tiêu cơ bản mà bạn có thể đặt ra là chứng minh những điều trong Kinh Thánh là đúng (Rô 12:2; 2 Cô 13:5). Bạn bè của bạn có thể tin nơi thuyết tiến hóa hoặc nhiều giáo lý sai lầm khác vì đó là điều họ được bảo phải tin. Tuy nhiên, bạn không cần phải tin một điều vì người khác muốn bạn làm thế. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va muốn bạn “hết ý” phụng sự Ngài (Đọc Ma-thi-ơ 22:36, 37). Cha chúng ta trên trời muốn bạn xây dựng đức tin dựa trên bằng chứng.—Hê 11:1.

7, 8. (a) Những mục tiêu ngắn hạn nào sẽ giúp củng cố đức tin của bạn? (b) Bạn sẽ cảm nghiệm được điều gì khi đạt được những mục tiêu ngắn hạn?

7 Để củng cố đức tin, tại sao bạn không đặt ra những mục tiêu ngắn hạn? Một mục tiêu là cầu nguyện mỗi ngày. Để lời cầu nguyện của bạn luôn có những điều mới và cụ thể, bạn có thể nhớ hoặc viết ra những chuyện trong ngày mà bạn muốn nói trong lời cầu nguyện. Không nên chỉ nói về những thử thách bạn gặp mà hãy đề cập đến cả những điều làm bạn vui (Phi-líp 4:6). Một mục tiêu khác là đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Bạn có biết nếu đọc bốn trang mỗi ngày, bạn có thể đọc hết Kinh Thánh trong vòng một năm không? *. Thi-thiên 1:1, 2 nói: “Phước cho người nào... lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm”.

8 Một mục tiêu ngắn hạn khác bạn có thể đặt ra là chuẩn bị một câu trả lời cho mỗi buổi nhóm họp. Để bắt đầu, bạn có thể muốn đọc câu trả lời hoặc một câu Kinh Thánh. Rồi bạn có thể đặt mục tiêu trả lời bằng lời riêng. Thật vậy, mỗi lần trả lời, bạn đang dâng một tế lễ cho Đức Giê-hô-va (Hê 13:15). Một khi đã đạt được những mục tiêu này, bạn sẽ tự tin hơn, ngày càng biết ơn Đức Giê-hô-va và sẵn sàng để đặt ra những mục tiêu dài hạn.

9. Nếu chưa là người công bố về Nước Trời, bạn có thể đặt ra mục tiêu dài hạn nào?

9 Bạn nên đặt những mục tiêu dài hạn nào cho mình? Nếu chưa bắt đầu rao giảng tin mừng, mục tiêu dài hạn của bạn có thể là trở thành người công bố về Nước Trời. Một khi đã đạt đến mục tiêu cao quý này, bạn sẽ muốn rao giảng đều đặn và hữu hiệu, không bao giờ để một tháng trôi qua mà không làm thánh chức. Bạn cũng sẽ muốn học cách sử dụng Kinh Thánh trong thánh chức. Khi làm thế, bạn có thể nhận ra rằng bạn càng yêu thích công việc này hơn. Rồi bạn có thể gia tăng số giờ dành cho việc rao giảng từng nhà hoặc ngay cả cố gắng điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh. Là người công bố chưa báp-têm, còn mục tiêu nào tốt hơn là hội đủ điều kiện làm báp-têm và dâng mình để trở thành một Nhân Chứng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời?

10, 11. Những người trẻ đã báp-têm có thể đặt ra những mục tiêu dài hạn nào?

10 Nếu là một tôi tớ đã báp-têm, sau đây là những mục tiêu dài hạn mà bạn có thể vươn đến. Thỉnh thoảng, bạn có thể muốn giúp hội thánh rao giảng trong những khu vực ít có người rao giảng. Bạn cũng có thể tận dụng năng lực và sức khỏe để làm tiên phong phụ trợ hoặc đều đều. Hàng ngàn anh chị tiên phong sẽ cho bạn biết thánh chức trọn thời gian là lối sống thỏa nguyện để tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa trong tuổi thanh xuân. Đây là những mục tiêu mà bạn có thể đạt đến khi còn sống với cha mẹ. Việc bạn vươn đến những mục tiêu này cũng mang lại lợi ích cho hội thánh địa phương.

11 Ngoài việc giúp ích cho hội thánh địa phương, bạn có thể đặt những mục tiêu dài hạn khác, chẳng hạn lên kế hoạch phụng sự ở khu vực khác hoặc những nơi có nhu cầu lớn hơn. Hơn nữa, bạn có thể giúp xây cất Phòng Nước Trời hoặc chi nhánh ở nước ngoài. Thậm chí, bạn có thể phụng sự ở nhà Bê-tên hoặc trở thành giáo sĩ. Dĩ nhiên, trước khi có thể vươn đến những mục tiêu dài hạn được đề cập ở đây, điều quan trọng nhất mà bạn cần thực hiện là làm báp-têm. Nếu chưa làm báp-têm, bạn nên xem xét việc vươn đến mục tiêu quan trọng này trong đời sống bao hàm điều gì.

Vươn đến mục tiêu làm báp-têm

12. Một số người làm báp-têm vì những lý do gì, và tại sao những lý do này không thích đáng?

12 Theo bạn, mục đích của việc làm báp-têm là gì? Một số người nghĩ là để bảo vệ họ khỏi phạm tội. Những người khác có lẽ cảm thấy họ nên làm báp-têm vì bạn bè họ đã làm thế. Những người trẻ khác có lẽ muốn làm hài lòng cha mẹ. Tuy nhiên, báp-têm không phải là điều cản trở bạn làm những điều mà bạn muốn lén lút làm. Bạn cũng không nên làm báp-têm vì bị áp lực từ người khác. Bạn nên báp-têm khi đã hiểu rõ trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va bao hàm điều gì và khi bạn chắc chắn mình đã sẵn sàng và muốn nhận trách nhiệm này.—Truyền 5:4, 5.

13. Tại sao bạn nên làm báp-têm?

13 Một lý do để làm báp-têm là Chúa Giê-su giao cho môn đồ Ngài sứ mệnh ‘dạy-dỗ và làm phép báp-têm cho muôn dân’. Ngài cũng nêu gương qua việc làm báp-têm. (Đọc Ma-thi-ơ 28:19, 20; Mác 1:9). Hơn nữa, phép báp-têm là một bước quan trọng cho những ai muốn được cứu. Sau khi đề cập đến việc Nô-ê đóng tàu, nhờ vậy ông và gia đình được bảo toàn qua khỏi trận Nước Lụt, sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Phép báp-têm bây giờ bèn là ảnh-tượng của sự ấy để cứu anh em... bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus-Christ” (1 Phi 3:20, 21). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phép báp-têm giống như một phương tiện để được cứu rỗi khi bạn cần. Thay vì vậy, bạn báp-têm vì yêu mến Đức Giê-hô-va và muốn phụng sự Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức.—Mác 12:29, 30.

14. Tại sao một số người do dự làm báp-têm, nhưng bạn có sự bảo đảm nào?

14 Một số người có thể do dự làm báp-têm vì sợ rằng sau này họ có thể sẽ bị khai trừ. Bạn có sợ như thế không? Nếu có, sự sợ hãi này không phải là không có lợi. Điều đó có nghĩa là bạn hiểu trọng trách của việc trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng còn có lý do nào khác khiến bạn trì hoãn việc báp-têm không? Có lẽ bạn chưa chắc chắn rằng sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là đường lối tốt nhất. Trong trường hợp đó, nghĩ đến hậu quả của những người lờ đi tiêu chuẩn Kinh Thánh có thể giúp bạn quyết định. Mặt khác, có thể là bạn yêu mến các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời nhưng không chắc là mình có thể sống theo các tiêu chuẩn ấy. Thật ra, đây là dấu hiệu tốt, vì điều này cho thấy bạn khiêm nhường. Hơn nữa, Kinh Thánh nói rằng lòng của người ta là dối trá (Giê 17:9). Nhưng bạn có thể thành công nếu luôn “cẩn-thận theo lời Chúa”. (Đọc Thi-thiên 119:9). Dù bạn do dự làm báp-têm vì lý do gì đi nữa, bạn cần làm sáng tỏ những khúc mắc và lo lắng của bạn *.

15, 16. Làm sao bạn có thể biết mình sẵn sàng để làm báp-têm?

15 Vậy, làm sao bạn có thể biết mình có sẵn sàng làm báp-têm hay không? Một cách là tự hỏi những câu hỏi như: “Tôi có thể giải thích những giáo lý cơ bản của Kinh Thánh cho người khác không? Tôi có tham gia vào thánh chức ngay cả khi cha mẹ tôi không đi rao giảng? Tôi có cố gắng tham dự tất cả các buổi nhóm họp không? Tôi có thể nhớ những trường hợp cụ thể mà tôi đã kháng cự áp lực bạn bè không? Liệu tôi có tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va dù cha mẹ và bạn bè đã ngưng phụng sự Ngài không? Tôi có cầu nguyện về mối quan hệ giữa tôi và Đức Chúa Trời không? Và tôi đã dâng mình vô điều kiện cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện chưa?”.

16 Báp-têm là một bước thay đổi đời sống và là một quyết định không thể xem nhẹ. Bạn có đủ chín chắn để nghiêm túc nghĩ đến bước quan trọng này không? Sự thành thục về thiêng liêng không chỉ dựa trên việc có khả năng làm bài giảng giỏi hoặc bình luận hay trong buổi họp, nhưng đòi hỏi một người có thể quyết định dựa trên sự hiểu biết về các nguyên tắc Kinh Thánh. (Đọc Hê-bơ-rơ 5:14). Nếu bạn trong giai đoạn đủ chín chắn để làm báp-têm, thì đặc ân cao quý nhất đang ở trước mắt bạn: Đó là phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng và sống theo đường lối cho thấy bạn thật sự dâng mình cho Ngài.

17. Điều gì sẽ giúp bạn đương đầu với những khó khăn có thể xảy ra sau khi làm báp-têm?

17 Ngay sau khi làm báp-têm, có lẽ bạn cảm thấy mình rất sốt sắng phụng sự Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, không lâu sau, bạn có thể đương đầu với những khó khăn sẽ thử thách đức tin và sự kiên cường của bạn (2 Ti 3:12). Đừng nghĩ rằng bạn phải đương đầu với những khó khăn đó một mình. Hãy hỏi ý kiến cha mẹ. Hãy xin sự giúp đỡ từ những anh chị thành thục trong hội thánh. Hãy duy trì tình bạn với những người sẽ ủng hộ bạn. Đừng bao giờ quên Đức Giê-hô-va săn sóc bạn, và sẽ cho bạn sức mạnh cần thiết để đương đầu với bất cứ hoàn cảnh nào có thể nảy sinh.—1 Phi 5:6, 7.

Làm thế nào có thể đạt được mục tiêu?

18, 19. Bạn có thể được lợi ích thế nào khi xem xét những điều ưu tiên?

18 Dù vạch ra những mục tiêu tốt nhưng có lẽ bạn cảm thấy mình không đủ thời gian để làm những điều mình muốn và cần. Nếu thế, bạn nên xem xét những điều ưu tiên. Để minh họa: Hãy lấy một xô nhựa và đặt vài hòn đá lớn trong đó. Rồi đổ cát vào xô. Bạn có một xô đầy cát và đá. Hãy đổ cát và đá ra, giữ lại cùng lượng cát và đá ấy. Lần này, đổ cát vào trước rồi cố đặt những hòn đá vào. Không còn đủ chỗ, phải không? Đó là vì bạn đã đổ cát vào xô trước.

19 Bạn đối mặt với thử thách tương tự khi dùng thời gian. Nếu đặt những điều như giải trí lên hàng ưu tiên, có lẽ bạn sẽ không bao giờ có đủ thời gian cho những điều quan trọng hơn—những hoạt động liên quan đến việc phụng sự Đức Chúa Trời. Nhưng nếu làm theo lời khuyên của Kinh Thánh là “nghiệm-thử những sự tốt-lành hơn”, bạn sẽ nhận thấy rằng mình có đủ thời gian cho cả việc phụng sự Đức Chúa Trời và một số việc giải trí.—Phi-líp 1:10.

20. Nếu lo lắng và nghi ngờ khi cố gắng vươn tới các mục tiêu, bạn nên làm gì?

20 Khi cố gắng vươn tới các mục tiêu, kể cả việc làm báp-têm, có lẽ đôi khi bạn cảm thấy lo lắng lẫn nghi ngờ. Khi ấy, “hãy trao gánh-nặng [bạn] cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ [bạn]” (Thi 55:22). Hiện tại, bạn có cơ hội tham gia công việc hào hứng và quan trọng nhất trong lịch sử loài người: rao giảng và dạy dỗ trên toàn cầu (Công 1:8). Bạn có thể chọn là người xem và quan sát, hoặc có thể chọn là người góp phần vào công việc đầy hào hứng này. Đừng do dự dùng khả năng của mình để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc về việc phụng sự ‘Đấng Tạo-Hóa trong buổi còn thơ-ấu’.—Truyền 12:1.

[Chú thích]

^ đ. 7 Xin xem Tháp Canh ngày 1-8-2009, trang 15-18.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao bạn nên đặt mục tiêu?

• Một số mục tiêu đáng để đạt được là gì?

• Vươn đến mục tiêu làm báp-têm bao hàm điều gì?

• Xem xét các thứ tự ưu tiên có thể giúp bạn thế nào để đạt được mục tiêu?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Bạn có mục tiêu đọc Kinh Thánh mỗi ngày không?

[Hình nơi trang 15]

Điều gì sẽ giúp bạn vươn đến mục tiêu làm báp-têm?

[Hình nơi trang 16]

Bạn rút ra bài học gì từ minh họa này?