Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va dù gặp nhiều thử thách

Vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va dù gặp nhiều thử thách

Vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va dù gặp nhiều thử thách

Do Maatje de Jonge-van den Heuvel kể lại

Tôi 98 tuổi. Trong 70 năm qua, tôi vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va, dù đức tin bị thử thách. Trong Thế Chiến II, tôi bị nhốt vào trại tập trung, ở đó vì nản lòng nên tôi đã có một quyết định mà sau này phải hối tiếc. Vài năm sau, tôi đương đầu với thử thách cam go khác. Tuy thế, tôi biết ơn Đức Giê-hô-va vì ban cho tôi đặc ân phụng sự Ngài.

Cuộc đời tôi có một bước ngoặt vào tháng 10 năm 1940. Tôi sống tại Hà Lan, ở thị trấn Hilversum, cách thủ đô Amsterdam 24km về phía đông nam. Thời ấy, đất nước này bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Tôi đã kết hôn với anh Jaap de Jonge được 5 năm. Anh là người chồng chu đáo. Vợ chồng tôi có một cháu gái 3 tuổi tên là Willy. Chúng tôi sống cạnh một gia đình nghèo khổ, vất vả nuôi tám đứa con. Thế mà, họ còn cung cấp cái ăn chỗ ở cho một thanh niên. Tôi thắc mắc: “Sao họ lại tự chuốc thêm gánh nặng?”. Khi mang cho họ thức ăn, tôi được biết anh thanh niên đó là người tiên phong. Anh nói với tôi về Nước Đức Chúa Trời và ân phước mà Nước đó sẽ mang lại. Những gì anh chia sẻ đã tác động mạnh đến tôi, và tôi nhanh chóng chấp nhận lẽ thật. Cùng năm ấy, tôi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm. Sau đó một năm, chồng tôi cũng chọn theo lẽ thật.

Dù không hiểu nhiều về Kinh Thánh, nhưng tôi biết rằng khi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi thuộc về một tổ chức đang bị cấm đoán. Tôi cũng biết có nhiều Nhân Chứng phải ngồi tù vì rao giảng về thông điệp Nước Trời. Tuy thế, tôi đã bắt đầu rao giảng từng nhà. Vợ chồng tôi dùng nhà của mình làm nơi lưu trú cho các anh chị tiên phong và giám thị lưu động. Nhà chúng tôi cũng là nơi để các ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va. Những ấn phẩm này do các anh chị ở Amsterdam chất lên một loại xe đạp chở hàng, phủ bạt và chở đến. Những anh chị này đã thể hiện tình yêu thương và lòng can đảm biết bao! Họ đã liều mạng sống vì anh em.—1 Giăng 3:16.

“Mẹ ơi, khi nào mẹ về?”

Khoảng sáu tháng sau khi tôi làm báp-têm, ba cảnh sát đến nhà chúng tôi. Họ vào và lục soát. Mặc dù không phát hiện ra tủ để ấn phẩm, nhưng họ tìm thấy vài cuốn sách được giấu dưới giường. Ngay lập tức, họ yêu cầu tôi về đồn cảnh sát ở Hilversum. Khi tôi ôm tạm biệt con gái, Willy hỏi: “Mẹ ơi, khi nào mẹ về?”. Tôi đáp: “Mẹ sẽ về ngay”. Tuy nhiên sau 18 tháng gian khổ, tôi mới lại được ôm cháu vào lòng.

Cảnh sát đưa tôi lên tàu hỏa đến Amsterdam để điều tra. Những người thẩm vấn cố ép tôi xác nhận ba anh ở Hilversum là Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi nói: “Tôi chỉ biết một người. Anh ta là người bán sữa cho tôi”. Đó là sự thật, anh ấy giao sữa cho gia đình tôi. Tôi nói thêm: “Còn anh ấy có phải là Nhân Chứng Giê-hô-va hay không thì các ông hãy hỏi anh ấy chứ đừng hỏi tôi”. Khi tôi không chịu khai gì thêm, họ tát tôi và nhốt vào tù. Tôi bị giam khoảng hai tháng. Khi liên lạc được với tôi, chồng tôi đã mang quần áo và thức ăn cho tôi. Tháng 8 năm 1941, tôi bị chuyển đến Đức và bị giam ở Ravensbrück, một trại tập trung khét tiếng dành cho phụ nữ, cách thủ đô Berlin khoảng 80km về phía bắc.

“Em hãy vui lên!”

Khi đến nơi, tôi được bảo rằng có thể về nhà nếu ký vào tờ tuyên bố chối bỏ đức tin. Tất nhiên là tôi không ký. Vì thế, tôi bị tịch thu đồ đạc và phải vào phòng tắm cởi đồ ra. Ở đó, tôi gặp một số chị đồng đạo đến từ Hà Lan. Chúng tôi nhận đồng phục tù nhân có may một tam giác tím, cùng với một cái đĩa, cái cốc và cái thìa. Đêm đầu tiên, chúng tôi bị tạm giam trong một khu trại. Kể từ khi bị bắt, đây là lần đầu tiên tôi khóc. Tôi nức nở: “Họ sẽ làm gì mình? Bao giờ mình mới được ra?”. Lúc ấy, mối quan hệ giữa tôi và Đức Giê-hô-va chưa mật thiết, vì tôi mới biết lẽ thật được vài tháng. Còn biết bao điều tôi phải học. Vào giờ điểm danh ngày hôm sau, một chị người Hà Lan để ý thấy tôi buồn. Chị nói: “Em hãy vui lên! Chẳng gì có thể làm hại chúng ta”.

Sau khi điểm danh, chúng tôi bị chuyển đến khu trại khác. Ở đó, chúng tôi được hàng trăm chị em đồng đạo từ Đức và Hà Lan chào đón. Một số chị người Đức đã bị giam ở đây hơn một năm. Việc kết hợp với họ giúp tôi thêm mạnh mẽ. Thật vậy, tôi đã vui lên. Điều gây ấn tượng cho tôi là khu trại của các chị sạch hơn các khu trại khác nhiều. Bên cạnh đó, khu trại của chúng tôi được biết đến là nơi không có mất cắp, chửi thề hay đánh nhau. Dù điều kiện sống khắc nghiệt, khu trại chúng tôi giống như một hòn đảo đẹp giữa vùng biển dơ bẩn.

Cuộc sống trong trại

Làm việc rất nhiều nhưng được ăn rất ít, đó là cuộc sống trong trại. Chúng tôi phải dậy lúc 5 giờ sáng, rồi ra điểm danh. Những người lính bắt chúng tôi đứng ngoài trời cả tiếng đồng hồ, dù mưa hay nắng. Sau một ngày lao động cực nhọc, chúng tôi phải trở lại điểm danh lúc 5 giờ chiều. Kế đó, chúng tôi ăn một ít súp và bánh mì, rồi đi ngủ. Ai cũng mệt lả!

Trừ chủ nhật, mỗi ngày tôi phải làm việc ở nông trại, cắt lúa mì, đào hào và dọn chuồng heo. Dù công việc nặng nhọc và dơ bẩn, tôi vẫn làm được vì còn trẻ và khỏe. Trong khi làm việc, tôi hát những bài hát có nội dung đến từ Kinh Thánh để củng cố tinh thần. Tuy nhiên, hàng ngày tôi nhớ chồng con da diết.

Dù được phát ít thức ăn, nhưng mỗi ngày chúng tôi cố gắng dành ra một mẩu bánh mì để chủ nhật khi nhóm lại thảo luận các đề tài Kinh Thánh, chúng tôi ăn chung. Vì không có ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, nên tôi rất háo hức được nghe các chị người Đức lớn tuổi và trung thành thảo luận về những điều trong Kinh Thánh. Thậm chí chúng tôi còn cử hành Lễ Tưởng Niệm.

Nản lòng, hối tiếc và vui trở lại

Thỉnh thoảng, chúng tôi được lệnh phải làm công việc trực tiếp phục vụ chiến tranh. Vì muốn giữ trung lập về chính trị, nên các chị đều từ chối, và tôi noi theo lòng can đảm của họ. Do đó, chúng tôi bị bỏ đói nhiều ngày, và phải đứng bên ngoài hàng giờ lúc điểm danh. Một lần nọ, vào mùa đông, chúng tôi bị giam 40 ngày mà không có gì để sưởi ấm.

Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng tôi luôn bị xúi giục ký vào tờ tuyên bố chối bỏ đức tin để được ra tù. Sau hơn một năm bị giam ở Ravensbrück, tôi vô cùng nản lòng. Ước muốn gặp chồng con mãnh liệt đến nỗi tôi đến gặp lính canh ngục, xin tờ tuyên bố chối bỏ đức tin và ký vào.

Khi hay điều đó, một số chị lánh mặt tôi. Tuy nhiên, hai chị người Đức lớn tuổi tên là Hedwig và Gertrud tìm gặp để cho biết họ vẫn yêu quý tôi. Khi cùng dọn chuồng heo, họ nhân từ giải thích cho tôi tầm quan trọng của việc giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va, và không thỏa hiệp là cách thể hiện tình yêu thương với Ngài. Tôi vô cùng cảm động trước lòng quan tâm trìu mến của hai chị *. Tôi biết mình đã sai, và muốn người ta hủy tờ tuyên bố chối bỏ đức tin mà tôi đã ký. Vào một buổi tối, tôi nói với một chị về việc này. Có lẽ một viên quản ngục đã nghe lỏm cuộc nói chuyện nên ngay tối hôm đó, tôi được thả ra và đưa lên tàu về Hà Lan. Một viên chức trong ngục, tôi vẫn nhớ mặt, nói với tôi: “Cô vẫn là Bibelforscher (Học viên Kinh Thánh), và cô chẳng bao giờ thay đổi”. Tôi đáp: “Vâng. Nếu đó là ý của Đức Giê-hô-va”. Tuy nhiên, tôi vẫn lo nghĩ: “Làm sao để rút lại tờ giấy mà mình đã ký?”.

Trong tờ tuyên bố chối bỏ đức tin có một điểm: “Tôi xin cam đoan sẽ không bao giờ tham gia các hoạt động của Hội Học Viên Kinh Thánh Quốc Tế nữa”. Tôi biết mình phải làm gì! Tháng 1 năm 1943, không lâu sau khi về nhà, tôi rao giảng trở lại. Dĩ nhiên, nếu để Đức Quốc Xã bắt lần nữa, tôi sẽ phải chịu hình phạt rất nặng.

Để chứng tỏ lòng trung thành của mình cho Đức Giê-hô-va, một lần nữa vợ chồng tôi lại dùng nhà mình làm nơi lưu trú cho các anh chị chuyên chở ấn phẩm và giám thị lưu động. Tôi rất biết ơn Đức Giê-hô-va vì vẫn cho tôi cơ hội thể hiện tình yêu thương với Ngài và dân Ngài!

Thử thách đau lòng

Trước khi chiến tranh kết thúc vài tháng, vợ chồng tôi phải đối mặt với một thử thách đau lòng. Tháng 10 năm 1944, con gái chúng tôi đột nhiên ngã bệnh. Willy bị bệnh bạch hầu. Tình trạng của cháu xấu đi nhanh chóng. Ba ngày sau cháu qua đời. Cháu chỉ mới bảy tuổi.

Việc mất đứa con duy nhất khiến chúng tôi suy sụp. Tôi chưa bao giờ đau đớn như thế ngay cả khi ở trại Ravensbrück. Tuy nhiên, trong lúc đau buồn, chúng tôi tìm được sự an ủi qua những lời nơi Thi-thiên 16:8: “Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; tôi chẳng hề bị rúng-động, vì Ngài ở bên hữu tôi”. Vợ chồng tôi tin chắc nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va về sự sống lại. Chúng tôi trung thành đi theo lẽ thật và sốt sắng công bố tin mừng về Nước Trời. Chồng tôi giúp tôi vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va, cho đến khi anh qua đời vào năm 1969.

Ân phước và niềm vui

Nhiều thập kỷ qua, niềm vui lớn nhất của tôi là có tình bạn thân thiết với những anh chị phụng sự trọn thời gian. Như trong thời chiến, nhà chúng tôi vẫn được dùng làm nơi lưu trú cho các giám thị lưu động và vợ khi họ tới thăm hội thánh. Một giám thị là anh Maarten Kaptein và vợ là chị Nel từng ở nhà chúng tôi tới 13 năm! Khi chị Nel bị ốm nặng, tôi có cơ hội chăm sóc chị tại nhà trong ba tháng cho đến lúc chị qua đời. Việc kết hợp với họ cũng như các anh chị tại địa phương giúp tôi quý địa đàng thiêng liêng mà chúng ta hiện có.

Năm 1995 là năm có sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Tôi được mời tham dự buổi lễ ôn lại những sự kiện diễn ra tại Ravensbrück. Ở đó, tôi gặp lại các chị từng bị giam với tôi. Tôi đã không gặp họ hơn 50 năm qua! Việc gặp lại họ là kỷ niệm ấm lòng và đáng nhớ. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi khích lệ lẫn nhau, cùng mong chờ ngày gặp những người thân yêu được sống lại.

Nơi Rô-ma 15:4, sứ đồ Phao-lô nói: “Bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy”. Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va vì đã ban niềm trông cậy này. Nhờ thế, tôi có thể vui mừng phụng sự Ngài dù gặp nhiều thử thách.

[Chú thích]

^ đ. 19 Trong thời chiến, vì không liên lạc được với trụ sở, nên anh em giải quyết vấn đề trung lập theo cách mà họ nghĩ là tốt nhất. Đây là lý do mà các chị trong trại đối xử khác nhau với chị Maatje.

[Hình nơi trang 10]

Với anh Jaap, năm 1930

[Hình nơi trang 10]

Con gái chúng tôi, Willy, lúc bảy tuổi

[Hình nơi trang 12]

Cuộc họp mặt ấm lòng năm 1995. Tôi ngồi hàng đầu tiên, ở vị trí thứ hai, từ trái sang phải