Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thánh linh trong việc sáng tạo!

Thánh linh trong việc sáng tạo!

Thánh linh trong việc sáng tạo!

“Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va, cả cơ-binh trời bởi hơi-thở của miệng Ngài mà có”.—THI 33:6.

1, 2. (a) Qua thời gian, kiến thức của con người về bầu trời và trái đất gia tăng thế nào? (b) Câu hỏi nào cần được giải đáp?

Vào năm 1905, nhà khoa học Albert Einstein và nhiều nhà khoa học khác tin rằng vũ trụ chỉ có một thiên hà: dải Ngân Hà của chúng ta. Ước lượng của họ về kích thước vũ trụ thật nhỏ bé! Ngày nay người ta ước tính có hơn 100 tỷ thiên hà, một số thiên hà có hàng tỷ ngôi sao. Khi những kính thiên văn tối tân nhất được đặt trên mặt đất hoặc đi theo quỹ đạo ngoài trái đất, người ta ngày càng phát hiện ra nhiều thiên hà hơn.

2 Năm 1905, kiến thức khoa học của con người về bầu trời còn giới hạn, kiến thức về trái đất cũng vậy. Những người sống cách đây một thế kỷ biết nhiều hơn ông bà của họ. Tuy nhiên, ngày nay, vẻ đẹp và sự phức tạp của sự sống trên đất cũng như cách trái đất duy trì sự sống được hiểu rõ hơn nhiều so với thời đó. Và chắc chắn chúng ta sẽ biết nhiều hơn về trái đất và bầu trời trong những năm sắp đến. Nhưng có một câu hỏi cần được giải đáp: Tất cả những điều này được hình thành như thế nào?. Chúng ta chỉ có thể biết lời giải đáp nhờ Đấng Tạo Hóa tiết lộ qua Kinh Thánh.

Sự kỳ diệu của việc sáng tạo

3, 4. Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ bằng cách nào? Và những công việc ấy đem lại sự vinh hiển cho Ngài như thế nào?

3 Cách vũ trụ hình thành được giải thích trong lời mở đầu của Kinh Thánh: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng 1:1). Khi chưa có gì hiện hữu trong thể vật chất, Đức Giê-hô-va dùng thánh linh Ngài—tức lực mạnh mẽ—để tạo ra bầu trời, trái đất và mọi vật trong vũ trụ. Một thợ thủ công dùng đôi tay và dụng cụ để chế tạo đồ vật, nhưng Đức Chúa Trời dùng thánh linh để thực hiện các công việc lạ lùng.

4 Kinh Thánh gọi thánh linh theo nghĩa bóng là “ngón tay” của Đức Chúa Trời (Lu 11:20; Mat 12:28). Và “công-việc tay Ngài làm”—những điều Đức Giê-hô-va tạo ra bằng thánh linh—đem lại sự vinh hiển cho Ngài. Người viết Thi-thiên là Đa-vít hát: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi-tỏ công-việc tay Ngài làm” (Thi 19:1). Thật vậy, sự sáng tạo vật chất chứng tỏ sức mạnh kỳ diệu của thánh linh Đức Chúa Trời (Rô 1:20). Như thế nào?

Quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời

5. Hãy minh họa quyền năng sáng tạo của thánh linh Đức Giê-hô-va.

5 Vũ trụ bao la là bằng chứng cho thấy sức mạnh và quyền năng vô hạn của Đức Giê-hô-va. (Đọc Ê-sai 40:26). Khoa học hiện đại chứng minh rằng vật chất có thể chuyển thành năng lượng và ngược lại. Mặt trời là một ngôi sao, một thí dụ điển hình của vật chất chuyển thành năng lượng. Mỗi giây, mặt trời biến khoảng bốn triệu tấn vật chất thành ánh sáng, sức nóng và những dạng khác của năng lượng. Chỉ một phần nhỏ năng lượng mặt trời đến trái đất, nhưng cũng đủ để duy trì sự sống trên đất. Rõ ràng, để tạo ra mặt trời và hàng tỷ ngôi sao khác, cần có sức mạnh và năng lực vô cùng lớn. Đức Giê-hô-va có đủ năng lực cần thiết đó—và nhiều hơn nữa.

6, 7. (a) Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đức Chúa Trời dùng thánh linh để sáng tạo mọi vật một cách trật tự? (b) Điều gì cho thấy vũ trụ chúng ta đã không xuất hiện cách ngẫu nhiên?

6 Xung quanh chúng ta là những bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời dùng thánh linh sáng tạo mọi vật một cách trật tự. Để minh họa: Giả sử bạn có một cái hộp chứa nhiều quả banh, mỗi quả có một màu khác nhau. Bạn lắc cái hộp để xốc những quả banh với nhau. Rồi đổ chúng ra cùng lúc. Bạn nghĩ những quả banh ấy có tự động xếp theo cùng màu không? Màu xanh, màu vàng v.v. riêng ra với nhau? Dĩ nhiên không! Những hành động không có sự điều khiển luôn dẫn đến việc không trật tự. Điều này được công nhận là một luật cơ bản của tự nhiên *.

7 Khi nghiên cứu hoặc nhìn lên bầu trời, chúng ta thấy gì? Một hệ thống khổng lồ và trật tự gồm các thiên hà, ngôi sao và hành tinh, tất cả chuyển động vô cùng chính xác. Đây không phải là sản phẩm của sự ngẫu nhiên, không dự tính hoặc của hành động không được điều khiển. Vì thế, câu hỏi được nêu lên là: Nguồn lực nào tạo nên vũ trụ trật tự của chúng ta? Khoa học và kỹ thuật của con người không đủ khả năng để xác định nguồn lực tạo ra vũ trụ. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết nguồn lực đó là thánh linh của Đức Chúa Trời, lực mạnh mẽ nhất trong vũ trụ. Người viết Thi-thiên hát: “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va, cả cơ-binh trời bởi hơi-thở của miệng Ngài mà có” (Thi 33:6). Khi nhìn lên bầu trời về đêm, với mắt thường, chúng ta chỉ có thể thấy một phần rất nhỏ của “cơ-binh”, tức các vì sao.

Thánh linh và trái đất

8. Chúng ta hiểu bao nhiêu về công việc của Đức Giê-hô-va?

8 So với những điều có thể học, sự hiểu biết của chúng ta hiện nay về thiên nhiên vẫn còn rất hạn hẹp. Liên quan đến sự hiểu biết về công việc sáng tạo của Đức Chúa Trời, người trung thành Gióp nói: “Kìa, ấy chỉ là biên-giới của các đường-lối Ngài; ta được nghe tiếng nói về Chúa xầm-xì nhỏ thay!” (Gióp 26:14). Nhiều thế kỷ sau, vua Sa-lô-môn, người suy ngẫm sâu sắc về công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va, nhận xét rằng: “Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt-lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công-việc Đức Chúa Trời làm từ ban-đầu đến cuối-cùng, người không thế hiểu được”.—Truyền 3:11; 8:17.

9, 10. Đức Chúa Trời dùng lực nào khi tạo nên trái đất? Và một số diễn biến xảy ra trong ba ngày sáng tạo đầu tiên là gì?

9 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã tiết lộ những chi tiết cần thiết về công việc Ngài. Chẳng hạn, Kinh Thánh cho chúng ta biết thánh linh Đức Chúa Trời đã hoạt động trên đất từ biết bao thiên niên kỷ trước. (Đọc Sáng-thế Ký 1:2). Lúc đó, không có đất khô, ánh sáng và không khí trên đất.

10 Kinh Thánh tiếp tục miêu tả những điều Đức Chúa Trời làm trong chuỗi ngày sáng tạo. Đó không phải là những ngày dài 24 giờ mà là những giai đoạn. Ngày đầu tiên, Đức Giê-hô-va làm ánh sáng xuất hiện trên trái đất. Quá trình này hoàn tất khi có thể thấy rõ mặt trời và mặt trăng từ trái đất (Sáng 1:3, 14). Ngày thứ hai, bầu khí quyển bắt đầu hình thành (Sáng 1:6). Sau đó, trên đất có nước, ánh sáng và không khí nhưng chưa có đất khô. Vào đầu ngày thứ ba, Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để làm đất khô lộ ra, có lẽ dùng các lực địa chất để đẩy các lục địa lên khỏi mặt nước biển (Sáng 1:9). Ngoài ra, có những diễn biến khác xảy ra từ ngày sáng tạo thứ ba đến những giai đoạn sáng tạo sau đó.

Thánh linh và các sinh vật

11. Vẻ đẹp, sự đa dạng và cân đối của các sinh vật thể hiện điều gì?

11 Thánh linh Đức Chúa Trời cũng điều khiển sự sáng tạo các sinh vật một cách có trật tự. Qua thánh linh, từ ngày sáng tạo thứ ba đến ngày thứ sáu, Đức Chúa Trời tạo ra vô số cây cối và thú vật (Sáng 1:11, 20-25). Vì thế, các sinh vật là vô số bằng chứng về vẻ đẹp, sự đa dạng và cân đối, thể hiện mức độ sáng tạo cao nhất.

12. (a) ADN có chức năng nào? (b) Chúng ta học được gì từ ADN?

12 Hãy xem về ADN (axit deoxyribonucleic) hay DNA, là một phân tử có chức năng truyền lại những đặc điểm của các sinh vật từ thế hệ này đến thế hệ sau. Tất cả sinh vật trên đất—kể cả vi khuẩn, cỏ cây, voi, cá voi xanh và con người—đều sinh sản và truyền lại ADN. Dù các tạo vật trên đất khác nhau rất nhiều, mã di truyền qui định tính trạng của sinh vật thì rất ổn định và giúp duy trì sự khác biệt giữa các loài cơ bản qua các thời đại. Theo ý định của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, các sinh vật trên đất tiếp tục thực hiện chức năng của mình trong hệ sinh thái phức tạp (Thi 139:16). Sự sắp đặt trật tự, hiệu quả này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sự sáng tạo là công việc của “ngón tay”, tức thánh linh, của Đức Chúa Trời.

Tạo vật quan trọng nhất trên đất

13. Đức Chúa Trời dựng nên con người bằng cách nào?

13 Đức Chúa Trời đã tạo ra vô số sinh vật và vật vô tri qua các thiên niên kỷ, nên trái đất không còn “vô-hình và trống-không” nữa. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va vẫn còn dùng thánh linh cho mục đích sáng tạo. Ngài sẽ dựng nên một tạo vật cao cấp nhất trên đất. Vào cuối ngày sáng tạo thứ sáu, Đức Chúa Trời dựng nên con người. Bằng cách nào? Ngài dùng thánh linh và các yếu tố từ đất.—Sáng 2:7.

14. Con người khác với thú vật ở điểm quan trọng nào?

14 Sáng-thế Ký 1:27 cho biết: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ”. Được dựng nên theo hình Đức Chúa Trời có nghĩa là Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta khả năng thể hiện tình yêu thương, có tự do ý chí và ngay cả có mối quan hệ cá nhân với Đấng Tạo Hóa. Vì vậy, bộ não của chúng ta rất khác với thú vật. Đức Giê-hô-va thiết kế bộ não con người để chúng ta có thể tiếp tục vui thích học hỏi về Ngài và công việc của Ngài cho đến mãi mãi.

15. A-đam và Ê-va có triển vọng gì?

15 Vào đầu lịch sử nhân loại, Đức Chúa Trời ban trái đất và tất cả những kỳ quan trên đó cho A-đam và vợ ông là Ê-va để họ vui hưởng và khám phá (Sáng 1:8). Đức Giê-hô-va cung cấp dồi dào thức ăn và ngôi nhà địa đàng cho họ. Hai người có cơ hội sống đời đời và trở thành cha mẹ của hàng tỷ con cái hoàn toàn trên đất. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như thế.

Nhận ra vai trò của thánh linh

16. Dù tổ phụ đầu tiên phản nghịch, chúng ta vẫn có hy vọng nào?

16 Thay vì tỏ lòng biết ơn bằng cách vâng lời Đấng Tạo Hóa, A-đam và Ê-va đã ích kỷ phản lại Ngài. Tất cả những người bất toàn đều là con cháu họ và phải gánh chịu hậu quả. Nhưng Kinh Thánh cho biết cách Đức Chúa Trời sẽ xóa bỏ mọi tổn hại do tội lỗi của tổ phụ đầu tiên chúng ta. Kinh Thánh cũng cho thấy Đức Giê-hô-va sẽ hoàn thành ý định ban đầu của Ngài. Trái đất sẽ trở thành địa đàng đầy những người hạnh phúc, khỏe mạnh, được sống vĩnh cửu (Sáng 3:15). Để giữ đức tin nơi hy vọng ấm lòng này, chúng ta cần sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời.

17. Chúng ta nên tránh lối suy nghĩ nào?

17 Chúng ta nên cầu xin Đức Giê-hô-va ban thánh linh (Lu 11:13). Làm thế sẽ giúp chúng ta củng cố lòng tin chắc rằng công việc sáng tạo là từ tay Đức Chúa Trời. Thời nay, ngày càng có nhiều người tin nơi sự tuyên truyền về thuyết vô thần và thuyết tiến hóa, là những điều dựa trên lập luận nhiều sai sót và vô căn cứ. Chúng ta không nên để lối suy nghĩ sai lầm này làm mình hoang mang, e sợ. Tất cả tín đồ Đấng Christ phải sẵn sàng kháng cự những sự tấn công như thế cũng như áp lực từ người khác liên quan đến vấn đề này.—Đọc Cô-lô-se 2:8.

18. Khi xem xét nguồn gốc của vũ trụ và con người, tại sao loại trừ khả năng có một Đấng Tạo Hóa khôn ngoan là điều thiển cận?

18 Đức tin nơi Kinh Thánh và Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ được củng cố khi chúng ta xem xét các bằng chứng về việc sáng tạo với động cơ đúng. Khi suy ngẫm về nguồn gốc của vũ trụ và con người, nhiều người muốn loại trừ khả năng tin nơi bất cứ lực nào ngoài thế giới vật chất. Tuy nhiên, nếu xem xét vấn đề theo cái nhìn đó, chúng ta không khách quan trong việc cân nhắc mọi bằng chứng. Hơn nữa, làm thế là chúng ta bỏ qua sự hiện hữu có mục đích và trật tự của vô số tạo vật (Gióp 9:10; Thi 104:25). Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta tin chắc rằng lực thực hiện công việc sáng tạo là thánh linh dưới sự hướng dẫn đầy khôn ngoan của Đức Giê-hô-va.

Thánh linh và đức tin nơi Đức Chúa Trời

19. Bằng chứng nào cho thấy sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và hoạt động của thánh linh?

19 Chúng ta không cần biết mọi điều về sự sáng tạo để có đức tin cũng như tình yêu thương và lòng sùng kính sâu xa đối với Đức Chúa Trời. Điều này cũng tương tự tình bạn giữa con người. Chỉ biết thông tin về một người không khiến chúng ta trở thành bạn với người đó. Tuy nhiên, muốn tình bạn phát triển, chúng ta cần hiểu nhau rõ hơn. Cũng thế, đức tin nơi Đức Chúa Trời sẽ vững mạnh khi chúng ta học biết thêm về Ngài. Thật vậy, chúng ta cảm nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời rõ ràng hơn khi nhận thấy Ngài đáp lời cầu nguyện và nghiệm được lợi ích của việc áp dụng nguyên tắc của Ngài trong đời sống. Chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn khi càng thấy nhiều bằng chứng là Ngài đang hướng dẫn, bảo vệ, ban phước cho chúng ta trong nỗ lực phụng sự Ngài và cung cấp những gì chúng ta cần. Tất cả những điều này khẳng định chắc chắn về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và hoạt động của thánh linh.

20. (a) Tại sao Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ và loài người? (b) Nếu chúng ta tiếp tục theo sự hướng dẫn của thánh linh, kết quả là gì?

20 Kinh Thánh là một thí dụ nổi bật về việc Đức Giê-hô-va dùng sinh hoạt lực, vì những người viết Kinh Thánh ‘bởi Thánh-Linh cảm-động mà đã nói bởi Đức Chúa Trời’ (2 Phi 1:21). Học Kinh Thánh kỹ lưỡng có thể xây dựng đức tin của chúng ta về việc Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo mọi vật (Khải 4:11). Ngoài ra, việc Đức Giê-hô-va trở thành Đấng Tạo Hóa là biểu hiện của đức tính yêu thương (1 Giăng 4:8). Vậy, hãy làm hết sức để giúp người khác học biết về Đấng yêu thương trên trời, là Cha và Bạn của chúng ta. Nếu tiếp tục để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn, chúng ta sẽ có đặc ân học biết về Ngài cho đến đời đời (Ga 5:16, 25). Mong sao mỗi người chúng ta tiếp tục học về Đức Giê-hô-va và các công việc vĩ đại của Ngài, đồng thời suy ngẫm về tình yêu thương vô bờ bến mà Ngài thể hiện khi dùng thánh linh để tạo ra trời, đất và loài người.

[Chú thích]

Bạn có thể giải thích không?

• Sự hiện hữu của trời và đất cho biết gì về việc Đức Chúa Trời dùng thánh linh?

• Được dựng nên theo hình Đức Chúa Trời cho chúng ta cơ hội nào?

• Tại sao chúng ta cần xem xét các bằng chứng về sự sáng tạo?

• Làm thế nào để mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va ngày càng phát triển?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 7]

Sự trật tự trong vũ trụ dạy chúng ta điều gì về sự sáng tạo?

[Nguồn tư liệu]

Stars: Anglo-Australian Observatory/David Malin Images

[Các hình nơi trang 8]

ADN quan trọng thế nào đối với những vật sống này?

[Hình nơi trang 10]

Bạn có sẵn sàng bảo vệ niềm tin của mình không?