Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thật sự quý trọng ân phước nhận được?

Bạn có thật sự quý trọng ân phước nhận được?

Bạn có thật sự quý trọng ân phước nhận được?

Đức Giê-hô-va đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên một cách kỳ diệu khỏi ách nô lệ ở xứ Ê-díp-tô. Ban đầu dân này vui mừng được tự do thờ phượng Đức Giê-hô-va (Xuất 14:29–15:1, 20, 21). Nhưng sau đó không lâu, quan điểm của họ thay đổi. Họ bắt đầu phàn nàn về tình trạng của mình. Tại sao? Vì họ đã nghĩ nhiều đến những khó khăn trong đồng vắng hơn là những gì Đức Giê-hô-va đã làm cho họ. Dân sự nói với Môi-se: “Làm sao người khiến chúng tôi lên khỏi xứ Ê-díp-tô đặng chết trong đồng vắng? Vì đây không có bánh, cũng không có nước, và linh-hồn chúng tôi đã ghê-gớm thứ đồ-ăn đạm-bạc nầy [ma-na]”.—Dân 21:5.

Nhiều thế kỷ sau, vua Đa-vít của xứ Y-sơ-ra-ên xưa đã hát: “Tôi đã tin-cậy nơi sự nhân-từ Chúa; lòng tôi khoái-lạc về sự cứu-rỗi của Chúa. Tôi sẽ hát ngợi-khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm ơn cho tôi” (Thi 13:5, 6). Đa-vít không quên những hành động yêu thương nhân từ mà Đức Giê-hô-va đã làm cho ông. Ngược lại, ông thường dành thì giờ để suy nghĩ về những điều đó (Thi 103:2). Đức Giê-hô-va cũng ban phước cho chúng ta, và điều khôn ngoan là chúng ta không xem nhẹ những gì Ngài đã làm vì lợi ích chúng ta. Vậy, hãy xem xét một số ân phước mà chúng ta được hưởng ngày nay.

Kết bạn thiết với Đức Giê-hô-va

Người viết Thi-thiên hát: “Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính-sợ Ngài” (Thi 25:14). Thật là một đặc ân khi con người bất toàn có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va! Tuy nhiên, nói sao nếu chúng ta quá bận rộn với công việc thường ngày đến độ không còn dành nhiều thì giờ để cầu nguyện? Hãy nghĩ xem mối quan hệ của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va sẽ như thế nào. Là người bạn, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tin cậy và dốc đổ lòng mình với Ngài qua lời cầu nguyện, thổ lộ nỗi sợ hãi, ước muốn và những lo lắng của chúng ta (Châm 3:5, 6; Phi-líp 4:6, 7). Vì vậy, chẳng phải chúng ta nên xem xét phẩm chất lời cầu nguyện của mình sao?

Khi một Nhân Chứng trẻ tên Paul * nghĩ về lời cầu nguyện của mình, anh nhận thấy cần cải thiện. Anh nói: “Tôi có thói quen lặp đi lặp lại nhiều cụm từ khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va”. Khi nghiên cứu chủ đề này trong Watch Tower Publications Index (Thư mục ấn phẩm Hội Tháp Canh), anh mới biết có khoảng 180 lời cầu nguyện được ghi trong Kinh Thánh. Trong những lời cầu nguyện này, tôi tớ của Đức Giê-hô-va thời xưa đã bày tỏ cảm xúc sâu kín nhất. Anh Paul nói: “Qua việc suy ngẫm những gương đó trong Kinh Thánh, tôi đã học được phải cầu nguyện cách cụ thể. Điều này đã giúp tôi mở lòng với Đức Giê-hô-va. Giờ đây tôi cảm thấy vui thích đến gần Ngài qua lời cầu nguyện”.

“Đồ ăn đúng giờ”

Một ân phước khác mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta là rất nhiều lẽ thật trong Kinh Thánh. Khi thưởng thức đồ ăn thiêng liêng dồi dào, chúng ta có thể “hát mừng vì lòng đầy vui-vẻ” (Ê-sai 65:13, 14). Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận, đừng để những ảnh hưởng không lành mạnh khiến chúng ta mất đi lòng sốt sắng với lẽ thật. Chẳng hạn, chú ý đến sự tuyên truyền bội đạo có thể ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và khiến chúng ta không thấy được giá trị của “đồ ăn đúng giờ” về thiêng liêng, do Đức Giê-hô-va cung cấp qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”.—Mat 24:45-47.

Anh André, người phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm, đã trải qua kinh nghiệm cay đắng từ việc đi trệch khỏi lẽ thật vì lối suy nghĩ bội đạo. Anh nghĩ chỉ xem thoáng qua trang web bội đạo thì không hại gì. Anh nhớ lại: “Lúc đầu những điều mà kẻ bội đạo gọi là “lẽ thật” đã thu hút tôi. Càng xem xét những gì họ nói, tôi càng có lý do chính đáng để rời bỏ tổ chức của Đức Giê-hô-va. Nhưng sau đó, khi nghiên cứu về một số lý luận mà kẻ bội đạo dùng để chống lại Nhân Chứng, tôi nhận ra những giáo sư giả này quả thật xảo quyệt. Những điều mà họ gọi là “bằng chứng vững chắc” thật ra chỉ là những thông tin bị bóp méo ý nghĩa. Vì thế, tôi quyết định bắt đầu đọc lại các ấn phẩm và tham dự nhóm họp. Chẳng bao lâu sau, tôi nhận ra tôi đã mất quá nhiều”. Thật vui mừng thay khi anh André đã trở về với hội thánh!

Đoàn thể anh em

Đoàn thể anh em yêu thương và hợp nhất là một ân phước đến từ Đức Giê-hô-va (Thi 133:1). Thật thích hợp khi sứ đồ Phi-e-rơ viết: ‘Hãy yêu anh em’ (1 Phi 2:17). Thuộc về đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ, chúng ta có cha, mẹ, anh chị em thiêng liêng hỗ trợ một cách yêu thương.—Mác 10:29, 30.

Dù vậy, đôi khi có những điều gây căng thẳng cho mối quan hệ của chúng ta với các anh chị. Chẳng hạn, chúng ta dễ khó chịu trước sự bất toàn của một người và có thái độ chỉ trích người đó. Nếu điều này xảy ra, chẳng phải có ích khi nhớ rằng Đức Giê-hô-va yêu các tôi tớ Ngài dù họ bất toàn sao? Ngoài ra, “ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa-dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta” (1 Giăng 1:8). Chẳng phải chúng ta nên cố gắng “nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau” sao?—Cô 3:13.

Một người trẻ tên Ann đã trải qua kinh nghiệm đắng cay mới biết giá trị của việc kết hợp với anh em tín đồ Đấng Christ. Chị hành động có phần nào giống người con hoang đàng trong minh họa của Chúa Giê-su, và trôi dạt khỏi hội thánh. Sau này, chị tỉnh ngộ và trở lại với lẽ thật (Lu 15:11-24). Chị Ann đã học được gì? Chị kể lại: “Giờ đây tôi đã trở về với tổ chức của Đức Giê-hô-va, tôi quý tất cả các anh chị dù họ bất toàn. Trước đây tôi dễ chỉ trích họ, nhưng bây giờ tôi quyết tâm không để bất cứ điều gì lấy đi ân phước mà tôi có giữa anh chị cùng đức tin. Không có gì ở thế gian đáng để chúng ta bỏ địa đàng thiêng liêng”.

Luôn quý trọng ân phước nhận được

Niềm hy vọng Nước Trời là giải pháp cho mọi vấn đề của nhân loại là một kho tàng vô giá. Khi mới biết về hy vọng này, lòng chúng ta quý trọng hy vọng ấy biết bao! Chúng ta cảm thấy như người lái buôn trong minh họa của Chúa Giê-su, người đã “bán hết gia-tài mình” để mua “một hột châu quí giá” (Mat 13:45, 46). Chúa Giê-su không nói ông ấy mất đi lòng quý trọng hạt châu đó. Tương tự, chúng ta đừng bao giờ để mất lòng quý trọng về hy vọng tuyệt vời của chúng ta.—1 Tê 5:8; Hê 6:19.

Hãy xem trường hợp của chị Jean, người đã phụng sự Đức Giê-hô-va hơn 60 năm. Chị nói: “Điều giúp tôi ghi nhớ Nước Trời là nói về nước ấy cho người khác. Tôi rất vui khi thấy mắt họ sáng lên vì hiểu Nước Trời là gì. Khi nhận thấy lẽ thật Nước Trời làm thay đổi đời sống của học viên, tôi nghĩ: “Những lẽ thật mà tôi chia sẻ với người khác thật tuyệt diệu biết bao!””.

Chúng ta có nhiều lý do để quý trọng những ân phước thiêng liêng mình có. Dù có thể gặp những thử thách như sự chống đối, bệnh tật, tuổi già, trầm cảm, mất người thân và khó khăn về kinh tế, chúng ta biết những điều đó chỉ là tạm thời. Dưới sự cai trị của Nước Trời, ngoài những ân phước thiêng liêng, chúng ta sẽ nhận được những ân phước về thể chất. Bất cứ đau khổ nào chúng ta chịu hiện nay sẽ không còn nữa trong thế giới mới.—Khải 21:4.

Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy quý trọng những ân phước thiêng liêng và biểu lộ lòng biết ơn như người viết Thi-thiên hát: “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, công-việc lạ-lùng Chúa đã làm, và những tư-tưởng của Chúa hướng cùng chúng tôi, thật là nhiều, không thể sắp-đặt trước mặt Chúa; nếu tôi muốn truyền các việc ấy ra, và nói đến, thật lấy làm nhiều quá không đếm được”.—Thi 40:5.

[Chú thích]

^ đ. 6 Các tên đã đổi.

[Hình nơi trang 18]

Sự hỗ trợ về thiêng liêng khi gặp thử thách là một ân phước