Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được tiếp sức để đương đầu với cám dỗ và sự nản lòng

Được tiếp sức để đương đầu với cám dỗ và sự nản lòng

Được tiếp sức để đương đầu với cám dỗ và sự nản lòng

‘Khi thánh linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền-phép [“sức mạnh”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ]’.—CÔNG 1:8.

1, 2. Chúa Giê-su hứa ban cho các môn đồ điều gì và tại sao họ cần điều đó?

Chúa Giê-su biết rằng môn đồ ngài không thể giữ hết cả mọi điều mà ngài đã truyền cho họ bằng sức riêng. Rõ ràng, để thực hiện công việc rao giảng trên phạm vi rộng lớn, đối phó với kẻ thù hùng mạnh và sự yếu đuối của bản thân, họ cần đến sức mạnh phi thường. Vì thế, trước khi lên trời, Chúa Giê-su cam đoan với môn đồ: ‘Khi thánh linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền-phép [“sức mạnh”, GKPV] và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất’.—Công 1:8.

2 Lời hứa này bắt đầu ứng nghiệm vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khi Chúa Giê-su ban sức mạnh cho các môn đồ qua thánh linh để họ rao giảng khắp thành Giê-ru-sa-lem. Không sự chống đối nào ngăn cản được công việc đó (Công 4:20). Cho đến khi hệ thống mọi sự này kết thúc, các môn đồ trung thành của Chúa Giê-su, trong đó có chúng ta, cũng rất cần đến sức mạnh ấy.—Mat 28:20.

3. (a) Hãy giải thích sự khác nhau giữa thánh linh và sức mạnh. (b) Sức mạnh mà Đức Giê-hô-va ban có thể giúp chúng ta làm gì?

3 Chúa Giê-su hứa với các môn đồ: ‘Khi thánh linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy sức mạnh’. Từ “thánh linh” và “sức mạnh” khác nghĩa nhau. Thánh linh, tức sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời, là lực tác động trên một người hay vật nhằm mang lại kết quả như Ngài muốn. Còn sức mạnh là “khả năng hoạt động và gây tác dụng”. Nó tiềm tàng trong một người hay vật khi chưa được sử dụng. Có thể ví thánh linh như dòng điện nạp vào bình ắc-quy, và sức mạnh được ví như năng lượng tích trữ trong bình. Sức mạnh mà Đức Giê-hô-va ban qua thánh linh giúp mỗi tôi tớ Ngài giữ trọn lời hứa dâng mình và kháng cự những ảnh hưởng tiêu cực.—Đọc Mi-chê 3:8; Cô-lô-se 1:29.

4. Chúng ta sẽ xem xét gì trong bài này và tại sao?

4 Sức mạnh mà chúng ta nhận qua thánh linh có tác động nào? Trước tình huống nào đó, nếu có thánh linh, chúng ta sẽ hành động hay phản ứng ra sao? Khi trung thành phụng sự Đức Chúa Trời, chúng ta gặp nhiều trở ngại đến từ Sa-tan, thế gian và sự bất toàn của bản thân. Điều quan trọng là chúng ta vượt qua những trở ngại đó hầu giữ vững đức tin, tiếp tục tham gia thánh chức và duy trì mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va. Vậy, hãy xem xét làm sao thánh linh giúp chúng ta kháng cự cám dỗ, đối phó với sự mệt mỏi và nản lòng.

Kháng cự cám dỗ

5. Lời cầu nguyện có thể tiếp sức cho chúng ta như thế nào?

5 Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện: “Xin chớ để chúng tôi bị cám-dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!” (Mat 6:13). Đức Giê-hô-va không bỏ các tôi tớ trung thành của Ngài khi họ cầu xin như thế. Vào một dịp khác, Chúa Giê-su nói rằng ‘Cha các ngươi ở trên trời ban thánh linh cho người xin Ngài’ (Lu 11:13). Chúng ta hẳn được vững tâm khi biết Đức Giê-hô-va hứa ban thánh linh là lực thúc đẩy chúng ta làm điều đúng. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là Ngài che chắn chúng ta khỏi những cám dỗ (1 Cô 10:13). Vậy, khi đối mặt với sự cám dỗ, đó là lúc chúng ta cần cầu nguyện tha thiết hơn.—Mat 26:42.

6. Lời đáp của Chúa Giê-su trước sự cám dỗ của Sa-tan dựa trên điều gì?

6 Trước sự cám dỗ của Sa-tan, Chúa Giê-su đáp lại bằng cách trích dẫn Kinh Thánh. Ngài nhớ rõ Lời Đức Chúa Trời vì đáp: “Có lời chép rằng... Cũng có lời chép rằng... Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ-phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”. Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và Lời Ngài đã giúp Chúa Giê-su bác bỏ sự dụ dỗ của Sa-tan (Mat 4:1-10). Sau nhiều lần Chúa Giê-su kháng cự cám dỗ, Sa-tan bèn lìa ngài.

7. Kinh Thánh giúp chúng ta kháng cự cám dỗ như thế nào?

7 Nếu Chúa Giê-su dựa vào Kinh Thánh để kháng cự sự cám dỗ của Sa-tan, thì chúng ta càng phải làm như thế. Thật vậy, chúng ta có cưỡng lại được cám dỗ hay không là tùy thuộc vào việc biết các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và quyết tâm áp dụng. Nhiều người được thúc đẩy để sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời nhờ đã học Kinh Thánh và dần dần quý trọng sự khôn ngoan, công bình của Ngài. Quả thật, Lời Ngài có quyền lực, xem xét “tư-tưởng và ý-định trong lòng” (Hê 4:12). Càng đọc và suy ngẫm Kinh Thánh, chúng ta càng “thấu rõ đạo thật của Ngài” (Đa 9:13). Vì thế, chúng ta nên suy ngẫm các câu Kinh Thánh liên quan đến nhược điểm của bản thân.

8. Chúng ta có thể nhận được thánh linh qua những cách nào?

8 Ngoài việc hiểu rõ Kinh Thánh, Chúa Giê-su kháng cự được cám dỗ vì ngài được ‘đầy-dẫy thánh linh’ (Lu 4:1). Để có thể làm được như Chúa Giê-su, chúng ta cần đến gần Đức Giê-hô-va bằng cách tận dụng mọi sự sắp đặt của Ngài hầu nhận được thánh linh (Gia 4:7, 8). Những sự sắp đặt ấy bao gồm việc học Kinh Thánh cá nhân, cầu nguyện và kết hợp với anh em đồng đạo. Nhiều người cũng thấy được lợi ích khi bận rộn trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, là điều giúp chú tâm vào những điều tâm linh.

9, 10. (a) Những cám dỗ nào bạn thường thấy tại nơi bạn sống? (b) Làm thế nào việc suy ngẫm và cầu nguyện giúp bạn kháng cự cám dỗ, ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi?

9 Bạn đã từng đứng trước những cám dỗ nào? Bạn có bị cám dỗ để tán tỉnh một người không phải là người hôn phối của mình không? Nếu chưa kết hôn, có bao giờ bạn nuôi ước muốn hẹn hò với người không cùng đức tin? Khi xem truyền hình hoặc dùng Internet, bạn có thể bị cám dỗ xem những hình ảnh ô uế. Nếu từng gặp những cám dỗ đó, bạn phản ứng ra sao? Thật khôn ngoan khi ngẫm thấy rằng nếu phạm một sai lầm thì có thể dẫn đến nhiều sai lầm khác, và sau đó phạm tội trọng (Gia 1:14, 15). Hãy nghĩ Đức Giê-hô-va, hội thánh và gia đình sẽ đau lòng thế nào nếu bạn phạm tội. Trái lại, việc luôn vâng theo những nguyên tắc của Đức Chúa Trời giúp chúng ta có lương tâm trong sạch. (Đọc Thi-thiên 119:37; Châm-ngôn 22:3). Bất cứ khi nào bạn đối mặt với những cám dỗ như thế, đừng quên cầu xin Đức Chúa Trời ban sức để cưỡng lại chúng.

10 Ngoài ra, có một điều khác chúng ta cần ghi nhớ. Sa-tan cám dỗ Chúa Giê-su sau khi ngài nhịn ăn 40 ngày trong đồng vắng. Chắc chắn, hắn nghĩ đây là “thời cơ” để thử thách lòng trung kiên của ngài (Lu 4:13, GKPV). Sa-tan cũng chờ đợi thời cơ để thử thách lòng trung kiên của chúng ta. Vì thế, điều thiết yếu là chúng ta giữ đức tin luôn mạnh mẽ. Sa-tan thường tấn công vào lúc chúng ta yếu nhất. Vậy, khi cảm thấy mệt mỏi hoặc nản lòng, hơn bao giờ hết chúng ta cần nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và ban thánh linh.—2 Cô 12:8-10.

Đối phó với sự mệt mỏi và nản lòng

11, 12. (a) Ngày nay, tại sao nhiều người cảm thấy nản lòng? (b) Điều gì giúp chúng ta đối phó với sự nản lòng?

11 Là con người bất toàn, ai cũng có lúc cảm thấy nản lòng. Điều này khó có thể tránh được vì chúng ta đang sống trong giai đoạn có nhiều căng thẳng. Có lẽ, đây là thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử nhân loại (2 Ti 3:1-5). Càng gần đến ngày Ha-ma-ghê-đôn, những áp lực về kinh tế, tinh thần và các khó khăn khác ngày một đè nặng. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi người ta thấy khó chu toàn trách nhiệm chăm sóc gia đình. Họ cảm thấy lo lắng, mệt mỏi và kiệt quệ. Nếu đó là trường hợp của bạn, làm thế nào bạn có thể đối phó?

12 Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đảm bảo với các môn đồ là ngài sẽ ban thánh linh cho họ. (Đọc Lu-ca 24:49). Đây là lực mạnh nhất trong vũ trụ. Qua thánh linh, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta sức nhiều hơn gấp bội để chịu đựng (Ê-phê 3:20). Sứ đồ Phao-lô nói rằng khi nương cậy nơi thánh linh, chúng ta sẽ nhận được sức lực hơn mức bình thường, ngay cả khi “bị ép đủ cách” (2 Cô 4:7, 8). Đức Giê-hô-va không hứa sẽ loại bỏ sự căng thẳng, nhưng Ngài đảm bảo sẽ dùng thánh linh để ban cho chúng ta sức mạnh hầu đương đầu với điều này.—Phi-líp 4:13.

13. (a) Một em trẻ đã được tiếp sức thế nào để đối phó với nghịch cảnh? (b) Hãy kể một trường hợp tương tự.

13 Hãy xem xét gương của một em gái 19 tuổi làm tiên phong, tên là Stephanie. Lúc 12 tuổi, em bị đột quỵ và được chẩn đoán có khối u ở não. Em phải phẫu thuật hai lần, rồi xạ trị. Sau đó em bị đột quỵ hai lần nữa, khiến nửa người bên trái của em gần như liệt và thị lực bị ảnh hưởng. Stephanie phải giữ sức để làm những điều em xem là quan trọng như dự nhóm họp và rao giảng. Em đã cảm nhận được sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va qua nhiều cách. Chẳng hạn, khi nản lòng, những tấm gương của anh chị đồng đạo trong các ấn phẩm đã giúp em lên tinh thần. Các anh chị đã gửi thư hoặc nói những lời khích lệ, động viên em trước hoặc sau buổi nhóm. Những người chú ý đến Kinh Thánh cũng bày tỏ lòng biết ơn về những gì Stephanie chia sẻ với họ bằng cách đến nhà em để tìm hiểu Kinh Thánh. Stephanie cảm tạ Đức Giê-hô-va rất nhiều về những điều này. Câu Kinh Thánh mà em thích nhất là Thi-thiên 41:3, và em thấy câu ấy đúng với trường hợp của mình.

14. Khi mệt mỏi hoặc căng thẳng, chúng ta tránh làm điều gì và tại sao?

14 Khi mệt mỏi hoặc căng thẳng, chúng ta chớ bao giờ cho rằng giải pháp là giảm bớt các hoạt động thờ phượng. Thật ra đây là cách đối phó tồi tệ nhất. Tại sao? Vì các hoạt động như học Kinh Thánh cá nhân và với gia đình, rao giảng và dự nhóm họp là những cách để nhận thánh linh—nguồn tiếp sức cho chúng ta. Các hoạt động này luôn đem lại sự tươi tỉnh. (Đọc Ma-thi-ơ 11:28, 29). Biết bao lần khi đến nhóm họp, một số anh chị cảm thấy mệt mỏi, nhưng lúc trở về thì tinh thần sảng khoái!

15. (a) Đức Giê-hô-va có hứa là gánh của một tín đồ Đấng Christ sẽ nhẹ nhàng không? Hãy dùng Kinh Thánh để giải thích. (b) Đức Chúa Trời hứa gì với chúng ta, và điều này đưa đến câu hỏi nào?

15 Nói thế không có nghĩa là gánh của một tín đồ Đấng Christ sẽ nhẹ nhàng. Chúng ta phải nỗ lực mới giữ được lòng trung thành (Mat 16:24-26; Lu 13:24). Tuy nhiên, qua thánh linh, Đức Giê-hô-va thêm sức cho những người mệt mỏi. Nhà tiên tri Ê-sai viết: “Ai trông-đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt-nhọc, đi mà không mòn-mỏi” (Ê-sai 40:29-31). Vì thế, chúng ta cần xem xét: “Nếu cảm thấy mệt mỏi về các hoạt động thờ phượng thì nguyên nhân thực sự là gì?”.

16. Chúng ta có thể làm gì để loại bỏ những nguyên nhân gây mệt mỏi?

16 Lời Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta “nhận biết những điều quan trọng hơn” (Phi-líp 1:10, NW). Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô ví đời sống của tín đồ Đấng Christ như cuộc chạy đua đường dài, và ông khuyên: “Chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng... lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta” (Hê 12:1). Ý của ông là chúng ta tránh mang những gánh nặng không cần thiết, tức theo đuổi những điều không quan trọng khiến chúng ta mệt mỏi. Có lẽ một số người trong chúng ta có thời gian biểu quá dày đặc. Nếu bạn thường cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng, hãy xem xét mình đã dành bao nhiêu thời gian cho việc làm, du lịch, thể thao hoặc các hình thức giải trí khác. Tính phải lẽ và khiêm tốn sẽ giúp chúng ta nhận ra giới hạn của mình và hạn chế các hoạt động không cần thiết.

17. Tại sao một số người cảm thấy nản lòng, và Đức Giê-hô-va đảm bảo gì?

17 Có lẽ một số người trong chúng ta cảm thấy nản lòng phần nào khi sự cuối cùng của hệ thống này chưa đến như mình mong đợi (Châm 13:12). Nếu cảm thấy như thế, chúng ta có thể được khích lệ qua câu Ha-ba-cúc 2:3: “Vì sự hiện-thấy còn phải ứng-nghiệm trong kỳ nhứt-định, sau-cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh-dối đâu; nếu nó chậm-trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ”. Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng thế gian này sẽ kết thúc đúng thời điểm ấn định!

18. (a) Những lời hứa nào giúp bạn vững tâm? (b) Bài tới sẽ xem xét điều gì?

18 Tất cả tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đều trông mong ngày mà sự mệt mỏi và nản lòng sẽ tan biến, khi mọi người sẽ trở lại “ngày đang-thì” (Gióp 33:25). Tuy nhiên, ngay bây giờ, khi tham gia các hoạt động thờ phượng, lòng chúng ta có thể được mạnh mẽ nhờ thánh linh (2 Cô 4:16; Ê-phê 3:16). Vậy, chớ để sự mệt mỏi và nản lòng khiến bạn mất đi những ân phước vĩnh cửu. Mọi thử thách—dù là cám dỗ, mệt mỏi hoặc nản lòng—chỉ là tạm thời và sẽ chấm dứt trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét thánh linh tiếp sức cho chúng ta như thế nào để đương đầu với sự bắt bớ, kháng cự áp lực của người xung quanh và đứng vững trước những nghịch cảnh.

Bạn trả lời thế nào?

• Việc đọc Kinh Thánh tiếp sức cho chúng ta như thế nào?

• Việc cầu nguyện và suy ngẫm tiếp sức cho chúng ta ra sao?

• Chúng ta có thể làm gì để loại bỏ những nguyên nhân gây mệt mỏi và nản lòng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 24]

Các buổi nhóm họp tiếp sức cho chúng ta