Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời

Những quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời

Những quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời

“Người khôn-khéo xem-xét các bước mình”.—CHÂM 14:15.

1, 2. (a) Trong mọi quyết định, mối quan tâm chính yếu của chúng ta là gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

Mỗi ngày chúng ta có thể có hàng chục điều phải quyết định. Nhiều quyết định không có ảnh hưởng lâu dài. Nhưng có một số quyết định tác động lớn đến cuộc sống chúng ta. Khi quyết định, dù lớn hay nhỏ, mối quan tâm chính yếu của chúng ta là tôn vinh Đức Chúa Trời.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:31.

2 Bạn cảm thấy dễ hay khó khi phải quyết định? Muốn tiến đến sự thành thục, chúng ta phải học phân biệt điều đúng điều sai và rồi quyết định dựa trên sự tin chắc của mình, chứ không phải của người khác (Rô 12:1, 2; Hê 5:14). Những lý do chính đáng khác để có quyết định đúng là gì? Tại sao đôi lúc khó quyết định? Và chúng ta có thể thực hiện những bước nào để chắc chắn quyết định của mình tôn vinh Đức Chúa Trời?

Tại sao phải quyết định?

3. Chúng ta không nên để điều gì ảnh hưởng đến quyết định của mình?

3 Nếu lưỡng lự trong việc áp dụng các tiêu chuẩn Kinh Thánh, bạn học hoặc đồng nghiệp có thể kết luận rằng chúng ta không có niềm tin vững chắc và vì thế dễ tác động đến chúng ta. Họ có thể nói dối, gian lận hoặc trộm cắp và rồi cố thuyết phục chúng ta “hùa đảng đông” qua việc cùng tham gia hay ít nhất là bao che cho họ (Xuất 23:2). Tuy nhiên, một người có những quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời thì sẽ không để nỗi sợ hãi hoặc mong muốn được người khác chấp nhận khiến mình hành động trái với lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện.—Rô 13:5.

4. Có thể vì lý do gì mà những người khác muốn quyết định cho chúng ta?

4 Không phải tất cả những người muốn quyết định cho chúng ta đều có ý xấu. Bạn bè có thiện ý có thể khăng khăng muốn chúng ta theo lời khuyên của họ. Nếu chúng ta sống xa nhà, những người bà con có thể rất quan tâm đến hạnh phúc và vẫn muốn có phần trong các quyết định quan trọng của chúng ta. Chẳng hạn, hãy xem vấn đề liên quan đến phương pháp chữa trị. Kinh Thánh rõ ràng lên án việc lạm dụng máu (Công 15:28, 29). Dù vậy, có những vấn đề khác liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe không có chỉ dẫn rõ ràng, và đòi hỏi mỗi người phải tự quyết định chấp nhận hoặc từ chối một phương pháp chữa trị *. Người thân của chúng ta có thể có ý kiên quyết về các vấn đề này. Tuy nhiên, khi quyết định, mỗi tín đồ đã dâng mình làm báp-têm cần “gánh lấy riêng” phần trách nhiệm (Ga 6:4, 5). Mối quan tâm chính yếu của chúng ta là giữ lương tâm tốt trước mặt Đức Chúa Trời, chứ không phải con người.—1 Ti 1:5.

5. Làm thế nào chúng ta có thể tránh bị chìm đắm đức tin?

5 Sự lưỡng lự có thể đặt chúng ta vào tình huống nguy hiểm. Sứ đồ Gia-cơ nói một người lưỡng lự “phàm làm việc gì đều không định” (Gia 1:8). Như một người trên con thuyền không bánh lái trong cơn bão, người đó sẽ dao động theo ý kiến hay thay đổi của con người. Người đó sẽ dễ bị chìm đắm đức tin và rồi đổ lỗi cho người khác về tình trạng đáng buồn của mình! (1 Ti 1:19). Làm sao chúng ta có thể tránh hậu quả này? Chúng ta phải có ‘đức-tin bền-vững’. (Đọc Cô-lô-se 2:6, 7). Để được như thế, chúng ta cần học cách quyết định cho thấy đức tin nơi Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn (2 Ti 3:14-17). Vậy, điều gì có thể ngăn trở chúng ta quyết định đúng?

Tại sao khó quyết định?

6. Nỗi sợ hãi có thể ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?

6 Nỗi sợ hãi có thể làm chúng ta không dám quyết định, vì sợ quyết định sai, sợ thất bại hoặc sợ trở thành kẻ ngốc trước mặt người khác. Những lo sợ này là điều dễ hiểu. Không ai muốn quyết định thiếu khôn ngoan để rồi gặp vấn đề và có thể bị xấu hổ. Dù vậy, tình yêu thương với Đức Chúa Trời và lòng quý trọng Lời Ngài có thể giúp chúng ta bớt lo sợ. Qua những cách nào? Tình yêu thương với Đức Chúa Trời sẽ thôi thúc chúng ta luôn tra cứu Lời Ngài và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trước khi quyết định những điều quan trọng. Như thế chúng ta sẽ hạn chế những quyết định sai. Tại sao vậy? Vì Kinh Thánh có thể giúp “người ngu-dốt được sự khôn-khéo, gã trai-trẻ được sự tri-thức và sự dẽ-dặt”.—Châm 1:4.

7. Gương của vua Đa-vít có thể dạy chúng ta điều gì?

7 Chúng ta có luôn quyết định đúng không? Không. Tất cả chúng ta đều có lúc sai lầm (Rô 3:23). Chẳng hạn, vua Đa-vít là người khôn ngoan và trung thành nhưng đôi khi ông quyết định sai lầm, gây đau khổ cho chính mình và người khác (2 Sa 12:9-12). Dù vậy, Đa-vít đã không để những sai lầm đó làm ông thiếu quyết đoán trong những vấn đề liên quan đến mối quan hệ với Đức Chúa Trời (1 Vua 15:4, 5). Như Đa-vít, dù trước đây từng quyết định sai nhưng chúng ta vẫn có thể quyết định khi gặp vấn đề, vì nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẽ bỏ qua lỗi lầm và tha tội chúng ta. Ngài sẽ tiếp tục hỗ trợ những ai yêu mến và vâng lời Ngài.—Thi 51:1-4, 7-10.

8. Chúng ta học được gì từ lời của Phao-lô về hôn nhân?

8 Làm thế nào để có thể giảm bớt lo âu khi phải quyết định? Bằng cách nhận biết rằng đôi khi có vài con đường đúng để chọn. Hãy xem cách sứ đồ Phao-lô lý luận về hôn nhân. Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, ông viết: “Nếu có người đến tuổi trưởng thành tự cảm thấy không thể cứ sống độc thân, muốn lập gia đình, đó là điều phải, không tội lỗi gì, người ấy hãy lập gia đình theo lòng mong muốn. Trái lại, nếu có người vững tâm, không bị ràng buộc, tự chủ được ý muốn mình, trong lòng quyết định cứ sống độc thân: người ấy làm thế là phải” (1 Cô 7:36-38, Bản Diễn Ý). Phao-lô khuyên sống độc thân là con đường tốt nhất, nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất.

9. Chúng ta có nên quan tâm đến quan điểm của người khác về quyết định của mình không? Xin giải thích.

9 Chúng ta có nên quan tâm đến quan điểm của người khác về những quyết định của mình không? Có, ở một mức độ nào đó. Hãy lưu ý những gì Phao-lô nói về việc dùng thức ăn dường như đã được dâng cho các thần tượng. Ông thừa nhận một quyết định có thể không sai, nhưng có lẽ gây vấp phạm cho người có lương tâm yếu. Phao-lô quyết tâm làm gì? Ông viết: “Nếu đồ-ăn xui anh em tôi vấp-phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp-phạm cho anh em tôi” (1 Cô 8:4-13). Chúng ta cũng cần cân nhắc quyết định của mình sẽ ảnh hưởng thế nào đến lương tâm người khác. Hiển nhiên, mối quan tâm chính của chúng ta là sự lựa chọn của mình sẽ tác động thế nào đến tình bạn với Đức Giê-hô-va. (Đọc Rô-ma 14:1-4). Vậy, những nguyên tắc Kinh Thánh nào sẽ giúp chúng ta có quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời?

Sáu bước để có quyết định đúng

10, 11. (a) Làm thế nào chúng ta tránh tính tự phụ trong gia đình? (b) Các trưởng lão nên nhớ gì khi có những quyết định ảnh hưởng đến hội thánh?

10 Tránh tự phụ. Trước khi quyết định, chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có quyền quyết định điều này không?”. Vua Sa-lô-môn viết: “Khi kiêu-ngạo đến, sỉ-nhục cũng đến nữa; nhưng sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng”.—Châm 11:2.

11 Cha mẹ có thể cho con cái cơ hội để quyết định, nhưng không phải vì thế mà chúng cho rằng mình luôn có quyền quyết định (Cô 3:20). Người vợ và người mẹ có một số quyền trong gia đình nhưng cần nhận biết quyền làm đầu của chồng (Châm 1:8; 31:10-18; Ê-phê 5:23). Tương tự, người chồng cần nhận biết quyền của họ có giới hạn và họ phải vâng phục Chúa Giê-su (1 Cô 11:3). Các trưởng lão có những quyết định ảnh hưởng đến hội thánh. Tuy nhiên, họ thận trọng để không “vượt qua lời đã chép” trong Kinh Thánh (1 Cô 4:6). Họ cũng theo sát những chỉ dẫn nhận được từ lớp đầy tớ trung tín (Mat 24:45-47). Chúng ta có thể tránh gây lo lắng và đau buồn cho chính mình và người khác nếu biết giới hạn, chỉ quyết định khi có quyền làm thế.

12. (a) Tại sao chúng ta phải tìm hiểu vấn đề? (b) Xin giải thích làm thế nào một người có thể tìm hiểu vấn đề.

12 Tìm hiểu vấn đề. Vua Sa-lô-môn viết: “Kế hoạch người siêng năng hẳn tạo ra lợi nhuận, ai vội vàng hấp tấp, ắt phải chịu đói nghèo” (Châm 21:5, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Bạn có đang dự định bắt đầu một công việc làm ăn không? Đừng để tình cảm chi phối. Hãy thu thập mọi thông tin cần thiết, hỏi ý kiến của những người hiểu biết về việc này và xác định những nguyên tắc Kinh Thánh có liên quan (Châm 20:18). Hãy viết ra hai bảng liệt kê: một là những thuận lợi, hai là những trở ngại. Trước khi quyết định, hãy “tính phí-tổn” (Lu 14:28). Cân nhắc quyết định của bạn có tác động thế nào đến không chỉ vấn đề tài chính mà còn sức khỏe thiêng liêng của bạn. Cần thời gian và nỗ lực để tìm hiểu vấn đề. Khi làm thế, bạn có thể tránh quyết định hấp tấp dẫn đến những lo âu không cần thiết.

13. (a) Câu Gia-cơ 1:5 bảo đảm với chúng ta điều gì? (b) Cầu xin sự khôn ngoan có thể giúp chúng ta như thế nào?

13 Cầu xin sự khôn ngoan. Để những quyết định của chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời, chúng ta phải cầu xin Ngài giúp đỡ. Môn đồ Gia-cơ viết: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn-ngoan, hãy cầu-xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi, không trách-móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia 1:5). Không có gì xấu hổ khi thừa nhận rằng chúng ta cần sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời để giúp mình quyết định (Châm 3:5, 6). Suy cho cùng, chỉ dựa vào sự khôn ngoan riêng có thể dễ dàng dẫn đến quyết định sai. Qua việc cầu xin sự khôn ngoan và tìm kiếm các nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời, thánh linh giúp chúng ta nhận ra động cơ thật của việc muốn theo một đường lối nào đó.—Hê 4:12; đọc Gia-cơ 1:22-25.

14. Tại sao chúng ta nên tránh trì hoãn?

14 Quyết định. Khi chưa tìm hiểu vấn đề và cầu xin sự khôn ngoan, đừng hấp tấp quyết định. Người khôn ngoan dành thời gian để “xem-xét các bước mình” (Châm 14:15). Mặt khác, đừng trì hoãn. Người trì hoãn có thể nêu lên những lý do phi lý để không hành động (Châm 22:13). Nhưng thật ra người ấy đã quyết định, đó là để người khác điều khiển cuộc sống của mình.

15, 16. Thực hiện quyết định bao hàm điều gì?

15 Thực hiện quyết định. Nếu không cương quyết và cố gắng thực hiện quyết định, mọi nỗ lực của chúng ta để có quyết định đó có thể trở nên vô ích. Sa-lô-môn viết: “Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình” (Truyền 9:10). Để thành công, chúng ta phải sẵn sàng dùng những gì mình có để thực hiện quyết định. Chẳng hạn, một người công bố có thể quyết định làm tiên phong. Anh ấy sẽ thành công không? Rất có thể được nếu anh không để quá nhiều công việc ngoài đời và sự giải trí lấy mất sức lực và thời gian anh cần cho thánh chức.

16 Quyết định tốt nhất thường khó thực hiện. Tại sao vậy? Vì “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (1 Giăng 5:19). Chúng ta phải tranh đấu chống lại “vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời” (Ê-phê 6:12). Cả sứ đồ Phao-lô và môn đồ Giu-đe đều cho biết những người quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời sẽ phải tranh chiến.—1 Ti 6:12; Giu 3.

17. Về các quyết định của chúng ta, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì?

17 Xem lại quyết định và điều chỉnh nếu cần. Không phải mọi quyết định đều diễn ra đúng với dự tính của chúng ta. “Thời thế và sự bất trắc” xảy đến cho mọi người (Truyền 9:11, NW). Tuy vậy, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta kiên trì thực hiện một số quyết định dù có thể gặp thử thách. Quyết định dâng mình cho Đức Giê-hô-va hoặc lời hứa nguyện kết hôn không thể thương lượng để sửa đổi. Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta sống phù hợp với những quyết định đó. (Đọc Thi-thiên 15:1, 2, 4). Tuy nhiên, phần lớn những quyết định thì ít quan trọng hơn. Một người khôn ngoan sẽ thỉnh thoảng xem lại những quyết định của mình. Người ấy không để sự kiêu ngạo hoặc ngang bướng khiến anh không điều chỉnh hoặc thậm chí từ bỏ quyết định của mình (Châm 16:18). Mối quan tâm chính của anh là đời sống mình tiếp tục tôn vinh Đức Chúa Trời.

Giúp người khác có quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời

18. Làm thế nào cha mẹ có thể dạy con biết cách quyết định đúng?

18 Cha mẹ có thể giúp con cái rất nhiều để học biết cách có quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời. Gương mẫu là cách dạy dỗ tốt nhất (Lu 6:40). Khi thích hợp, cha mẹ có thể giải thích cho con biết những bước mà họ đã làm để quyết định một điều nào đó. Cha mẹ cũng muốn cho con tự quyết định một số vấn đề, và khen khi quyết định ấy có kết quả. Nhưng nói sao nếu con cái quyết định thiếu khôn ngoan? Có lẽ điều đầu tiên cha mẹ muốn làm là che chở con khỏi hậu quả của quyết định đó, nhưng làm thế có thể không luôn là điều tốt nhất cho chúng. Chẳng hạn, cha mẹ có thể cho phép con lấy bằng lái xe. Giả sử con vi phạm luật giao thông và bị phạt. Cha mẹ có thể trả tiền phạt cho con. Tuy nhiên, nếu phải làm việc để trả tiền phạt, hẳn con sẽ tập chịu trách nhiệm về hành vi của mình.—Rô 13:4.

19. Chúng ta nên dạy học viên Kinh Thánh điều gì, và làm điều đó bằng cách nào?

19 Chúa Giê-su bảo các môn đồ đi dạy dỗ người ta (Mat 28:20). Một trong những bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể dạy học viên Kinh Thánh là làm sao để có quyết định đúng. Để làm điều này cách hữu hiệu, chúng ta tránh khuynh hướng bảo họ điều phải làm. Tốt hơn là chúng ta giúp họ lý luận dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh, nhờ thế họ có thể tự quyết định. Suy cho cùng, “mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Rô 14:12). Vì thế, chúng ta có lý do chính đáng để có những quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời.

[Chú thích]

^ đ. 4 Để biết thêm về đề tài này, xin xem bài “Tôi nên quyết định thế nào về các chiết xuất từ máu và những phép trị liệu dùng chính máu của tôi?” nơi phụ trang của Thánh Chức Nước Trời tháng 11 năm 2006, trang 3-6.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao chúng ta cần học cách quyết định?

• Nỗi sợ hãi ảnh hưởng thế nào đến chúng ta? Và làm sao để vượt qua?

• Chúng ta có thể thực hiện sáu bước nào để có quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 16]

Những bước để quyết định đúng

1 Tránh tự phụ

2 Tìm hiểu vấn đề

3 Cầu xin sự khôn ngoan

4 Quyết định

5 Thực hiện quyết định

6 Xem lại và điều chỉnh

[Hình nơi trang 15]

Người lưỡng lự giống như người trên con thuyền không bánh lái trong cơn bão