Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy sốt sắng về sự thờ phượng thật

Hãy sốt sắng về sự thờ phượng thật

Hãy sốt sắng về sự thờ phượng thật

“Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít”.—MAT 9:37.

1. Xin miêu tả sự khẩn trương.

Bạn có một tài liệu cần được lưu ý gấp vào cuối ngày. Bạn sẽ làm gì? Hẳn bạn sẽ đánh dấu nó “KHẨN!”. Bạn có một cuộc hẹn quan trọng và phải đi bộ đến gặp người đó. Bạn sẽ làm gì? Hẳn bạn sẽ đi bộ thật nhanh đến đó. Nếu phải hoàn thành một công việc và sắp hết giờ, bạn cảm thấy căng thẳng và nôn nóng. Hẳn bạn nỗ lực làm càng nhanh càng tốt. Đó là sự khẩn trương!

2. Đối với tín đồ Đấng Christ chân chính ngày nay, nhiệm vụ khẩn cấp nhất là gì?

2 Đối với tín đồ Đấng Christ chân chính ngày nay, nhiệm vụ khẩn cấp nhất là rao giảng tin mừng về Nước Trời và đào tạo môn đồ từ mọi nước (Mat 24:14; 28:19, 20). Trích lời của Chúa Giê-su, môn đồ Mác cho biết công việc này phải được thực hiện “trước hết”, tức trước khi sự cuối cùng đến (Mác 13:10). Dĩ nhiên, đây là điều hợp lý. Chúa Giê-su nói: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít”. Vụ gặt hái không thể hoãn lại mà phải được thực hiện trước khi mùa gặt kết thúc.—Mat 9:37.

3. Nhiều anh chị đã hưởng ứng nhu cầu cấp bách về việc rao giảng như thế nào?

3 Công việc rao giảng là quan trọng nhất nên chúng ta cần dành nhiều thời gian, năng lực và chú tâm vào công việc này càng nhiều càng tốt. Thật đáng khen là nhiều anh chị đang làm thế. Một số anh chị đã đơn giản hóa đời sống để làm thánh chức trọn thời gian với tư cách là tiên phong, giáo sĩ hoặc thành viên nhà Bê-tên trên thế giới. Đời sống của họ rất bận rộn. Họ có lẽ phải hy sinh nhiều và đối phó với nhiều thử thách, nhưng được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào. Chúng ta mừng cho họ. (Đọc Lu-ca 18:28-30). Những người khác, dù không thể là người truyền giáo trọn thời gian, nhưng đã dành nhiều thì giờ cho công việc cứu mạng người khác, bao gồm việc giúp con cái họ được cứu.—Phục 6:6, 7.

4. Tại sao một số người có thể mất tinh thần khẩn trương?

4 Như chúng ta đã thấy, tinh thần khẩn trương thường liên hệ đến một khoảng thời gian có hạn định. Chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng và có nhiều bằng chứng, cả trong Kinh Thánh lẫn lịch sử, chứng minh điều đó (Mat 24:3, 33; 2 Ti 3:1-5). Dù vậy, không ai biết chính xác khi nào sự cuối cùng đến. Khi cho biết chi tiết của “điềm” chỉ về “tận-thế”, Chúa Giê-su nói rõ: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên-sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Mat 24:36). Vì thế, một số người thấy khó duy trì tinh thần khẩn trương từ năm này qua năm khác, đặc biệt nếu họ đã làm thế trong một thời gian dài (Châm 13:12). Đôi khi bạn có cảm thấy như thế không? Điều gì có thể giúp chúng ta vun trồng và duy trì tinh thần khẩn trương đối với công việc mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su muốn chúng ta làm ngày nay?

Hãy xem gương mẫu của Chúa Giê-su

5. Chúa Giê-su thể hiện tinh thần khẩn trương trong thánh chức bằng cách nào?

5 Trong số những người khẩn trương về việc phụng sự Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su chắc chắn là gương mẫu tốt nhất. Một lý do ngài khẩn trương là ngài có nhiều việc phải làm trong chỉ ba năm rưỡi. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã thực hiện những việc liên quan đến sự thờ phượng nhiều hơn bất cứ ai. Ngài công bố danh và ý định của Cha ngài, rao giảng tin mừng về Nước Trời, vạch trần sự giả hình và dạy dỗ sai lầm của nhà lãnh đạo tôn giáo, cũng như ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va cho đến chết. Chúa Giê-su hết lòng dạy dỗ, giúp đỡ và chữa lành cho người dân ở bất cứ nơi nào ngài đến (Mat 9:35). Chưa từng có ai hoàn thành nhiều công việc trong một khoảng thời gian ngắn như thế. Chúa Giê-su đã nỗ lực hết sức để thi hành thánh chức.—Giăng 18:37.

6. Trọng tâm đời sống Chúa Giê-su là gì?

6 Trong thời gian thi hành thánh chức, điều gì thúc đẩy Chúa Giê-su làm việc không mệt mỏi? Qua lời tiên tri của Đa-ni-ên, Chúa Giê-su có thể đã biết ngài đang ở đâu trong thời gian biểu của Đức Giê-hô-va (Đa 9:27). Vì thế, như được báo trước, thánh chức trên đất của ngài sẽ kết thúc vào “giữa tuần”, tức sau ba năm rưỡi. Không lâu sau khi Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem cách vẻ vang vào mùa xuân năm 33 CN, ngài phán: “Giờ đã đến, khi Con người sẽ được vinh-hiển” (Giăng 12:23). Dù biết sắp phải chết, Chúa Giê-su không để điều đó trở thành mối bận tâm hoặc là động lực khiến ngài siêng năng làm việc. Thay vì thế, ngài tận dụng mọi cơ hội để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và thể hiện tình yêu thương với người đồng loại. Tình yêu thương ấy thúc đẩy ngài thu nhóm và huấn luyện các môn đồ, sai họ đi rao giảng. Chúa Giê-su làm thế vì các môn đồ sẽ gánh vác công việc mà ngài đã khởi xướng, và cũng sẽ hoàn tất nhiều việc lớn hơn ngài đã từng làm.—Đọc Giăng 14:12.

7, 8. Các môn đồ phản ứng thế nào trước việc Chúa Giê-su dọn sạch đền thờ, và tại sao ngài làm thế?

7 Một sự kiện trong cuộc đời Chúa Giê-su cho thấy bằng chứng rõ ràng về lòng sốt sắng của ngài. Đó là khi ngài bắt đầu thánh chức, vào mùa Lễ Vượt Qua năm 30 CN. Chúa Giê-su và các môn đồ đến Giê-ru-sa-lem và thấy trong đền thờ “có người buôn-bán bò, chiên, bồ-câu, và có người đổi bạc dọn hàng ở đó”. Chúa Giê-su phản ứng thế nào và điều này đã để lại ấn tượng gì cho các môn đồ?—Đọc Giăng 2:13-17.

8 Những gì Chúa Giê-su nói và làm trong dịp đó khiến các môn đồ liên tưởng đến lời tiên tri mà Đa-vít viết trong sách Thi-thiên: “Sự sốt-sắng về đền Chúa tiêu-nuốt tôi” (Thi 69:9). Tại sao họ nghĩ đến lời tiên tri đó? Vì chỉ lòng sốt sắng mới thôi thúc một người làm điều mạo hiểm như thế. Suy cho cùng, giới chức có thẩm quyền ở đền thờ—thầy tế lễ, thầy thông giáo và những người khác—đứng đằng sau những vụ kinh doanh tai tiếng diễn ra ở đó. Để vạch trần và ngăn cản âm mưu của họ, Chúa Giê-su trở thành kẻ thù của những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Các môn đồ đã nhận xét đúng, “sự sốt-sắng về đền Chúa” hoặc sự sốt sắng về sự thờ phượng thật đã thể hiện rõ nơi Chúa Giê-su. Vậy, sự sốt sắng là gì? Và nó có khác sự khẩn trương không?

Khẩn trương và sốt sắng

—Khác thế nào?

9. Xin miêu tả sự sốt sắng.

9 Một từ điển định nghĩa “sốt sắng” là “tỏ ra nhiệt tình với công việc nào đó”, và đồng nghĩa với những từ như hăng hái, tha thiết và nhiệt tâm. Chắc chắn những từ này miêu tả thánh chức của Chúa Giê-su. Vì thế, một bản dịch Kinh Thánh (Today’s English Version) dịch câu này như sau: “Hỡi Chúa, lòng nhiệt thành về nhà Chúa như ngọn lửa thiêu đốt trong tôi”. Thật đáng chú ý, trong một số ngôn ngữ ở Đông Phương, từ “sốt sắng” gồm có hai phần mà đều có nghĩa đen là “lòng nóng lên” như thể lòng đang bị đốt. Không ngạc nhiên gì các môn đồ nhớ lại lời của Đa-vít khi họ thấy hành động của Chúa Giê-su ở đền thờ. Vậy, điều gì khiến lòng Chúa Giê-su như thiêu đốt và thôi thúc ngài hành động như thế?

10. Từ “sốt sắng” được dùng trong Kinh Thánh có nghĩa gì?

10 Từ “sốt sắng” trong bài Thi-Thiên của Đa-vít bắt nguồn từ một từ tiếng Hê-bơ-rơ thường được dịch là “kỵ-tà”, tức là ghen. Bản Kinh Thánh Thế Giới Mới thỉnh thoảng dịch là “đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc”. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; 34:14; Giô-suê 24:19). Một từ điển Kinh Thánh nói: “Từ này thường được dùng để nói đến mối quan hệ hôn nhân... Như lòng ghen của người chồng hoặc vợ cho thấy họ có quyền chuyên độc đối với nhau, Đức Chúa Trời cũng khẳng định và xác nhận Ngài có quyền đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc nơi những người thuộc về Ngài”. Vì thế, sự sốt sắng theo nghĩa Kinh Thánh không chỉ là sự nhiệt thành dành cho một điều gì đó, như sự nhiệt thành mà nhiều người hâm mộ dành cho môn thể thao họ yêu thích. Lòng sốt sắng của Đa-vít là ghen theo nghĩa tích cực, không chịu được sự kình địch hoặc sỉ nhục Đức Giê-hô-va, một sự thôi thúc mạnh mẽ để bảo vệ danh Ngài hoặc điều chỉnh lại bất cứ điều gì xúc phạm đến Ngài.

11. Tại sao Chúa Giê-su nỗ lực sốt sắng?

11 Các môn đồ của Chúa Giê-su đã đúng khi liên kết những lời của Đa-vít với điều họ thấy Chúa Giê-su làm tại đền thờ. Chúa Giê-su nỗ lực không chỉ vì ngài không có nhiều thời gian trên đất, nhưng vì lòng sốt sắng hoặc ghen vì danh của Cha ngài và sự thờ phượng thanh sạch. Khi thấy danh của Đức Chúa Trời bị sỉ nhục và nói phạm, ngài có lý do chính đáng để tỏ lòng sốt sắng hoặc ghen, và hành động để điều chỉnh lại. Khi thấy những người thấp kém bị những nhà lãnh đạo tôn giáo áp bức và bóc lột, lòng sốt sắng thôi thúc ngài mang đến sự khuây khỏa cho người ta cũng như lên án mạnh mẽ những nhà lãnh đạo tôn giáo áp bức.—Mat 9:36; 23:2, 4, 27, 28, 33.

Sốt sắng về sự thờ phượng thật

12, 13. Ngày nay, các nhà lãnh đạo của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ đã làm gì liên quan đến (a) danh Đức Chúa Trời? (b) Nước Đức Chúa Trời?

12 Ngày nay, thái độ và hành động của những người xưng mình thờ phượng Đức Chúa Trời cũng tương tự thời Chúa Giê-su, có thể còn tệ hơn. Chẳng hạn, điều trước tiên Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện là về danh Đức Chúa Trời, ngài nói: “Danh Cha được thánh” (Mat 6:9). Chúng ta có thấy các nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt hàng giáo phẩm của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ, dạy giáo dân về danh Đức Chúa Trời và làm thánh danh ấy không? Không. Trái lại, họ xuyên tạc Đức Chúa Trời bằng những giáo lý sai lầm như Chúa Ba Ngôi, linh hồn bất tử và hỏa ngục, khiến Đức Chúa Trời có vẻ huyền bí, mầu nhiệm, độc ác và thậm chí tàn bạo. Họ cũng sỉ nhục Đức Chúa Trời bằng những vụ tai tiếng và sự giả hình của họ. (Đọc Rô-ma 2:21-24). Hơn nữa, họ tìm mọi cách để giấu danh Đức Chúa Trời, thậm chí loại bỏ danh ấy khỏi những bản dịch Kinh Thánh của họ. Khi làm thế, họ ngăn cản người ta đến gần Đức Chúa Trời và vun trồng mối quan hệ với Ngài.—Gia 4:7, 8.

13 Chúa Giê-su cũng dạy các môn đồ cầu nguyện cho Nước Đức Chúa Trời: “Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Mat 6:10). Các nhà lãnh đạo của khối đạo tự xưng thường lặp lại lời cầu nguyện ấy, nhưng lại khuyến khích người ta ủng hộ chính trị và những tổ chức khác của con người. Hơn nữa, họ xem thường những người cố gắng rao giảng và làm chứng về Nước Đức Chúa Trời. Kết quả là nhiều người xưng là tín đồ Đấng Christ không còn nói đến Nước Đức Chúa Trời, cũng không còn tin nơi nước này nữa.

14. Các nhà lãnh đạo của khối đạo tự xưng làm giảm giá trị Lời Đức Chúa Trời như thế nào?

14 Chúa Giê-su cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Lời Cha tức là lẽ thật” (Giăng 17:17). Và trước khi trở về trời, Chúa Giê-su cho biết ngài sẽ bổ nhiệm “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” để cung cấp thức ăn thiêng liêng cho dân ngài (Mat 24:45). Dù không ngần ngại tự nhận là người dạy Lời Đức Chúa Trời, các nhà lãnh đạo của khối đạo tự xưng có trung thành làm công việc mà Chủ giao phó không? Không. Họ có khuynh hướng cho rằng Kinh Thánh chỉ là chuyện thần thoại hay truyền thuyết. Thay vì cung cấp thức ăn thiêng liêng cho bầy để mang đến sự hiểu biết và an ủi, giới lãnh đạo tôn giáo dùng những triết lý loài người để làm êm tai giáo dân. Hơn nữa, họ còn giảm giá trị các tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời để phù hợp với cái được gọi là “luân lý mới”.—2 Ti 4:3, 4.

15. Bạn cảm thấy thế nào về tất cả những điều mà giới lãnh đạo tôn giáo đã làm nhân danh Đức Chúa Trời?

15 Tất cả những điều được đề cập ở trên—những việc người ta làm nhân danh Đức Chúa Trời—đã khiến nhiều người có lòng thành thất vọng hoặc hoàn toàn mất đức tin nơi Đức Chúa Trời và Kinh Thánh. Họ đã rơi vào bẫy của Sa-tan và hệ thống gian ác của hắn. Khi thấy và nghe về những điều như thế diễn ra mỗi ngày, bạn cảm thấy thế nào? Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, khi thấy danh Ngài bị sỉ nhục và nói phạm, bạn có được thôi thúc làm hết khả năng để điều chỉnh vấn đề không? Khi thấy những người có lòng thành thật bị lừa dối và bóc lột, bạn có muốn đem đến sự an ủi cho những người bị áp bức ấy không? Khi Chúa Giê-su thấy những người vào thời ngài “cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”, ngài không chỉ thương xót họ, mà còn “khởi-sự dạy-dỗ họ nhiều điều” (Mat 9:36; Mác 6:34). Như Chúa Giê-su, chúng ta nên sốt sắng về sự thờ phượng thật.

16, 17. (a) Điều gì thúc đẩy chúng ta nỗ lực trong thánh chức? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tiếp theo?

16 Khi sốt sắng trong thánh chức, chúng ta sẽ nhận ra những lời của Phao-lô nơi 1 Ti-mô-thê 2:3, 4 mang ý nghĩa sâu sắc hơn. (Đọc). Chúng ta siêng năng trong thánh chức không chỉ vì biết mình đang sống trong những ngày cuối cùng, mà còn vì nhận biết ý muốn Đức Chúa Trời. Ngài muốn người ta được biết lẽ thật để thờ phượng và phụng sự Ngài cũng như nhận được ân phước. Điều thúc đẩy chúng ta nỗ lực trong thánh chức không phải chỉ vì thời gian có hạn định, nhưng vì muốn tôn vinh danh Đức Chúa Trời và giúp người ta biết ý muốn Ngài. Thật vậy, chúng ta sốt sắng về sự thờ phượng thật.—1 Ti 4:16.

17 Là dân Đức Giê-hô-va, chúng ta có ân phước là biết sự thật về ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại và trái đất. Vì thế, chúng ta có thể giúp người ta tìm được hạnh phúc và hy vọng chắc chắn cho tương lai. Chúng ta có thể chỉ cho họ cách để được an toàn khi hệ thống Sa-tan bị hủy diệt (2 Tê 1:7-9). Thay vì thất vọng hoặc nản lòng vì nghĩ rằng ngày của Đức Giê-hô-va dường như bị trì hoãn, chúng ta nên vui mừng vì vẫn còn thời gian để sốt sắng về sự thờ phượng thật (Mi 7:7; Ha 2:3). Làm thế nào để vun trồng lòng sốt sắng như thế? Chúng ta sẽ xem xét điều này trong bài tiếp theo.

Bạn giải thích thế nào?

• Điều gì đã thúc đẩy Chúa Giê-su thi hành thánh chức không mệt mỏi?

• “Sốt sắng” trong Kinh Thánh có nghĩa gì?

• Ngày nay, điều gì thúc đẩy chúng ta sốt sắng về sự thờ phượng thật?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 8]

Chúa Giê-su tập trung làm theo ý muốn Cha ngài và thể hiện tình yêu thương người đồng loại

[Hình nơi trang 10]

Chúng ta nên sốt sắng về sự thờ phượng thật