Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hết lòng yêu mến sự công bình

Hết lòng yêu mến sự công bình

Hết lòng yêu mến sự công bình

“Chúa ưa sự công-bình”.—THI 45:7.

1. Điều gì sẽ giúp chúng ta theo “các lối công-bình”?

Qua Kinh Thánh và thánh linh, Đức Giê-hô-va dẫn dân Ngài vào “các lối công-bình” (Thi 23:3). Tuy nhiên, vì bất toàn, chúng ta có khuynh hướng đi trệch đường lối ấy. Để trở lại “lối công-bình”, chúng ta phải quyết tâm nỗ lực. Điều gì sẽ giúp chúng ta thành công? Giống như Chúa Giê-su, chúng ta phải yêu mến việc đi theo đường lối công bình.—Đọc Thi-thiên 45:7.

2. “Các lối công-bình” là gì?

2 “Các lối công-bình” là gì? Các “lối” này ám chỉ lối sống theo tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va. Trong tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp, “công-bình” ám chỉ điều “ngay thẳng”, hàm ý triệt để làm theo các nguyên tắc đạo đức. Vì Đức Giê-hô-va là “nơi-ở của sự công-bình”, những người thờ phượng Ngài vui mừng hướng về Ngài để quyết định đường lối công bình về đạo đức mà họ phải theo.—Giê 50:7.

3. Làm thế nào chúng ta có thể học biết nhiều hơn về sự công bình của Đức Chúa Trời?

3 Chỉ khi hết lòng nỗ lực để làm theo các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được đẹp lòng Ngài (Phục 32:4). Trước tiên, chúng ta cần học biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua Lời Ngài, tức Kinh Thánh. Càng học biết về Đức Chúa Trời và đến gần Ngài mỗi ngày, chúng ta sẽ càng yêu mến sự công bình của Ngài (Gia 4:8). Chúng ta cũng phải chấp nhận sự hướng dẫn từ Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn khi đứng trước những quyết định quan trọng trong đời sống.

Tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời

4. Tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời bao hàm điều gì?

4 Đọc Ma-thi-ơ 6:33. Tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời bao hàm nhiều hơn là việc dành thời gian rao giảng tin mừng về Nước Trời. Để Đức Giê-hô-va chấp nhận việc phụng sự của chúng ta, hạnh kiểm hằng ngày của chúng ta phải phù hợp với tiêu chuẩn cao của Ngài. Những người tìm kiếm sự công bình của Đức Giê-hô-va phải làm gì? Họ phải “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch”.—Ê-phê 4:24.

5. Điều gì sẽ giúp chúng ta vượt qua sự nản lòng?

5 Khi cố gắng sống theo tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời, đôi khi chúng ta có thể nản lòng vì những thiếu sót của mình. Điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua sự nản lòng, tập yêu mến và thực hành sự công bình? (Châm 24:10). Chúng ta phải đều đặn đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện với “lòng thật-thà với đức-tin đầy-dẫy trọn-vẹn” (Hê 10:19-22). Dù là tín đồ Đấng Christ được xức dầu hay có hy vọng sống trên đất, chúng ta thể hiện đức tin nơi giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su và việc ngài phụng sự với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta (Rô 5:8; Hê 4:14-16). Sứ đồ Giăng viết: “Huyết của Đức Chúa Jêsus... làm sạch mọi tội chúng ta” (1 Giăng 1:6, 7). Kinh Thánh nói dù tội chúng ta “như hồng-điều, sẽ trở nên trắng như tuyết”. Thật là một sự cung cấp tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta qua giá chuộc hy sinh của Con yêu dấu Ngài!—Ê-sai 1:18.

Kiểm tra bộ khí giới thiêng liêng

6. Tại sao kiểm tra bộ khí giới thiêng liêng là điều thiết yếu?

6 Chúng ta phải luôn luôn mặc “giáp bằng sự công-bình”, vì nó là phần quan trọng của bộ khí giới thiêng liêng đến từ Đức Chúa Trời (Ê-phê 6:11, 14). Dù chúng ta mới dâng mình hoặc đã phụng sự trong nhiều thập niên, điều thiết yếu là chúng ta phải kiểm tra bộ khí giới thiêng liêng mỗi ngày. Tại sao? Vì Ma-quỉ và các quỉ của hắn đã bị quăng xuống vùng phụ cận của trái đất (Khải 12:7-12). Sa-tan giận dữ và biết thì giờ mình ngắn ngủi. Vì vậy, hắn tăng cường tấn công dân của Đức Chúa Trời. Chúng ta có hiểu tầm quan trọng của việc mặc lấy “giáp bằng sự công-bình” không?

7. Nếu nhận biết việc mặc “giáp bằng sự công-bình” là cần thiết, chúng ta sẽ làm gì?

7 Như áo giáp che chở trái tim, sự công bình bảo vệ tấm lòng của chúng ta. Vì bản chất bất toàn, lòng chúng ta có khuynh hướng dối trá và xấu xa (Giê 17:9). Vì lòng chúng ta thiên về việc làm điều sai quấy, điều quan trọng là nó phải được rèn luyện và có kỷ luật (Sáng 8:21). Nếu nhận biết việc mặc “giáp bằng sự công-bình” là điều cần thiết, chúng ta sẽ không cởi bỏ áo giáp ấy qua việc chọn chương trình giải trí có những điều Đức Chúa Trời ghét, cũng không để mình mơ tưởng đến những hành động sai trái. Chúng ta sẽ không lãng phí phần lớn thời gian quý báu cho việc xem truyền hình. Thay vì thế, chúng ta phấn đấu để làm điều Đức Giê-hô-va đẹp lòng. Dù có khi vấp ngã vì nghĩ đến điều không công bình trong chốc lát, nhưng chúng ta sẽ chỗi dậy nhờ sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va.—Đọc Châm-ngôn 24:16.

8. Tại sao chúng ta cần có “đức-tin làm thuẫn”?

8 “Đức-tin làm thuẫn” là một phần của bộ khí giới thiêng liêng. Nó có thể giúp chúng ta “dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ” (Ê-phê 6:16). Đức tin và việc hết lòng yêu mến Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta làm sự công bình và tiếp tục đi trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Càng yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta càng quý trọng sự công bình của Ngài. Nhưng nói gì về lương tâm của chúng ta? Trong việc cố gắng yêu mến sự công bình, lương tâm giúp chúng ta như thế nào?

Duy trì lương tâm tốt

9. Duy trì lương tâm tốt đem lại lợi ích nào cho chúng ta?

9 Khi làm báp-têm, chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va có “lương-tâm tốt” (1 Phi 3:21). Vì chúng ta thể hiện đức tin nơi giá chuộc, huyết của Chúa Giê-su che lấp tội lỗi của chúng ta và nhờ thế, chúng ta có vị thế trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, để giữ vị thế này, chúng ta cần duy trì lương tâm tốt. Nếu đôi khi lương tâm lên tiếng cảnh báo, chúng ta nên vui vì lương tâm mình vẫn còn hoạt động tốt. Tiếng nói ấy cho thấy lương tâm chúng ta chưa chai lì trước những nguyên tắc công bình của Đức Giê-hô-va (1 Ti 4:2). Lương tâm còn có vai trò khác đối với những người yêu mến sự công bình.

10, 11. (a) Hãy thuật lại một kinh nghiệm cho thấy tại sao chúng ta nên lắng nghe lương tâm đã được Kinh Thánh rèn luyện. (b) Tại sao lòng yêu mến sự công bình sẽ mang lại niềm vui lớn cho chúng ta?

10 Khi làm điều sai trái, lương tâm có thể cáo trách hoặc dày vò chúng ta. Một người trẻ đã đi trệch khỏi đường lối công bình. Anh nghiện tài liệu khiêu dâm và bắt đầu hút cần sa. Anh cảm thấy tội lỗi khi tham dự các buổi nhóm và có cảm giác mình là người giả hình khi tham gia thánh chức. Vì thế, anh ngưng tham gia các hoạt động thiêng liêng. Nhưng anh cho biết: “Tôi đã không nghĩ rằng lương tâm sẽ bị dày vò vì những hành động của mình”. Anh nói thêm: “Lối sống khờ dại của tôi kéo dài khoảng bốn năm”. Rồi anh bắt đầu nghĩ đến việc quay về với lẽ thật. Dù nghĩ rằng Đức Giê-hô-va sẽ không nghe lời cầu nguyện của mình, anh vẫn cầu nguyện và xin được tha thứ. Không đầy mười phút sau, mẹ anh đến thăm và khuyến khích anh đi nhóm trở lại. Anh đến Phòng Nước Trời và xin một trưởng lão giúp anh học Kinh Thánh. Qua thời gian, anh làm báp-têm, và biết ơn Đức Giê-hô-va đã cứu mạng mình.

11 Chẳng phải chúng ta cảm nhận niềm vui khi làm điều đúng sao? Khi tập yêu mến sự công bình và thực hành sự công bình ấy nhiều hơn, chúng ta sẽ có nhiều niềm vui trong việc làm những điều Cha trên trời hài lòng. Hãy thử nghĩ! Sẽ có một ngày mà tất cả nhân loại cảm nghiệm niềm vui vì có lương tâm tốt; họ sẽ hoàn toàn phản ánh hình ảnh của Đức Chúa Trời. Thế nên, ngay bây giờ chúng ta hãy vun trồng lòng yêu mến sâu xa về sự công bình và làm Đức Giê-hô-va vui lòng.—Châm 23:15, 16.

12, 13. Làm thế nào chúng ta có thể rèn luyện lương tâm?

12 Chúng ta có thể làm gì để rèn luyện lương tâm? Khi học hỏi Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, điều quan trọng là chúng ta nhớ rằng “lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp” (Châm 15:28). Hãy xem điều này lợi ích thế nào khi chúng ta đứng trước những câu hỏi liên quan đến việc làm. Nếu một loại công việc rõ ràng trái với các đòi hỏi trong Kinh Thánh, hầu hết chúng ta đều nhanh chóng hưởng ứng sự chỉ dẫn đến từ lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Tuy nhiên, nếu không có câu trả lời rõ ràng về một công việc, chúng ta nên lưu ý đến các nguyên tắc Kinh Thánh, xem xét kỹ và cầu nguyện *. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghĩ đến các nguyên tắc về việc tránh làm vấp phạm lương tâm người khác (1 Cô 10:31-33). Đặc biệt chúng ta nên lưu ý đến những nguyên tắc liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Nếu Đức Giê-hô-va có thật đối với chúng ta, hẳn chúng ta sẽ tự hỏi: “Khi làm việc này, tôi có gây đau lòng cho Đức Giê-hô-va không?”.—Thi 78:40, 41.

13 Khi chuẩn bị cho Buổi học Tháp Canh hoặc Buổi học Kinh Thánh của hội thánh, chúng ta phải nhớ suy ngẫm về những thông tin được trình bày. Chúng ta có luôn gạch dưới câu trả lời thật nhanh rồi chuyển sang đoạn kế tiếp không? Chuẩn bị bài theo cách này không gia tăng lòng yêu mến sự công bình hoặc giúp chúng ta có lương tâm nhạy bén. Nếu muốn yêu mến sự công bình, chúng ta cần chăm chỉ học hỏi và suy ngẫm về những điều mình đọc trong Lời Đức Chúa Trời. Để hết lòng yêu mến sự công bình, chúng ta phải nỗ lực!

Đói khát sự công bình

14. Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su muốn chúng ta cảm thấy thế nào về việc phụng sự?

14 Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su muốn chúng ta hạnh phúc trong việc phụng sự. Điều gì góp phần vào hạnh phúc ấy? Đó là lòng yêu mến sự công bình! Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói: “Phước cho những kẻ đói khát sự công-bình, vì sẽ được no-đủ!” (Mat 5:6). Những lời này có nghĩa gì đối với những người mong muốn yêu mến sự công bình?

15, 16. Bằng cách nào những người đói khát sự công bình sẽ được thỏa nguyện?

15 Thế gian này ở dưới sự cai trị của Ma-quỉ (1 Giăng 5:19). Ở bất cứ nước nào, nếu đọc báo, chúng ta đều thấy những tin về sự gian ác và bạo lực trên bình diện chưa từng thấy. Khi nghĩ đến sự vô nhân đạo giữa người với người, người công bình cảm thấy buồn phiền (Truyền 8:9). Là người yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta biết Ngài sẽ thỏa mãn sự đói khát về thiêng liêng cho những ai mong muốn học biết về sự công bình. Những kẻ không tin kính sẽ nhanh chóng bị hủy diệt, và những ai yêu mến sự công bình sẽ không còn sầu não bởi người gian tà và hành động ác của họ (2 Phi 2:7, 8). Thật nhẹ nhõm biết bao!

16 Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va và môn đồ của Chúa Giê-su, chúng ta biết rằng tất cả những người đói khát về sự công bình sẽ “được no-đủ”. Họ sẽ thật sự thỏa nguyện qua sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về trời mới và đất mới, là “nơi sự công-bình ăn-ở” (2 Phi 3:13). Vậy, chúng ta đừng nản lòng hoặc sửng sốt khi sự áp bức và bạo lực đã làm mất đi sự công bình trong thế gian này của Sa-tan (Truyền 5:8). Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí Cao, biết điều gì đang xảy ra và không lâu nữa sẽ giải thoát những người yêu mến sự công bình.

Lợi ích từ việc yêu mến sự công bình

17. Yêu mến sự công bình mang lại một số lợi ích nào?

17 Thi-thiên 146:8 nhấn mạnh một lợi ích nổi bật khi theo đường lối công bình. Người viết Thi-thiên hát: “Đức Giê-hô-va yêu-mến người công-bình”. Hãy hình dung: Đấng Thống Trị hoàn vũ yêu chúng ta vì chúng ta yêu mến sự công bình! Vì tình yêu thương của Đức Giê-hô-va, chúng ta tin chắc rằng khi đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống, Ngài sẽ chu cấp cho chúng ta. (Đọc Thi-thiên 37:25; Châm-ngôn 10:3). Cuối cùng, toàn thể hành tinh này sẽ thuộc về những người yêu mến sự công bình (Châm 13:22). Đối với phần lớn dân Đức Chúa Trời, phần thưởng của việc làm sự công bình sẽ là niềm vui tràn đầy và một đời sống vĩnh cửu trong địa đàng xinh đẹp. Ngay bây giờ, những ai yêu mến sự công bình của Đức Chúa Trời hưởng được sự bình an nội tâm, là điều góp phần vào sự hòa hợp trong gia đình và trong hội thánh.—Phi-líp 4:6, 7.

18. Trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải tiếp tục làm gì?

18 Trong khi chờ đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va đến, chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm sự công bình của Ngài (Sô 2:2, 3). Vì thế, chúng ta hãy thể hiện lòng yêu mến chân thành với đường lối ngay thẳng của Đức Giê-hô-va. Điều này bao hàm việc tiếp tục giữ chặt “giáp bằng sự công-bình” để bảo vệ lòng. Chúng ta cũng cần duy trì một lương tâm tốt—là điều mang lại niềm vui cho chúng ta và làm Đức Chúa Trời hài lòng.—Châm 27:11.

19. Chúng ta nên quyết tâm làm gì? Và bài kế tiếp sẽ thảo luận điều gì?

19 Con mắt của Đức Giê-hô-va đang “soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (2 Sử 16:9). Những lời này thật an ủi biết bao khi chúng ta làm điều đúng dù sự bấp bênh, bạo lực và gian ác ngày càng gia tăng trong thế gian đầy vấn đề này! Thật vậy, đường lối công bình của chúng ta có thể khó hiểu đối với nhiều người xa cách Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta được lợi ích rất nhiều khi theo sát sự công bình của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 48:17; 1 Phi 4:4). Thế nên, hãy quyết tâm tiếp tục hết lòng yêu mến và thực hành sự công bình, là điều mang lại niềm vui cho chúng ta. Tuy nhiên, hết lòng yêu mến sự công bình cũng bao hàm việc ghét điều gian ác. Bài kế tiếp sẽ cho chúng ta biết điều này có nghĩa gì.

[Chú thích]

^ đ. 12 Để biết thêm về các nguyên tắc Kinh Thánh liên quan đến việc làm, xin xem Tháp Canh ngày 15-4-1999, trang 28-30.

Bạn trả lời thế nào?

• Để yêu mến sự công bình, tại sao nhận biết giá trị của giá chuộc là cần thiết?

• Tại sao mặc “giáp bằng sự công-bình” là điều thiết yếu?

• Làm thế nào chúng ta rèn luyện lương tâm?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

Lương tâm được rèn luyện giúp chúng ta trả lời những câu hỏi liên quan đến việc làm