Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tận dụng đời sống độc thân

Tận dụng đời sống độc thân

Tận dụng đời sống độc thân

“Người nào lãnh nổi lời ấy thì hãy lãnh lấy”.—MAT 19:12.

1, 2. (a) Chúa Giê-su, Phao-lô và những người khác có quan điểm nào về đời sống độc thân? (b) Tại sao một số người không nghĩ đời sống độc thân là sự ban cho?

Hôn nhân là sự ban cho quý báu của Đức Chúa Trời (Châm 19:14). Tuy nhiên, nhiều tín đồ Đấng Christ độc thân cũng có đời sống phong phú và thỏa nguyện. Một anh 95 tuổi chưa lập gia đình, tên là Harold nói: “Tôi thích giao tiếp với người khác và tiếp đãi bạn bè, nhưng khi ở một mình, tôi không hề thấy cô đơn. Tôi nghĩ mình sống độc thân là nhờ ơn Đức Chúa Trời ban cho”.

2 Cả Chúa Giê-su và sứ đồ Phao-lô đều xem đời sống độc thân, cũng như hôn nhân, là sự ban cho của Đức Chúa Trời. (Đọc Ma-thi-ơ 19:11, 12; 1 Cô-rinh-tô 7:7). Dĩ nhiên, không phải bất cứ ai chưa lập gia đình đều chọn sống như thế. Đôi khi, vì hoàn cảnh nên một số người khó tìm được người phù hợp. Một số khác đã kết hôn nhưng sau đó sống một mình do ly dị hoặc người hôn phối qua đời. Vậy, làm sao có thể xem những hoàn cảnh như thế là sự ban cho? Làm thế nào tín đồ Đấng Christ độc thân hoặc ở một mình có thể tận dụng những hoàn cảnh này?

Sự ban cho đặc biệt

3. Tín đồ độc thân thường có những lợi thế nào?

3 Người độc thân thường có nhiều thời gian và tự do hơn người có gia đình (1 Cô 7:32-35). Những lợi thế đó giúp họ mở rộng thánh chức và quan tâm nhiều hơn tới người khác, đồng thời đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Vì nhận thức được những lợi thế ấy, một số tín đồ quyết định “lãnh lấy” đời sống độc thân một thời gian hoặc suốt đời. Còn một số khác sống độc thân hay ở một mình không phải vì ý muốn nhưng do hoàn cảnh. Họ đã cầu nguyện và ngẫm nghĩ về hoàn cảnh của mình, rồi nhận ra rằng nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, họ cũng có thể sống như vậy. Do đó, họ chấp nhận hoàn cảnh và “lãnh lấy” đời sống độc thân.

4. Tại sao tín đồ độc thân có thể thỏa lòng khi phụng sự Đức Chúa Trời?

4 Những tín đồ độc thân hiểu rằng dù không kết hôn, họ vẫn được Đức Giê-hô-va và tổ chức của Ngài quý trọng. Đức Chúa Trời yêu thương mỗi cá nhân chúng ta (Mat 10:29-31). Không ai và không điều gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Ngài (Rô 8:38, 39). Vì thế, dù đã kết hôn hay độc thân, chúng ta có lý do để thỏa lòng khi phụng sự Đức Chúa Trời.

5. Để tận dụng lợi thế, người độc thân cần làm gì?

5 Tuy nhiên, như một người có năng khiếu về âm nhạc hay thể thao thì cần phải rèn luyện để phát huy tài năng, người độc thân cũng cần nỗ lực để tận dụng lợi thế của mình. Vậy, làm sao các tín đồ độc thân thời nay—dù nam hay nữ, già hay trẻ, chọn sống độc thân hay do hoàn cảnh—có thể tận dụng lợi thế của mình? Hãy xem xét một số gương khích lệ của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu và xem chúng ta có thể học được gì.

Sống độc thân khi còn trẻ

6, 7. (a) Các con gái của Phi-líp đã nhận được đặc ân nào? (b) Ti-mô-thê đã tận dụng đời sống độc thân như thế nào, và ông được ban phước ra sao?

6 Phi-líp, người rao giảng tin mừng, có bốn con gái đồng trinh sốt sắng như ông (Công 21:8, 9). Những người nữ trẻ tuổi này đã nhận sự ban cho kỳ diệu của thánh linh là nói tiên tri. Điều này làm ứng nghiệm lời nơi Giô-ên 2:28, 29.

7 Chàng thanh niên Ti-mô-thê đã tận dụng đời sống độc thân. Ti-mô-thê được mẹ là Ơ-nít và bà ngoại là Lô-ít dạy Kinh Thánh từ khi còn thơ ấu (2 Ti 1:5; 3:14, 15). Có lẽ họ trở thành tín đồ Đấng Christ khi Phao-lô lần đầu tiên đến thành Lít-trơ, quê hương của họ, vào năm 47 CN. Hai năm sau, khi Phao-lô trở lại đó lần thứ hai, Ti-mô-thê có lẽ khoảng 20 tuổi. Dù còn trẻ và báp-têm chưa lâu, Ti-mô-thê được các trưởng lão ở thành Lít-trơ và thành Y-cô-ni kế cận “làm chứng tốt” (Công 16:1, 2). Do đó, Phao-lô mời Ti-mô-thê làm bạn đồng hành của ông (1 Ti 1:18; 4:14). Chúng ta không rõ Ti-mô-thê có kết hôn hay không. Nhưng chúng ta biết là khi còn trẻ, ông đã sẵn lòng nhận lời mời của Phao-lô, và nhiều năm sau đó, ông vẫn độc thân, vui mừng phụng sự với tư cách là giáo sĩ và giám thị.—Phi-líp 2:20-22.

8. Nhờ đâu Giăng Mác đã theo đuổi mục tiêu trong thánh chức, và ông được ban phước như thế nào?

8 Lúc còn trẻ, Giăng Mác cũng tận dụng những lợi thế của đời sống độc thân. Ông, mẹ ông là Ma-ri và anh họ Ba-na-ba là những thành viên lâu năm của hội thánh ở Giê-ru-sa-lem. Có lẽ gia đình Mác khá giả vì có nhà riêng trong thành phố và người hầu (Công 12:12, 13). Mặc dù có điều kiện như thế, nhưng khi còn trẻ, Mác đã không có thái độ hưởng thụ hoặc ích kỷ. Ông cũng không nghĩ xây dựng một gia đình đầm ấm là đủ. Việc sớm được kết hợp với các sứ đồ dường như đã gieo trong lòng Mác ước muốn làm giáo sĩ. Vì thế, ông hăng hái tham gia cùng với Phao-lô và Ba-na-ba trong chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên để phụ giúp họ (Công 13:5). Sau đó, ông đi cùng Ba-na-ba, rồi phụng sự với Phi-e-rơ tại Ba-by-lôn (Công 15:39; 1 Phi 5:13). Chúng ta không biết Mác sống độc thân trong bao lâu. Tuy nhiên, ông đã tạo dựng một danh tiếng tốt, đó là người sẵn sàng phục vụ người khác và mở rộng thánh chức.

9, 10. Các tín đồ trẻ tuổi và độc thân có những cơ hội nào để phụng sự Đức Giê-hô-va? Hãy kể lại một trường hợp.

9 Ngày nay, nhiều người trẻ cũng sẵn lòng dùng những năm tháng độc thân để phụng sự Đức Chúa Trời nhiều hơn. Như Mác và Ti-mô-thê, họ hiểu rằng đời sống độc thân giúp họ “không phân-tâm mà hầu việc Chúa” (1 Cô 7:35). Đây quả là một lợi thế! Người độc thân có nhiều cơ hội để phụng sự Đức Giê-hô-va như: làm công việc tiên phong, phụng sự tại những nơi cần thêm người công bố, học ngoại ngữ, tham gia dự án xây cất Phòng Nước Trời hoặc chi nhánh, tham dự Trường huấn luyện thánh chức và phục vụ tại Bê-tên. Nếu còn trẻ và chưa kết hôn, bạn có tận dụng hoàn cảnh của mình không?

10 Một anh tên là Mark bắt đầu làm tiên phong lúc gần 20 tuổi. Sau đó, anh tham dự Trường huấn luyện thánh chức và được phái đi phụng sự ở nhiều nơi trên thế giới. Nhìn lại 25 năm phụng sự trọn thời gian, anh nói: “Tôi cố gắng giúp đỡ các anh chị trong hội thánh như đi rao giảng chung, thăm chiên, mời họ đến nhà dùng bữa, và tổ chức các buổi họp mặt với mục tiêu gây dựng lẫn nhau. Những điều này mang lại cho tôi nhiều niềm vui”. Lời của anh Mark cho thấy niềm vui đến từ việc cho thay vì nhận, và bận rộn trong việc phụng sự mang đến nhiều cơ hội để làm thế (Công 20:35). Dù có sở thích, kỹ năng hay kinh nghiệm nào, các bạn trẻ ngày nay sẽ không thiếu việc để làm trong công việc Chúa.—1 Cô 15:58.

11. Có những lợi ích nào khi không vội kết hôn?

11 Dù phần đông những người trẻ muốn kết hôn, nhưng có lý do để không vội lập gia đình. Sứ đồ Phao-lô khuyên người trẻ nên đợi qua “tuổi bồng bột”, là lúc ham muốn tình dục mãnh liệt nhất (1 Cô 7:36, Nguyễn Thế Thuấn). Cần có thời gian để hiểu chính mình và thu thập kinh nghiệm hầu chọn được người hôn phối phù hợp. Việc kết hôn là quyết định quan trọng vì đó là sự ràng buộc suốt đời.—Truyền 5:2-5.

Sống một mình sau này

12. (a) Bà An-ne đã tận dụng hoàn cảnh thay đổi như thế nào? (b) Bà An-ne nhận được đặc ân nào?

12 Bà An-ne, được đề cập trong sách Phúc âm Lu-ca, hẳn đã vô cùng đau buồn khi chồng bà đột ngột qua đời chỉ sau bảy năm chung sống. Chúng ta không biết họ có con hoặc bà có từng nghĩ đến việc tái hôn hay không, nhưng Kinh Thánh cho biết khi 84 tuổi, bà An-ne vẫn ở góa. Từ những gì Kinh Thánh nói, chúng ta có thể kết luận rằng bà An-ne đã tận dụng hoàn cảnh để đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Bà “chẳng hề ra khỏi đền-thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu-nguyện” (Lu 2:36, 37). Việc thờ phượng Đức Chúa Trời trở thành điều quan trọng nhất trong cuộc đời bà. Điều đó đòi hỏi bà có lòng quyết tâm cũng như nỗ lực, và bà đã được tưởng thưởng. Bà có đặc ân thấy con trẻ Giê-su và làm chứng cho người khác về sự giải cứu mà Đấng Mê-si sẽ mang lại.—Lu 2:38.

13. (a) Bà Đô-ca tích cực giúp đỡ hội thánh ra sao? (b) Vì có lòng tốt và nhân từ, bà Đô-ca được tưởng thưởng như thế nào?

13 Bà Đô-ca, hay Ta-bi-tha, sống tại Giốp-bê, một thành phố cảng xưa nằm ở phía tây bắc Giê-ru-sa-lem. Vì Kinh Thánh không đề cập đến chồng bà, nên có lẽ lúc ấy bà sống một mình. Đô-ca “làm nhiều việc lành và hay bố-thí”. Bà đã may nhiều quần áo cho các quả phụ nghèo cùng những người khác, nên được mọi người yêu mến. Vì thế, khi Đô-ca đột nhiên ngã bệnh và qua đời, cả hội thánh cử người đi tìm Phi-e-rơ, xin ông làm cho người chị yêu quý của họ sống lại. Tin bà được sống lại đồn ra khắp thành Giốp-bê, khiến nhiều người tin đạo (Công 9:36-42). Có lẽ bà Đô-ca đã giúp vài người trong số họ vào đạo qua lòng nhân từ của mình.

14. Tại sao tín đồ độc thân đến gần Đức Giê-hô-va hơn?

14 Như bà An-ne và Đô-ca, ngày nay nhiều tín đồ có tuổi cũng đang sống độc thân hay một mình. Một số có lẽ không tìm được người phù hợp. Một số khác thì ly hôn hoặc ở góa. Vì không có người bạn đời để tâm sự, những tín đồ này tập nương tựa Đức Giê-hô-va nhiều hơn (Châm 16:3). Nhưng đây lại là một ân phước đối với chị Silvia, một chị độc thân phụng sự tại Bê-tên hơn 38 năm. Chị nói: “Đôi khi tôi mệt mỏi vì phải tỏ ra mạnh mẽ. Tôi lo lắng: “Ai sẽ khích lệ mình?””. Nhưng sau đó, chị nói thêm: “Tôi tin rằng Đức Giê-hô-va biết nhu cầu của tôi hơn cả chính tôi, vì thế tôi đến gần Ngài hơn. Tôi luôn nhận được sự khích lệ cần thiết, đôi khi qua những cách không ngờ”. Bất cứ khi nào chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va, Ngài luôn đáp lời một cách nhân từ và đầy khích lệ.

15. Những tín đồ độc thân hoặc ở một mình có thể “mở rộng lòng” như thế nào?

15 Những tín đồ độc thân hoặc ở một mình có cơ hội để “mở rộng lòng”. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 6:11-13). Một chị độc thân đã phụng sự trọn thời gian hơn 34 năm, tên là Jolene cho biết: “Tôi cố gắng vun đắp tình bạn với nhiều người, không chỉ với những người cùng tuổi mà còn với mọi người. Đời sống độc thân tạo điều kiện để cống hiến cho Đức Giê-hô-va, gia đình, anh em đồng đạo cũng như người khác. Càng nhiều tuổi, tôi càng hài lòng với đời sống độc thân”. Người cao niên, người đau ốm, cha mẹ đơn thân, người trẻ và các anh chị khác trong hội thánh chắc chắn quý trọng sự giúp đỡ bất vị kỷ của những anh chị độc thân. Quả thật, mỗi khi bày tỏ tình yêu thương với người khác, chúng ta sẽ cảm thấy mình có giá trị hơn. Thế thì, bạn có thể “mở rộng lòng” với người khác không?

Sống độc thân suốt đời

16. (a) Tại sao Chúa Giê-su chọn sống độc thân? (b) Phao-lô đã tận dụng đời sống độc thân như thế nào?

16 Chúa Giê-su không kết hôn vì phải thi hành sứ mạng được giao. Ngài đi lại rất nhiều, làm việc từ sáng sớm đến tận khuya, rồi cuối cùng hy sinh mạng sống làm giá chuộc. Trong trường hợp của ngài, đời sống độc thân là lợi thế. Sứ đồ Phao-lô cũng đi hàng ngàn dặm và gặp nhiều gian khó trong thánh chức (2 Cô 11:23-27). Có lẽ ông từng lập gia đình và góa vợ, rồi chọn lối sống độc thân kể từ khi trở thành sứ đồ (1 Cô 7:7, 8; 9:5). Cả Chúa Giê-su lẫn Phao-lô đều khuyến khích người khác noi gương của mình nếu có thể, hầu chú tâm vào thánh chức. Tuy nhiên, Chúa Giê-su và Phao-lô không dạy rằng muốn trở thành tín đồ Đấng Christ thì phải độc thân.—1 Ti 4:1-3.

17. Một số anh chị đã noi gương Chúa Giê-su và Phao-lô như thế nào, và tại sao chúng ta tin chắc rằng Đức Giê-hô-va quý trọng họ?

17 Ngày nay, một số anh chị cũng suy xét và chọn sống độc thân hầu chuyên tâm phụng sự Đức Chúa Trời. Anh Harold, người được đề cập ở đầu bài, đã phục vụ tại Bê-tên hơn 56 năm, cho biết: “Khi ở Bê-tên được mười năm, tôi thấy nhiều cặp vợ chồng rời Bê-tên vì lý do sức khỏe hay vì chăm sóc cha mẹ già yếu. Cha mẹ của tôi không còn nữa và tôi rất thích ở Bê-tên, nên tôi không muốn để hôn nhân ảnh hưởng đến đặc ân này”. Nhiều năm trước đây, một chị tiên phong lâu năm tên là Margaret cũng chia sẻ: “Tôi có quá nhiều niềm vui trong thánh chức nên không mấy quan tâm đến việc lập gia đình, dù cũng có một số cơ hội. Tôi đã tận dụng sự tự do của đời sống độc thân để chuyên tâm phụng sự Đức Chúa Trời. Điều này mang lại cho tôi sự thỏa nguyện sâu xa”. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ quên những người đã hy sinh vì sự thờ phượng thật.—Đọc Ê-sai 56:4, 5.

Hãy tận dụng hoàn cảnh của bạn

18. Chúng ta có thể khích lệ và giúp đỡ anh chị độc thân như thế nào?

18 Vì hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va, những anh chị độc thân hoặc ở một mình xứng đáng được chúng ta chân thành khen ngợi và khích lệ. Chúng ta yêu thương họ vì những phẩm chất đáng quý và đóng góp của họ cho hội thánh. Họ sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn nếu chúng ta thật sự xem họ là “anh em, chị em, cha mẹ, con-cái” của chúng ta.—Đọc Mác 10:28-30.

19. Bạn có thể làm gì để đời sống độc thân mang lại niềm vui?

19 Dù sống độc thân do lựa chọn hoặc vì hoàn cảnh, bạn có thể hưởng đời sống hạnh phúc và ý nghĩa. Mong sao những gương thời Kinh Thánh và thời nay được nói đến trong bài này sẽ giúp bạn tin chắc điều đó. Đời sống độc thân có thể ví như một món quà. Một số người háo hức mong chờ món quà này, còn một số thì được tặng bất ngờ, một số người thích ngay, còn một số khác thì sau một thời gian mới thích. Điều này tùy thuộc vào thái độ của chúng ta. Vậy, bạn có thể làm gì để đời sống độc thân mang lại niềm vui? Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, sốt sắng phụng sự Ngài và mở rộng lòng với người khác. Như sự ban cho về hôn nhân, đời sống độc thân cũng có thể mang lại nhiều ân phước nếu chúng ta có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời và dùng sự ban cho này cách đúng đắn.

Bạn có nhớ không?

• Vì sao đời sống độc thân là sự ban cho?

• Sống độc thân khi còn trẻ mang lại những ân phước nào?

• Tín đồ độc thân có những cơ hội nào để đến gần Đức Giê-hô-va và mở rộng lòng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 18]

Bạn có tận dụng hoàn cảnh để phụng sự Đức Chúa Trời không?