Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phụng sự Đức Giê-hô-va với sự trang nghiêm

Phụng sự Đức Giê-hô-va với sự trang nghiêm

Phụng sự Đức Giê-hô-va với sự trang nghiêm

“Điều chi đáng tôn [“trang nghiêm”, NW]... thì anh em phải nghĩ đến”.—PHI-LÍP 4:8.

1, 2. Điều gì khiến nhiều người trong thế gian có quan điểm thiếu nghiêm túc về đời sống? Và những câu hỏi nào được nêu lên?

Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn và nhiều bi kịch nhất của lịch sử nhân loại. Những người không có mối quan hệ với Đức Giê-hô-va gần như không thể đối phó với “thời-kỳ khó-khăn” này (2 Ti 3:1-5). Không có ai hỗ trợ, họ thường không thể hoàn toàn vượt qua những khó khăn. Vì không muốn quá bận tâm đến độ mất đi niềm vui trong cuộc sống, nhiều người tìm đến các thú giải trí.

2 Để đối phó với những căng thẳng, người ta thường đặt những thú vui lên hàng đầu trong cuộc sống. Nếu không cẩn thận, tín đồ Đấng Christ cũng dễ theo lối sống đó. Làm sao chúng ta có thể tránh được điều này? Liệu chúng ta lúc nào cũng phải trang nghiêm không? Làm thế nào chúng ta giữ quan điểm thăng bằng giữa thú vui và trách nhiệm? Dù trong cuộc sống có những điều quan trọng nhưng chúng ta không muốn quá trang nghiêm. Vậy những nguyên tắc Kinh Thánh nào sẽ hướng dẫn chúng ta?

Trang nghiêm trong thế gian ưa thích sự vui chơi

3, 4. Làm thế nào Kinh Thánh giúp chúng ta xem trọng sự trang nghiêm?

3 Rõ ràng, thế gian này quá chú trọng việc “ưa-thích sự vui chơi” (2 Ti 3:4). Điều này có thể là mối đe dọa về mặt thiêng liêng của chúng ta (Châm 21:17). Vì vậy, với lý do chính đáng, sứ đồ Phao-lô đã viết thư cho Ti-mô-thê và Tít, trong đó có lời khuyên về sự trang nghiêm. Áp dụng lời khuyên ấy sẽ giúp chúng ta chống lại quan điểm thiếu nghiêm túc của thế gian về cuộc sống.—Đọc 1 Ti-mô-thê 2:1, 2 *; Tít 2:2-8.

4 Nhiều thế kỷ trước đó, Sa-lô-môn đã viết rằng thật khôn ngoan biết bao khi dành thì giờ nghĩ đến những điều trang nghiêm trong cuộc sống, hơn là luôn tìm kiếm thú vui (Truyền 3:4; 7:2-4). Thật vậy, vì đời sống ngắn ngủi, chúng ta cần “gắng sức” để được sự cứu rỗi (Lu 13:24). Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần tiếp tục nghĩ đến mọi điều “trang nghiêm” (Phi-líp 4:8, 9, NW). Điều đó nghĩa là chúng ta cẩn thận xem xét mọi khía cạnh liên quan đến đời sống của người tín đồ Đấng Christ.

5. Trong đời sống, chúng ta nên có cái nhìn nghiêm túc về khía cạnh nào?

5 Chẳng hạn, noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, tín đồ Đấng Christ có cái nhìn nghiêm túc về trách nhiệm là làm việc chăm chỉ (Giăng 5:17). Vì vậy, họ thường được khen là siêng năng và đáng tin cậy. Đặc biệt đối với những người chủ gia đình, mối quan tâm của họ là làm việc siêng năng để chu cấp cho người nhà mình. Suy cho cùng, một người không cung cấp vật chất cho gia đình “là người chối bỏ đức tin”, tương đương với việc chối bỏ Đức Giê-hô-va!—1 Ti 5:8.

Trang nghiêm nhưng vui vẻ trong sự thờ phượng

6. Tại sao chúng ta nên nghiêm túc trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va?

6 Đức Giê-hô-va luôn xem sự thờ phượng đúng cách là điều quan trọng. Chẳng hạn, dân Y-sơ-ra-ên đã trải nghiệm hậu quả cay đắng khi họ trở lòng, không còn thờ phượng Đức Giê-hô-va (Giô-suê 23:12, 13). Vào thế kỷ thứ nhất CN, các môn đồ của Chúa Giê-su phải tranh chiến gay go để bảo vệ sự thờ phượng thật khỏi ảnh hưởng của những giáo lý và lối suy nghĩ sai lầm (2 Giăng 7-11; Khải 2:14-16). Ngày nay, tín đồ Đấng Christ chân chính luôn nghiêm túc trong sự thờ phượng.—1 Ti 6:20.

7. Phao-lô đã chuẩn bị cho thánh chức như thế nào?

7 Thánh chức rao giảng mang lại niềm vui. Tuy nhiên, để giữ được niềm vui, chúng ta cần nghiêm túc nghĩ về thánh chức và chuẩn bị kỹ. Phao-lô cho biết ông đã quan tâm thế nào đến những người ông dạy dỗ. Ông viết: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu-chuộc được một vài người không cứ cách nào. Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin-lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó” (1 Cô 9:22, 23). Phao-lô có niềm vui trong việc giúp người ta về mặt thiêng liêng và ông suy nghĩ nghiêm túc về việc làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của người nghe. Nhờ vậy, ông có thể khuyến khích họ thờ phượng Đức Giê-hô-va.

8. (a) Trong thánh chức, chúng ta nên có thái độ nào đối với những người chúng ta dạy? (b) Làm thế nào việc hướng dẫn Kinh Thánh góp phần tạo niềm vui trong thánh chức?

8 Thánh chức quan trọng như thế nào đối với Phao-lô? Ông sẵn lòng “làm nô lệ” cho Đức Giê-hô-va và cho những ai lắng nghe thông điệp của lẽ thật (Rô 12:11; 1 Cô 9:19, Bản Dịch Mới). Khi giúp người khác tìm hiểu về Lời Đức Chúa Trời—dù dạy Kinh Thánh ở nhà, ở buổi họp hoặc Buổi thờ phượng của gia đình—chúng ta có ý thức trách nhiệm của mình đối với người học không? Có lẽ chúng ta cảm thấy đều đặn hướng dẫn một học hỏi Kinh Thánh là gánh nặng. Đúng là việc này thường đòi hỏi chúng ta hy sinh thời gian cho những mục tiêu cá nhân để giúp người khác. Nhưng chẳng phải điều đó phù hợp với lời của Chúa Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” sao? (Công 20:35). Tham gia vào việc dạy người khác con đường cứu rỗi sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng ta nhiều hơn bất cứ hoạt động nào khác.

9, 10. (a) Có phải trang nghiêm nghĩa là chúng ta không thể thư giãn và vui chơi với người khác? Xin giải thích. (b) Điều gì sẽ giúp một trưởng lão là nguồn khích lệ và dễ đến gần?

9 Trang nghiêm không có nghĩa là chúng ta không thể thư giãn và vui chơi với người khác. Chúa Giê-su nêu gương hoàn hảo về việc không chỉ dành thời gian để dạy dỗ mà còn để nghỉ ngơi và vun trồng mối quan hệ tốt với người khác (Lu 5:27-29; Giăng 12:1, 2). Trang nghiêm cũng không có nghĩa là chúng ta luôn có vẻ nghiêm nghị. Nếu Chúa Giê-su quá nghiêm nghị, hẳn người ta đã không đến gần ngài. Ngược lại, ngay cả trẻ em cũng thoải mái ở gần Chúa Giê-su (Mác 10:13-16). Làm thế nào chúng ta noi theo thái độ thăng bằng của ngài?

10 Về một trưởng lão, một anh nói: “Trưởng lão ấy đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân nhưng không bao giờ đòi hỏi người khác phải hoàn hảo”. Bạn có như vậy không? Mong đợi hợp lý nơi người khác thì không có gì là sai. Chẳng hạn, con cái sẽ hưởng ứng khi cha mẹ đặt những mục tiêu hợp lý và giúp chúng vươn tới những mục tiêu ấy. Tương tự, các trưởng lão có thể khuyến khích anh em trong hội thánh tiến bộ về thiêng liêng và có những đề nghị cụ thể để thực hiện. Hơn nữa, khi một trưởng lão có quan điểm thăng bằng về bản thân, anh sẽ là nguồn khích lệ và dễ đến gần (Rô 12:3). Một chị nói: “Tôi không thích một trưởng lão lúc nào cũng đùa, nhưng nếu anh ấy luôn nghiêm nghị thì khó đến gần”. Một chị khác nói rằng chị cảm thấy “e sợ khi một vài trưởng lão quá nghiêm nghị”. Không bao giờ các trưởng lão muốn làm giảm niềm vui mà anh em nên có trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời hạnh-phước”.—1 Ti 1:11.

Nhận trách nhiệm trong hội thánh

11. Việc “mong được” hay vươn tới trách nhiệm trong hội thánh có nghĩa gì?

11 Khi Phao-lô khuyến khích những người nam trong hội thánh cố gắng hội đủ điều kiện để nhận trách nhiệm lớn hơn, ông không có ý khuyến khích người ta thỏa mãn tham vọng riêng. Thay vì thế, ông viết: “Ví bằng có kẻ mong được làm giám-mục, ấy là ưa-muốn một việc tốt-lành” (1 Ti 3:1, 4). Việc “mong được”, hay vươn tới, đòi hỏi những nam tín đồ Đấng Christ phải ao ước và cố gắng có được những đức tính cần thiết để phục vụ anh em. Nếu đã làm báp-têm ít nhất một năm và nhìn chung hội đủ các tiêu chuẩn Kinh Thánh để làm tôi tớ thánh chức như được ghi nơi 1 Ti-mô-thê 3:8-13, một anh có thể được đề cử vào nhiệm vụ này. Hãy lưu ý câu 8 nói cụ thể: “Các chấp-sự cũng phải cho nghiêm-trang”.

12, 13. Xin nêu lên những cách mà các anh trẻ có thể vươn tới trách nhiệm.

12 Bạn có phải là một thanh thiếu niên đã báp-têm và nghiêm túc phụng sự Đức Giê-hô-va không? Có vài cách để bạn vươn tới đặc ân. Một cách là cải tiến thánh chức. Bạn có phải là người vui thích rao giảng cùng với anh em thuộc nhiều lứa tuổi không? Bạn có cố gắng tìm một học hỏi Kinh Thánh không? Khi điều khiển một học hỏi Kinh Thánh theo những đề nghị tại các buổi họp, bạn sẽ cải tiến khả năng dạy dỗ của mình. Hơn nữa, bạn sẽ tập bày tỏ sự cảm thông đối với người đang học đường lối của Đức Giê-hô-va. Khi học viên bắt đầu thấy cần phải thay đổi, bạn sẽ học cách kiên nhẫn và khéo léo giúp người đó áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh.

13 Các anh trẻ có thể sẵn sàng giúp đỡ anh chị cao tuổi trong khả năng của mình. Các anh cũng có thể chú ý đến vẻ bề ngoài của Phòng Nước Trời qua việc góp phần giữ gìn Phòng Nước Trời sạch sẽ và gọn gàng. Khi đề nghị giúp đỡ bất cứ điều gì trong khả năng, tinh thần sẵn sàng là bằng chứng cho thấy các anh nghiêm túc trong việc phụng sự. Như Ti-mô-thê, các anh có thể học cách thật lòng quan tâm đến nhu cầu của hội thánh.—Đọc Phi-líp 2:19-22.

14. Các anh trẻ có thể “chịu thử-thách” như thế nào để phục vụ hội thánh?

14 Các trưởng lão hãy chú ý dùng các anh trẻ, những người đang nỗ lực “tránh khỏi tình-dục trai-trẻ” và tìm những điều “công-bình, đức-tin, yêu-thương, hòa-thuận” cùng những đức tính khác (2 Ti 2:22). Khi giao cho các anh trẻ những nhiệm vụ trong hội thánh, họ có thể “chịu thử-thách” để gánh vác trách nhiệm, hầu “thiên-hạ thấy sự tấn-tới” của họ.—1 Ti 3:10; 4:15.

Trang nghiêm trong hội thánh và gia đình

15. Theo 1 Ti-mô-thê 5:1, 2, chúng ta cho thấy mình nghiêm túc với người khác như thế nào?

15 Sự trang nghiêm bao gồm việc tôn trọng phẩm giá của anh chị. Khi khuyên Ti-mô-thê, Phao-lô đã nói đến việc cần tôn trọng người khác. (Đọc 1 Ti-mô-thê 5:1, 2). Điều này đặc biệt quan trọng trong cách đối xử với người khác phái. Chúng ta nên noi gương của Gióp về việc tôn trọng người nữ, đặc biệt là người hôn phối. Ông quyết tâm không ngắm nhìn người nữ với lòng ham muốn (Gióp 31:1). Tôn trọng anh chị nghĩa là không tán tỉnh hoặc làm bất cứ điều gì khiến một anh hay một chị cảm thấy không thoải mái khi có sự hiện diện của chúng ta. Tôn trọng phẩm giá người khác đặc biệt quan trọng khi hai người đang tìm hiểu để đi đến hôn nhân. Một tín đồ Đấng Christ nghiêm túc sẽ không bao giờ đùa giỡn với tình cảm của người khác phái.—Châm 12:22.

16. Về vai trò của người chồng và người cha, hãy nêu sự tương phản giữa Kinh Thánh với quan điểm của một số người trong thế gian.

16 Chúng ta cũng cần cẩn thận để giữ quan điểm nghiêm túc về vai trò trong gia đình mà Đức Chúa Trời giao. Thế gian Sa-tan thường chế giễu vai trò của người chồng và người cha. Ngành công nghiệp giải trí thích thú làm giảm nhẹ vai trò người chủ gia đình, xem họ là đối tượng để đùa giỡn và khinh thường. Tuy nhiên, Kinh Thánh đặt trọng trách trên người chồng, chỉ định ông “là đầu vợ”.—Ê-phê 5:23; 1 Cô 11:3.

17. Xin giải thích làm thế nào việc tham dự buổi thờ phượng cùng với gia đình có thể cho thấy chúng ta nghiêm túc đối với những trách nhiệm của mình.

17 Người chồng có thể cung cấp vật chất cho gia đình, nhưng nếu không cung cấp sự hướng dẫn về thiêng liêng thì ông cho thấy mình thiếu suy xét và thiếu khôn ngoan (Phục 6:6, 7). Vì thế, 1 Ti-mô-thê 3:4 cho biết nếu là người làm đầu gia đình và đang vươn đến những trách nhiệm khác trong hội thánh, bạn phải là người “khéo cai-trị nhà riêng mình, giữ con-cái mình cho vâng-phục và ngay-thật trọn-vẹn [“rất nghiêm chỉnh”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ]”. Về phương diện này, hãy tự hỏi: “Tôi có đều đặn dành thời gian cho buổi thờ phượng cùng với gia đình không?”. Một số người vợ tín đồ Đấng Christ gần như phải năn nỉ chồng dẫn đầu về thiêng liêng. Mỗi người chồng nên nghiêm túc xem xét lại quan điểm của mình về trách nhiệm này. Dĩ nhiên, người vợ tín đồ Đấng Christ nên hỗ trợ sự sắp đặt Buổi thờ phượng của gia đình và hợp tác với chồng để buổi học được thành công.

18. Con trẻ có thể học cách có quan điểm nghiêm túc về đời sống như thế nào?

18 Con trẻ cũng được khuyến khích tập trung vào những điều sẽ giúp chúng thờ phượng Đức Giê-hô-va tốt hơn trong tương lai (Truyền 12:1). Tập cho con trẻ tính siêng năng, làm việc nhà phù hợp với độ tuổi và khả năng là điều hữu ích cho chúng (Ca 3:27). Khi vua Đa-vít còn nhỏ, ông đã học để làm người chăn chiên giỏi. Ông cũng học để trở thành nhạc sĩ và người soạn nhạc—nhờ những kỹ năng này, ông đã có thể phục vụ vua Y-sơ-ra-ên (1 Sa 16:11, 12, 18-21). Hẳn khi còn là thiếu niên, Đa-vít cũng biết vui chơi, nhưng đồng thời ông cũng học những kỹ năng hữu ích để sau này ngợi khen Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, những kỹ năng trong việc chăn chiên đã giúp ông kiên trì dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên. Hỡi các bạn trẻ, bạn đang học bao nhiêu kỹ năng hữu ích—những kỹ năng sẽ giúp bạn phụng sự Đấng Tạo Hóa và sẵn sàng cho các trách nhiệm trong tương lai?

Giữ quan điểm thăng bằng

19, 20. Bạn quyết tâm giữ thái độ thăng bằng nào về bản thân và sự thờ phượng?

19 Tất cả chúng ta có thể cố gắng để giữ quan điểm thăng bằng về chính mình—không quá nghiêm khắc với bản thân. Chúng ta không muốn trở nên “công-bình quá” (Truyền 7:16). Một chút khôi hài có thể giải tỏa những giây phút căng thẳng, dù ở nhà, sở làm hoặc khi cư xử với anh em cùng đức tin. Các thành viên trong gia đình nên cẩn thận, tránh chê trách thái quá người nhà hầu không làm hủy hoại dần nơi trú náu bình an mà lẽ ra gia đình nên có. Trong hội thánh, mọi người có thể cười nói và vui vẻ với nhau, giữ cho các cuộc nói chuyện và dạy dỗ mang tính xây dựng, tích cực.—2 Cô 13:10; Ê-phê 4:29.

20 Chúng ta đang sống trong một thế gian không tôn trọng Đức Giê-hô-va và luật pháp của Ngài. Ngược lại, dân của Đức Giê-hô-va rất quan tâm đến việc vâng lời và trung thành với Ngài. Thật vui mừng khi là thành viên của đại đoàn thể những người thờ phượng Đức Giê-hô-va “rất nghiêm trang”! Mong sao chúng ta quyết tâm giữ quan điểm nghiêm túc về đời sống và sự thờ phượng của chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 3 Nơi 1 Ti-mô-thê 2:2, từ nguyên ngữ được dịch là “thành-thật” có nghĩa “trang nghiêm”.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao chúng ta nên chống lại quan điểm thiếu nghiêm túc của thế gian về cuộc sống?

• Làm thế nào chúng ta có thể vui vẻ, nhưng nghiêm túc, trong việc phụng sự?

• Làm thế nào quan điểm về việc nhận trách nhiệm cho thấy chúng ta có nghiêm túc hay không?

• Xin giải thích tại sao tôn trọng phẩm giá của anh em và các thành viên trong gia đình là điều quan trọng.

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 12]

Người chồng cung cấp về vật chất và thiêng liêng cho gia đình